(Dân trí) - "Thời gian đầu tư càng dài, khả năng chiến thắng thị trường sẽ càng lớn. Mọi người nên quan tâm đến thời gian đầu tư trên thị trường, chứ không phải thời điểm", chuyên gia của VinaCapital nhấn mạnh.
Muốn chiến thắng trên thị trường chứng khoán, chọn thời điểm hay thời gian?
Sau 2 năm thắng lớn, với giới đầu tư, 2022 là một năm trải nghiệm khắc nghiệt khi thị trường chứng khoán liên tục giảm mạnh. Tuy vậy, trong cuộc trò chuyện với Dân trí, ông Ismael Pili - Phó tổng giám đốc điều hành Bộ phận Phân tích và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital - vẫn bày bỏ niềm tin vào triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn.
Mức định giá thấp hiếm thấy
Nhìn lại năm 2022, ông có mường tượng được những diễn biến của thị trường chứng khoán khi đưa ra dự báo một năm trước?
- Năm 2022, thị trường chứng khoán Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực bởi nhiều sự việc diễn ra ngoài dự kiến. Đó là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, các quyết định tăng lãi suất rất mạnh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 ở Trung Quốc khiến các chuỗi cung ứng bị gián đoạn.
Trong nước, việc điều tra sai phạm liên quan các doanh nghiệp như FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát cùng một vài công ty khác là biện pháp lành mạnh hóa thị trường về lâu dài nhưng rõ ràng đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn. Thị trường bất động sản cũng chịu ảnh hưởng, thanh khoản sụt giảm đáng kể.
Theo ông, những yếu tố nào có thể giúp đảo ngược diễn biến tiêu cực của thị trường chứng khoán hiện nay?
- Chúng tôi thường nói rằng niềm tin và thanh khoản sẽ giúp thị trường đi lên. Nhưng ở thời điểm hiện tại, thị trường đang thiếu cả 2 yếu tố quan trọng này.
Việc củng cố lại niềm tin cho thị trường chứng khoán đòi hỏi nhiều yếu tố. Đầu tiên, cơ quan quản lý cần tạo sự an tâm trên thị trường, xóa bỏ các tin đồn vô căn cứ khiến nhà đầu tư trong nước bất ổn và lo lắng dẫn đến hành động bán tháo cổ phiếu. Ngoài ra, cần có thêm thông tin rõ ràng về các giải pháp cho vấn đề nợ của các công ty bất động sản và khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Song song đó, nếu Fed và các ngân hàng trung ương trên toàn cầu có quan điểm nhẹ nhàng hơn để tránh nguy cơ suy thoái kinh tế, thị trường Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi.
Ông đánh giá thế nào về mức định giá của thị trường chứng khoán Việt Nam sau những đợt giảm sâu trong năm 2022?
- Thị trường chứng khoán Việt Nam đang rất rẻ xét trên hầu hết các tiêu chí. Chỉ số P/E ở mức dưới 9 lần cho cả năm 2022 và còn khoảng 8 lần trong cả năm 2023. Đây là mức thấp nhất trong hơn 10 năm qua.
Do thị trường Việt Nam giảm điểm, mức chiết khấu của VN-Index so với các nước trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia, Philippines đã trở nên cao hơn trong vài tháng trở lại đây, khiến cơ hội đầu tư dài hạn tại thị trường Việt Nam đang rất hấp dẫn. Đây là thời điểm lý tưởng để đầu tư vào các doanh nghiệp có nền tảng cơ bản vững mạnh với mức định giá thấp hiếm thấy. Nhà đầu tư cũng có cơ hội cơ cấu lại danh mục, chuyển sang những cổ phiếu chất lượng tốt hơn với định giá hấp dẫn.
Lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết sẽ tiếp tục tăng trưởng
Bước sang năm 2023, có yếu tố nào để nhà đầu tư hy vọng thị trường chứng khoán sẽ diễn biến tốt hơn? Theo ông, nhóm ngành nào có thể mang lại nhiều cơ hội?
- Chúng tôi vẫn lạc quan về thị trường chứng khoán Việt Nam trong dài hạn. Sự hấp dẫn của thị trường trong trung và dài hạn dựa trên sự tăng trưởng một cách bền vững và có tính hệ thống của nền kinh tế và các doanh nghiệp, mục tiêu tăng trưởng dài hạn của Việt Nam, các cải cách chính sách tiếp tục được thực thi.
Riêng với năm 2023, chúng tôi kỳ vọng thị trường sẽ diễn biến tích cực hơn. Như tôi đã nói ở trên, định giá của thị trường chứng khoán, theo P/E, đang ở mức thấp kỷ lục trong hơn 10 năm. Trong khi đó, tăng trưởng EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phần) của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường Việt Nam được dự báo sẽ đạt mức cao nhất châu Á trong năm 2023. Cùng với đó, kinh tế Việt Nam cũng dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ.
Cuối cùng, những nỗ lực của cơ quan quản lý trong việc làm lành mạnh, minh bạch thị trường dù có những ảnh hưởng trong ngắn hạn nhưng chắc chắn sẽ tạo ra tác động tích cực về lâu dài.
Còn với câu chuyện riêng của các lĩnh vực cụ thể, chúng tôi quan tâm đến những nhóm ngành như bất động sản, khu công nghiệp, logistics, tiêu dùng, ngân hàng. Đây là những nhóm ngành có nhiều động lực tăng trưởng nhờ vào dư địa phát triển cao (do tỷ lệ thâm nhập thị trường còn thấp), hưởng lợi từ cơ cấu dân số, nhiều doanh nghiệp trong ngành có lợi thế cạnh tranh.
Những yếu tố bất định trên toàn cầu có thể vẫn còn kéo dài. Ông nghĩ thế nào về sức chống chịu của nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp Việt Nam?
- Ngày nay, hiếm có quốc gia nào hoạt động giao thương đơn lập. Việt Nam lại là một nền kinh tế rất mở, kết nối với thế giới thông qua các hoạt động thương mại toàn cầu và đầu tư trực tiếp nước ngoài mạnh mẽ. Nhiều người thường nhắc đến hai yếu tố này khi bàn luận về kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng động lực chính của tăng trưởng kinh tế vẫn là tiêu dùng trong nước, vốn chiếm khoảng 2/3 GDP Việt Nam hiện tại.
Nhu cầu tiêu dùng trong nước mạnh mẽ đã giúp Việt Nam chống chọi tốt với những biến động toàn cầu như căng thẳng địa chính trị, chính sách siết chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương trên thế giới hay nguy cơ suy thoái tại một số quốc gia. Do đó, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây đã phần nào có sự khác biệt với xu thế của thế giới, trong bối cảnh nhiều nền kinh tế khác đang đi xuống.
Việt Nam vẫn ghi nhận tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và ổn định hơn so với các nước có tính chất tương đồng trong khu vực và trên thế giới. Việc hầu hết các doanh nghiệp trong nước tập trung vào thị trường nội địa giúp thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những thị trường có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận, và các chỉ số về hiệu quả kinh doanh tốt nhất khu vực.
Đầu tư càng lâu, khả năng chiến thắng thị trường càng lớn
Trong một năm thị trường chứng khoán lao dốc, các quỹ đầu tư như VinaCapital có gặp áp lực với những người đã ủy thác tài sản cho quỹ?
- Việc các nhà đầu tư tỏ ra bi quan khi thị trường sụt giảm là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng nhà đầu tư hiểu được trách nhiệm của quỹ là phải luôn đưa ra các quyết định vì lợi ích cao nhất của khách hàng. Những người ủy thác tài sản cho VinaCapital quản lý tin tưởng vào uy tín và triết lý đầu tư của chúng tôi dựa trên các phân tích chuyên sâu và tầm nhìn dài hạn. Đây là hai yếu tố nền tảng để chúng tôi giúp nhà đầu tư đạt được các mục tiêu tài chính.
Các nhà quản lý quỹ luôn đưa ra lời khuyên nhà đầu tư cá nhân cần kiên trì với tầm nhìn dài hạn. Tuy nhiên, năm 2022 thật sự là một cú sốc lớn với lớp nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Theo ông, đâu là yếu tố giúp nhà đầu tư cá nhân "sống sót" qua những cơn bão lớn để có thể tồn tại lâu dài trên thị trường chứng khoán?
- Lý do khiến các nhà quản lý quỹ như chúng tôi muốn những người tham gia thị trường chứng khoán đầu tư dài hạn chính là giá trị xứng đáng mà họ có thể nhận lại được. Khoảng thời gian đầu tư càng dài, khả năng chiến thắng thị trường sẽ càng lớn. Mọi người nên quan tâm đến thời gian đầu tư trên thị trường, chứ không phải thời điểm nào tham gia vào thị trường chứng khoán.
Tại nhiều thị trường đang phát triển, nhà đầu tư cá nhân thường chiếm đa số và họ có xu hướng tập trung vào các thông tin, sự việc ngắn hạn và hoang mang với những tin đồn thiếu kiểm chứng. Nhưng tất cả các thị trường này rồi sẽ phát triển. Khi đó, các nhà đầu tư tổ chức lớn sẽ xuất hiện, một phần nhờ vào quá trình truyền thông và một phần nhiều người sẽ ủy thác tài sản cho các nhà quản lý quỹ chuyên nghiệp.
Đối với các nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán và đang phải trải qua giai đoạn khó khăn, tôi cho rằng sẽ có ích cho họ nếu hiểu về các chu kỳ trong quá khứ, diễn biến thị trường hiện tại, kỳ vọng trong tương lai. Quan trọng hơn cả, họ phải có tầm nhìn dài hạn trong đầu tư để kiểm soát được mong muốn và tâm lý bình tĩnh trước những biến động của thị trường.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Việt Đức