DBiz

"Giá cổ phiếu DIG khi lên đỉnh lúc xuống đáy khiến tâm lý cổ đông bất ổn"

Khổng Chiêm
"Giá cổ phiếu DIG khi lên đỉnh lúc xuống đáy khiến tâm lý cổ đông bất ổn"

Giá cổ phiếu lên đỉnh xuống đáy, chiến lược phát triển chưa trọng tâm, cần hình ảnh mới

Tổng Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Group, mã chứng khoán: DIG) vừa tổ chức thành công cuộc họp đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2023 lần 2, sau khi bất thành lần 1.

Ông Đinh Hồng Kỳ, Thành viên HĐQT độc lập vừa được bầu mới cho nhiệm kỳ 2023-2027, có nêu các thách thức với DIC Group hiện nay.

Trong đó, ông Kỳ cho rằng công ty có số lượng cổ đông lớn, giao dịch mỗi phiên cao nhưng giá cổ phiếu 2 năm qua có nhiều biến động. Riêng năm 2022, cổ phiếu khi lên đỉnh, lúc xuống đáy, khiến tâm lý cổ đông bất ổn khi đầu tư. Tình trạng này là không tốt, giá cổ phiếu cần có sự ổn định hơn.

Ý kiến này được ông Kỳ đưa ra sau khi DIC Corp không thể tổ chức được phiên họp thường niên và bất thường nhiều lần do không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự.

Ông Nguyễn Thiện Tuấn - Chủ tịch HĐQT DIC Group - từng chia sẻ công ty có vài chục nghìn cổ đông phân tán ở nhiều nơi, khi cao điểm có khoảng 82.000 cổ đông. Mỗi ngày, thị trường giao dịch tới 42 triệu cổ phiếu DIG.

Về giá cổ phiếu, năm 2022, đầu năm cổ phiếu DIG tạo đỉnh lên hơn 99.000 đồng/cổ phiếu nhưng cuối năm rơi về đáy khoảng 11.500 đồng/cổ phiếu, tức "bay" 88% giá trị.

Giá cổ phiếu DIG khi lên đỉnh lúc xuống đáy khiến tâm lý cổ đông bất ổn - 1

Diễn biến giá cổ phiếu DIG trong 2 năm gần nhất (Ảnh: Wichart).

Một thách thức khác mà ông Kỳ nêu là chiến lược của DIC Corp trước đây tập trung giành dự án, sau đó nhượng lại cho đối tác, chưa chú trọng phát triển dự án cho chính mình, mặc dù đã có một số dự án tại Vũng Tàu, Hà Nam, Hậu Giang… Ông Kỳ cho rằng hướng đi này chưa trọng tâm và chưa bền vững.

Ngoài ra, Thành viên HĐQT độc lập còn nêu các trở ngại bên ngoài ảnh hưởng tới DIC Corp như các dự án bất động sản hiện nay cực kỳ khó khăn, doanh nghiệp chỉ lo sinh tồn, tập trung chiến lược ngắn hạn.

Chủ đầu tư tập trung giá rẻ để bán hàng, một số doanh nghiệp "bán mình" cho nước ngoài để sinh tồn, một số chuyển hướng cho nhà ở xã hội trong khi nền tảng pháp lý dự án chưa cao. Chính phủ đang thanh tra một số doanh nghiệp bất động sản, tồn tại các vấn đề pháp lý còn nặng nề gây cản trở lớn tới sự phát triển thị trường bất động sản cũng như DIC Corp.

Ở góc độ của một thành viên HĐQT độc lập có vai trò tư vấn, phản biện, tham mưu cho HĐQT, ông Kỳ đề xuất các giải pháp tái định vị, xây dựng chiến lược mới cho DIC Corp trong tình hình mới. Theo đó, công ty cần xây dựng hình ảnh mới với góc độ nhìn nhận mới.

Thứ nhất, từ góc độ Chính phủ, Nhà nước không nhìn DIC Corp là nhà phát triển bất động sản theo phương thức cũ mà theo hướng sinh thái, phát triển bền vững, phù hợp chủ trương chung.

Thứ hai, từ góc độ của cổ đông hiện hữu, công ty bước vào nhiệm kỳ mới theo hướng đi mới, không sa vào tăng trưởng lợi nhuận, cổ phiếu mà hướng đến phát triển bền vững.

Thứ ba là với nhà đầu tư nước ngoài, khi tìm kiếm cơ hội đầu tư sẽ thấy công ty phát triển phù hợp với xu hướng thời đại.

Giá cổ phiếu DIG khi lên đỉnh lúc xuống đáy khiến tâm lý cổ đông bất ổn - 2

DIC Corp cần xây dựng hình ảnh mới với góc độ nhìn nhận mới (Ảnh: DIC Corp).

Theo ông Kỳ, công ty cần đặt mục tiêu trở thành một trong những tập đoàn bất động sản đạt cân bằng lượng khí thải carbon. Đó là tập trung sinh thái xanh, kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu carbon, sử dụng năng lượng tái tạo, đầu tư dự án xử lý rác thải, cộng sinh công nghiệp tại các khu công nghiệp do công ty triển khai. Công ty cần đặt mục tiêu trở thành tập đoàn đạt chuẩn ESG - trào lưu "nóng" trên toàn cầu.

Công ty cũng cần thiết cấu trúc tập đoàn, cần thoái vốn ở công ty thành viên không hiệu quả, thiết kế lại logo, hệ thống nhận diện thương hiệu mới. Đồng thời, công ty cần xây dựng các trụ sở tại Hà Nội và TPHCM để khẳng định vị thế tập đoàn bất động sản hàng đầu, tiến tới tổ chức ĐHCĐ thường niên ở các địa phương như Hà Nội, TPHCM, Vũng Tàu.

Cuối cùng, ông đề cập tới định hướng chiến lược phát triển mới cho các dự án. Công ty cần tập trung phát triển dự án trọng điểm, triển khai mô hình khai thác bất động sản tạo dòng tiền đều đặn; phát triển các khu đô thị thông minh theo mô hình kinh tế tuần hoàn; triển khai tìm kiếm nguồn tài chính xanh.

Mục tiêu lợi nhuận trước thuế 1.400 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay

Năm nay, công ty đặt mục tiêu doanh thu 4.000 tỷ đồng, tăng 98% so với thực hiện năm trước. Lợi nhuận trước thuế 1.400 tỷ đồng, tăng 604% và là mức cao nhất từ trước đến nay. Cổ tức dự kiến tỷ lệ 8% đến 15%.

Trước tình hình sức tiêu thụ thị trường giảm, chi phí đầu vào tăng, cạnh tranh ngày càng gay gắt, tiếp cận vốn khó khăn, ban lãnh đạo công ty định hướng không đề cao việc tăng trưởng đầu tư phát triển mà chú trọng bảo toàn vốn, phấn đấu có lợi nhuận để chia cổ tức. Trong năm, khi xuất hiện thời cơ tốt, công ty sẽ tăng tiến độ sản xuất và giải ngân để đạt mức tăng trưởng cao hơn.

Ban lãnh đạo công ty đánh giá năm 2023 tiếp tục có nhiều khó khăn với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Ngoài vấn đề suy thoái kinh tế thế giới, một số vấn đề trong nước cũng đáng lưu ý như chính sách hạn chế tín dụng, lãi suất tăng cao, giá cả nguyên vật liệu tăng cao so với trước đây.

Giá cổ phiếu DIG khi lên đỉnh lúc xuống đáy khiến tâm lý cổ đông bất ổn - 3

Một dự án của DIC Corp tại TP Vũng Tàu (Ảnh: DIC Corp).

Tuy nhiên từ giai đoạn 2024-2025 trở đi, tình hình sẽ có nhiều khởi sắc. Công ty có thể được bổ sung nguồn thu từ các dự án như khu dân cư thương mại Vị Thanh - Hậu Giang (1.000 tỷ đồng), khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc (giai đoạn 1, hơn 1.000 tỷ đồng), khu nhà ở Lam Hạ Center Point - Hà Nam (hơn 1.000 tỷ đồng), điểm du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Hồ Ba Hang (250 tỷ đồng)… toàn bộ sẽ được hạch toán năm 2023 và 2024.

Một nội dung quan trọng khác là công ty điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án khu trung tâm Chí Linh, TP Vũng Tàu từ hơn 1.100 tỷ đồng lên hơn 9.600 tỷ đồng. Trong đó, vốn huy động từ các tổ chức tín dụng hơn 4.143 tỷ đồng, chiếm 43% tổng vốn đầu tư; vốn tự bổ sung của doanh nghiệp hơn 5.480 tỷ đồng.

Dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1996, được Bộ Xây dựng phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư lần 2 vào 2009 và điều chỉnh thời gian thực hiện đến năm 2016, theo đó tổng mức đầu tư được duyệt năm 2009 hơn 1.113 tỷ đồng. Thời gian thực hiện đến hết năm 2023. DIC Corp có trách nhiệm ứng trước tiền để chi trả cho các hộ dân theo các quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường.

Trong khi đó, tiến độ triển khai công tác này rất chậm, đến nay gần hết thời gian thực hiện dự án mà mới thực hiện được khoảng 77%, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai các công trình hạ tầng kỹ thuật và kiến trúc kinh doanh khác của dự án.

Căn cứ trên tiến độ thực tế cũng như kế hoạch bồi thường, giải phóng mặt bằng, dự án không thể hoàn thành trong năm 2023. Mặt khác, sau gần 15 năm từ khi được phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư (năm 2009), giá thành vật liệu xây dựng tăng cao nhiều lần, đặc biệt giá đất bồi thường giải phóng mặt bằng; chi phí đất đai tăng phi mã, gấp hàng chục, hàng trăm lần so với trước đây. 

Trong giai đoạn 5 năm (2023-2027), ban điều hành đặt ra các chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận, vốn đầu tư, cổ tức đều có mức tăng trưởng 15-30% so với giai đoạn 5 năm trước đó (2018-2022).