"Cơn bão" nợ doanh nghiệp khổng lồ đang bao trùm nền kinh tế toàn cầu
(Dân trí) - "Cơn bão" nợ doanh nghiệp 500 tỷ USD đang chuẩn bị ập đến nền kinh tế toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp trên thế giới có thể sẽ không chịu đựng được gánh nặng nợ khi thời kỳ tiền rẻ đã kết thúc.
"Cơn bão" nợ doanh nghiệp
Richard Cooper, luật sư nổi tiếng tại Mỹ, làm việc tại công ty luật hàng đầu Cleary Gottlieb và chuyên phụ trách tư vấn các vụ phá sản doanh nghiệp.
Hàng chục năm nay, ông đã tư vấn cho rất nhiều công ty trên toàn thế giới về những việc cần làm khi họ chìm trong nợ nần. Chính vì vậy, điện thoại của Richard Cooper giống như một hồi chuông cảnh báo sớm cho nền kinh tế toàn cầu. Và gần đây, nó đã kêu rất nhiều lần.
Ông Cooper có rất nhiều kinh nghiệm qua cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, khủng hoảng dầu mỏ năm 2016 và đại dịch Covid-19. Công việc của ông giờ đây một lần nữa lại bận rộn, khi các công ty lớn đang phá sản với tốc độ vô cùng nhanh chỉ sau năm 2008.
"Tôi cảm giác tình hình lần này khác với những chu kỳ trước. Chúng ta sẽ thấy rất nhiều vụ phá sản", ông Cooper nhận định với Bloomberg.
Có lẽ bằng kinh nghiệm, vị luật sư dường như nhìn thấy một "cơn bão" nợ doanh nghiệp hơn 500 tỷ USD bắt đầu đổ bộ trên toàn cầu.
Và điều này khiến phố Wall lo lắng rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại cũng như tạo sức ép cho thị trường tín dụng Mỹ vừa mới thoát khỏi tình trạng thua lỗ lớn nhất trong nhiều năm qua.
Nhìn bề ngoài thì có vẻ như các doanh nghiệp bị suy yếu bởi một số yếu tố như công nghệ thay đổi. Xu hướng làm việc từ xa ngày càng phổ biến khiến các tòa nhà văn phòng ở Hồng Kông (Trung Quốc), London và San Francisco trống không.
Tuy nhiên, thực tế phía sau tiềm ẩn một vấn đề nghiêm trọng và rắc rối hơn đó là những khoản nợ doanh nghiệp tăng mạnh trong thời kỳ tiền rẻ. Giờ đây, chúng lại trở thành gánh nặng khổng lồ khi ngân hàng trung ương tăng lãi suất. Khó khăn này sẽ càng chồng chất khi chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed có thể sẽ kéo dài lâu hơn dự kiến của hầu hết các chuyên gia phố Wall.
"Núi nợ" liên tục phình to
"Núi nợ" của khối doanh nghiệp có vẻ đặc biệt dễ bị tổn thương sau khi liên tục phình to trong những năm lãi suất ở mức thấp. Khi đó, ngay cả những công ty đang suy yếu và có rủi ro cao vẫn có thể dễ dàng vay tiền để duy trì hoạt động.
Trong năm nay, Mỹ đã có hơn 120 vụ phá sản lớn. Những khoản nợ doanh nghiệp đó có thể có 2 kịch bản, một là không trả được, hai là phải "vật lộn" mới trả được.
Tại Mỹ, số lượng trái phiếu lợi suất cao và khoản vay có đòn bẩy, những chứng khoán do các doanh nghiệp rủi ro phát hành, đã tăng gấp đôi so với năm 2008, lên 3.000 tỷ USD vào năm 2021, trước khi Fed bắt đầu thắt chặt tiền tệ một cách mạnh mẽ nhất trong nhiều thập niên.
Trong cùng thời kỳ, các khoản nợ của các công ty phi tài chính ở Trung Quốc tăng mạnh hơn. Còn ở châu Âu, doanh số bán trái phiếu "rác" tăng hơn 40% chỉ riêng trong năm 2021. Rất nhiều trong số những chứng khoán này sẽ đáo hạn trong vài năm tới và góp phần tạo ra khoản nợ 785 tỷ USD.
Trong bối cảnh kinh tế ở Trung Quốc và châu Âu tăng trưởng chậm lại và Fed dự kiến tiếp tục tăng lãi suất, những khoản phải trả đó có thể là quá sức chịu đựng đối với một số doanh nghiệp.
Dữ liệu cho thấy chỉ riêng ở châu Mỹ, lượng trái phiếu và khoản vay có vấn đề đã tăng hơn 360% kể từ năm 2021.
Nếu tình trạng này tiếp tục lan rộng có thể dẫn đến chu kỳ vỡ nợ trên diện rộng đầu tiên kể từ cuộc đại khủng hoảng tài chính.
Ảnh hưởng nặng nề
Bên cạnh đó, bất động sản thương mại ở các nước giàu cũng bị ảnh hưởng nặng nề do nhân sự có xu hướng lựa chọn làm việc từ xa khiến tỷ lệ tòa nhà trống tăng lên.
Dữ liệu cho thấy hơn 1/4 nợ xấu doanh nghiệp trên toàn thế giới, tương đương khoảng 168 tỷ USD, có liên quan đến lĩnh vực bất động sản, cao hơn bất kỳ lĩnh vực nào khác.
Một cuộc khảo sát của công ty tư vấn bất động sản Knight Frank cho thấy một nửa số công ty đa quốc gia lớn đang có kế hoạch cắt giảm diện tích văn phòng.
Không những vậy, trong bối cảnh tín dụng nới lỏng như trước đây, một số doanh nghiệp tư nhân đã giàu lên nhanh chóng nhờ một công thức đơn giản là tìm một công ty để mua, vay tiền từ Phố Wall, sau đó cắt giảm chi phí để kiếm lợi nhuận. Điều đó khiến các công ty đó mắc nợ rất nhiều, thường là các khoản vay có lãi suất thả nổi.
Điều đó sẽ không tạo ra nhiều "sóng gió" nếu Fed vẫn giữ mức lãi suất gần 0. Nhưng giờ đây, lãi suất đã tăng cao khiến các công ty đó bị đẩy gần đến "bờ vực" phá sản.
Sợi dây thun
"Nó giống như một sợi dây thun. Bạn có thể kéo căng tới một mức độ nhất định nhưng sẽ tới lúc nó bất ngờ đứt", bà Carla Matthews, giám đốc công ty tư vấn PwC tại Anh chia sẻ với Bloomberg.
Tổ chức đánh giá tín dụng Moody's cho biết tỷ lệ vỡ nợ đối với các công ty có trái phiếu bị xếp hạng đầu cơ trên toàn cầu dự kiến đạt mức 5,1% vào năm 2024, tăng từ mức 3,8% trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6 vừa qua. Theo kịch bản bi quan nhất, tỷ lệ vỡ nợ này có thể tăng lên tới 13,7%, cao hơn cả thời kỳ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.
Tất nhiên, vẫn còn nhiều điều chưa chắc chắn. Kinh tế Mỹ vẫn kiên cường khi đối mặt với mức lãi suất tăng cao. Lạm phát giảm dần đều đang làm gia tăng đồn đoán rằng Fed có thể đang hướng nền kinh tế đến một cuộc "hạ cánh mềm". Chênh lệch lợi suất trên thị trường trái phiếu "rác" của Mỹ đã giảm kể từ tháng 3.
Tuy vậy, kinh tế Mỹ vẫn sẽ phải đương đầu với nhiều thách thức. Các vụ vỡ nợ càng gia tăng, càng có nhiều nhà đầu tư và ngân hàng siết chặt hoạt động cho vay, từ đó, đẩy nhiều công ty vào tình trạng khó khăn khi các lựa chọn vay vốn không còn.
Và chỉ cần số lượng vụ vỡ nợ tăng nhẹ sẽ tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế. Các vụ phá sản sẽ gây áp lực lên thị trường lao động khi người lao động bị sa thải, kéo theo đó là người dân giảm chi tiêu.
Liệu "đầu tàu" kinh tế có thể hạ cánh mềm?
Cách đây không lâu, dường như một cuộc suy thoái ở Mỹ là điều không thể tránh khỏi khi Fed liên tục nâng lãi suất để chống lạm phát. Các ngân hàng trung ương khác cũng có động thái tương tự, nhưng vấn đề lạm phát của họ càng tồi tệ hơn khi đồng USD tăng giá.
Thế nhưng, thông tin về lạm phát ở Mỹ giảm xuống còn 3% trong tháng 6, mức thấp nhất trong 2 năm trở lại đây. Cổ phiếu tăng, lợi suất trái phiếu giảm và đồng bạc xanh đang ở gần mức yếu nhất kể từ khi Fed bắt đầu nâng lãi suất.
Sự kỳ vọng tăng cao là điều bất thường trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang tăng trưởng chậm lại. Hoạt động sản xuất toàn cầu suy yếu do người tiêu dùng giảm chi tiêu. Mặc dù nền kinh tế Mỹ đã trải qua giai đoạn tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm nay, hầu hết các chuyên gia dự báo rằng nó sẽ sớm giảm nhiệt.
Tuy nhiên, các chuyên gia lại không kỳ vọng nền kinh tế Mỹ sẽ thu hẹp. Đà tăng trưởng hạ nhiệt chỉ đủ để kiềm chế lạm phát chứ không gây ra một cuộc suy thoái hay còn gọi là hạ cánh mềm.
Mặc dù kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại không mang lại kết quả như kỳ vọng từng khiến nhiều người lo ngại giá hàng hóa toàn cầu sẽ tăng mạnh, nhưng điều này đã không xảy ra, giúp cho châu Âu "thở phào nhẹ nhõm" bởi họ cần phải thay thế khí đốt của Nga bằng khí hóa lỏng.
Các nước giàu vẫn còn một quãng đường dài trước khi hoàn toàn kiểm soát lạm phát và nhiều chuyên gia tin rằng giai đoạn cuối này sẽ là khó khăn nhất.
Các ngân hàng trung ương sẽ phải lựa chọn giữa một bên là tiếp tục siết chặt chính sách so với hiện tại và bên còn lại là từ bỏ mục tiêu lạm phát 2%. Dù theo cách nào, nó cũng có thể gây ảnh hưởng lớn đến các thị trường tài sản và cả nền kinh tế.