DNews

Hé lộ lý do Apple được gọi là "thần chết": Ăn cắp ý tưởng, "cướp" người

Phương Liên

(Dân trí) - Apple bị cáo buộc ăn cắp ý tưởng và bản quyền của những công ty công nghệ nhỏ thông qua việc tiếp cận mời hợp tác, lôi kéo nhân viên rồi phát triển công nghệ tương tự.

Hé lộ lý do Apple được gọi là "thần chết": Ăn cắp ý tưởng, "cướp" người

Joe Kiani, nhà sáng lập start up Masimo, cảm tưởng mình đang mơ khi nhận được đề nghị hợp tác với Apple. Masimo là công ty chuyên sản xuất các thiết bị đo lường oxy trong máu và công nghệ của công ty ông được cho là hoàn toàn phù hợp cho sản phẩm Apple Watch.

Chẳng bao lâu sau lời đề nghị, Apple bắt đầu lôi kéo các nhân viên của Masimo, từ kỹ sư đến giám đốc phụ trách y tế với mức lương cao gấp đôi.

Đến năm 2019, Apple đăng ký bản quyền công nghệ dưới tên một cựu kỹ sư của Masimo và thiết bị cảm biến này cũng có chức năng tương tự của ông Kiani. Và một năm sau đó, Apple Watch ra đời với chức năng đo oxy trong máu.

"Nụ hôn thần chết"

"Khi Apple quan tâm đến một start up nào đó thì đây có thể là một "nụ hôn thần chết". Đầu tiên, bạn sẽ rất hứng khởi nhưng rồi sẽ nhận ra đây chỉ là một kế hoạch dài hơi để Apple có thể tự phát triển công nghệ và chiếm hữu tất cả. Khoảng 95% iPhone của Apple được sản xuất tại Trung Quốc và đừng hỏi tôi họ học được điều này từ đâu", ông Kiani chia sẻ.

Ông cũng chỉ là một trong hơn 20 giám đốc, nhà phát minh, nhà đầu tư và luật sư tố cáo Apple ăn cắp ý tưởng để phục vụ cho lợi ích doanh nghiệp.

Hé lộ lý do Apple được gọi là thần chết: Ăn cắp ý tưởng, cướp người - 1

Ông Joe Kiani đã sáng lập Masimo, công ty sản xuất các thiết bị đo lường oxy trong máu (Ảnh: WSJ).

Đầu tiên Apple sẽ đến nói chuyện hợp tác hoặc bày tỏ mong muốn tích hợp công nghệ mới vào hệ sinh thái nhà táo khuyết. Thế rồi đàm phán sẽ bất ngờ bị hoãn lại và "hãng táo khuyết" tung ra những tính năng tương tự trên sản phẩm của mình.

Phía Apple khẳng định mình không hề ăn cắp công nghệ của ai, luôn tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ của những doanh nghiệp khác và các quy định của pháp luật. Ông lớn công nghệ cho rằng chính Masimo và các công ty khác mới sao chép Apple.

Thế nhưng, Apple bị cho là đã cố gắng vô hiệu hóa hàng trăm bằng sáng chế thuộc sở hữu của những công ty nhỏ. Cụ thể, gã khổng lồ công nghệ sẽ nộp nhiều đơn khiếu nại cho một bằng sáng chế nhằm làm mất hiệu lực của nó thông qua các vụ kiện chẳng hề liên quan đến tranh chấp ban đầu.

Tuy nhiên, đây không phải lần đầu Apple bị tố cáo ăn cắp ý tưởng từ những doanh nghiệp nhỏ hơn. Cách đây 20 năm, công ty đã cho ra mắt một phần mềm có tên Sherlock, giúp người dùng tìm kiếm các tệp trên máy tính hoặc nền tảng tìm kiếm internet.

Nhưng ngay khi một doanh nghiệp khác là Watson phát triển ứng dụng tiên tiến hơn cùng nhiều tính năng vượt trội. Apple đã nhanh chóng phát hành phiên bản cập nhật với các tính năng tương tự. Theo những kỹ sư đã phát triển Wastson, chính nhà sáng lập Steve Jobs đã đích thân gọi cho họ để biện minh hành động này.

Các doanh nghiệp có 2 cách để tố cáo Apple là đệ đơn kiện hoặc khiếu nại công khai nhằm thu hút sự chú ý của giới chức Mỹ, những người đang nhắm vào xu hướng phát triển độc quyền của Apple.

Vô hiệu hóa bằng sáng chế của đối thủ

Không chỉ mỗi Masimo và Wastson, nhiều doanh nghiệp nhỏ khác cũng tố cáo gã khổng lồ thung lũng Silicon đang ăn cắp công nghệ của mình.

Năm 2016, hãng AliveCor Inc đã phát triển một thiết bị đo điện tâm đồ hoàn toàn tương thích với Apple Watch. Trước khi sản phẩm được ra mắt, nhà sáng lập David Albert của AliveCor đã được mời đến trụ sở chính của Apple ở California để gặp gỡ với giám đốc vận hành Jeff Williams.

Khi đó, ông Albert đã đeo một thiết bị lên cổ tay của ông Williams và kiểm tra nhịp tim của ông. Sau đó vị lãnh đạo Apple đã nói với nhà khởi nghiệp này rằng: "Chúng tôi rất muốn được hợp tác với ông, nhưng sau này có thể chúng tôi sẽ cạnh tranh với ông đấy".

Một năm sau, AliveCor đã trở thành phụ kiện y tế đầu tiên cho Apple Watch được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) chứng nhận.

Hé lộ lý do Apple được gọi là thần chết: Ăn cắp ý tưởng, cướp người - 2

Apple thường xuyên vướng phải những cáo buộc ăn cắp ý tưởng và công nghệ (Ảnh: WSJ).

Nhưng đến năm 2018, Apple ra mắt Apple Watch Series 4 có tích hợp đo điện tâm đồ mà không cần phụ kiện của AliveCor. Hãng công nghệ Mỹ thậm chí còn cập nhật hệ điều hành theo hướng chặn các phần mềm lẫn phần cứng của AliveCor. Chỉ một năm sau đó, start up này buộc phải ngừng bán phụ kiện cho Apple Watch.

Năm 2021, AliveCor đã đệ đơn kiện vi phạm quyền sở hữu trí tuệ lên Ủy ban thương mại quốc tế (ITC), cáo buộc Apple vi phạm 3 trong số các bằng sáng chế của mình.

Phía Apple cho biết họ đã tự nghiên cứu, phát triển công nghệ đo điện tâm đồ từ năm 2012, tức 3 năm trước khi ra mắt dòng sản phẩm đồng hồ này.

Tháng 12 cùng năm, ủy ban đã ra phán quyết có lợi cho AliveCor và cấm nhập khẩu vào Mỹ bất kỳ Apple Watch nào có tiện ích đo điện tâm đồ.

Để đáp trả, Apple đã đưa tranh chấp lên Hội đồng xét xử quyền sở hữu trí tuệ (PTAB). Đây là đơn vị được thành lập nhằm vô hiệu hóa những bằng sáng chế xấu, giúp các doanh nghiệp đối phó với những kẻ trục lợi.

Nhưng PTAB đã vô hiệu hóa các bằng sáng chế của AliveCor, từ đó vô hiệu hóa lệnh cấm nhập khẩu của ITC trước đó. AliveCor nhanh chóng kháng cáo, đồng thời cho biết Apple còn đang tìm cách vô hiệu hóa nốt 7 bằng sáng chế khác của start up này.

Mạnh tay chi tiền để "cướp" nhân sự

Việc cướp nhân viên từ công ty đối thủ là điều không hề hiếm trong cuộc chiến công nghệ. Nhiều công ty lớn thường lôi kéo nhân viên và công nghệ của các đối thủ tiềm năng, đặc biệt là từ những start up.

Ông Vinod Khosla, Chủ tịch HĐQT của AliveCor, cho biết ông đang chỉ đạo mọi công ty mà mình đầu tư tránh xa các cuộc đàm phán với Apple. "Apple nói chuyện với mọi người, sau đó cố gắng đánh cắp những người giỏi nhất", ông chia sẻ.

Trở lại câu chuyện của Masimo, start up này ra mắt tính năng đo oxy trong máu trong một triển lãm thương mại năm 2013.

Ngay sau đó, ông Adrian Perica, trưởng bộ phận mua lại và sáp nhập của Apple đã gửi email cho Masimo để đề nghị hợp tác chuyên sâu để Apple có thể tương tác với công nghệ này trên sản phẩm.

Tuy nhiên chỉ vài tháng sau đó, giám đốc mảng kỹ thuật y tế là Micheal O'Reilly của Masimo gọi điện cho ông Kiani để thông báo rằng mình sẽ từ chức để gia nhập Apple với mức lương gấp đôi cùng hàng triệu cổ phiếu thưởng.

Hé lộ lý do Apple được gọi là thần chết: Ăn cắp ý tưởng, cướp người - 3

Apple bị cáo buộc ăn cắp các dữ liệu độc quyền bằng cách tuyển dụng nhân viên của các công ty đối thủ (Ảnh: AFP).

Phía Apple thì vẫn trấn an ông Kiani rằng không có gì phải lo lắng và 2 công ty vẫn tiếp tục thảo luận về các kế hoạch tiềm năng. Nhưng rồi hãng công nghệ Mỹ tiếp tục "cướp" thêm 30 nhân viên nữa của Masimo.

Vào năm 2020, Masimo đã kiện Apple lên tòa án ở Nam California, cáo buộc gã khổng lồ công nghệ ăn cắp các dữ liệu độc quyền bằng cách tuyển dụng nhân viên của họ.

Ông Kiani cho biết đến nay, Masimo đã tốn 55 triệu USD (khoảng 1.290 tỷ đồng) cho các vụ kiện chống lại Apple và có khả năng phải trả hơn 100 triệu USD (khoảng 2.346 tỷ đồng) nữa để theo đuổi các vụ kiện với gã khổng lồ công nghệ này.

Kể từ khi thành lập, Apple nổi tiếng về khả năng đổi mới và mạnh tay chi để phát triển các công nghệ của riêng mình. Trong năm 2022, hãng đã chi tới 26 tỷ USD (khoảng 610.000 tỷ đồng) cho nghiên cứu phát triển, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Trong 3 năm trở lại đây, Apple đã trả tiền bản quyền cho 25.000 bằng sáng chế từ các doanh nghiệp nhỏ.

Theo công ty sở hữu trí tuệ Patexia, kể từ năm 2012, Apple cũng là tập đoàn đệ đơn kiện lên PTAB nhiều hơn bất cứ công ty nào khác. Hãng táo khuyết tốn khoảng 500.000 USD (khoảng 11,7 tỷ đồng) để bào chữa cho mỗi vụ kiện và đây là con số quá lớn với các công ty công nghệ nhỏ.

Nội dung: Phương Liên (tổng hợp)