1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Sếp TPBank nói lý do "cấp tiền" cho dự án của Novaland

Thảo Thu

(Dân trí) - Cổ đông thắc mắc về việc cấp tín dụng cho Novaland. Ông Nguyễn Hưng, CEO TPBank, cho biết lý do, khẳng định kể cả giá dự án giảm tới tối đa khả năng thị trường, bên liên quan vẫn thừa khả năng trả nợ.

Tại phiên họp cổ đông thường niên sáng 26/4 của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã chứng khoán: TPB), cổ đông thắc mắc với ban lãnh đạo về thỏa thuận cấp tín dụng mới đây với dự án The Grand Manhattan (quận 1, TPHCM) của Novaland. Theo đó, TPBank là đơn vị hỗ trợ tài chính để đảm bảo dự án tiếp tục triển khai thi công, sau thời gian tạm ngưng cũng như cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà.

Tổng giám đốc ngân hàng, ông Nguyễn Hưng, cho biết dự án trên là một trong 7 dự án đầu tiên tại TPHCM đang được tập trung gỡ vướng pháp lý. "Đây là dự án duy nhất đến nay đã được tháo gỡ pháp lý, gần hoàn thành phần cất nóc", ông Hưng nói. CEO ngân hàng này tự tin cho biết kể cả giá dự án giảm tới tối đa khả năng thị trường thì đơn vị liên quan cũng thừa khả năng trả nợ. 

Ông Hưng nói TPBank tài trợ tiếp cho các nhà thầu xây dựng và hoàn thiện công trình. "Phần phải thu của những khách mua nhà từ trước đến bây giờ, vẫn còn lượng tiền rất lớn để trả nợ ngân hàng", ông nói. 

Sếp TPBank nói lý do cấp tiền cho dự án của Novaland - 1

CEO TPBank lý giải về câu chuyện cấp tín dụng cho dự án trên "đất vàng" quận 1 (TPHCM) của Novaland (Ảnh: BTC).

CEO này hé lộ ngân hàng không sở hữu trái phiếu của Novaland. Danh mục trái phiếu đầu tư là của Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong. Công ty chứng khoán này là công ty liên kết ngân hàng sở hữu dưới 11% vốn. Còn trái phiếu tại TPBank, theo ông Hưng, được quản lý chặt chẽ như khoản vay, có đầy đủ tài sản đảm bảo và chiếm dưới 10% tổng dư nợ. 

Năm nay, ngân hàng sẽ tăng vốn điều lệ thêm hơn 39%, lên hơn 22.000 tỷ đồng, thông qua việc trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối năm 2021, 2022 và một phần thặng dư vốn cổ phần. Một cổ đông thắc mắc tại sao kế hoạch không đặt lên mức tăng 50%, giúp tiết kiệm thời gian, hiệu quả cũng lớn hơn.

Chủ tịch Đỗ Minh Phú trả lời, việc tăng vốn cần cân đối với vốn chủ sở hữu - phần vốn từ lợi nhuận để lại. Ông Phú cho biết mức 39% được ban điều hành nhận định là phù hợp.

Sếp TPBank nói lý do cấp tiền cho dự án của Novaland - 2

Ông Đỗ Minh Phú tại phiên họp sáng 26/4 (Ảnh: BTC).

Ngoài ra, TPBank cũng cần có phần vốn dự trữ để có khả năng tăng tiếp vốn điều lệ trong các năm tới. "Các ngân hàng thường tăng vốn dưới 25%, phần lợi nhuận còn lại nằm trong vốn chủ sở hữu. Đến hết quý I/2023, TPBank có trên 32.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu", ông Phú nói.

Năm vừa rồi, ngân hàng chia cổ tức tiền mặt 25%. Một cổ đông thắc mắc liệu những năm sau còn có khả năng chia bằng tiền mặt tiếp không. Ông Đỗ Minh Phú nói mức chia 1 cổ phiếu nhận 2.500 đồng trong năm qua là "trái ngọt". Ông bỏ ngỏ kế hoạch tương lai, nhưng khẳng định nếu việc kinh doanh thuận lợi, sẽ chia cổ tức cả bằng cổ phiếu và tiền mặt. Trong đó, mức chia bằng tiền mặt sẽ "đáng kể". 

"Chia cổ tức bằng tiền mặt đồng nghĩa lợi nhuận ngân hàng sẽ ra khỏi sổ. Muốn lâu dài, bản thân ngân hàng phải tăng tiềm lực tài chính. Hiện ngân hàng để lại lợi nhuận để tăng vốn thông qua cổ phiếu cho cổ đông", ông Phú nói. 

Một cổ đông khác cho rằng có sự chênh lệch không tương thích khi số lượng khách hàng mới tăng cao nhưng tăng trưởng về huy động tiền gửi theo kế hoạch chỉ 8%. CEO ngân hàng cho biết huy động có chi phí cao khi mặt bằng lãi suất tăng cao, trong khi việc cho vay ra lại bị giới hạn. "Do đó, chúng tôi phải khéo léo để vốn không thừa không thiếu, có chi phí vốn thấp nhất, đảm bảo hiệu quả hoạt động và thanh khoản", ông nói và đánh giá tốc độ tăng trưởng như vậy là phù hợp.

Cổ đông ngân hàng thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm nay là 8.700 tỷ đồng, tăng 11%. Hết quý I, ngân hàng lãi trước thuế 1.765 tỷ đồng, thực hiện được hơn 20% kế hoạch đặt ra. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm