Ngành may mặc châu Á gặp khó vì nhu cầu yếu

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Lạm phát cao đang ảnh hưởng đến khả năng tiêu dùng của người dân, đồng thời khiến khó khăn bủa vây ngành may mặc. Tình hình này dự báo sẽ còn khó khăn hơn trong thời gian tới.

Xuất khẩu sang Mỹ, châu Âu giảm

Theo dữ liệu hải quan Mỹ, xuất khẩu hàng may mặc và giày dép từ các nhà sản xuất ở Campuchia, Bangladesh, Myanmar và Việt Nam đã giảm khoảng 20-30% về giá trị trong 4 tháng đầu năm.

Xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) cũng bắt đầu chậm lại. Số liệu cùng kỳ cho thấy xuất khẩu hàng may mặc của Bangladesh sang EU giảm 3% và của Campuchia cũng giảm nhẹ.

Trong khi đó, xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam sang EU đã tăng gần 20%, trong khi Myanmar duy trì mức tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, số liệu tháng 4 cho thấy lượng hàng xuất khẩu đã giảm đáng kể so với tháng trước.

Vốn phụ thuộc nhiều vào hàng may mặc, giày dép và du lịch, Campuchia đã chứng kiến xuất khẩu giảm 30% trong 4 tháng đầu năm nay.

Ken Loo, Tổng thư ký của Hiệp hội Dệt may, Giày dép & Du lịch tại Campuchia, cho biết lạm phát cao và tình hình kinh tế suy yếu do xung đột Nga - Ukraine là 2 yếu tố chính dẫn đến sự suy giảm này. Hiện tượng này đã bắt đầu từ năm ngoái và có thể kéo dài suốt năm 2023.

Tuy nhiên, ông cho biết vẫn chưa xảy ra tình trạng mất việc trong ngành công nghiệp với hơn 700.000 lao động này. Ông cũng cho rằng Quốc hội Mỹ đã không gia hạn điều khoản ưu đãi, cho phép một số hàng hóa từ các nước đang phát triển được miễn thuế khi nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Điều này dẫn đến việc xuất khẩu hàng hóa du lịch giảm 27% trong quý đầu tiên so với cùng kỳ năm ngoái.

Với Myanmar, xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu dần ổn định sau khi ngành này bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và bất ổn chính trị. Một số công ty quần áo và may mặc quốc tế cũng đã cắt đứt quan hệ thương mại với quốc gia này trước lo ngại về điều kiện lao động dưới chính quyền mới.

Tại Bangladesh, bức tranh của ngành may mặc cũng ảm đạm. Ông Mostafiz Uddin, giám đốc điều hành một nhà máy may mặc, cho biết số đơn đặt hàng giảm mạnh và nhiều nhà máy không thể hoạt động hết công suất, dẫn đến việc công nhân phải giảm số giờ làm việc và ít có cơ hội tăng ca.

Ngành may mặc châu Á gặp khó vì nhu cầu yếu - 1

Nhà máy sản xuất may mặc ở Bangladesh (Ảnh: Nikkei).

Thách thức đối với các doanh nghiệp thời trang

Sheng Lu, phó giáo sư khoa thời trang Đại học Delaware, cho biết các công ty thời trang đang phải đối mặt với thách thức trong việc tìm nguồn cung ứng do lạm phát tăng cao ảnh hưởng tới chi tiêu của hộ gia đình, buộc họ phải ưu tiên cho chi phí sinh hoạt thay vì mua sắm.

Với tình hình nhu cầu giảm, nhiều công ty thời trang Mỹ đã giảm sản lượng để giảm hàng tồn kho, dẫn đến việc giảm lượng đơn hàng với các nhà sản xuất hàng may mặc và giày dép tại Đông Nam Á. Các nhà sản xuất đang phải tìm cách thích nghi với thị trường mới và tìm kiếm cơ hội xuất khẩu sang các quốc gia khác như Nhật Bản và Hàn Quốc.

"Đối mặt với nhu cầu giảm, nhiều công ty thời trang Mỹ đã chọn cắt giảm đơn đặt hàng và giải phóng hàng tồn kho, dẫn đến khối lượng giao thương giảm", ông Sheng Lu chia sẻ thêm.

Một số thương hiệu lớn đã phải sa thải nhân viên trong những tháng gần đây. Nhà bán lẻ Gap của Mỹ đã thông báo vào tháng 4 rằng họ sẽ cắt giảm khoảng 1.800 nhân viên, gã khổng lồ H&M của Thụy Điển cũng cho biết sẽ sa thải 1.500 công nhân vào tháng 11 năm nay, Adidas cũng đang sắp xếp lại hoạt động ở Bắc Mỹ.

Ông Lu cho biết ngoài áp lực kinh tế, các thương hiệu Mỹ cũng đang phải đối mặt với những căng thẳng thương mại. Chính quyền Tổng thống Joe Biden tiếp tục áp dụng thuế quan đối với hàng xuất khẩu từ Trung Quốc. Một số nhà lập pháp của Đảng Cộng hòa cũng đang muốn tước bỏ tình trạng quan hệ thương mại bình thường vĩnh viễn của Trung Quốc. 

Ông Lu cho hay: "Trong bối cảnh môi trường kinh doanh ngày càng không chắc chắn, việc giảm rủi ro trong nguồn cung ứng cũng như có nguồn cung linh hoạt là một trong những ưu tiên hàng đầu của các công ty thời trang năm nay".

Ông cũng cho biết các thương hiệu rất muốn mở rộng hoạt động kinh doanh tại các khu vực khác, nhưng các quốc gia ở Đông Nam Á sẽ vẫn hấp dẫn.

 
Theo Nikkei, Retail Insider