Lãnh đạo Bamboo Capital, Deloitte, OCB, Nhựa tái chế Duy Tân nói gì về ESG?
(Dân trí) - Trong thực thi ESG, vốn có phải là yếu tố quan trọng nhất; vì sao ESG không còn là "chuyện ở đâu đó"; doanh nghiệp vướng mắc gì khi triển khai ESG... là những vấn đề được lãnh đạo nhiều bên chia sẻ.
Vốn không phải yếu tố đầu tiên trong triển khai ESG
Đánh giá về tình hình triển khai ESG tại Việt Nam, bà Phạm Minh Hương, Phó giám đốc Dịch vụ Phát triển bền vững Deloitte Việt Nam, cho rằng hiện có rất nhiều doanh nghiệp quan tâm và triển khai ESG bởi đã có hành lang pháp lý quy định. Doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp có công ty mẹ ở nước ngoài cũng đã có những quy định bắt buộc để triển khai.
ESG (Environmental (môi trường) - Social (xã hội) - Governance (quản trị) là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Đây là bộ tiêu chuẩn đo lường định hướng, hoạt động của một doanh nghiệp ở các phương diện môi trường, xã hội và quản trị, sẽ giữ vai trò quan trọng, đảm bảo trạng thái phát triển bền vững trong dài hạn cho tổ chức và ảnh hưởng của doanh nghiệp đến cộng đồng.
Các doanh nghiệp tư nhân, điển hình là có vốn lớn đang rất tích cực. Thứ nhất, do chuyển động của thị trường nói chung, các doanh nghiệp nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu buộc phải đáp ứng theo; thứ hai là xu hướng trong lĩnh vực tài chính bền vững, khi các ngân hàng, quỹ đều đưa tiêu chí ESG vào để đưa ra quyết định giải ngân, đầu tư. Các doanh nghiệp cũng mong muốn đáp ứng được các tiêu chí để có thể thu hút nguồn vốn với ưu đãi nhất định.
Nếu nhìn rộng ra cả thị trường, theo bà Hương, khó khăn đầu tiên là hành lang pháp lý của Việt Nam.
Hiện nay, mặc dù Nhà nước đã đưa ra những quy định, định hướng chiến lược, tuy nhiên, việc hướng dẫn triển khai chưa đầy đủ, toàn diện. Đặc biệt, doanh nghiệp tài chính sẽ gặp khó khăn hơn khi các đơn vị muốn xây dựng sản phẩm nhưng chưa có tiêu chí phân loại rõ ràng.
Khó khăn thứ hai là quan điểm về phát triển bền vững. Khi tham dự các diễn đàn, câu hỏi đầu tiên bà thường nhận được của doanh nghiệp là: "Để triển khai được, chúng tôi phải đầu tư rất nhiều. Trong khi đó, thị trường còn khó khăn, chúng tôi phải quan tâm đến hoạt động kinh doanh liên tục trước và không đủ nguồn lực để đầu tư về ESG".
Tuy nhiên, bà Hương lại cho rằng để triển khai ESG, không nhất thiết phải có số vốn quá lớn ban đầu. Mọi người đang nghĩ về giải pháp công nghệ nên mới tốn nhiều chi phí đầu tư, nhưng phát triển bền vững còn nhiều khía cạnh khác như tác động xã hội, cán bộ công nhân viên, giải pháp tiết kiệm năng lượng… Các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn có thể thực hành được.
Tuy nhiên, khi triển khai ESG tiềm năng đầu tiên mà doanh nghiệp nhận được là cơ hội được tiếp cận với nguồn vốn có những ưu đãi nhất định. Khi hành lang pháp lý được hoàn thiện, doanh nghiệp có thể được hưởng thêm ưu đãi về chính sách thuế…
Tại thời điểm này, cơ hội để doanh nghiệp trở thành đơn vị tiên phong trong triển khai ESG rất lớn. Từ đó, bên cạnh về ưu đãi vốn vay, doanh nghiệp có thể xây dựng được danh tiếng để tìm kiếm thêm những cơ hội khác.
Để công tác triển khai ESG tại Việt Nam hiệu quả hơn, bà Hương cho rằng vai trò của các hiệp hội, nghề nghiệp trong việc nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, người dân là rất lớn.
"Chúng ta cần khuyến khích doanh nghiệp để trở thành đơn vị tiên phong. Khi có một hình mẫu, sẽ rất dễ để lôi kéo các đơn vị khác làm theo", bà Hương nhấn mạnh.
Cơ hội, thách thức với ESG cho doanh nghiệp Việt Nam
Theo ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững Công ty cổ phần Nhựa tái chế Duy Tân, hiện nay, người tiêu dùng ở thành phố lớn có thói quen sử dụng đồ tái chế sẽ ủng hộ việc này, do họ biết sử dụng sản phẩm đó sẽ tốt cho môi trường. Song đối với những người chưa quen, họ lại nghĩ những sản phẩm tái chế là không tốt.
Do đó rất cần truyền thông để người dân biết những sản phẩm tái chế được đưa ra thị trường đều là những sản phẩm đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn, được kiểm nghiệm rất kỹ.
Đối với doanh nghiệp, đa phần đang vướng ở khâu đầu vào, phân loại chưa tốt, các loại vật liệu lẫn vào nhau, lẫn tạp chất, vì thế tỷ lệ tái chế thấp (100 tấn thu về được khoảng 55-60% thành phẩm).
Ông Lê Anh nêu, đối với những nước châu Âu đòi hỏi chứng chỉ xanh mà chúng ta không có, các doanh nghiệp hãy coi đây là cơ hội đầu tư cho tương lai, cho tương lai sạch.
Với việc Bộ Tài nguyên và Môi trường ra Thông tư 08 EPR về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, ông Lê Anh đánh giá đây là động thái rất tích cực từ Bộ Tài nguyên và Môi trường để doanh nghiệp có thể đóng góp vào kinh tế xanh, và sự phát triển của kinh tế tuần hoàn, qua những động thái như sử dụng sản phẩm tái chế…
"Sắp tới, tôi nghĩ doanh nghiệp Việt Nam sẽ dần dần nhận thức ESG là cơ hội để "dạy" người tiêu dùng quảng cáo về sản phẩm. Đây là những điều rất tích cực cho doanh nghiệp khi áp dụng ESG, đặc biệt là tại Việt Nam. Các chuyên gia đến từ các lĩnh vực khác nhau khi áp dụng ESG sẽ có cơ hội để học hỏi, trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau về kinh tế xanh", ông Lê Anh nói.
Cùng quan điểm, ông Ngô Bình Nguyên, Giám đốc Chiến lược Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), cho rằng ESG là một trong lĩnh vực khá là mới và với các doanh nghiệp Việt Nam sẽ còn rất nhiều thách thức cũng như các khoảng cách.
Với ngành ngân hàng, OCB đã tiếp cận với các tiêu chí về ESG nhiều năm nay thông qua các tổ chức quốc tế ví dụ như AFC hay là ADB. Họ vào Việt Nam và tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm từ thị trường nước ngoài.
Theo ông Nguyên, về mặt hình thức, cải thiện năng lực, thay đổi hành vi thói quen kinh doanh cũ là rào cản lớn cũng như khó khăn lớn trong công cuộc chuyển đổi và tiếp cận với ESG.
Hiện nay, công tác triển khai ESG tại Việt Nam vẫn còn sơ khai và chưa có khung tiêu chuẩn ESG chuyên biệt cho thị trường Việt Nam cũng như từng ngành. Ví dụ, ở Singapore, Malaysia, Thái Lan, với ngành ngân hàng, thường là các khung quản trị ESG sẽ được xây dựng, triển khai tập trung từ ngân hàng các nước.
Tuy nhiên ở Việt Nam thì chúng ta cũng mới có những hướng dẫn chung và cần được cụ thể hóa hơn nữa để các ngân hàng cũng như doanh nghiệp thực thi theo đúng tiêu chuẩn.
Ông Vũ Xuân Chiến, Thành viên HĐQT Bamboo Capital (BCG), cho biết hiện nay ESG là xu thế của toàn cầu. Bamboo Capital đang thực hiện nhiều dự án về năng lượng, chủ yếu là năng lượng xanh, sạch nhưng cũng gặp phải vướng mắc về cơ chế.
Không chỉ doanh nghiệp này, nhiều đơn vị khác cũng đang gặp vướng mắc về pháp lý. Do đó, ông Chiến mong muốn Chính phủ tạo hành lang pháp lý rõ ràng để doanh nghiệp tiếp cận được ESG, mang lại giá trị cho xã hội.
"ESG là nơi để doanh nghiệp nói chung và BCG nói riêng hướng tới để giảm khí thải, thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững, nền kinh tế xanh. ESG đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Trong đó, môi trường rất quan trọng trong sự phát triển bền vững của Việt Nam sau này", ông Chiến nêu.
Chuyển đổi mô hình kinh doanh bền vững thành yêu cầu bắt buộc để hội nhập
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp phát triển bền vững (VCCI), nhấn mạnh rằng chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững đã trở thành yêu cầu bắt buộc để hội nhập quốc tế.
Áp dụng ESG sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng khả năng chống chịu và có thể đáp ứng các yêu cầu của quốc tế khi các nước đang ngày một quan tâm hơn đến các vấn đề môi trường, xã hội, quản trị bền vững.
Ông Huy cho rằng chuyển đổi xanh, phát triển bền vững và thực hiện các mô hình kinh doanh phát thải thấp đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, đầu tư nguồn lực và đòi hỏi nhiều về chi phí, tài chính. Bên cạnh đó, hệ thống hỗ trợ cho việc chuyển đổi công nghệ xanh vẫn chưa được phổ biến.
Ngay cả việc thực hiện kiểm đếm phát thải carbon theo quy định hiện hành cũng là một bài toán thách thức đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chính vì vậy, ông cho rằng doanh nghiệp rất cần sự chung tay, đồng hành của các bên liên quan nhằm khai thông dòng tài chính xanh, hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp vượt qua giai đoạn ban đầu thực hành ESG và giúp doanh nghiệp chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn.
Việc hội nhập quốc tế đòi hỏi doanh nghiệp phải có trách nghiệm trong chuỗi cung ứng. Theo ông Huy, nếu các doanh nghiệp xuất khẩu khi sản xuất ra hàng hóa đều tra soát và chứng minh được sản phẩm của mình là sản phẩm kinh doanh có trách nhiệm thì sẽ vô cùng thuận lợi cho việc xuất khẩu.
Ông Nguyễn Tiến Huy, Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp phát triển bền vững (VCCI):
Với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện cho doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá rất cao Diễn đàn ESG Việt Nam của Báo Dân trí.
Tôi tin rằng đây sẽ là kênh thông tin quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao nhận thức và đề ra những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thực hành ESG.
Bà Phạm Minh Hương, Phó giám đốc Dịch vụ Phát triển bền vững Deloitte Việt Nam:
Hy vọng tại Diễn đàn ESG của Dân trí ngoài việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức, sẽ có những sáng kiến để tìm được doanh nghiệp tiên phong trong thực hiện triển khai ESG, từ đó góp phần lan tỏa thông điệp ngày càng mạnh mẽ.
Ông Ngô Bình Nguyên, Giám đốc Chiến lược Ngân hàng OCB:
Diễn đàn ESG của Dân trí sẽ gợi mở ra để giúp các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng, tài chính ngồi lại với nhau để xem cách thực thi ESG tại thị trường Việt Nam sẽ làm thế nào để hiệu quả, thiết thực tại Việt Nam.
Tôi mong sắp tới sẽ có nhiều diễn đàn hơn nữa, do Báo Dân trí hoặc các tổ chức khác tổ chức để giúp chúng tôi để có thể cùng đồng hành với Chính phủ trong công cuộc tiến tới Net Zero 2050.
Ông Vũ Xuân Chiến, Thành viên HĐQT Bamboo Capital
Sự kiện ra mắt diễn đàn ESG Việt Nam do Dân trí tổ chức vô cùng ý nghĩa. Việc ra mắt diễn đàn ESG đã thúc đẩy tính đoàn kết của các doanh nghiệp; là nơi để doanh nghiệp, bộ ban ngành chia sẻ những kinh nghiệm, trải nghiệm, đổi mới trong việc phát triển nền kinh tế.
Báo Dân trí là nơi để kết nối giữa các bộ, ban ngành và doanh nghiệp để lan tỏa tinh thần của ESG đến tất cả mọi người.