Kinh tế Nga sau 2 năm chiến sự: "Bão trừng phạt" phương Tây có thành công?
(Dân trí) - Trái với những dự báo của phương Tây, sau 2 năm chiến sự, kinh tế Nga không những không sụp đổ mà còn đứng vững và ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ.
Tăng trưởng vượt xa mong đợi
Khi xung đột Nga - Ukraine xảy ra, phương Tây dồn dập áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga. Đã có khoảng 17.500 lệnh trừng phạt được đưa ra sau khi xung đột nổ ra.
Hàng loạt biện pháp trừng phạt chưa từng có tiền lệ được áp dụng lên hệ thống tài chính Nga. Liên minh châu Âu (EU), Anh, Mỹ và Canada loại hàng loạt ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Nửa khối dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Nga ở nước ngoài, tương đương khoảng 300 tỷ USD, bị phong tỏa.
Phương Tây kỳ vọng các biện pháp trừng phạt sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng lên kinh tế Nga. Nhiều chuyên gia cho rằng, nền kinh tế Nga sẽ rơi vào suy thoái nghiêm trọng.
Tuy nhiên, sau 2 năm diễn ra xung đột, nền kinh tế Nga vẫn đứng vững trước các lệnh trừng phạt của phương Tây. Nền kinh tế Nga đã vượt xa kỳ vọng, đạt được mức tăng trưởng phục hồi và thể hiện sự bền bỉ.
Kinh tế Nga chỉ suy giảm 2,1% vào năm 2022. Năm 2023, kinh tế Nga khiến thế giới phải chú ý khi tăng trưởng 3,6%, thương mại vẫn thặng dư, thâm hụt ngân sách đều trong phạm vi có thể kiểm soát.
Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhấn mạnh, điều rất quan trọng là động lực tăng trưởng đạt được dựa trên nội lực. Ưu tiên của Nga vẫn là tăng thu nhập và chất lượng cuộc sống của người dân Nga cũng như hạnh phúc của gia đình họ.
Trong báo cáo tháng 1, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng đáng kể dự báo tăng trưởng của kinh tế Nga trong năm 2024 lên 2,6%, cao hơn mức 1,1% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 10/2023. Con số này cũng cao hơn đáng kể so với dự báo của IMF với Anh (0,6%) và Liên minh châu Âu (0,9%).
Những "bộ đệm" vững chắc
Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Nga trong năm ngoái là 3,6%, vượt mức trung bình trên thế giới. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trên toàn cầu chỉ là 3% và tốc độ tăng trưởng kinh tế của các nước phát triển chỉ là 1,5%.
Kinh tế Nga phục hồi ổn định một phần nhờ vào Ngân hàng Trung ương nước này. Kể từ năm 2022, họ đã áp dụng các đợt tăng lãi suất lớn, hiện ở mức 16% để kiểm soát lạm phát.
Điều này kết hợp với các biện pháp kiểm soát do Chính phủ đặt ra khiến các nhà xuất khẩu Nga và nhiều công ty nước ngoài gần như không thể rút tiền ra khỏi đất nước này. Bằng cách giữ cho đồng tiền được lưu thông bên trong Nga, những chính sách này đã giúp đồng rúp tránh khỏi kịch bản sụp đổ hoàn toàn,
Ông Sebastian Hoppe, chuyên gia về Nga tại trường Đại học Free University of Berlin, nhận định rằng lĩnh vực sản xuất công nghiệp cũng đang hoạt động ổn định một cách bất ngờ, đặc biệt là lĩnh vực ô tô. Các linh kiện đến từ Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều sau khi người châu Âu rút khỏi Nga. Nhờ nhập khẩu từ Trung Quốc, kinh tế Nga vẫn được giữ vững.
Nga cũng không bị tác động quá lớn dù phải chi tiêu đáng kể cho quốc phòng để phục vụ chiến sự và chống chọi với loạt lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây. Phần lớn nguồn thu của Nga trong năm qua là lợi nhuận từ xuất khẩu dầu mỏ.
Nguồn tài nguyên khổng lồ đang là "bộ đệm" vững chắc cho kinh tế Nga. Chris Weafer, cố vấn đầu tư đã làm việc tại Nga, cho rằng vấn đề này đã bị đánh giá thấp khi các lệnh trừng phạt được đưa ra.
Dầu mỏ, khí đốt và các hàng hóa như uranium vẫn có tầm quan trọng lớn trên toàn cầu. Mỹ hiện vẫn phải mua uranium từ Nga với số lượng lớn.
Dầu thô, nguồn thu chính của ngân sách Nga, cũng chịu ảnh hưởng. Tháng 12/2022, G7 cấm các hãng vận tải biển và hãng bảo hiểm tại các nước cung cấp dịch vụ cho dầu Nga xuất khẩu nếu giá bán vượt 60 USD/thùng.
Lệnh cấm tương tự được áp lên các sản phẩm dầu Nga từ tháng 2 năm ngoái. Thế nhưng, doanh số bán dầu vẫn ổn định như trước khi cuộc xung đột xảy ra, bất chấp các biện pháp trừng phạt của EU.
Gần 1 năm qua, Nga vẫn bán được dầu với giá sát thị trường nhờ các nhà buôn tích cực gom tàu cũ và hàng loạt công ty mới gia nhập thị trường. Nga đã đưa được dầu đến các "bạn hàng" như Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan mà không cần tuân thủ trần giá.
Nguồn thu từ dầu mỏ của Nga cũng tăng vọt. Năm 2023, nước này ghi nhận mức thu ngân sách kỷ lục, đạt 320 tỷ USD. Nguồn thu của Nga trong năm 2024 dự kiến đạt gần 394 tỷ USD. Số liệu dự báo vào năm 2025 là gần 377 tỷ USD và năm 2026 là hơn 382 tỷ USD.
Tỷ lệ thất nghiệp hiện cũng ở mức thấp kỷ lục là 3,2% năm 2023, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Liên bang Nga.
Chia sẻ với DW, bà Elina Ribakova, nhà kinh tế học tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, lý giải rằng có 3 lý do chính giúp kinh tế Nga vẫn trụ vững. Đầu tiên là hệ thống tài chính nước này đã được chuẩn bị đủ để đối phó các lệnh trừng phạt.
Lý do thứ hai là Nga vẫn có nguồn thu khổng lồ từ xuất khẩu dầu khí. Giá nhiên liệu tăng vọt sau khi chiến sự nổ ra. Trong khi đó, phương Tây lại chậm chân khi đưa ra chính sách trừng phạt. Điều này đồng nghĩa các nhà buôn, hãng vận tải và hãng dầu Nga vẫn có nhiều tháng để chuẩn bị.
Cuối cùng là các lệnh hạn chế xuất khẩu sang Nga của phương Tây không đủ hiệu quả. Nga vẫn mua được các sản phẩm cần thiết, thông qua nước thứ ba.
Vẫn còn đó nhiều "lỗ hổng"
Mặc dù chỉ số kinh tế năm 2023 của Nga rất ấn tượng nhưng cũng xuất hiện một số vấn đề. Đầu tiên là tình trạng thiếu lao động trầm trọng. Do tác động của nhiều yếu tố như suy giảm dân số, nhập ngũ bắt buộc và chảy máu chất xám, năm 2023 Nga rơi vào tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây.
Nga hiện thiếu nhân lực ở nhiều lĩnh vực. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp, nhưng lương cũng tăng đáng kể trong suốt năm 2023.
Ông Chris Weafer cho rằng mức lương của nhân công tăng đang kéo lạm phát lên cao. Nếu Nga càng mất thời gian xử lý, vấn đề lực lượng lao động sụt giảm sau này sẽ càng khó giải quyết, tốn kém và gây ra nhiều hậu quả hơn.
Ông cũng nhận định rằng việc đổ tiền vào hàng hóa thay vì đầu tư vào các ngành công nghiệp, có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực trong dài hạn.
"Dự trữ sẽ dần cạn kiệt. Khi xung đột chấm dứt, nền kinh tế sẽ chịu nhiều tổn thương hơn. Nga sẽ phải đau đầu nghĩ xem nên làm gì tiếp theo", ông chia sẻ với DW.
Bên cạnh đó, đồng rúp mất giá do ảnh hưởng bởi các biện pháp trừng phạt tài chính nghiêm ngặt do phương Tây áp đặt.
Lượng USD Nga thu được giảm mạnh trong khi nhu cầu vẫn tăng và người dân vẫn tích trữ đồng USD. Những biến động trên thị trường ngoại hối khiến đồng rúp mất giá mạnh. Đầu tháng 10 năm ngoái, đồng rúp mất giá hơn 30% so với USD.
Bà Elina Ribakova cho biết Nga đã chi số tiền lớn vào việc sản xuất vũ khí. Tuy nhiên, theo bà, điều này không tốt cho nền kinh tế và không phải là các hoạt động mang lại hiệu suất cao trong trung hạn.
Không những vậy, lạm phát Nga cũng tăng cao. Năm 2023, mức lạm phát của Nga khoảng 7,5%, giá một số thực phẩm và hàng tiêu dùng tăng hơn 20%. Ngân hàng Trung ương Nga đã phải nâng lãi suất tham chiếu mạnh tay lên 16% để đối phó với giá cả tăng vọt.
Tháng 8 năm ngoái, giá xăng dầu của Nga đột ngột tăng, tình trạng thiếu xăng xảy ra ở một số nơi. Sau khi Chính phủ Nga hạn chế xuất khẩu các sản phẩm xăng dầu, tình hình đã được cải thiện.
Ông Benjamin Hilgenstock, chuyên gia tại Trường kinh tế Kyiv, nhận định động thái nâng lãi suất cho thấy nền kinh tế này đang gặp thách thức. Dù kinh tế Nga hiện tốt hơn dự báo, họ vẫn chịu ảnh hưởng lớn từ các lệnh trừng phạt.
"Môi trường vĩ mô tại Nga đã xuống cấp đáng kể", chuyên gia nhận định với DW.
Các nước phương Tây gần đây cũng đang tìm cách mới để giảm sức mạnh tài chính của Nga. Mỹ tăng cường trừng phạt các tàu và thực thể vi phạm lệnh trừng phạt và tham gia vận chuyển dầu Nga. Phương Tây cho rằng hạn chế nguồn thu xuất khẩu dầu Nga là điều quan trọng.
Dù vậy, bà Elina Ribakova cho rằng sức mạnh tài chính của Nga khó suy giảm nhanh, nếu giá dầu vẫn trên 60 USD/thùng.
"Nga đã làm nhiều việc để củng cố tài chính và tránh phụ thuộc vào sức ép từ phương Tây. Giá dầu vẫn đang là bệ đỡ tốt cho Nga. Nếu giá dầu giảm về mức 60-70 USD/thùng, Nga có thể bắt đầu cảm nhận được tác động", bà chia sẻ với DW.