DBiz

Công ty sản xuất thuốc điều trị ung thư đầu tiên của Việt Nam ra sao?

Khổng Chiêm
Công ty sản xuất thuốc điều trị ung thư đầu tiên của Việt Nam ra sao?

Hơn thập kỷ gắn liền với thuốc điều trị ung thư

Công ty cổ phần Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (Bidiphar - mã chứng khoán: DBD) là một trong những doanh nghiệp có nhiều thành tựu trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển dược phẩm của Việt Nam.

Bidiphar là công ty đầu tiên tại Việt Nam nghiên cứu và sản xuất thành công thuốc kháng sinh dạng tiêm (năm 1992); dung dịch tiêm truyền kháng sinh, vitamin và axit amin (năm 1997); ứng dụng công nghệ bào chế thuốc tiêm đông khô (năm 2003); thuốc điều trị bệnh ung thư (2008).

Sau hơn 10 năm phát triển các sản phẩm thuốc điều trị ung thư, Bidiphar đã cung ứng ra thị trường hơn 5 triệu đơn vị sản phẩm, dẫn đầu thị phần thuốc điều trị ung thư sản xuất trong nước.

Dòng sản phẩm thuốc điều trị ung thư của Bidiphar được sử dụng tại các bệnh viện tuyến trung ương như Bệnh viện K, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai, các cơ sở y tế có khoa ung bướu trên toàn quốc. Mức giá các sản phẩm thấp hơn thuốc châu Âu trung bình 40%, thấp hơn 20% so với thuốc châu Á.

Tại ngày 30/6, vốn chủ sở hữu của công ty đạt hơn 748 tỷ đồng. Trong đó, Bidiphar có 2 cổ đông lớn là Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bình Định sở hữu 13,34% vốn, KWE Beteiligungen AG (tổ chức đầu tư tài chính đến từ Thụy Sĩ) nắm 7,99% vốn. Các cổ đông khác nắm số cổ phần còn lại.

Bidiphar hoạt động dưới sự lãnh đạo của ông Tạ Nam Bình - Chủ tịch HĐQT, bà Phạm Thị Thanh Hương - Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc và nhiều thành viên chủ chốt khác.

Ông Tạ Nam Bình sinh năm 1975, trình độ Thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Ông làm Phó chủ tịch HĐQT Bidiphar từ năm 2019, đến năm 2024 được bầu làm Chủ tịch HĐQT công ty này. Trước đó, ông từng có nhiều năm công tác tại Sở Du lịch TPHCM.

Hiện, ngoài đảm nhận vị trí tại Bidiphar, ông Bình còn làm Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Sài Gòn Giá Trị, Chủ tịch Công ty cổ phần Tân Sơn, Chủ tịch Công ty TNHH Du hành Sài Gòn, Phó Chủ tịch Công ty TNHH Bệnh viện Phụ sản Mekong, Thành viên HĐQT Công ty cổ phần Xây dựng 47.

Tổng giám đốc Phạm Thị Thanh Hương sinh năm 1965, trình độ Thạc sĩ Dược. Bà từng làm Phó giám đốc Sở Y tế Bình Định, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bình Định, gia nhập Bidiphar từ năm 2012 đến nay. Trước khi làm Tổng giám đốc Bidiphar (năm 2019), bà từng làm Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc tại doanh nghiệp này.

Theo báo cáo quản trị 6 tháng đầu năm, cá nhân Chủ tịch HĐQT Tạ Nam Bình không sở hữu cổ phiếu DBD. Duy nhất vợ ông Bình - bà Nguyễn Thị Minh Thư - nắm giữ 926.250 cổ phiếu, tỷ lệ 0,99%. Còn Tổng giám đốc Phạm Thị Thanh Hương sở hữu 606.592 cổ phiếu, tỷ lệ 0,65%; người liên quan không nắm giữ cổ phần.

Trong nửa đầu năm nay, bà Hương nhận mức lương 2,14 tỷ đồng, thấp hơn không đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Con số này cao nhất so với mức lương của các thành viên trong ban điều hành, cao gấp hơn 3 lần Chủ tịch HĐQT.

Kinh doanh tăng trưởng tốt, nợ vay thấp

Bidiphar là doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh dược phẩm nên phần lớn doanh thu của công ty qua các năm đều đến từ hoạt động kinh doanh dược phẩm tự sản xuất. Ngoài ra, Bidiphar còn sản xuất và kinh doanh các thiết bị vật tư y tế, hàng hóa, bao bì…

Hai kênh phân phối chính chiếm tỷ trọng lớn cho mảng dược phẩm của Bidiphar là kênh đấu thầu vào bệnh viện, cơ sở y tế (ETC), kênh bán lẻ qua các nhà thuốc (OTC) đều tăng trưởng tích cực.

Trong giai đoạn 2019-2023, Bidiphar duy trì được doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng liên tiếp qua các năm. Năm 2023, doanh thu đạt 1.732 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng, tăng lần lượt 31% và 84% so với năm 2019. Cổ tức hàng năm được duy trì ở tỷ lệ từ 15% đến 30%, bằng tiền hoặc cổ phiếu.

Cũng giai đoạn này, công ty đã tái cấu trúc các đơn vị sản xuất, khánh thành nhà máy thuốc điều trị ung thư tại Nhơn Hội (Bình Định) theo tiêu chuẩn GMP-WHO vào tháng 12/2023 và tiếp tục nâng cấp tiêu chuẩn GMP - EU (thực hành sản xuất tốt tiêu chuẩn châu Âu) trong giai đoạn 2025-2026. Nhà máy này có diện tích hơn 1,5ha, vốn đầu tư 500 tỷ đồng, với 2 dạng bào chế là thuốc tiêm công suất 3 triệu sản phẩm/năm và thuốc viên với công suất 70 triệu sản phẩm/năm.

Cũng trong tháng 12/2023, công ty khởi công xây dựng nhà máy thuốc vô trùng thể tích nhỏ theo tiêu chuẩn GMP - EU tại Nhơn Hội. Nhà máy có diện tích 25.000 m2 nằm trong cụm nhà máy dược phẩm công nghệ cao của công ty, tổng vốn đầu tư 840 tỷ đồng. Dự kiến, đến năm 2027, nhà máy đi vào hoạt động sản xuất các sản phẩm thuốc tiêm, thuốc nhỏ mắt và các dạng thuốc vô trùng khác. Công suất nhà máy là 120 triệu sản phẩm/năm.

Năm nay, Bidiphar đặt mục tiêu doanh thu 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 320 tỷ đồng. Trong khi doanh thu tăng 10% so với thực hiện năm trước thì lợi nhuận đi ngang. Công ty có kế hoạch đầu tư mới nhà máy sản xuất thuốc dạng rắn Non - Betalactam tại khu kinh tế Nhơn Hội, dự kiến khởi công năm 2025, công suất 1,3 triệu sản phẩm/năm.

Nửa đầu năm nay, công ty đạt doanh thu gần 851 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 166 tỷ đồng, giảm 6%.

Tại ngày 30/6, Bidiphar có nợ vay tài chính thấp. Tổng nợ vay tài chính là 52 tỷ đồng, giảm 34% so với đầu năm. Vốn chủ sở hữu đạt 1.564 tỷ đồng. Doanh nghiệp cũng sở hữu lượng tiền nhàn rỗi hơn 264 tỷ đồng. Hàng tồn kho hơn 511 tỷ đồng, chiếm 25% tổng tài sản.

Mới đây, Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Minh - đơn vị có liên quan tới ông Phan Tấn Thư, Thành viên HĐQT Bidiphar - đăng ký mua 3 triệu cổ phiếu DBD, tỷ lệ 3,21% vốn. Thời gian dự kiến giao dịch từ ngày 12/9 đến ngày 11/10. Trước đó, đơn vị này không sở hữu cổ phiếu DBD.

Cùng với đó, cổ đông lớn KWE Beteiligungen AG cũng mua thêm 87.000 cổ phiếu DBD, tăng sở hữu lên 8,09% vốn. 

Từng bị thu hồi lô thuốc điều trị ung thư

Vào cuối năm 2021, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) có thông báo thu hồi toàn quốc dung dịch tiêm Methotrexat Bidiphar 50mg/2ml (số lô: 21003; ngày sản xuất 30/8/2021; hạn dùng 30/8/2023) của Bidiphar sản xuất do không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu nội độc tố vi khuẩn và độ vô khuẩn.

Đến tháng 7/2023, Cục Quản lý Dược đã công bố quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Bidiphar do sản xuất thuốc Methotrexat Bidiphar 50mg/2ml vi phạm chất lượng mức độ 1 theo quy định của pháp luật. Số tiền phạt 100 triệu đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động dây chuyền sản xuất liên quan đến hành vi vi phạm trong thời gian 2 tháng, buộc tiêu hủy toàn bộ số thuốc vi phạm chất lượng.

Cuối năm 2023, Cục này tiếp tục có quyết định thu hồi Giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc, đình chỉ lưu hành, thu hồi thuốc đối với thuốc điều trị ung thư Methotrexat Bidiphar 50 mg/2ml do nhà máy của Bidiphar sản xuất. Lô vi phạm có số 21003, ngày sản xuất 30/8/2021, hạn dùng 30/8/2023. Lý do là giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc bị thu hồi trong trường hợp "Thuốc bị thu hồi do vi phạm ở mức độ 1".

Về sự việc này, Bidiphar đã phát thông cáo cho hay, sự việc xảy ra năm 2021 trên dây chuyền sản xuất cũ. Lô sản phẩm thuốc Methotrexat Bidiphar 50mg/2m1 vi phạm đã được công ty thu hồi, sau đó tiêu hủy.

Các hoạt động rà soát, đánh giá yếu tố nguy cơ và hành động phòng ngừa cũng đã được thực hiện tại thời điểm đó. Công ty cho biết đã báo cáo cơ quan chức năng. Hoạt động sản xuất của công ty đã trở lại bình thường với mức độ kiểm soát cao hơn từ năm 2022.

Cũng theo doanh nghiệp trên, toàn bộ thuốc ung thư đã được chuyển sang sản xuất trên dây chuyền hoàn toàn mới, công nghệ hiện đại, tự động, khép kín tại Khu Kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định.