(Dân trí) - "Tiền rẻ" từng có ở khắp nơi nhưng gần đây dường như đã mất đi. Hàng loạt nền kinh tế lớn qua thời "tiền rẻ" đang đối mặt mới một số nguy cơ mới. Có cần thiết phải sợ hãi với những điều này?
Dịch bệnh Covid-19 đã gây ra một cú sốc lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh là một đại dịch đầy chết chóc (ở thời điểm hiện tại đã có hơn 5 triệu ca tử vong), Covid-19 còn "kéo tụt" các hoạt động kinh tế trên quy mô toàn thế giới xuống mức thấp nhất từng được ghi nhận trong thời bình kể từ cuộc đại suy thoái nổ ra vào thập niên 30 của thế kỷ trước.
Các ngân hàng Trung ương đã phải nhanh chóng hành động, với tốc độ và quy mô lớn hơn nhiều so với những gì đã diễn ra trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009.
Cơ quan quản lý tài chính số một tại các nền kinh tế phát triển đã cho áp dụng một loạt các công cụ chính sách tiền tệ nhằm đảm bảo lĩnh vực kinh tế tư nhân có đủ khả năng tiếp cận nguồn tín dụng cần thiết, bên cạnh đó là phối kết hợp với các chính sách tài khóa khác nhằm mục tiêu hạn chế tới mức tối đa chi phí thiệt hại gây ra bởi đại dịch.
Các ngân hàng Trung ương tại một số nền kinh tế mới nổi cũng đã cho ứng dụng nhiều chính sách mở rộng và thực hiện thu mua tài sản bất chấp hệ quả lạm phát có thể tăng lên.
Với việc nhiều nền kinh tế vẫn đang chật vật để có thể nâng cao mức lạm phát sau một thập kỷ trì trệ kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các ngân hàng Trung ương giờ đây lại phải đối mặt với thử thách cú sốc dịch bệnh nổ ra hồi đầu năm 2020.
Diễn biến khó lường của đại dịch, bên cạnh đó là tốc độ đi xuống nhanh chóng của nền kinh tế, đà gia tăng bất ổn trên một loạt các thị trường, và sự "mù mờ" xung quanh tác động của Covid-19 trong môi trường lạm phát thấp chính là những động lực thúc đẩy các ngân hàng Trung ương phản ứng với một tốc độ, quy mô chưa từng có trong tiền lệ. Đây không phải là một cuộc suy thoái tiêu chuẩn, khởi nguồn từ sự tăng trưởng quá nóng của thị trường hoặc sự dư thừa tài chính. Nó giống như một "cơn hôn mê của nền kinh tế"- một dạng khủng hoảng hoàn toàn khác biệt đòi hỏi những cách thức phản ứng cũng vô cùng khác biệt.
"TIỀN RẺ" CÓ Ở KHẮP NƠI
Các nền kinh tế phát triển thường sử dụng biện pháp cắt giảm lãi suất như đã từng làm để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hơn 10 năm về trước.
Khi đó, lãi suất được cắt giảm mạnh xuống mức lãi suất sàn hiệu quả. Bên cạnh đó là việc áp dụng triệt để công cụ forward guidance hay còn gọi là định hướng chính sách. Chỉ trong vòng vài tuần lễ, các ngân hàng Trung ương tại những quốc gia đang sở hữu mức lãi suất nằm trên mức lãi suất sàn hiệu quả, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương Trung Quốc (BoC), Ngân hàng trung ương Anh (BoE), Ngân hàng dự trữ Australia (RBA) và Ngân hàng dự trữ New Zealand (RBNZ), đã cắt giảm mạnh lãi suất.
Các thị trường mới nổi cũng đã thực hiện chiến lược tương tự, với việc lãi suất tại một vài quốc gia bị kéo giảm xuống ngưỡng hiệu quả của họ, trong đó có Chile và Ba Lan.
Bên cạnh việc cắt giảm lãi suất, các ngân hàng trung ương còn khởi động những chương trình thu mua tài sản. Thu mua tài sản được thực hiện dưới nhiều hình thức, phụ thuộc vào những mục tiêu, bối cảnh và khung pháp lý tại mỗi quốc gia. Đầu tiên, một số ngân hàng Trung ương như Fed, BoC, BoE tập trung mua vào trái phiếu chính phủ với mục tiêu chính nhằm ngăn chặn sự đổ vỡ của thị trường.
Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hiện tại vẫn đang thực hiện mua vào trái phiếu theo chương trình hỗ trợ hiện hữu, nhưng ban đầu, cơ quan này lại mang một quan điểm khắt khe hơn. Chính điều này đã khởi xướng một làn sóng bán tháo trái phiếu. ECB ngay sau đó đã nhanh chóng hành động và cho triển khai Chương trình thu mua tài sản phân cấp đại dịch, qua đó cho phép các gói thu mua tài sản đạt được mức độ linh hoạt hơn về thời điểm cũng như quá trình phân bổ, với mục tiêu đảm bảo những tác động của chính sách tiền tệ nới lỏng này được lan truyền tới một phạm vi rộng nhất có thể.
Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng đã nâng mức trần thu mua trái phiếu chính phủ và gia tăng quy mô các chương trình thu mua tài sản hiện hữu. Đây cũng là cơ quan duy nhất thực hiện thu mua cổ phiếu doanh nghiệp thông qua các quỹ ETF.
Một số ngân hàng Trung ương còn khởi xướng chương trình thu mua tài sản tư nhân, ví dụ như việc Fed, BoE, ECB, BoC và Risbank tiến hành mua vào trái phiếu doanh nghiệp.
Một số ngân hàng Trung ương khác như RBA đã áp dụng phương pháp kiểm soát đường cong lãi suất, và sau đó là một chương trình nới lỏng định lượng. Tương tự, Ấn Độ cũng đã cho áp dụng Operation Twist (một gói kích thích kinh tế từng được Mỹ áp dụng) phiên bản của riêng mình, qua đó quốc gia này sẽ thu mua các trái phiếu chính phủ dài hạn và bán ra các loại trái phiếu chính phủ ngắn hạn, nhằm giảm độ dốc của đường cong lãi suất.
Một vài chương trình thu mua tài sản đã được phát triển tới quy mô lớn và được thực hiện với tốc độ nhanh chưa từng có. Ví dụ, tỷ lệ nắm giữ trái phiếu chính phủ tại Riksbank, BoC và BoE đã tăng lên ngưỡng hơn 40% tổng khối lượng trái phiếu chính phủ đang lưu hành trên thị trường, trong khi tỷ lệ nắm giữ trái phiếu chính phủ và trái phiếu có đảm bảo của Fed đã tăng lên hơn 2.000 tỷ USD trong giao đoạn từ giữa tháng 3/2020 tới giữa tháng 6/2020.
Một vài quốc gia khác đã kích hoạt chương trình thu mua tài sản thậm chí còn lớn hơn trong giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong đó có New Zealand, BoC và BoJ, nơi quy mô thu mua tài sản so với GDP trước đại dịch cao gấp hơn 3 lần so với quy mô chương trình thu mua trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hơn 10 năm về trước.
Ngoài sở hữu quy mô gói thu mua tài sản lớn, một số quốc gia còn thực hiện nó với một tốc độ nhanh chóng mặt. Ví dụ, BoE đã tiến hành mua vào trái phiếu chính phủ với tốc độ nhanh hơn gấp 2 lần so với giai đoạn đầu chương trình nới lỏng định lượng áp dụng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009.
Phần lớn các ngân hàng Trung ương đã tiến hành cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng thương mại và các định chế tài chính, giúp gạt bỏ đi những áp lực đè nặng lên thị trường tài chính và giảm thiểu những vấn đề liên quan tới khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp.
Những chương trình như vậy thường cho gia hạn các điều kiện tín dụng thông qua việc điều chỉnh chi phí hoặc các quy định tài sản đảm bảo. Trong nhiều trường hợp, các chương trình này có giúp mở rộng phạm vi hỗ trợ, trong đó bao gồm các đơn vị cho vay không phải ngân hàng và công ty môi giới tài chính. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng Trung ương đã giới thiệu các chương trình hỗ trợ tín dụng tới một loạt doanh nghiệp tư nhân, bao gồm cả các doanh nghiệp phi tài chính.
Những chương trình kể trên được thực hiện nhằm giúp đảm bảo các doanh nghiệp có thể tiếp cận với nguồn tín dụng cần thiết để có thể chống chọi lại với đại dịch và quay trở lại chu kỳ tăng trưởng một khi dịch bệnh qua đi.
Như đã đề cập trước đó, trong một vài trường hợp, các ngân hàng trung ương đã cung cấp sự trợ giúp tín dụng đó thông qua chương trình thu mua tài sản, bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp và thương phiếu. Hơn nữa, một vài ngân hàng Trung ương còn thực hiện thu mua lại nợ doanh nghiệp tại ngân hàng hoặc gia hạn các khoản nợ ngoại tệ.
Để đạt được mục tiêu, nhiều ngân hàng Trung ương cho khởi động những chương trình mà qua đó nguồn vốn chi phí thấp được cung cấp tới các định chế tài chính đã và đang gia tăng nguồn vốn vay tới lĩnh vực tư nhân hoặc những lĩnh vực nhất định ít có khả năng tiếp cận các thị trường cổ phiếu và phụ thuộc nhiều vào nguồn tín dụng từ các ngân hàng. Phần lớn các ngân hàng Trung ương cũng tham gia vào quá trình hỗ trợ chính sách tài khóa mở rộng nhằm hỗ trợ nền kinh tế.
Cuối cùng, cơ quan quản lý tại nhiều quốc gia, trong đó bao gồm các ngân hàng Trung ương, đã nới lỏng các quy định và tiêu chuẩn an toàn kinh tế vĩ mô nhằm hỗ trợ quá trình cung cấp tín dụng. Biện pháp nới lỏng này được thực hiện khi nền kinh tế bắt đầu suy yếu hồi tháng 3/2020, bên cạnh đó nó cũng nhắm mục tiêu hạn chế các tác động bất lợi từ những chính sách khác lên dòng chảy tín dụng.
Đây chính là bài test đầu tiên đối với các công cụ an toàn vĩ mô vốn đã được phát triển sau khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu kết thúc nhằm kiểm chứng tính hiệu quả của nó trong việc gia tăng sức chịu đựng của nền kinh tế trước một cú sốc bất ngờ. Nó còn giúp cung cấp sự hỗ trợ sau cú sốc đó, làm giảm thiểu những tác động lan tỏa của nó lên toàn bộ nền kinh tế. Quá trình nới lỏng các quy định pháp lý được thực hiện chủ yếu trên hai phương diện.
Trọng tâm đầu tiên đó chính là nới lỏng các quy định thanh khoản và vốn.
Trọng tâm thứ hai đó chính là nới lỏng các quy định liên quan tới giá trị tài sản và các khoản vay. Các cơ quan quản lý tại nhiều quốc gia khuyến khích các ngân hàng trợ giúp những khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch tái cấu trúc các khoản nợ, đồng thời hoãn nghĩa vụ trả nợ đối với các cá nhân và doanh nghiệp nhỏ.
NHƯNG ĐÃ ĐẾN LÚC "TIỀN RẺ" CHẤM HẾT?
Trong năm 2021, nền kinh tế toàn cầu hồi phục với một tốc độ mà ít người ngờ tới.
Nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng 5,6% trong năm nay.
Khu vực đồng tiền chung châu Âu rất có thể sẽ đạt được mức tăng trưởng ấn tượng 5,2%.
Chỉ một năm trước thôi, những con số dự báo đối với hai khu vực này lần lượt chỉ là 3,2% và 3,6%. Không nhiều người có thể tưởng tượng ra một viễn cảnh tươi sáng đến như vậy. Và theo báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu, "sản lượng nền kinh tế các quốc gia thuộc OECD đang tiệm cận với ngưỡng trước đại dịch".
Nhu cầu tiêu dùng đã có bước nhảy vọt mạnh mẽ khi phần lớn người dân bị "cầm chân" tại nhà trong một khoảng thời gian dài và có rất ít cơ hội được mua sắm. Thêm vào đó, họ cũng được hưởng lợi từ các gói hỗ trợ từ chính phủ. Các hoạt động sản xuất cũng được đẩy mạnh nhằm đón đầu nhu cầu rất lớn từ thị trường. Tỷ lệ thất nghiệp cũng đã giảm mạnh tại nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ.
Nguồn tiền đầu tư vào thị trường chứng khoán và tiền điện tử được ghi nhận ở ngưỡng cao chưa từng có trong tiền lệ, và đây chính là những thị trường "ngược dòng" trong cuộc khủng hoảng dịch bệnh vừa qua.
Không thể phủ nhận những chính sách tiền tệ nới lỏng đã góp công rất lớn trong việc duy trì tính ổn định của nền kinh tế trong quãng thời gian xảy ra đại dịch Covid-19, đồng thời là đòn bẩy để cho các nền kinh tế hồi sinh mạnh mẽ khi dịch bệnh có dấu hiệu hạ nhiệt. Thế nhưng, chính những chính sách này đã mang lại một hệ quả không mong muốn: Lạm phát. Gánh nặng áp lực một lần nữa đè nặng lên vai các ngân hàng Trung ương, buộc họ phải thay đổi. Và đây có lẽ chính là dấu chấm hết cho kỷ nguyên "tiền rẻ".
Ngân hàng trung ương Anh chính là cơ quan tài chính lớn đầu tiên tiến hành lãi suất kể từ khi đại dịch bùng nổ. Ngân hàng này đã nâng mức lãi suất từ 0,1% lên 0,25% khi áp lực lạm phát ngày một lớn.
Lạm phát tại Anh đã chạm ngưỡng cao nhất trong vòng 10 năm qua hồi tháng 11/2021. Chỉ số giá tiêu dùng CPI đã tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước đó, cao hơn nhiều so với mức lạm phát mục tiêu 2% mà ngân hàng Trung ương quốc gia này đặt ra. Ngân hàng này dự báo lạm phát sẽ vẫn duy trì ở ngưỡng xung quanh 5% trong phần lớn giai đoạn mùa đông và có thể sẽ đạt đỉnh 6% trong tháng 4 năm nay.
Trong khi đó, thị trường lao động đã chứng kiến sự phục hồi ấn tượng. Có khoảng 257.000 người tìm được công việc mới trong tháng 11 vừa qua.
Tại Mỹ, Fed cũng đang lên kế hoạch thắt chặt chính sách tiền tệ ban hành trong thời gian dịch bệnh. Cơ quan này cũng sẽ gia tăng tốc độ siết hỗ trợ, ám chỉ lãi suất có thể được nâng sớm hơn so với dự định, theo báo cáo cuộc họp mới nhất.
Trong bối cảnh lạm phát tăng cao và thị trường lao động có những bước cải thiện rõ rệt, các thành viên hội đồng hoạch định chính sách của Fed đã bỏ phiếu kín về việc đẩy nhanh thời điểm kết thúc chương trình thu mua trái phiếu. Họ cũng tiết lộ rằng rất có thể sẽ có 3 đợt tăng lãi suất trong năm nay. Trong một thông báo phát đi trong tháng 11/2021, Fed sẽ cắt giảm 15 tỷ USD tiền thu mua tài sản hàng tháng của mình và con số này sẽ tăng gấp đôi kể từ tháng 1.
Chương trình thu mua tài sản là một phần chiến lược ổn định hóa hệ thống tài chính khi Fed lo sợ rằng các lệnh phong tỏa sẽ khiến cho nền kinh tế toàn cầu bị tê liệt. Việc đẩy nhanh quá trình siết hỗ trợ đồng nghĩa với việc chương trình này có thể sẽ kết thúc vào tháng 3 thay vì tháng 6 như dự kiến trước đó.
Trong khi đó, ECB lại đã đưa ra quyết định sẽ từ từ siết chặt các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh, trong bối cảnh biến chủng Omicron có thể sẽ gây ảnh hưởng lớn tới đà phục hồi của nền kinh tế cho dù lạm phát liên tục ghi nhận ở mức cao. Cách tiếp cận thận trọng này được thống nhất sau khi 19 quốc gia thành viên đang sử dụng đồng euro nhận định tốc độ phục hồi kinh tế đang có dấu hiệu chững lại sau khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt và tình trạng thiếu hụt nguyên liệu và linh, phụ kiện vẫn diễn ra tương đối nghiêm trọng.
ECB xác nhận họ sẽ kết thúc chương trình thu mua trái phiếu trị giá 2.100 tỷ USD theo đúng kế hoạch trong năm 2022, nhưng cơ quan này vẫn sẽ duy trì tác động của chương trình này thông qua việc chuyển một phần kế hoạch hiện hữu sang một chương trình hỗ trợ khác. Họ cũng cho biết chương trình hỗ trợ đại dịch có thể được tái khởi động trong trường hợp cần thiết.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde chia sẻ rằng sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng đang kìm chân đà phục hồi của nền kinh tế và khu vực Eurozone phải chờ tới năm 2022 để có thể quay trở lại với ngưỡng trước đại dịch. Với dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2022, cơ quan này hoàn toàn có lý do để từng bước chấm dứt chương trình thu mua tài sản cho tới thời điểm cuối vào tháng 3.
HẾT "TIỀN RẺ", CÁC NỀN KINH TẾ SẼ RA SAO?
"Taper tantrum" đã trở thành một cụm từ phổ biến tại thời điểm năm 2013. Cụm từ này dùng để miêu tả sự bất ổn gia tăng trên thị trường khi một kỷ nguyên "tiền rẻ" kết thúc. Ở thời điểm cuối năm 2021, khi nhiều chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ vẫn đang được áp dụng nhằm ngăn cản những vấn đề kinh tế xuất phát từ dịch bệnh, cụm từ này một lần nữa "nóng" trở lại, trong bối cảnh Fed đã đánh tiếng về việc các chính sách nới lỏng định lượng sẽ sớm kết thúc và lãi suất sẽ được nâng trở lại.
Đối với các thị trường mới nổi, mối quan ngại lớn nhất tới từ kế hoạch siết hỗ trợ đó chính là tình trạng dòng vốn chảy ra khỏi nền kinh tế. Khi lãi suất tăng, đồng USD sẽ mạnh hơn. Điều này sẽ gián tiếp làm suy yếu các đồng tiền nội tệ của các nền kinh tế mới nổi cũng như mức độ hiệu quả của các đợt tăng lãi suất thực hiện bởi ngân hàng Trung ương tại đây. Điều này đang xảy ra tại Nga và Brazil. Tại nền kinh tế số 1 khu vực Nam Mỹ-Latinh, ngân hàng Trung ương quốc gia này đã tiến hành nâng lãi suất sau cuộc họp diễn ra hồi cuối tháng 10/2021.
Khi cựu chủ tịch Fed, Ben Bernanke, khiến cho thị trường bàng hoàng hồi năm 2013 khi tiết lộ cơ quan này sẽ sớm kết thúc chương trình thu mua trái phiếu, thị trường chứng khoán đã ngay lập tức giảm điểm.
Khi Fed siết hỗ trợ và dần dần giảm khối lượng thu mua trái phiếu, số lượng trái phiếu trên thị trường sẽ tăng lên, qua đó khiến giá trái phiếu giảm xuống. Và hệ quả là, trái phiếu sẽ trở nên hấp dẫn hơn so với cổ phiếu, điều khiến cho thị trường chứng khoán lao dốc. Bên cạnh đó, khi lạm phát hạ nhiệt, giá cổ phiếu cũng sẽ giảm khi giá trị của đồng tiền tăng lên. Tuy nhiên, tính tới thời điểm hiện tại, thông báo siết hỗ trợ của Fed chưa có nhiều tác động lên các chỉ số chứng khoán chính tại Mỹ cũng như nhiều quốc gia khác.
Quá trình siết lãi suất cũng sẽ có tác động lên đồng USD.
Quỹ đạo của đồng USD là một yếu tố quan trọng đối với các nhà đầu tư vì nó sẽ tác động lên nhiều mặt từ giá cả hàng hóa cho tới lợi nhuận doanh nghiệp. Lãi suất tăng sẽ khiến cho các loại hình tài sản gắn liền với đồng tiền này trở nên hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư mong muốn tìm kiếm lợi nhuận. Siết hỗ trợ đồng nghĩa với việc đồng USD sẽ tăng giá. Một đồng tiền thường tăng giá khi lãi suất ngắn hạn nội địa tăng lên.
Fed đã liên tục đánh tiếng về việc sẽ thắt chặt các chính sách hiện tại, và các thị trường cũng đang giao dịch với tâm lý lãi suất sẽ tăng trong thời gian tới. Điều này là một cú hích đối với đồng USD trong một môi trường đầy rẫy những rủi ro và biến động. Và như đã đề cập ở trên, nếu như Fed cắt giảm thu mua tài sản nợ, sẽ có ít USD lưu hành trên thị trường hơn.
Trên thực tế, chúng ta cũng không cần phải quá lo lắng.
"Ngay cả khi Fed kết thúc kế hoạch siết hỗ trợ trong năm nay, lượng tiền kỷ lục trong hệ thống vẫn sẽ được duy trì", Teresa Ho, một quản lý tại J.P. Morgan Securities, giải thích, theo ghi nhận của Chase.com.
Trong quá trình thực hiện siết hỗ trợ, Fed vẫn sẽ bơm các gói hỗ trợ vào nền kinh tế. Sự dư giả tiền trong hệ thống sẽ có ít biến động. Chỉ trong trường hợp tài sản của Fed sụt giảm, mức độ tiền trên thị trường mới có nguy cơ giảm xuống, nhưng "điều đó sẽ không sớm xảy ra", Ho chia sẻ.
Dựa trên điều đó, "chúng tôi không nhận thấy bất cứ sự thắt chặt đáng kể nào đối với các điều kiện tài chính một khi Fed kết thúc siết hỗ trợ".
Các đơn vị giao dịch trái phiếu và tiền tệ tại khu vực Đông Nam Á cũng không nên cảm thấy quá lo lắng về quá trình siết hỗ trợ của Fed, trong bối cảnh các thị trường này đã có sự chuẩn bị tốt hơn nhằm chống chọi lại với những cú sốc ngoại lai.
Nguồn dự trữ ngoại tệ dồi dào và việc đồng tiền của họ đang được định giá thấp chính là chiếc khiên bảo vệ các thị trường trong khu vực này trước một làn sóng bán tháo sau khi Fed đánh tiếng về việc đẩy nhanh cắt giảm thu mua trái phiếu. Trong khi vẫn tỏ ra tương đối thận trọng, nhiều chuyên gia phân tích nhận định rằng một hiện tượng "taper tantrum" như đã diễn ra hồi năm 2013 sẽ không lặp lại.
Đừng quá sợ hãi trước những gì đang xảy ra!