Vì sao sếp công ty địa ốc nghìn tỷ gọi cổ đông đi họp, họp vẫn thất bại?
(Dân trí) - Theo Chủ tịch DIC Group, ông Trần Quí Thanh (ông chủ Tân Hiệp Phát) nắm giữ khoảng 5% vốn công ty này nhưng không tham dự họp, cũng không ủy quyền tham dự cho người khác.
Tổng công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Group - mã chứng khoán: DIG) vừa không thể tổ chức cuộc họp đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2023 vì không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự. Cuộc họp ĐHCĐ thường niên lần 2 dự kiến tổ chức vào ngày 21/7.
Chủ tịch DIG Group sẽ mua thêm cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu
Trả lời phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Thiện Tuấn - Chủ tịch HĐQT DIC Group - cho biết tại ngày chốt quyền, công ty có khoảng 64.000 cổ đông, phân tán ở khắp cả nước, thậm chí ở cả nước ngoài. Vào những giai đoạn đỉnh điểm, khi mỗi ngày thị trường giao dịch khoảng 42 triệu cổ phiếu DIG, lúc đó công ty còn có khoảng 82.000 cổ đông.
Cổ đông nhỏ lẻ nhiều là nguyên nhân chính dẫn tới cuộc họp thường niên năm 2023 không đủ điều kiện tổ chức (tỷ lệ 36,91% trong khi quy định cần trên 50% trở lên).
Cũng theo ông Tuấn, DIC Group không có nhiều nhóm cổ đông lớn hay cổ đông là các quỹ đầu tư. Duy nhất có cổ đông Trần Quí Thanh, ông chủ Tân Hiệp Phát, là nắm giữ khoảng 5% vốn. Trước khi diễn ra phiên họp đại hội, DIC Group có gửi thư mời, vợ ông Thanh nói có thể đến tham dự. Nhưng đến nay, ông Thanh không có mặt, cũng như không ủy quyền cho người khác tham dự.
Tháng 4 vừa qua, ông Trần Quí Thanh - Tổng giám đốc Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát - cùng 2 con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích bị tạm giam và khởi tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Bà Phạm Thị Nụ - vợ ông Thanh - trở thành Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của Tập đoàn Tân Hiệp Phát từ ngày 15/5.
Với cơ cấu cổ đông nhỏ lẻ nhiều, ông Tuấn nói có tính đến phương án tổ chức cuộc họp bằng hình thức trực tuyến để có thể tạo cơ hội cho các cổ đông tham dự đầy đủ hơn. Công ty sẽ làm phiếu thăm dò và lấy ý kiến cổ đông về vấn đề này.
Chủ tịch DIC Group cũng khẳng định sẽ tiếp tục gia tăng cổ phiếu DIC và nâng tỷ lệ sở hữu, đó là "điều tất yếu".
Ông cho biết ông và gia đình từng sở hữu trên 51% vốn nhưng khi giá cổ phiếu có nhiều biến động, xuống vùng 11.000 đồng/cổ phiếu thì bị các công ty chứng khoán bán giải chấp. Tỷ lệ hiện tại còn khoảng 30%. "Khi giá cổ phiếu dưới 30.000 đồng thì tôi sẽ mua lại bằng nhiều hình thức, dùng nguồn tài chính gia đình và nhiều nguồn thu từ các khoản kinh doanh khác", ông Tuấn nói.
Tính đến ngày 31/12/2022, DIC Corp có 3 cổ đông lớn là ông Nguyễn Thiện Tuấn (7,68% vốn), ông Nguyễn Hùng Cường - Phó chủ tịch HĐQT (8,85% vốn), Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Thiên Tân (11,21% vốn). Trong đó, ông Cường và Thiên Tân đều có liên quan tới ông Tuấn.
Mục tiêu "khủng"
Năm nay, DIC Group trình cổ đông mục tiêu doanh thu hợp nhất 4.000 tỷ đồng, tăng 98% và lợi nhuận trước thuế 1.400 tỷ đồng, tăng 604% so với thực hiện năm trước. Mức lợi nhuận này cao nhất từ trước đến nay. Cổ tức năm 2023 tỷ lệ 8% đến 15%.
Tổng giám đốc Nguyễn Quang Tín nói trong tháng 6 và 7, DIC Group sẽ được chính quyền xem xét nhiều vấn đề về pháp lý, cơ hội khi đó sẽ mở ra nhiều hơn, rõ hơn. Công ty sẽ tăng tốc trong nửa cuối 2023, tạo đà cho năm 2024.
Trong 3 năm tới (2023-2025), công ty đặt mục tiêu doanh thu 23.000 tỷ đồng, lợi nhuận tương ứng khoảng 6.000-7.000 tỷ đồng. Ban điều hành sẽ nỗ lực để hiện thực hóa mục tiêu này.
Giá cổ phiếu DIG chốt phiên ngày 28/6 ở mức 22.400 đồng/cổ phiếu, giảm mạnh so với đỉnh 99.100 đồng/cổ phiếu hồi tháng 1/2022.