DNews

Mặt tối sau những số liệu tích cực của "thủ phủ may mặc" Bangladesh

Phương Liên

(Dân trí) - Những sản phẩm thời trang hàng đầu của Zara, H&M, Levi's đều được sản xuất tại Bangladesh, nước xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, mặt tối đằng sau những số liệu tích cực đang dần lộ ra.

Mặt tối sau những số liệu tích cực của "thủ phủ may mặc" Bangladesh

"Thủ phủ may mặc" Bangladesh lao đao

Bangladesh là "cường quốc dệt may" với lượng sản phẩm khổng lồ xuất đi toàn cầu. Bangladesh đã tận dụng lĩnh vực này để chuyển mình từ một trong những nước nghèo nhất thế giới thành một trong những nước phát triển nhất trong khu vực.

Tuy nhiên, nhiều mặt tối đằng sau những số liệu tích cực đã bắt đầu bộc lộ. Theo DW, Các cuộc biểu tình của công nhân may liên tục nổ ra xung quanh thủ đô Dhaka của Bangladesh. Trong nhiều tuần qua, những người biểu tình đã yêu cầu mức lương cao hơn, cho rằng mức lương hiện tại không đủ để họ trang trải cuộc sống.

Khoảng 10.000 công nhân đã rời khỏi nhà máy và tổ chức các cuộc biểu tình sau khi có tin chính quyền không đáp ứng đầy đủ yêu cầu tăng lương của họ. Các cuộc biểu tình quy mô lớn khác cũng xuất hiện ở các vùng lân cận Dhaka.

Mặt tối sau những số liệu tích cực của thủ phủ may mặc Bangladesh - 1

Bangladesh đã tận dụng lĩnh vực may mặc để chuyển mình từ một trong những nước nghèo nhất thế giới thành một trong những nước phát triển nhất trong khu vực (Ảnh: Saastech Fashion).

Bất chấp việc ủy ban do chính phủ Bangladesh chỉ định đã tăng mức lương tối thiểu hàng tháng cho công nhân may mặc thêm 56,25% lên 12.500 taka (khoảng 2,7 triệu đồng) từ mức 8.300 taka (khoảng 1,8 triệu đồng).

Nhiều người phản đối và cho rằng mức tăng này là quá ít. Họ yêu cầu mức lương tối thiểu tăng khoảng 3 lần, lên 23.000 taka (khoảng 5 triệu đồng).

Sabina Begum, một thợ may 22 tuổi, chia sẻ với AFP rằng cô tham gia biểu tình vì cô cần đấu tranh để đảm bảo đủ lương thực cho gia đình mình, đồng thời cho biết mức lương tối thiểu hàng tháng hiện tại không đủ đáp ứng các nhu cầu cơ bản.

"Làm sao chúng tôi có thể sống một tháng với 8.300 taka khi riêng tiền thuê căn nhà một phòng ngủ đã tốn tới 5.000-6.000 taka?" Begum bức xúc.

Doanh nghiệp chật vật để tồn tại

Bangladesh là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu sản phẩm dệt may. Kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng này chiếm tới 85% tổng kim ngạch xuất khẩu 55 tỷ USD của nước này mỗi năm.

Hiện có khoảng 3.500 nhà máy dệt may tại Bangladesh, sản xuất quần áo cho nhiều thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới như Zara, Levi's và H&M.

Tuy nhiên, điều kiện sống của 4 triệu công nhân trong ngành vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Tới nay, nhiều người chỉ sống với mức lương tối thiểu ở mức 12.500 taka mỗi tháng.

Chia sẻ với DW, Kalpona Akter, chủ tịch Liên đoàn Công nhân công nghiệp và may mặc Bangladesh, cho rằng cuộc sống của công nhân may mặc đã trở nên vất vả hơn trong bối cảnh lạm phát tăng cao đối với các mặt hàng thiết yếu sau đại dịch.

"Các công nhân phải tiết kiệm trong từng bữa ăn hàng ngày của mình để đối phó với việc giá cả tăng cao. Họ đã giảm bớt lượng thức ăn mỗi bữa để tồn tại", bà Kalpona Akter chia sẻ với DW. "Nếu người lao động không thể trang trải cuộc sống với mức lương hiện tại, họ chắc chắn sẽ yêu cầu mức lương cao hơn đủ để họ có thể tồn tại".

Mặt tối sau những số liệu tích cực của thủ phủ may mặc Bangladesh - 2

Kim ngạch xuất khẩu những mặt hàng dệt may chiếm tới 85% tổng kim ngạch xuất khẩu 55 tỷ USD của Bangladesh mỗi năm (Ảnh: Beanar News).

Mức lương thấp đã giúp Bangladesh trở thành nước xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới sau Trung Quốc. Tuy nhiên, giá nhiên liệu và điện tăng vọt đã khiến chi phí sinh hoạt của người dân tại quốc gia Nam Á đang phát triển này tăng vọt.

Theo Daily Star, lạm phát ở Bangladesh tăng vọt trong tháng 10, lên tới 9,93%, bất chấp việc Chính phủ liên tục đảm bảo các biện pháp nhằm kiềm chế lạm phát.

Một báo cáo nghiên cứu do Trung tâm đối thoại chính sách công bố cho thấy công nhân may mặc Bangladesh nhận mức lương hàng tháng thấp nhất so với các nước sản xuất hàng may mặc khác như Campuchia, Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia...

Các nghiên cứu toàn diện về chi phí sinh hoạt của Viện Nghiên cứu Lao động Bangladesh cũng đã chỉ ra rằng người lao động cần ít nhất 23.000 taka để có mức sống trên ngưỡng nghèo.

Giống như hầu hết các nhà sản xuất hàng tiêu dùng, các nhà bán lẻ thời trang đang vật lộn với lượng hàng tồn kho cao. Nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại cũng khiến người mua hàng ở các thị trường trọng điểm ít hơn.

Bối cảnh trên đã khiến xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh giảm 14% trong tháng trước. Ông Fazlul Hoque, cựu chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng dệt may Bangladesh, nhận định đây là "thời điểm không phù hợp" để tăng lương.

"Thảm họa" đối với ngành dệt may

"Ngành công nghiệp này đang gặp khó khăn, dòng đơn hàng chậm, nguồn cung cấp năng lượng không đủ và tình hình kinh tế chung không tốt. Trong thời điểm đó, việc tăng lương lớn chắc chắn sẽ khó khăn. Nhưng từ góc độ người lao động, tôi đồng ý rằng đây là nhu cầu chính đáng", ông Hoque chia sẻ với Reuters.

Theo ông Hoque, mức tăng lương gần 60% sẽ đẩy tổng chi phí sản xuất tăng thêm 5-6%. Hiện chi phí lao động chiếm từ 10% đến 13% tổng chi phí của các nhà sản xuất của Bangladesh. Tuy nhiên, vị cựu chủ tịch trên không lạc quan về lời kêu gọi từ các chủ nhà máy.

Đại diện liên đoàn công nhân may mặc Kalpona Akter cho biết nhiều thứ đã thay đổi về mặt kinh tế kể từ lần đánh giá tăng lương cuối cùng vào năm 2018. 

"Giá của những hàng hóa thiết yếu đã tăng gấp đôi hoặc gấp ba kể từ đó. Lương của công nhân đã tăng dần khoảng 1.500 taka trong thời gian này. Điều đó vẫn chưa đủ", đại diện liên đoàn công nhân may mặc nhấn mạnh. 

"Bất cứ điều gì thấp hơn mức đó sẽ khiến người lao động bị mắc kẹt trong vòng xoáy nghèo đói thêm 5 năm nữa. Điều này có thể kéo theo tình trạng nợ nần, suy dinh dưỡng và lượng lao động trẻ em sẽ nhiều hơn trong các gia đình công nhân may mặc", Bogu Gojdz, nhà hoạt động cộng đồng, chia sẻ với DW.

Mặt tối sau những số liệu tích cực của thủ phủ may mặc Bangladesh - 3

Các thương hiệu quốc tế có vai trò trong việc tăng mức lương tối thiểu cho công nhân may mặc đang sản xuất quần áo cho họ (Ảnh: Financial Times).

Cùng quan điểm, ông Rahman cho rằng việc tăng lương có thể là một "thảm họa" đối với ngành dệt may của Bangladesh. Ông cho rằng mức lương tối thiểu của công nhân sẽ được tăng lên dựa trên mức lương phù hợp với tình hình đất nước.

Ông Siddiqur Rahman cũng cho rằng các thương hiệu quốc tế có vai trò trong việc tăng mức lương tối thiểu cho công nhân may mặc đang sản xuất quần áo cho họ.

"Các hãng quần áo chỉ cần tăng giá 10-15 xu một sản phẩm là đủ với chúng tôi. Các thương hiệu ép các chủ nhà máy tăng lương cho công nhân, nhưng các chủ nhà máy sẽ lấy tiền ở đâu ra chứ?", ông Rahman bức xúc.

Nhà hoạt động cộng đồng Bogu Gojdz cho biết các thương hiệu quốc tế, đặc biệt là các thương hiệu cam kết về mức lương đủ sống cho người dân.

Các thương hiệu lớn như H&M, Uniqlo, ASOS... nên đáp ứng yêu cầu về mức lương 23.000 taka của người lao động, cam kết về chi phí lao động cao hơn và nguồn cung dài hạn từ Bangladesh.

"Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Lao động Bangladesh, 100% công nhân được phỏng vấn cho biết mức lương hiện tại của họ không đủ để nuôi bản thân và mua thực phẩm dinh dưỡng cho gia đình họ", bà Gojdz chia sẻ thêm.