Sau một năm bị trừng phạt, Nga mất 36 tỷ USD nguồn thu từ dầu mỏ

Huỳnh Anh

(Dân trí) - Các lệnh trừng phạt đã ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu xuất khẩu dầu của Nga trong nửa đầu năm nay với mức giảm 194 triệu USD/ngày trong quý đầu tiên của năm nay

Tròn một năm trước, mức giá trần 60 USD/thùng và lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga qua đường biển đã chính thức có hiệu lực. Chủ tịch Ủy ban châu Âu khi đó cho biết quyết định này sẽ siết chặt doanh thu của Nga và khiến nguồn thu của Nga đã bị giảm đáng kể.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA), lệnh cấm nhập khẩu dầu của Liên minh châu Âu (EU) và giới hạn giá của G7 đã cắt giảm 14% doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Nga, khiến nước này thiệt hại khoảng 36 tỷ USD.

Cũng theo phân tích của CREA, các lệnh trừng phạt đã ảnh hưởng nặng nề đến doanh thu xuất khẩu dầu của Nga trong nửa đầu năm nay với mức giảm 194 triệu USD/ngày trong quý đầu tiên của năm nay.

Tháng 1, Nga chứng kiến doanh thu giảm đáng kể 45% so với cùng kỳ năm trước do giảm tổng doanh thu từ nhiên liệu hóa thạch, riêng dầu thô giảm 25%. Tuy nhiên, Nga đã tìm cách thích ứng với lệnh cấm vận và vô hiệu hóa tác động của trần giá dầu trong nửa cuối năm.

Sau một năm bị trừng phạt, Nga mất 36 tỷ USD nguồn thu từ dầu mỏ - 1

Tròn một năm trước, mức giá trần 60 USD/thùng và lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga qua đường biển đã chính thức có hiệu lực (Ảnh: Reuters).

Ngoài ra, "lỗ hổng" lọc dầu cũng cho phép các sản phẩm dầu được sản xuất từ dầu thô của Nga đi đường vòng vào các quốc gia áp dụng lệnh trừng phạt.

Một cuộc điều tra của CREA cho thấy kể từ khi EU thực hiện lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga, nhà máy lọc dầu Neftochim Burgas đã nhập khẩu dầu thô của Nga trị giá hơn 1,18 tỷ USD.

Việc Nga tăng cường sử dụng các tàu chở dầu để vận chuyển dầu của mình cũng làm giảm tác động của mức trần giá, tăng giá dầu mà họ xuất khẩu và "giáng đòn" mạnh vào tác động của các lệnh trừng phạt.

Giá trung bình của Urals, loại dầu xuất khẩu chính của Nga, đã vượt trên mức giới hạn 60 USD/thùng vào mùa hè này khi giá dầu tăng. Nguyên nhân là Arab Saudi và Moscow cắt giảm nguồn cung với nhóm OPEC+. Tuy nhiên, một lượng dầu đáng kể vẫn tiếp tục được giao dịch dưới mức trần.

Theo số liệu của Financial Times, gần 3/4 tổng lượng dầu thô bằng đường biển của Nga được vận chuyển mà không có bảo hiểm phương Tây, dấu hiệu cho thấy mức giới hạn giá đang dần bị phá vỡ.

Vào tháng 10, chỉ có 37 trong số 134 tàu vận chuyển dầu của Nga có bảo hiểm phương Tây và các quan chức cho biết con số tàu chở dầu đáp ứng mức giới hạn giá có thể sẽ thấp hơn nhiều.

Theo RT, CREA