Giá dầu sẽ biến động ra sao trong năm nay?
(Dân trí) - Các chuyên gia dự báo rằng thị trường dầu trong năm 2024 có thể sẽ "dễ thở". Diễn biến thị trường dầu thô năm tới sẽ phụ thuộc vào nguồn cung từ OPEC + và kết quả của các cuộc bầu cử tổng thống.
Thị trường có thể "dễ thở" hơn
Bất chấp những lo ngại về chuỗi cung ứng do căng thẳng ở Trung Đông cũng như triển vọng từ các thị trường lớn như Trung Quốc là chưa vững vàng, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) vẫn đưa ra những quan điểm khá tích cực về thị trường dầu toàn cầu trong năm nay.
Theo người đứng đầu của IEA, thị trường dầu có thể sẽ khá ổn định trong năm nay, khi nguồn cung thị trường hiện không gặp một vấn đề địa chính trị lớn nào gây ảnh hưởng.
"Nếu không có bất ngờ địa chính trị nào, tôi tin rằng thị trường dầu sẽ khá "dễ thở" trong năm nay, dù hiện có vấn đề về vận chuyển qua Biển Đỏ, nhưng tác động lên giá sẽ không quá lớn", ông Fatih Birol, Tổng giám đốc IEA, chia sẻ tại Hội nghị Davos.
IEA dự báo rằng, tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm nay sẽ đạt mức 1,1 triệu thùng/ngày và con số này sẽ được bù đắp bởi mức tăng sản lượng từ các quốc gia ngoài OPEC+, nên về dài hạn thị trường sẽ không có nhiều biến động.
"Cả các nhà sản xuất lẫn người tiêu thụ cần nhận ra rằng thị trường dầu mỏ ổn định sẽ có lợi cho tất cả các bên, và một mức giá dầu vừa phải, ít biến động sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong giai đoạn lạm phát", giám đốc IEA đánh giá.
Những quan điểm từ IEA là tương đối khác biệt so với OPEC khi tổ chức này đưa ra dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu lên đến hơn 2 triệu thùng/ngày trong năm nay. OPEC vẫn đang thảo luận về một chính sách cắt giảm sản lượng chung do lo ngại dư thừa nguồn cung trên thị trường đẩy giá đi xuống trong thời gian tới.
Nguồn cung có thể tăng mạnh
Trong năm 2024, OPEC dự kiến nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng 2,2 triệu thùng/ngày so với năm 2023, không thay đổi so với dự kiến trong báo cáo tháng trước. OPEC cũng đưa ra dự đoán tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt 2,8% trong năm 2025, cao hơn so với dự báo tăng trưởng 2,6% trong năm 2024.
OPEC dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ tăng trưởng mạnh với mức 1,8 triệu thùng/ngày vào năm 2025, do kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ và hoạt động kinh tế ở Trung Quốc tiếp tục vững vàng.
Về nguồn cung dầu mỏ, tổ chức này dự kiến sản lượng dầu ngoài OPEC sẽ tăng 1,3 triệu thùng/ngày trong cả năm 2024 và 2025.
Năm 2023, dầu Brent có giá trung bình 80 USD/thùng. Còn trong năm 2022, giá dầu từng vọt lên trên 100 USD/thùng sau khi nguồn cung từ Nga bị gián đoạn vì xung đột Nga - Ukraine.
Nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng giá dầu năm nay có thể không tăng mạnh do USD mạnh lên, kinh tế nhiều nước chậm lại. Bên cạnh đó, sản lượng từ các nước không nằm trong OPEC cũng tăng mạnh, bất chấp nhu cầu lên cao kỷ lục, vượt 100 triệu thùng/ngày. Xung đột tại Trung Đông cũng chưa kéo giá dầu về lại đỉnh năm ngoái.
Khảo sát của Reuters với hơn 30 nhà phân tích cho thấy năm 2024, giá dầu Brent có thể đạt trung bình 84,4 USD một thùng. Kỳ vọng này được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu dầu năm tới được dự báo tăng 1,1-2,25 triệu thùng/ngày, theo OPEC.
Trong khi đó, nguồn cung năm 2024 được dự báo tăng 1,2-1,9 triệu thùng mỗi ngày, chủ yếu nhờ các nước không nằm trong OPEC, theo nhận định của hãng tư vấn năng lượng Rystad Energy và công ty tài chính J.P Morgan.
Những ẩn số khó đoán
Tuy nhiên, theo giới phân tích, thị trường dầu thế giới trong năm 2024 vẫn còn tồn tại nhiều rủi ro khó đoán và nhà đầu tư vẫn phải theo dõi sát thị trường.
Mức tiêu thụ xăng dầu
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, mức tăng trưởng tiêu thụ xăng dầu toàn cầu trong 2 năm qua đã phản ánh cả mối quan hệ xăng dầu truyền thống gắn với tăng trưởng kinh tế và sự quay trở lại các loại hình du lịch, đặc biệt là các chuyến bay quốc tế.
Chính vì vậy, kỳ vọng về mức tiêu thụ xăng dầu toàn cầu chủ yếu sẽ được thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế và mức độ sử dụng dầu mỏ của nền kinh tế toàn cầu trong những năm tới.
IEA dự báo mức tiêu thụ xăng dầu toàn cầu sẽ tăng 1,4 triệu thùng/ngày trong năm nay và 1,2 triệu thùng/ngày vào năm 2025. Tuy nhiên, cả 2 mức này đều thấp hơn so với mức trung bình trước đại dịch Covid-19.
Các chuyên gia cũng dự báo sự thay đổi công nghệ trong lĩnh vực giao thông vận tải sẽ tiếp tục làm giảm mức độ tiêu thụ dầu mỏ của nền kinh tế toàn cầu. Hiệu quả sử dụng nhiên liệu của những xe ô tô hạng nhẹ là một chỉ số quan trọng trong vấn đề này.
Xe điện và xe hybrid ước chiếm 18% tổng doanh số bán xe của Mỹ trong quý III năm ngoái và chiếm 33% tổng doanh số bán xe tại Trung Quốc, theo dữ liệu của Bloomberg Intelligence. Các chuyên gia cho rằng tiềm năng phát triển của xe điện và xe hybrid sẽ thay thế mức tiêu thụ của xăng dầu trong thời gian tới.
Việc tuân thủ hạn ngạch sản xuất của các nước OPEC+
Trong cuộc họp tháng 11, OPEC+ thống nhất sẽ giảm sản xuất 2,2 triệu thùng/ ngày trong quý đầu năm nay. Nếu các nước này tuân thủ, thị trường dầu thế giới có thể thiếu hụt gần 500.000 thùng/ngày, ngân hàng ANZ nhận định.
"Quý I sẽ là chìa khóa, vì chúng ta có thể đánh giá mức độ tuân thủ của OPEC+", bà Ann-Louise Hittle, chuyên gia của công ty phân tích Wood Mackenzie, nhận định với Reuters. Bà cũng cho rằng các nước này sẽ không cần gia hạn việc cắt giảm tự nguyện sau quý I.
Công ty dữ liệu Energy Aspects thì cho rằng Arab Saudi vẫn sẽ giảm cung trong quý II và sẽ tăng cung lại dần dần sau đó. Tuy nhiên, họ cũng không loại trừ trường hợp nước này lại giảm cung trở lại nếu cần thiết.
Các quốc gia ngoài OPEC
Nhóm nước sản xuất khác không thuộc OPEC như Brazil hay Mỹ, được dự báo tăng sản xuất trong năm 2024. Nguồn cung dầu có thể thắt chặt khi các nhà máy hoạt động trở lại sau đợt bảo dưỡng quý II.
Các chuyên gia cho rằng Mỹ và châu Á có thể cạnh tranh nhau trong việc nhập dầu. Mỹ và Ấn Độ có thể tìm đến Venezuela để mua nhiều dầu hơn. Trung Quốc và Ấn Độ cũng được dự báo tiếp tục dựa vào nguồn cung từ Nga và Iran.
Các cường quốc lớn
Dầu của Venezuela đã quay lại thị trường toàn cầu sau khi Mỹ nới lỏng lệnh trừng phạt lên quốc gia này hồi tháng 10. Việc này sẽ kéo dài trong 6 tháng.
"Cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 tại Mỹ và Venezuela có thể sẽ quyết định số phận dài hạn với lệnh trừng phạt của Mỹ và sản xuất dầu thô của Venezuela", họ đánh giá.
Việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt với hãng dầu PDVSA sẽ giúp sản lượng của Venezuela tăng từ 760.000 thùng năm 2023 lên 880.000 thùng năm sau và 963.000 thùng năm 2025, JP Morgan cho biết.
Nguồn cung dầu của Venezuela đến Mỹ và Ấn Độ hồi phục cũng sẽ tác động đến các loại khác của Iraq và Canada, các nhà buôn cho biết. Lượng dầu thô Mỹ xuất khẩu sang châu Á có thể sẽ tăng khi các nhà máy lọc dầu ở Mỹ nhập nhiều dầu của Venezuela hơn.
Với Nga và Iran, giới phân tích cho rằng lượng dầu của 2 nước này vẫn sẽ chảy ra toàn cầu, bất chấp các lệnh trừng phạt. Việc này sẽ giúp giữ giá không tăng quá cao trước thềm bầu cử Tổng thống tại Mỹ.
Giới phân tích cho biết nguồn cung các sản phẩm từ lọc dầu, đặc biệt là dầu diesel, bị thắt chặt sau chiến sự Nga - Ukraine. Tuy nhiên, nguồn cung được dự báo sẽ tăng dần trong năm 2024. Hơn 1 triệu thùng sản phẩm từ dầu hàng ngày sẽ được bổ sung ra thị trường từ Trung Quốc, Ấn Độ, Mexico, Trung Đông trong năm nay.