1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Doanh thu xuất khẩu "vàng đen" của Nga thấp kỷ lục

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Dù sản lượng cao nhưng giá dầu liên tục lao dốc khiến doanh thu xuất khẩu "vàng đen" của Nga trong tháng 12 năm ngoái ghi nhận mức thấp kỷ lục.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), doanh thu của Nga từ xuất khẩu dầu thô tháng 12 năm ngoái chỉ khoảng 14,4 tỷ USD, mức thấp nhất trong 6 tháng.

Theo số liệu từ IEA, sản lượng dầu Nga xuất khẩu mỗi ngày đạt 7,8 triệu thùng, vượt mức trước dịch Covid-19. Giá dầu giảm là lý do khiến khoản thu và lãi từ "vàng đen" của nước này chững lại. "Chiết khấu tăng trong khi giá giảm, khiến doanh thu tụt dốc nhưng vẫn ở mức chấp nhận được", IEA cho hay.

Các nhà phân tích dự báo giá dầu Brent năm nay có thể đạt bình quân 84,4 USD/ thùng. Kỳ vọng này được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu dầu năm tới được dự báo tăng 1,1- 2,25 triệu thùng/ngày, theo IEA và OPEC.

Doanh thu xuất khẩu vàng đen của Nga thấp kỷ lục - 1

Tàu chở dầu neo gần thành phố cảng Nakhodka, Nga (Ảnh: Reuters).

Năm qua, Nga đã tích cực chuyển hướng bán năng lượng từ phương Tây sang châu Á, tận dụng tối đa đội tàu cũ để vận chuyển dầu thô. Các lệnh trừng phạt lên dầu Nga, đặc biệt là quy định giá trần 60 USD/thùng, cũng được đánh giá là ngày càng kém hiệu quả.

Để đối phó với các lệnh trừng phạt của phương Tây về trần giá dầu Nga liên tục tăng chiết khấu cho các quốc gia mua nhiên liệu từ nước này như Trung Quốc, Ấn Độ.

Tuy nhiên, Mỹ đã trừng phạt các tàu và nhà khai thác tàu vì bán dầu của Nga cao hơn mức trần 60 USD/thùng. Sau lệnh trừng phạt, một số tàu dự định vận chuyển dầu sang Ấn Độ đã bị chuyển hướng. Điều này làm giảm lượng dầu nhập khẩu từ Nga của Ấn Độ trong tháng 12 xuống mức thấp nhất trong gần 1 năm.

Bộ trưởng dầu mỏ Ấn Độ Hardeep Singh Puri cho biết sự sụt giảm trong nhập khẩu dầu Nga của Ấn Độ là do giá cả không hấp dẫn chứ không phải vấn đề thanh toán.

IEA dự báo doanh thu xuất khẩu dầu thô của Nga sẽ tăng trở lại khi giá trên thị trường đi lên. Trung Quốc và Ấn Độ được dự báo tiếp tục dựa vào nguồn cung từ Nga.

Theo Reuters, IEA