DMagazine

Hé lộ những bí mật về "tỷ phú tay chơi" Toyota, đế chế ô tô Nhật Bản

(Dân trí) - Người ta vẫn nói vui là "Ai có bằng lái xe thì phải biết đến Toyota". Nhưng liệu bạn có biết gì về người đàn ông là thế hệ thứ ba đứng sau hãng ôtô hàng đầu thế giới này?

Có ông nội là người sáng lập Toyota. Có bố là người nối quyền điều hành Toyota. Thế nhưng Akio Toyoda không muốn khoe khoang xuất xứ và gia thế của mình. Thậm chí, ông còn muốn giấu nhẹm điều đó. Ngay cả sau khi nắm quyền chủ tịch công ty vào năm 2009, ông chủ thế hệ thứ ba của Toyota hiếm khi công khai nhắc đến gia đình mình.

Dù vậy, dưới áp lực ngày một lớn trong ngành công nghiệp ô tô luôn thay đổi chóng mặt và khó đoán định mỗi ngày, Akio cuối cùng cũng nhận ra được "sức nặng" mà cái tên Toyoda đặt lên vai ông.

Có lẽ là lần đầu tiên trong lịch sử của Toyota Motor Corp., người đứng đầu rũ bỏ lớp rêu màu xám của những người tiền nhiệm để khoác lên một tấm áo mới hào nhoáng, cá tính hơn cho Toyota. Phong cách này luôn duy trì trong suốt thời gian ông dẫn dắt hãng ô tô lớn nhất Nhật Bản này. 

ÁP LỰC DI SẢN VÀ ĐOẠN ĐƯỜNG KHÔNG BẰNG PHẲNG...

"Kể từ ngày đầu tiên trở thành chủ tịch, tôi đã luôn tìm kiếm người kế nhiệm mình. Nhưng sau 10 năm, tôi thấy rằng để tìm được người đúng ý không dễ", Akio chia sẻ trên Automotive News. 

Osamu Katayama, một cây bút kỳ cựu của làng xe Nhật Bản, dự đoán rằng Akio sẽ chọn một "giám đốc điều hành làm công ăn lương" làm người kế nhiệm cho đến khi con trai duy nhất của ông, Daisuke, 31 tuổi, đủ kinh nghiệm để dẫn dắt thế đế chế kinh doanh khổng lồ này. Đây cũng là cách người tiền nhiệm đã áp dụng.

Eiji Toyoda, em họ của Kiichiro Toyoda - người sáng lập hãng ôtô và là ông nội của Akio - điều hành công ty từ năm 1967 đến năm 1982. Cha của Akio, Shoichiro Toyoda, là chủ tịch từ năm 1982 đến năm 1992. Tatsuro Toyoda, chú của Akio và em trai của Shoichiro, sau đó lãnh đạo cho đến năm 1995.

3 chủ tịch tiếp của Toyota không ai là người thân ruột thịt của Akio cho đến khi ông bước vào tuổi 53. Akio lên nắm quyền cao nhất vào tháng 6/2009 trong bối cảnh hỗn loạn của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Hé lộ những bí mật về tỷ phú tay chơi Toyota, đế chế ô tô Nhật Bản - 1

Akio Toyoda (Ảnh: Getty).

Thực tế thì thông tin về Daisuke, con trai duy nhất của Akio, không được công khai nhiều. Mọi người chỉ biết anh cũng thích lái xe như cha, cũng học đại học Keio danh giá như cha và sau đó cũng được đào tạo ở đại học Babson, Massachusetts, Mỹ - vốn nổi tiếng với khả năng đào tạo "con ông cháu cha" để tiếp quản việc kinh doanh gia đình. Anh gia nhập Toyota vào năm 2016 và từ 2018 đến nay làm việc ở Viện nghiên cứu Toyota - phân nhánh phụ trách xe tự lái và trí thông minh nhân tạo nằm ở Tokyo. Anh nói tiếng Anh lưu loát, thành thục.

"Mọi người luôn bảo tôi không bao giờ nên nói về gia đình. Họ cứ làm như tôi được quyền lựa chọn sinh ra trong gia đình nào vậy, đó quả thật là một nỗi đau đầu khó giải quyết tồn tại hết năm này qua năm khác", Akio cho biết.

Akio cũng từng có một câu nói nổi tiếng về áp lực mang tên "dòng máu Toyoda": "Người mang dòng máu Toyota không được phép lặp lại sai lầm lần thứ hai". Thế mới biết phải rơi vào hoàn cảnh như Akio và Daisuke, chúng ta có lẽ mới hiểu rõ được dòng máu Toyoda cũng đặt nặng áp lực lên họ như thế nào.

Và thực tế là đến giờ, Akio vẫn đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Toyota. 

Nhìn lại cả quá trình của tỷ phú thế hệ thứ ba này mới thấy công cuộc dẫn dắt "hãng xe quốc dân" của ông vốn không hề dễ dàng, bằng phẳng. 

Ngay sau khi Akio được bổ nhiệm làm Chủ tịch, Toyota đã phải trải qua một thời gian thử thách, khó khăn nhưng Akio đã truyền cho công ty đang sa sút một tinh thần, sức sống mới, giúp nó hồi phục mạnh mẽ. Nhờ sự lãnh đạo của Akio, Toyota một lần nữa trở lại tiêu đề khi trở thành nhà sản xuất ô tô hàng đầu thế giới vào năm 2012. Cũng trong năm 2012, ông đã được vinh dự nhận giải thưởng "Autocar's Man of the Year".

Trong bức thư gửi cho toàn thể nhân viên Toyoda, chủ tịch Akio Toyoda chân thành chia sẻ câu chuyện của bản thân. "Thách thức đối với tôi là tôi được sinh ra với cái tên Toyoda và người khác (đặc biệt ở Nhật Bản) luôn nhìn tôi bằng ánh mắt định kiến hoặc kỳ vọng lớn. Tôi muốn thoát ra khỏi gánh nặng đó, muốn chứng tỏ cho mọi người thấy tôi là ai, chứ không mặc định là người thừa kế của dòng họ Toyoda".

Nhưng đến năm 2017, Akio thực sự cảm nhận được áp lực "di sản Toyoda" tạo ra. Trước những khó khăn của ngành công nghiệp xe hơi và sự tấn công của xe tự hành, điện hóa, các đối thủ bất ngờ tới từ Trung Quốc hay Thung lũng Silicon, Akio không muốn bỏ cuộc, mà ngược lại ông đứng lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết, phá bỏ mọi rào cản quanh mình để chứng minh thực lực bản thân.

"Có lẽ bạn đã từng nghe đến câu nói rằng kinh doanh đến đời thứ 3 thì hỏng, đó là câu nói tôi đã nghe đi nghe lại không biết bao nhiêu lần trong suốt cuộc đời mình. Tôi ở đây để chứng minh điều đó là sai!", ông từng chia sẻ tại một buổi gặp mặt các nhà đầu tư tổ chức ở tổng hành dinh Toyota Bắc Mỹ tại Texas.

KINH DOANH ĐẾN ĐỜI THỨ BA LÀ HỎNG? SAI! 

Kể từ đó đến nay, "chứng minh điều đó là sai" đã trở thành kim chỉ nam của Toyoda. Tính cách ông cũng thay đổi hoặc trở về đúng bản ngã, không còn kín tiếng như bố và ông mình trước đó.

Lấy ví dụ từ sự kiện ngoài lề We Love Cars tại triển lãm Tokyo 2017 với cuộc trò chuyện theo phong cách talk show xoay quanh mọi thứ liên quan tới Akio. Toàn bộ các dòng xe ông từng sử dụng trên đường đua đều góp mặt từ Lexus LFA, Toyota Altezza cho tới chiếc Toyota 86 Gazoo Racing đen - đỏ - trắng đặc trưng của đội đua GR.

Sân khấu được tái tạo đúng 100% quán bar Đức tại Dorint am Nurburgring Hocheifel - khách sạn mà Akio Toyoda từng ở khi tham dự giải đua 24 giờ tại Nurburgring. Đúng giờ, ông xuất hiện trên chiếc xe đầu tiên mình sở hữu là Corolla 1600 GT 1970. Hành động sau đó của ông còn khiến toàn bộ người hâm mộ ở đó bàng hoàng hơn khi biểu diễn vài vòng doughnut ở bãi gửi xe.

Hé lộ những bí mật về tỷ phú tay chơi Toyota, đế chế ô tô Nhật Bản - 2

"Tay chơi" thứ thiệt với đam mê đua xe (Ảnh: Getty).

Thật khó để tin được CEO của một tập đoàn ô tô hàng đầu như Akio lại có màn trình diễn như vậy nhưng với những người có mặt lúc đó và cả những fan hâm mộ toàn cầu biết tới sự việc trên, đó là minh chứng tiêu biểu làm họ tin tưởng rằng Akio có thể làm được việc mà mình đã tuyên bố, đó là mang những chiếc xe có trải nghiệm lái phấn khích nhất quay lại với khách hàng Toyota.

Tatsuo Yoshida, nhà phân tích ô tô cấp cao tại Sawakami Asset Management Inc. Akio cho biết, đó là một sự khác biệt lớn so với những quầy trưng bày buồn tẻ trước đây. Theo ông, Akio đã học cách sử dụng khéo léo sức mạnh thương hiệu từ tính cách của mình như một biểu tượng của Toyota và dòng máu Toyoda.

"Trước đây, gia đình không ở phía trước mà ủng hộ từ phía sau", Yoshida nói. "Nhưng Akio nhận ra rằng im lặng không hoàn toàn tốt, rằng ông cần phải thể hiện bản thân".

 Toyoda không phản đối. Ông nói: "Đôi khi, cái tên mang lại cho bạn nhiều lợi ích".

Nhờ những nỗ lực bền bỉ và tư duy khác biệt của Akio, Toyota đã có những bước phát triển nổi bật dưới thời lãnh đạo của ông. Đặc biệt, năm 2021, Akio ông đã vinh dự được bình chọn là "Nhân vật của làng xe thế giới". Đây có thể coi là sự ghi nhận cho những cống hiến của ông với Toyota nói riêng và ngành sản xuất ô tô toàn cầu nói chung.

BỊ HOÀI NGHI VÌ PHONG CÁCH KHÁC BIỆT

Thú tiêu khiển ưa thích của Akio là đua xe, không phải xem qua màn hình mà là trực tiếp cầm lái. Ông vẫn thi thoảng xuất hiện đi chơi với những người bạn nổi tiếng như siêu sao bóng chày Nhật Bản đã nghỉ hưu Ichiro Suzuki, khi thì lại xuất hiện trên sóng truyền hình làm DJ khách mời cho chương trình nào đó.

Các nhân viên và những người khác quen biết thường gọi ông đơn giản là Akio, phong cho ông chủ Toyota một danh hiệu hiếm hoi. Thỉnh thoảng, Akio đóng vai "Morizo" một bản ngã vui tươi với niềm yêu thích tốc độ, quần áo trẻ trung và kính mắt hipster gọng dày.

Akio xuất hiện trước công chúng với nụ cười tươi tắn, sự hoạt bát, tự tin đi kèm nét nam tính mạnh mẽ. Nếu Toyota nghiêm túc trong việc chế tạo các mẫu xe mang lại trải nghiệm năng động, thể thao (phần nào đó làm liên tưởng tới hình ảnh Akio), ông cũng không ngần ngại khuyến khích, thúc đẩy họ hiện thực hóa tham vọng của mình.

Trong làng xe hiện tại, có lẽ chỉ còn Carlos Ghosn, cựu CEO Renault - Nissan đang dính vào bê bối không lối thoát, là có sức hút, tầm nhìn và tham vọng như Akio Toyoda.

Nhưng đó cũng chính là điều làm không ít người theo dõi tập đoàn Nhật lo ngại.

"Chúng ta cần quan sát thật gắt gao Akio để ông không trở thành một Carlos Ghosn thứ 2" - Osamu Katayama, cây bút kỳ cựu của làng xe Nhật nêu bên trên, nhận định. Osamu từng viết sách về Toyota và đang sáng tác dở một bộ truyện 20 phần về Toyoda cho tạp chí Toyo Keizai. Có thể nói ông là người "ngoài" hiếm hoi có cái nhìn cực kỳ rõ ràng về vị lãnh đạo danh tiếng.

"Ở Akio toát ra một sức hút lớn tới nỗi những người xung quanh và ngay cả những nhà phê bình ông đều khó có thể từ chối một điều gì đó từ ông", Osamu chia sẻ. Lo ngại về một vị lãnh đạo lạm quyền, dùng việc công vào việc riêng của ông không phải là không có cơ sở bởi Toyoda hoàn toàn có đủ điều kiện làm vậy. Câu hỏi đặt ra là liệu ông có muốn làm hay không?

Trong số những cánh tay đắc lực nhất của Akio Toyoda, giám đốc tài chính Koji Kobayashi có tiếng nói tác động được lớn nhất tới ông. Không chỉ là một trong những "giám sát viên" luôn theo sát bên cạnh Akio, Kobayashi còn được nhiều người biết đến như một "khóa an toàn" sẵn sàng nói không với nhà lãnh đạo hàng đầu.

"TÔI LUÔN CÓ THỂ BỊ SA THẢI BẤT CỨ LÚC NÀO"

Cùng với lợi ích, cái tên Toyoda mang tới cho Akio trách nhiệm nặng nề. Ông thừa nhận rằng ông cảm thấy áp lực vì phải đảm bảo sự thành công của công ty trong nhiều thập kỷ tới - không chỉ đối với 370.000 nhân viên mà còn vì nghĩa vụ với những người đi trước đã xây dựng Toyota thành công ty như ngày nay.

Hé lộ những bí mật về tỷ phú tay chơi Toyota, đế chế ô tô Nhật Bản - 3

Akio được nhận xét là khác biệt so với những tỷ phú khác (Minh họa: cincodias.elpais.com).

Toyoda nói: "Ba người nhà Toyoda được lưu danh tại Đại sảnh Danh vọng làng xe hơi, đó là Eiji, Shoichiro và Kiichiro. Công chúng công nhận những đóng góp của cha họ. Và tôi phải làm việc chăm chỉ để trả ơn những thế hệ sáng lập đó".

"Tôi tôn trọng cha tôi như một người cha, nhưng tôi cũng tôn trọng ông như một chủ tịch đáng kính", Akio chia sẻ.

Toyoda toát lên thần thái của một nhà sáng lập mặc dù ông thiếu sự kiểm soát tài chính của người sáng lập.

Các triều đại ô tô khác, chẳng hạn như Fords, gia tộc Quandt của BMW và gia đình Porsche tại Tập đoàn Volkswagen, có cổ phần đáng kể trong các công ty của họ nhằm hợp pháp hóa ảnh hưởng quá lớn.

Ở Toyota thì không như vậy. Gia đình Toyoda tiếp tục giữ vững phong độ nhờ vào một loạt các thành viên gia đình lớn với các vị trí lãnh đạo tại các công ty thuộc Tập đoàn Toyota. Chẳng hạn, người nhà Toyoda vẫn giữ chức chủ tịch tại Aisin Seiki Co., Toyota Boshoku Corp. và Toyota Industries Corp.

Một cấu trúc tổ chức chéo nhóm phức tạp càng làm tăng thêm ảnh hưởng của gia đình. Tuy nhiên, Akio và bố của ông, Shoichiro, cộng lại chỉ sở hữu dưới 1% cổ phần của Toyota Motor, chứ chưa nói đến cả tập đoàn.

Zuhair Khan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Nhật Bản tại Jefferies Group và là một chuyên gia về quản trị công ty Nhật Bản, cho biết việc một gia đình như vậy giữ quyền kiểm soát các thế hệ kế tiếp hoàn toàn hợp lý nếu có một ủy ban quản lý độc lập để đảm bảo những người điều hành trong gia đình có đủ năng lực. Trên thực tế, ngay cả những khoản nắm giữ nhỏ cũng có thể có một vị thế đặc biệt.

"Ở Nhật Bản, gia đình sáng lập thường được coi là một cổ đông "hợp pháp", tạo ra sự trái ngược với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, những người giao dịch để kiếm lợi nhanh chóng. Bất kỳ ai có cổ phần, dù nhiều hay ít, đều được coi là những cổ đông "thực sự", và các gia đình sáng lập là một phần trong số đó."

Trên thực tế, việc nắm giữ số ít cổ phần mang lại áp lực khá lớn cho Akio.

"Vì họ là chủ doanh nghiệp nên vị thế của họ được đảm bảo. Nhưng với tôi thì không", Akio Toyoda nói. "Tôi phải đảm bảo rằng ngày này qua ngày khác, các bên liên quan, chẳng hạn như nhà đầu tư, nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp và bất cứ ai, cảm thấy hạnh phúc khi có tôi ở vị trí này. Tôi hoàn toàn có thể bị sa thải vào ngày hôm sau. Thông thường, mọi người trong công ty hoặc từ bên ngoài nói rằng họ ghen tị với tôi vì tôi xuất thân từ gia đình và chủ tịch. Nhưng tin tôi đi, mọi chuyện không dễ dàng như vậy".

Điều này chứng tỏ rằng Akio là một người có óc thực tế. Nếu mọi việc diễn ra không như ý muốn, hoặc nếu ông không thể hiện không tốt, ông biết rằng có khả năng ông sẽ bị sa thải. Tuy nhiên, dù bị sa thải khỏi vai trò chủ tịch thì Akio sẽ vẫn có một số ảnh hưởng nhất định đến công ty.

Theo Katayama, bất kỳ ai kế nhiệm Akio cũng sẽ bị áp lực. "Akio có ý thức sâu sắc về việc đó là một công việc kinh doanh của gia đình. Đối với ông, việc trở thành chủ tịch gần như là quyền bẩm sinh", Katayama nói. "Vì vậy, sẽ rất khó khăn cho chủ tịch tiếp theo dưới quyền chủ tịch của Akio. ... Liệu Akio có thể đào tạo người kế nhiệm của chính mình hay không là một trong những thách thức của ông".

Tuy nhiên, trước khi bàn giao, Akio có công việc kinh doanh chưa hoàn thành. Ông nói rằng ông đang bắt đầu "thay đổi toàn bộ mô hình" của công ty. Nhìn lại nhiệm kỳ của mình, Akio cho biết ông đã dành 1/3 đầu tiên để phản ứng với các cuộc khủng hoảng - từ suy thoái tài chính và sự tăng tốc đột ngột của Toyota cho đến trận động đất-sóng thần chết người ở Nhật Bản. Phần ba thứ hai đã được dành để tập hợp lại.

Hé lộ những bí mật về tỷ phú tay chơi Toyota, đế chế ô tô Nhật Bản - 4

Từ việc cảm thấy áp lực với cái tên và xuất thân, "tỷ phú thứ ba" của Toyota dần biến thành động lực (Ảnh: automundo.com.ar).

Ông cho biết, chỉ trong những năm gần đây, ông mới bắt đầu tái cấu trúc Toyota để đối đầu với những thách thức của tương lai, bao gồm điện khí hóa, kết nối và lái xe tự động.

"Trong 10 năm qua, tôi luôn sẵn sàng cho sự thay đổi," ông nói. "Nhưng tôi chưa thể hoàn thành nó".

Nhiệm vụ của ông bây giờ là chuyển giao vấn đề đó cho người kế nhiệm để chạy nước rút từ những bước khởi đầu. Akio nói: "Tôi phải bắt đầu bằng việc cải tổ văn hóa công ty để tạo tiền đề cho tương lai. Tôi hy vọng việc cải cách này sẽ hoàn thành trước khi tôi chuyển giao chiếc quyền chủ tịch, để người kế nhiệm tôi có thể hoàn toàn tập trung vào tương lai của Toyota ngay từ ngày đầu tiên nhậm chức".

Giờ, con trai Akio Toyoda cũng đã tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình. Ông từng dặn dò con trai không cần phải che giấu di sản của gia đình. Đối với Akio Toyoda, gia đình là nguồn sức mạnh và niềm tự hào.

 "Bạn không cần phải giấu giếm về gia đình vì đó là một phần của con người bạn," Akio Toyoda nói trong một cuộc phỏng vấn, trong đó ông đã suy ngẫm về gánh nặng của tổ tiên mình và thập kỷ đầu tiên của ông khi lãnh đạo một trong những công ty được ngưỡng mộ nhất thế giới.

"Bạn có thể nói về gia đình mình khi được hỏi. Bạn hoàn toàn có thể tự hào về nó".

Với một vài người, lấy gia đình làm trọng tâm của cả hệ thống kinh doanh mang đến cảm giác lỗi thời bởi thời đại ngày nay tập đoàn nào mà chẳng hoạt động theo cấu trúc cổ đông. Gia đình sáng lập mà không có đủ cổ phần để ra quyết định trong tập đoàn thì sao phải sợ?

Với một vài người khác, gia đình là nền tảng, là truyền thống, là biểu tượng của tập đoàn để họ có thể tập hợp xung quanh.

Zuhair Khan cho rằng: "Mọi chuyện thực sự bắt đầu thay đổi. Nhưng gia đình cũng là những người có khả năng quan tâm đến công ty nhất. Tên của họ được ghi trên công ty, và họ có xu hướng sở hữu nhiều cổ phiếu".