DNews

ESG không còn là một lựa chọn nữa, mà là con đường phải trải qua

Mộc An

(Dân trí) - Giáo sư Nguyễn Đức Khương nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực thi ESG của doanh nghiệp hiện nay. Các bên thực thi ESG tốt sẽ danh chính ngôn thuận, có sứ mệnh để chinh phục khách hàng.

ESG không còn là một lựa chọn nữa, mà là con đường phải trải qua

Ngày 22/5, Báo Dân trí tổ chức Lễ ra mắt Diễn đàn ESG Việt Nam . Hội đồng cấp cao Diễn đàn ESG Việt Nam cũng được ra mắt, với 8 thành viên đầu tiên . Giáo sư Nguyễn Đức Khương - Giám đốc Điều hành Trường EMLV Business School Pháp; Chủ tịch Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) - là một trong số các thành viên của Hội đồng.

Tại Lễ ra mắt, ông Khương có bài trình bày thú vị, phác thảo bức tranh về hoạt động ESG và vai trò của việc thực thi ESG tại các doanh nghiệp.

ESG không chỉ còn là lựa chọn

Giáo sư Nguyễn Đức Khương cho biết ESG là câu chuyện bao trùm của toàn xã hội bao gồm cả các chủ thể công và tư. Mọi chủ thể xã hội đều có vai trò nhất định trong việc xây dựng một nền kinh tế với khả năng thích ứng cao với biến đổi khí hậu, áp lực từ bất bình đẳng xã hội.

Thực tế hiện nay những hoạt động tác động xã hội có 2 khái niệm gồm: CSR là viết tắt của Corporate Social Responsibility (Trách nhiệm đối với xã hội của doanh nghiệp) và ESG là viết tắt của Environmental (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị). Nghiên cứu về CSR bắt đầu từ sau thập niên 70 khi xuất hiện câu hỏi một doanh nghiệp doanh nghiệp có phải chỉ quan tâm đến lợi nhuận hay không.

CSR là những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc thực hiện các chính sách để đảm bảo mình hay doanh nghiệp của mình có tác động ảnh hưởng tích cực đến môi trường xung quanh mình.

Còn khái niệm ESG xuất hiện giai đoạn 2010-2015 và có độ bao phủ rộng hơn CSR nhưng vẫn tập trung vào việc đo đạc những nỗ lực tác động xã hội của doanh nghiệp được thị trường, nhà đầu tư đánh giá ra sao.

"Đây là 2 khái niệm nhưng là một vấn đề", giáo sư Khương lý giải.

ESG không còn là một lựa chọn nữa, mà là con đường phải trải qua - 1

Giáo sư Nguyễn Đức Khương - Giám đốc Điều hành Trường EMLV Business School (Pháp) cho biết báo cáo của một công ty kiểm toán lớn cho thấy tất cả người được hỏi đều cho rằng câu chuyện ESG không còn là lựa chọn nữa mà là con đường buộc phải qua.

 Theo giáo sư Nguyễn Đức Khương, ESG là vấn đề nổi cộm trong lĩnh vực tài chính. Trong ngành này, khởi điểm đầu tư luôn là câu hỏi đầu tư vào đâu, đầu tư vào những doanh nghiệp trách nhiệm xã hội cao hay những doanh nghiệp chỉ chạy theo lợi nhuận, thỏa mãn tỷ suất lợi ích cao nhất.

Thập niên 70 thì những nhà đầu tư đều theo hướng mục tiêu của doanh nghiệp đặt lợi nhuận là trên hết. Sau đó, tư duy này được thay đổi. Ngày nay, ESG có được sự quan tâm của toàn cầu khi mà biến đổi khí hậu, bất bình đẳng có tác động tiêu cực ngày càng lớn.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Khương, cho tới thời điểm bây giờ, ESG vẫn là câu chuyện chưa thống nhất về việc mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Ông dẫn chứng số liệu nghiên cứu khảo sát của PwC năm 2021 với lãnh đạo của các quỹ đầu tư lớn nhất thế giới và các tập đoàn lớn nhất thế giới cho thấy 79% người được hỏi cho rằng rủi ro ESG là một trong những vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp từ năm 2020 trở đi.

Rủi ro ESG liên quan đến việc các nhà làm chính sách ra chính sách mới yêu cầu các doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn ESG không chỉ thông lệ của nước sở tại mà còn theo thông lệ quốc tế.

65% người được hỏi cho rằng tất cả doanh nghiệp đều phải quan tâm đến việc thích ứng các chỉ tiêu về ESG thì mới có chỗ đứng trên thị trường. Thị trường sẽ tạo ra những kỷ luật cho điều hành, thực thi chính sách ESG đó.

"Tất cả những người được hỏi đều cho rằng câu chuyện ESG không còn là một lựa chọn nữa mà là con đường bắt buộc phải trải qua", giáo sư Nguyễn Đức Khương nhấn mạnh.

Hiện nay tất cả các quốc gia không kể giàu nghèo ở châu Á hay châu Âu, Mỹ đều phải quan tâm nền kinh tế phát thải thấp. Các doanh nghiệp là chủ thể kinh tế tạo ra động lực tăng trưởng thì câu chuyện chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng phải xuất phát từ đây. Theo đó, doanh nghiệp là những chủ thể tạo ra khí phát thải lớn nhất.

Khảo sát của PwC cho thấy 75% các nhà lãnh đạo quỹ đầu tư và tập đoàn cho rằng tương lai thế giới trong việc giảm phát thải carbon phải bắt đầu từ khối doanh nghiệp.

ESG không còn là một lựa chọn nữa, mà là con đường phải trải qua - 2

Giáo sư Nguyễn Đức Khương cho rằng doanh nghiệp có ESG tốt hơn thì luôn thuận lợi.

3 điều tích cực với doanh nghiệp khi thực thi ESG

Mặc dù khảo sát cho thấy các nhà đầu tư, lãnh đạo tập đoàn đồng ý về vai trò của ESG nhưng chấp nhận giảm lợi nhuận đầu tư với doanh nghiệp lại là câu chuyện khác. Đặc biệt vấn đề này không dễ dàng được chấp nhận bởi những nhà đầu tư có thói quen mong muốn tỷ suất lợi nhuận cao.

Báo cáo của PwC cho thấy 81% các nhà đầu tư không chấp nhận bất kỳ sự suy giảm nào về tỷ suất đầu tư dù doanh nghiệp có làm ESG hay không. Chỉ 18% nhà đầu tư chấp nhận suy giảm tỷ suất đầu tư 1-2%. Chỉ 2% nhà đầu tư đồng ý giảm 5-10%. Chính sách của doanh nghiệp ESG rất tích cực nhưng chưa chắc chắn các nhà đầu tư sẽ ủng hộ.

Số liệu khảo sát cho thấy 49% người được hỏi đồng ý tác động tích cực từ ESG, sẵn sàng điều chỉnh chuyển dòng vốn đầu tư sang các doanh nghiệp có trách nhiệm ESG nhưng không chấp nhận giảm tỷ suất lợi nhuận đầu tư. Doanh nghiệp đứng trước lựa chọn rẽ trái hay rẽ phải.

ESG không còn là một lựa chọn nữa, mà là con đường phải trải qua - 3

Ông Khương cho rằng, những doanh nghiệp thực thi ESG tốt sẽ danh chính ngôn thuận, có sứ mệnh để chinh phục khách hàng.

"Để thuyết phục được nhà đầu tư thì doanh nghiệp cần phải dựa trên mối quan hệ chặt chẽ giữa lập luận về khoa học, từ đó đưa ra chính sách của mình", giáo sư Nguyễn Đức Khương đưa ra câu trả lời.

Dưới tư cách là nhà nghiên cứu, ông nêu ra 3 điều tích cực khi doanh nghiệp thực thi ESG. Thực tế cho thấy những doanh nghiệp muốn tồn tại phát triển thì phải có sứ mệnh rõ ràng và trách nhiệm xã hội. Đây là những doanh nghiệp sẽ được xã hội chào đón.

Đầu tiên là giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro. Với những doanh nghiệp ESG cao thì rủi ro thấp, ít khi bị ảnh hưởng bởi thay đổi của chính sách hơn.

Thứ hai là hiệu quả tốt trong đầu tư dài hạn, có được sự đồng thuận về mặt xã hội.

Thứ ba là đạt hiệu suất đầu tư tài chính tốt hơn về dài hạn, bao gồm đưa dòng vốn đến dự án hiệu quả hơn, tác động tích cực, giảm chi phí.

Những doanh nghiệp thực thi ESG tốt sẽ danh chính ngôn thuận, có sứ mệnh để chinh phục khách hàng. Khách hàng sẵn sàng dời sang doanh nghiệp có ESG tốt hơn. Ngoài ra khi thực thi ESG, doanh nghiệp có uy tín cao hơn, hiệu quả tài chính, cơ hội đầu tư mới hơn không chỉ trong nước mà nước ngoài. Họ cũng dễ dàng chinh phục chủ thể trong hệ sinh thái nhà cung ứng, khách hàng, ngân hàng.