Bất chấp "đòn giáng" từ phương Tây, doanh nghiệp Nga vẫn lãi lớn
(Dân trí) - Bất chấp hàng loạt lệnh trừng phạt của phương Tây, gã khổng lồ dầu mỏ Rosneft vẫn ghi nhận lợi nhuận tăng gần 50% nhờ kiểm soát tốt chi phí sản xuất.
Rosneft, hãng dầu mỏ lớn nhất Nga, mới đây thông báo lợi nhuận ròng năm 2023 tăng 47,2%, lên 1.300 tỷ rouble (14 tỷ USD). Hãng này cho biết đang tăng cường năng lực sản xuất khí đốt trong bối cảnh dầu mỏ chịu nhiều hạn chế trên thị trường quốc tế.
Năm 2023, sản lượng dầu khí của Rosneft đạt tổng cộng 269,8 triệu tấn. Trong đó có 92,7 tỷ m3 khí đốt.
Ông Igor Sechin, giám đốc điều hành Rosneft, cho biết chi phí sản xuất của họ năm ngoái đã giảm xuống, nhờ cải thiện hiệu suất và áp dụng kiểm soát chi phí nghiêm ngặt.
Lợi nhuận trước thuế và khấu hao của công ty tăng 17,8% lên 3.000 tỷ rúp. Doanh thu tăng 1,3% lên 9.200 tỷ rúp.
Dù vậy, ông Sechin cho biết việc Ngân hàng Trung ương Nga nâng lãi suất liên tiếp năm qua đã ảnh hưởng đến hoạt động của công ty. Hiện tại, lãi suất tham chiếu tại Nga là 16%.
Theo Bloomberg, thu nhập hàng tháng của Nga từ xuất khẩu dầu mỏ hiện nay lớn hơn so với trước thời điểm xung đột xảy ra. Điều này cho thấy các nước phương Tây đã thất bại trong việc hạn chế nguồn thu từ ngành năng lượng của Nga.
Vài năm qua, phương Tây đã áp nhiều lệnh trừng phạt lên xuất khẩu năng lượng của Nga. Việc này nhằm giảm nguồn thu chính của Nga sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào năm 2022.
Liên minh châu Âu (EU), nhóm G7 và Australia đã áp đặt biện pháp áp giá trần 60 USD/thùng đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, đòn trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đã thất bại, trong khi đem lại cơ hội tăng lợi nhuận cho nhiều doanh nghiệp bảo hiểm và các công ty vận tải nằm ngoài tầm theo dõi.
Rosneft cũng đang vướng vào một vụ tranh chấp pháp lý tại Đức. Sau khi chiến sự tại Ukraine nổ ra, chính phủ Đức đã tiếp quản các nhà máy lọc dầu của Rosneft tại đây. Ước tính các tài sản này có giá trị khoảng 7 tỷ USD.
Công ty này sau đó đệ đơn kiện chính phủ Đức. Nhà máy Schwedt chiếm một nửa nguồn cung cấp nhiên liệu cho miền đông nước Đức và khoảng 11% tổng nguồn cung cấp nhiên liệu của cả nước.