Dầu Nga bị Ấn Độ "quay lưng"
(Dân trí) - Hai nhà máy lọc dầu lớn của Ấn Độ có thể "quay lưng" với dầu Nga. Họ đang tìm cách đẩy mạnh nhập khẩu dầu của Arab Saudi sau khi nước này tuyên bố giảm giá bán.
Sau khi các quốc gia phương Tây tránh mua hàng từ Nga, Ấn Độ đã tiêu thụ lượng lớn dầu thô của Nga với giá chiết khấu cao
Điều này dẫn đến việc Nga trở thành nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Ấn Độ.
Tuy nhiên, gần đây Công ty Dầu khí Ấn Độ (IOC) đang tìm kiếm thêm dầu từ Arab Saudi vì họ đang gặp khó khăn trong việc mua dầu của Nga với những trở ngại trong phương thức thanh toán.
Tháng trước, Mỹ đã trừng phạt các tàu và nhà khai thác tàu vì bán dầu của Nga cao hơn mức trần 60 USD/thùng.
Sau lệnh trừng phạt, một số tàu dự định vận chuyển dầu sang Ấn Độ đã bị chuyển hướng. Điều này làm giảm lượng dầu nhập khẩu từ Nga của Ấn Độ trong tháng 12 xuống mức thấp nhất trong gần 1 năm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng dầu mỏ Ấn Độ Hardeep Singh Puri mới đây cho biết sự sụt giảm trong nhập khẩu dầu Nga của Ấn Độ là do giá cả không hấp dẫn chứ không phải vấn đề thanh toán.
Theo CNBC, Công ty Dầu khí Ấn Độ và Tập đoàn Dầu khí Bharat đang xem xét mỗi công ty mua thêm 1 triệu thùng dầu từ Tập đoàn Dầu mỏ Arab Saudi (Saudi Aramco) trong tháng 2.
Saudi Aramco là tập đoàn dầu khí lớn nhất thế giới và nhiều thời điểm giữ vị trí công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất toàn cầu. Công ty này thường thông báo cho người mua châu Á về việc phân bổ dầu thô hàng tháng của họ trước ngày 10 hàng tháng.
Thông tin được đưa ra sau khi nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới Arab Saudi cho biết sẽ giảm giá dầu giao tháng 2 ở tất cả các khu vực trong bối cảnh thị trường tiếp tục suy yếu.
Theo đó, giá bán chính thức tháng 2 đối với các loại dầu thô khác nhau của Arab Saudi ở châu Á sẽ giảm 2 USD/thùng, mức giảm giá lớn nhất trong 27 tháng.
Động thái của Arab Saudi được đưa ra trong bối cảnh tiêu thụ dầu thường giảm trong tháng 2 và tháng 3. Các nhà máy lọc dầu tận dụng khoảng thời gian này để đóng cửa một số cơ sở để bảo trì định kỳ.
Đồng thời, trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu mạnh mẽ, bao gồm cả từ Mỹ, đang làm tăng khả năng dư thừa đã khiến Arab Saudi và Nga phải gia hạn cắt giảm sản lượng sang năm nay.