Doanh nghiệp chuyển đổi xanh: 3 chữ T và chuyện "vất vả trước vui sau"
(Dân trí) - Theo TS Bùi Thanh Minh, trong quá trình Ban IV đồng hành các đơn vị thì doanh nghiệp FDI quản trị rủi ro tốt và phục hồi nhanh còn doanh nghiệp nội địa lại phục hồi chậm. Chuyển đổi xanh là bắt buộc.
Chiều 22/5, Báo Dân trí tổ chức tọa đàm "Net Zero - Cam kết và hành động vì tương lai bền vững", trong khuôn khổ Lễ ra mắt Diễn đàn ESG Việt Nam .
3 chữ T doanh nghiệp cần lưu ý
Chia sẻ tại tọa đàm, TS Bùi Thanh Minh - Phó giám đốc chuyên môn, Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), nhận định chuyển đổi xanh ở các doanh nghiệp không còn là yếu tố tự nguyện, khuyến khích mà là yếu tố bắt buộc.
Với tư cách là đơn vị đồng hành với doanh nghiệp, năm 2022, Ban IV đã tiến hành khảo sát hơn 400 doanh nghiệp. Theo kết quả khảo sát, hiểu biết của doanh nghiệp về chuyển đổi xanh còn thấp, chỉ có 20% doanh nghiệp nắm được thông tin.
Tháng 12/2023, Ban IV tiến hành khảo sát lại 2.730 doanh nghiệp liên quan đến vấn đề phát triển bền vững, thì chỉ có khoảng 64% doanh nghiệp Việt Nam dù nhận thức được vấn đề nhưng chưa có sự chuẩn bị gì.
Qua đó, ông Minh cho rằng câu chuyện chuyển đổi xanh còn nhiều việc phải làm, không chỉ dừng lại ở việc cập nhật, bổ sung, ban hành thể chế chính sách.
Đại diện Văn phòng Ban IV đưa ra 3 chữ T quan trọng mà doanh nghiệp cần lưu ý. Trong đó, chữ T đầu tiên là tâm thế chủ doanh nghiệp. Thứ 2 là về mặt thông tin, 69 doanh nghiệp nằm trong danh sách phải kiểm kê khí thải nhà kính thì chỉ có 1 đơn vị nắm được thông tin này. Cái thứ 3 là tài chính, khi chuyển đổi xanh đòi hỏi tình hình tài chính và nguồn vốn dồi dào.
Tại tọa đàm, ông Minh nhiều lần nhấn mạnh câu chuyện doanh nghiệp chuyển đổi xanh không phải khuyến khích mà là bắt buộc. "Các doanh nghiệp khi muốn tiến vào thị trường thế giới cần chuyển động theo xu hướng chung của toàn cầu", TS Bùi Thanh Minh nhận định.
Cần chuyển từ mô hình tăng trưởng nhờ thâm dụng lao động sang mô hình sáng tạo, bền vững
Trong quá trình Ban IV đồng hành cùng các đơn vị, các doanh nghiệp FDI khi xảy ra các rủi ro thì họ quản trị rủi ro tốt và phục hồi nhanh. Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa khi có những biến động xảy ra lại bị ảnh hưởng rất lớn và phục hồi rất chậm. Bằng chứng là thời gian qua, số lượng doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động tăng cao.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần tư duy thay đổi. Đơn cử, mô hình tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động, thâm dụng các yếu tố tài nguyên đã đến lúc thay đổi sang mô hình sáng tạo, dựa trên ngành kinh tế xanh hơn và có tác động lan tỏa.
Hiện, Việt Nam có 2 mục tiêu chính của quốc gia là hướng đến cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 và năm 2045 Việt Nam trở thành một nước có thu nhập cao.
2 mục tiêu này nếu Việt Nam không đi tiên phong thì sẽ là 2 yếu tố cạnh tranh với nhau, loại trừ nhau. Khi tiên phong chuyển đổi trước, tận dụng sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế, nội lực trong nước, thì 2 mục tiêu này sẽ song hành cùng nhau, vị chuyên gia đánh giá.
Khởi đầu chuyển đổi xanh sẽ vất vả nhưng sau đó thoải mái lựa chọn
Ở góc độ doanh nghiệp, các doanh nghiệp tiên phong chuyển đổi xanh, đơn vị đó sẽ tận dụng được chính sách hỗ trợ, tận dụng cơ hội, thay thế các doanh nghiệp khác trên thị trường. Khởi đầu, các doanh nghiệp vất vả, mất nhiều chi phí khi thực hiện chuyển đổi xanh nhưng sau đó họ sẽ thoải mái lựa chọn khách hàng, thị trường để thâm nhập.
Cùng với đó, trách nhiệm của người tiêu dùng ngày càng được nâng cao. Do đó, việc doanh nghiệp sản xuất xanh, sản xuất bền vững, hướng đến giá trị xã hội cao hơn sẽ làm chuẩn trong tương lai.
TS Minh cũng cho rằng câu chuyện chuyển đổi xanh, phúc lợi lao động đến lúc cần nhìn nhận nghiêm túc, đưa chính sách vào đời sống thực tế. Để doanh nghiệp có những động lực nội tại để doanh nghiệp đạt được những hiệu quả tốt nhất.