(Dân trí) - Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cho rằng, sự trở lại của dịch bệnh đã ảnh hưởng đáng kể tới nhu cầu của thị trường trong nước, về hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ, giao thông vận tải, du lịch.
TS. LÊ DUY BÌNH: 2 THÁCH THỨC LỚN ĐẶC BIỆT CẦN LƯU Ý CỦA NỀN KINH TẾ 2021
Trong cuộc trò chuyện với Dân trí nhân dịp cận Tết Nguyên đán Tân Sửu, chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam cho rằng, với những diễn biến gần đây của dịch bệnh, mục tiêu tăng trưởng 6,5% của Việt Nam năm nay không phải là dễ dàng.
MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG 6,5% NĂM 2021 KHÔNG DỄ DÀNG
Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng là 6,5% cho năm nay, một số tổ chức quốc tế có phần lạc quan hơn với dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam có thể lên tới 6,8-7%. Với đợt dịch Covid-19 bùng phát mới này, ông nghĩ sao về tăng trưởng năm nay của chúng ta và mục tiêu 6,5%?
Mục tiêu 6,5% trong trạng thái bình thường, với dịch bệnh cơ bản được kiểm soát vốn đã là một mục tiêu rất cao, đặc biệt trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực thế giới có mức dự báo tăng trưởng thấp hơn rất nhiều, thậm chí ở mức âm.
Trước khi có làn sóng bùng phát dịch thứ ba này, nhiều tổ chức quốc tế đã dự báo triển vọng kinh tế Việt Nam ở mức hết sức tích cực và nhiều triển vọng.
Nhận định được đưa ra trên nền tảng kinh tế toàn cầu được phục hồi, các bạn hàng lớn của Việt Nam kiểm soát được dịch bệnh và đặc biệt trên cơ sở năng lực kiểm soát dịch bệnh, năng lực thích ứng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020.
Nhưng với những diễn biến gần đây của dịch bệnh, mục tiêu tăng trưởng 6,5% của Việt Nam năm nay không phải là dễ dàng.
Sự bùng phát dịch bệnh lần này rơi vào đúng thời điểm Tết Nguyên đán, thời điểm mà thông thường sức mua của thị trường trong nước tăng vọt.
Sự trở lại của dịch bệnh đã ảnh hưởng đáng kể tới nhu cầu của thị trường trong nước, về hàng hóa tiêu dùng, dịch vụ, giao thông vận tải, du lịch...
Nhưng với các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh hiện nay, chúng ta vẫn còn đủ thời gian để phấn đấu mục tiêu tăng trưởng nhiều tham vọng này.
Xu thế tăng trưởng những tháng cuối năm 2020 và tháng Giêng 2021 cho thấy, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, nền kinh tế sẽ có cơ hội phát triển phục hồi mạnh mẽ.
Nhưng rõ ràng, ngay từ những ngày đầu năm sau Tết Nguyên đán và trong năm 2021, người dân, doanh nghiệp và Chính phủ sẽ phải nỗ lực gấp đôi, gấp ba để vượt qua được một năm được dự báo không hề dễ dàng này về phương diện phát triển kinh tế.
Nhưng cùng với kinh nghiệm, bản lĩnh và trí tuệ thể hiện trong năm đầu đại dịch, những nỗ lực này của chúng ta chắc chắn sẽ được đền đáp xứng đáng.
HAI THÁCH THỨC LỚN MÀ NỀN KINH TẾ PHẢI ĐỐI MẶT
Song song với vấn đề dịch bệnh, đâu sẽ là những thách thức lớn mà chúng ta sẽ phải đối mặt năm 2021, thưa ông?
Tôi thấy có 2 vấn đề lớn chúng ta cần lưu ý.
Thứ nhất, mặc dù năm ngoái là một năm đầy khó khăn, nhưng nhu cầu nội địa vẫn được duy trì. Một chỉ dấu quan trọng là theo Tổng Cục thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa cả nước năm 2020 ước đạt 3.996.900 tỷ đồng (tương đương 172,8 tỷ USD), tăng 6,8% so với năm 2019.
Quy mô thị trường tăng thêm 11 tỷ USD. Những chỉ dấu của những tháng ban đầu của năm 2021 cho thấy nhu cầu nội địa có thể không còn duy trì được mức sôi động như những tháng cuối năm 2020.
Duy trì được thu nhập khả dụng, sức mua của người tiêu dùng trong nước và qua đó duy trì được cầu nội địa sẽ là một thách thức chúng ta cần vượt qua trong năm 2021.
Thứ hai, dư địa cho đầu tư công có thể sẽ không còn rộng rãi như năm ngoái. Mặc dù năm 2020, chúng ta vẫn đạt được mức thu ngân sách vượt kế hoạch, nhưng Chính phủ sẽ thận trọng hơn nhiều trong đầu tư công. Chúng ta khó có thể kỳ vọng là có một gói đầu tư công 700 nghìn tỷ đồng thúc đẩy tăng trưởng như năm ngoái nữa.
Chúng ta không còn nhiều những khoản tích lũy hoặc chuyển nguồn từ những năm trước sang như năm 2020. Chi tiêu Chính phủ giảm bớt cũng là một thách thức đối với việc duy trì tăng trưởng cao trong năm nay.
Nó đặt ra một yêu cầu mới là các khoản chi tiêu này phải hiệu quả hơn, thông minh hơn để tạo ra sức lan tỏa lớn hơn, kích thích được nhiều hơn đầu tư và chi tiêu từ các khu vực khác, đặc biệt là khu vực tư nhân.
NĂNG SUẤT, HIỆU QUẢ - ĐỘNG LỰC QUAN TRỌNG CỦA TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ 2021
Ông có nhận định một loạt thách thức nêu trên, vậy thưa ông, đâu là động lực chính để nền kinh tế Việt Nam có thể thúc đẩy trong năm mới?
Động lực tăng trưởng kinh tế trong năm nay và trong nhiều năm tới sẽ đến từ việc chuyển sang mô hình kinh tế dựa trên năng suất, hiệu quả và kế đến là dựa trên đổi mới sáng tạo. Các nỗ lực từ Chính phủ, doanh nghiệp và người dân đều phải hướng tới định hướng này, hơn là việc tập trung gia tăng nguồn lực đầu vào để đẩy tốc độ tăng trưởng.
Do vậy, các nguồn lực của nền kinh tế từ đất đai, vốn, lao động, tài nguyên cần được tiếp tục tái phân bổ để được sử dụng hiệu quả hơn sao cho mỗi đơn vị nguồn lực đó mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.
Sự tái phân bổ nguồn lực đó cần được đẩy mạnh giữa các khu vực kinh tế và trong nội bộ của một khu vực kinh tế như khu vực DNNN và doanh nghiệp tư nhân, giữa các ngành và trong nội bộ một ngành.
Và chỉ có các nguyên tắc của thị trường cạnh tranh mới có thể khiến quá trình phân bổ nguồn lực này diễn ra một cách hiệu quả nhất.
Với đợt dịch bùng phát mới này, ông có nghĩ chúng ta vẫn nên duy trì cách thức khoanh vùng nhỏ, cân đối giữa kinh tế và vấn đề y tế?
Năm 2020, chúng ta đã kiên trì với mục tiêu phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch bệnh. Thực tế chứng minh rằng chúng ta đã đúng với cách tiếp cận này.
Năm nay chúng ta có bước chuẩn bị tốt hơn về mọi mặt từ kinh nghiệm, phương thức, nguồn lực… Chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng 2021 sẽ là một năm tiếp tục thành công với việc thực hiện mục tiêu kép - vừa chống chống dịch vừa duy trì phát triển kinh tế.
Đứng trước đợt bùng phát này, Chính phủ, người dân, doanh nghiệp đều phản ứng bình tĩnh hơn và cũng quyết đoán hơn. Chúng ta đặt mục tiêu cao nhất là phòng chống dịch nhưng không áp dụng các biện pháp quá cực đoan, giảm thiểu những ảnh hưởng không đáng có đến an sinh xã hội, sinh kế của người lao động, của các khu vực dễ bị tổn thương.
Tôi có niềm tin Việt Nam sẽ tiếp tục kiểm soát tốt đại dịch và từng bước đưa nền kinh tế hồi phục.
LÃI SUẤT TIỀN GỬI THẤP, DÒNG VỐN SẼ TIẾP TỤC CHẢY VÀO CÁC THỊ TRƯỜNG KHÁC
Năm 2021, có lo ngại về bong bóng tài sản khi vốn ồ ạt đổ vào chứng khoán, bất động sản trong bối cảnh lãi suất thấp, các ngành kinh tế gặp nhiều khó khăn không thưa ông?
Việc dịch chuyển nhanh nguồn vốn giữa các thị trường tiền tệ, tài chính, bất động sản cho thấy sự năng động ngày một tăng của các thị trường này ở Việt Nam và sự nhanh nhạy cũng như tinh thần kinh doanh của các nhà đầu tư ở Việt Nam.
Sự dịch chuyển vốn nhanh giữa các thị trường này cũng tạo ra sự cạnh tranh giữa các thị trường để tạo ra sản phẩm tốt hơn cho các nhà đầu tư. Chắc chắn với sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn, hàng hóa trên thị trường chứng khoán sẽ được cải thiện về chất lượng và sức hút từ thị trường chứng khoán sẽ khiến các ngân hàng phải cải thiện tốt hơn sản phẩm dịch vụ của mình.
Hàng hóa trên thị trường bất động sản cũng sẽ được cải thiện để hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư, kích thích họ bỏ tiền ra đầu tư bằng nhiều hình thức hơn là mua vàng hay gửi tiền tiết kiệm.
Điều đáng lưu ý là các thị trưởng này ở Việt Nam vẫn đang trong quá trình phát triển, chưa định hình rõ, hoạt động chưa quy củ, minh bạch như các thị trường đã phát triển. Và do vậy nó tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm và thiếu thông tin.
Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi thấp, chắc chắn trong năm nay các nhà đầu tư sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội đầu tư khác từ thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, thị trường bất động sản, vàng và các kênh đầu tư khác. Điều đó là bình thường và cần được ủng hộ để hỗ trợ sự phát triển của các thị trường này.
Tuy nhiên, điều đặc biệt quan trọng là cần phải nâng cao chất lượng hoạt động của chính các thị trường này, đặc biệt là về tính minh bạch hóa thông tin, về chất lượng của hàng hóa, về biện pháp bảo vệ các nhà đầu tư để tránh tình trạng bong bóng, đảm bảo sự phát triển bền vững của các thị trường này.