DBiz

Những số 1 trong ngành ngân hàng: Ai lãi nhất, ai nhiều nợ xấu nhất?

Việt Đức
Những số 1 trong ngành ngân hàng: Ai lãi nhất, ai nhiều nợ xấu nhất?

Mùa công bố kết quả kinh doanh quý II khép lại cũng là lúc bảng xếp hạng lợi nhuận các ngân hàng chính thức thay đổi. Trong quý vừa qua, Vietcombank giành lại ngôi vương như truyền thống nhiều năm nay sau khi bị VPBank qua mặt trong quý I.

Xếp ở vị trí thứ hai là Techcombank với khoảng cách sít sao. Ba vị trí còn lại trong top 5 lần lượt là BIDV, MB và VietinBank. Theo thống kê của Dân trí, có 17 nhà băng đạt mức lãi trước thuế trên 1.000 tỷ đồng trong quý vừa qua. 

Trong khi đó, nếu đi sâu vào chỉ số tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) và trên vốn chủ sở hữu (ROE), thì ngân hàng đứng đầu về chỉ số ROE trong quý II là VIB với tỷ suất sinh lời 28,85% trên vốn chủ sở hữu, theo sau là MBBank (25,42%), ACB (25,07%).  

Techcombank có chỉ số ROA cao nhất, đạt 3,45%, xếp ngay sau đó là VPBank (3,05%). Ngược lại, Sacombank có ROA thấp nhất chỉ 0,67% do ngân hàng này vẫn còn trong giai đoạn tái cấu trúc, xử lý tài sản tồn đọng sau khi nhận sáp nhận Southern Bank. 

ROA là chỉ số quan trọng, giúp theo dõi được tình hình sinh lợi của ngân hàng và tính toán được lợi nhuận ròng mà ngân hàng đạt được từ một đồng đầu tư vào tài sản, dịch vụ kinh doanh của mình. Còn ROE cho biết một đơn vị tiền tệ vốn chủ sở hữu bỏ ra tạo được bao nhiêu đơn vị lợi nhuận ròng, hay nói cách khác đây là chỉ số đánh giá hiệu quả của vốn chủ sở hữu. Thông thường, trong hoạt động ngân hàng, ROA lớn hơn hoặc bằng 1% và ROE lớn hơn hoặc bằng 12-15% là tốt. 

Với chỉ số biên lãi ròng - NIM (tỷ lệ của thu nhập lãi thuần trên tài sản sinh lãi), VPBank là ngân hàng đứng đầu với 7,18%, cao hơn nhiều so với mặt bằng chung toàn ngành. Nhiều năm nay, VPBank luôn là ngân hàng có NIM cao nhất do hợp nhất kết quả kinh doanh của FE Credit, công ty tài chính tiêu dùng có quy mô lớn nhất Việt Nam. Lĩnh vực cho vay tiêu dùng vốn có biên lợi nhuận lớn giúp VPBank sở hữu chỉ số NIM vượt trội toàn ngành. Một số nhà băng khác có NIM cao, vượt mức 4% gồm Techcombank, MB, HDBank, VIB, TPBank, ACB, MSB.

Với tiêu chí chi phí trên tổng thu nhập hoạt động (CIR), SHB là ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất trong quý vừa qua với CIR dưới 20%. Nghĩa là với mỗi 100 đồng thu nhập, SHB chỉ tiêu tốn chưa đến 20 đồng chi phí. Các ngân hàng khác có CIR thấp dưới 30% gồm VPBank, Vietinbank, ABBank, BIDV, Techcombank. Ngược lại, Sacombank và OCB có CIR cao nhất lên đến hơn 40%.

Trong khi đó, Sacombank lại đứng đầu về tỷ lệ thu nhập ngoài lãi so với thu nhập từ lãi. Chỉ tiêu này những năm gần đây ngày càng được các ngân hàng chú trọng với mục tiêu đa dạng hóa nguồn thu, tránh phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động tín dụng.

Nguồn thu ngoài lãi trong quý vừa qua của Sacombank thậm chí còn vượt cả thu nhập lãi thuần. Ngoài nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, chứng khoán, Sacombank quý vừa qua còn phát sinh khoản thu nhập đột biến từ hoạt động xử lý các khoản nợ xấu tồn đọng từ giai đoạn tái cấu trúc.

Với chỉ tiêu tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA), Techcombank vẫn duy trì vị thế dẫn đầu thị trường. Tuy nhiên, khoảng cách giữa "ông vua" CASA nhiều năm nay với ngân hàng xếp thứ hai là MB đang bị thu hẹp chỉ còn 1%. Một số ngân hàng khác có tỷ lệ CASA cao trên 30% là MSB, Vietcombank. Trong khi đó, ba ngân hàng có tỷ lệ CASA thấp chưa đến 10% gồm SeABank, SHB, LienVietPostBank.

Về tỷ lệ nợ xấu, ngân hàng đứng đầu về NIM là VPBank cũng là cái tên có tỷ lệ nợ xấu cao nhất. Tỷ lệ nợ xấu 5,25% là con số trên báo cáo tài chính hợp nhất của VPBank bao gồm cả dư nợ của FE Credit. Nếu tính riêng số liệu của ngân hàng mẹ, tỷ lệ nợ xấu của VPBank sau quý II ở mức 2,83%. Hai ngân hàng còn lại có tỷ lệ nợ xấu cao vượt mốc 2% là SHB và ABBank.

Nợ xấu nội bảng cao nhưng cả VPBank, SHB, ABBank đều có tỷ lệ bao phủ nợ xấu dưới 100%. Ở chiều ngược lại, Vietcombank là ngân hàng mạnh tay trích lập dự phòng nhất với tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên tới hơn 500%, tương ứng với 1 đồng nợ xấu sẽ có 5 đồng đang được trích lập dự phòng.

Nội dung: Việt Đức