Giải mã sức trụ bất ngờ của kinh tế Mỹ
(Dân trí) - "Chúng ta đã đánh giá thấp sức chống chịu của nền kinh tế Mỹ", ông Carl Tannenbaum, nhà kinh tế trưởng tại Northern Trust, chia sẻ với WSJ.
Bức tranh kinh tế mạnh mẽ
Bất chấp lãi suất tăng mạnh thời gian qua, những dấu hiệu mới về sức mạnh của thị trường lao động Mỹ cho thấy bức tranh kinh tế mạnh mẽ của nước này.
"Nếu nhìn vào số liệu của quý II, điều chúng ta thấy là sự tăng trưởng vượt dự báo, thị trường lao động thắt chặt hơn dự báo và lạm phát cũng cao hơn dự báo", ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), phát biểu tại một hội nghị ở Bồ Đào Nha cuối tháng 6. Hầu hết các quan chức Fed dự kiến sẽ có 2 đợt tăng lãi suất nữa trong năm nay, ông Powell cho biết.
Trong hơn một năm qua, Fed đã mạnh tay tăng lãi suất hạ nhiệt nền kinh tế. Dù trong kỳ họp tháng 6, Ngân hàng trung ương Mỹ không tăng lãi suất nhưng ông Powell vẫn duy trì lập trường cứng rắn về chính sách tiền tệ và kỳ vọng lãi suất còn phải tăng thêm vài lần nữa và thậm chí tăng với tốc độ quyết liệt.
Cuối tuần trước, thành viên hội đồng thống đốc Fed Christopher Waller cũng tái khẳng định quan điểm cần tăng lãi thêm 2 lần năm nay. Ông cũng khẳng định nếu lạm phát không có tiến triển và hoạt động kinh tế không chậm lại nhiều, nhiều khả năng Fed sẽ nâng lãi trong tháng 9.
Nhà đầu tư đang đặt cược Fed nâng lãi trong tháng này, sau khi tạm dừng tháng trước. Cơ quan trên đã tăng lãi 10 lần liên tiếp kể từ tháng 3 năm ngoái, đưa lãi suất tham chiếu lên 5-5,25%. Đây là mức cao nhất trong hơn 15 năm qua.
"Chúng ta đã đánh giá thấp sức chống chịu của nền kinh tế Mỹ"
Đầu năm nay, nhiều chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ sẽ rơi vào suy thoái vào giữa năm 2023. Trên thực tế, trong năm qua, người tiêu dùng, người lao động và doanh nghiệp Mỹ đối mặt với nhiều thách thức do lãi suất tăng và lạm phát cao. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục tăng trưởng, kể cả trong môi trường lãi suất cao.
Điều này được thể hiện rõ ở thị trường nhà ở. Số lượng nhà tồn kho ở mức thấp lịch sử đã giúp thúc đẩy doanh số nhà mới xây. Doanh số nhà mới tháng 5 đã tăng ở mức 2 con số, vượt xa dự báo của các nhà kinh tế.
"Chúng ta đã đánh giá thấp sức chống chịu của nền kinh tế Mỹ", ông Carl Tannenbaum, nhà kinh tế trưởng tại Northern Trust, chia sẻ với WSJ.
S&P Global Market Intelligence đã dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II của Mỹ tăng trưởng khoảng 1,7% so với cùng kỳ năm trước, tăng từ mức dự báo 0,8% mà tổ chức này đưa ra hồi đầu tháng.
Theo Bộ Thương mại Mỹ, GDP của Mỹ tăng 2% trong quý I với động lực chính là chi tiêu tiêu dùng mạnh. Trong quý đầu năm, chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tăng 4,2% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng mạnh nhất kể từ giữa năm 2021, khi nền kinh tế đang phục hồi sau các đợt hạn chế phòng dịch Covid-19.
Mới đây, Cục Thống kê Lao động Mỹ vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 của nước này tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái - mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021 và thấp hơn dự báo tăng 3,1% của các chuyên gia kinh tế.
Tốc độ này đã chậm lại tháng thứ 12 liên tiếp. Trong khi tháng 6 năm ngoái, Mỹ lạm phát lên tới 9,1%, cao nhất kể từ năm 1981.
Nếu loại bỏ thực phẩm và năng lượng, lạm phát cơ bản tăng 4,8% so với cùng kỳ và là tốc độ chậm nhất kể từ cuối năm 2021. Dù vậy, tốc độ này vẫn cao hơn mục tiêu của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) là 2%.
Tỷ lệ thất nghiệp bất ngờ giảm mạnh
Yêu cầu hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu, con số thể hiện số lượng lao động bị sa thải, trong tuần đã giảm 26.000 yêu cầu. Thị trường lao động Mỹ vẫn có sức chống chịu tốt bất chấp Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) liên tục tăng lãi suất.
Các nhà tuyển dụng đã tuyển thêm 210.000 việc làm trong tháng 6, con số lớn nhất kể từ đầu năm. Tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ vẫn ở gần mức thấp nhất trong lịch sử. Số lượng việc làm đăng tuyển mới trong tháng 4 và 5 cũng nhiều hơn hàng triệu người so với số lượng lao động đang tìm việc làm.
Express Employment Professionals, một doanh nghiệp cung cấp nhân sự, cho biết nhiều công ty vẫn đang tuyển dụng và nhu cầu đặc biệt cao đối với một số vị trí như thợ sửa ống nước, kỹ sư máy sưởi và hệ thống làm mát và các vị trí tương tự.
Theo bà Stephanie Miller, giám đốc phụ trách tìm kiếm nhân tài của Express, cho rằng thị trường lao động Mỹ đang diễn ra sôi động nhưng cũng có phần nguội lạnh ở một số ngành nghề.
"Chúng tôi vẫn đang chứng kiến khoảng cách lớn giữa cơ hội việc làm và số lượng ứng viên", bà Miller nhấn mạnh với WSJ.
Theo bà Miller, nhiều nhân sự đã tìm đến dịch vụ giới thiệu việc làm của bà trong những tháng gần đây. Trong khi đó, nhiều người tìm việc trở nên cấp bách hơn do các trợ cấp của Chính phủ giảm xuống và chi phí sinh hoạt tăng lên.
Dù vậy, chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ và bức tranh việc làm vững chắc đang thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Các dữ liệu khác gần đây cho thấy doanh số bán nhà mới, đơn đặt hàng cho hàng hóa bền và niềm tin của người tiêu dùng ở Mỹ đang tăng.
"Nền kinh tế Mỹ vẫn đang khá khỏe mạnh và dường như một số động lực tăng trưởng vẫn còn", bà Nancy Vanden Houten, nhà kinh tế học trưởng về Mỹ tại Oxford Economics, nhận xét. "Chúng tôi vẫn dự báo nền kinh tế sẽ vẫn suy thoái nhẹ, nhưng điều này sẽ xảy ra muộn hơn so với dự báo ban đầu".
Giảm xác suất suy thoái
Lạm phát hạ nhiệt, thị trường lao động vẫn mạnh mẽ và khả năng chống chịu tốt đã khiến các nhà kinh tế giảm xác suất suy thoái của nền kinh tế Mỹ. Trong cuộc khảo sát mới nhất của WSJ, các nhà kinh tế đã giảm xác suất suy thoái của Mỹ trong 12 tháng tới xuống 54% từ 61% trong hai cuộc khảo sát trước đó.
Dù xác suất suy thoái đó vẫn cao so với các tiêu chuẩn trong lịch sử nhưng những dự báo mới đây của các chuyên gia cho rằng Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng ngay cả khi Fed tăng lãi suất và lạm phát suy yếu.
Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ vẫn ổn định bất chấp các bất ổn của nền kinh tế. Trong tháng 7, chỉ số tâm lý người tiêu dùng Mỹ đã tăng 8,2 điểm, lên 72,6 điểm, mức cao nhất trong 21 tháng, theo Đại học Michigan.
Giữa năm ngoái, nhiều chuyên gia dự đoán Mỹ có thể sẽ suy thoái khi tình trạng lạm phát cao kéo dài, khiến Fed phải mạnh tay tăng lãi suất. Trong lịch sử, khi lạm phát giảm mạnh, điều này thường dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và suy thoái kinh tế. Tuy nhiên, một số nhà kinh tế cho rằng lần này sẽ khác.
Sean Snaith, Giám đốc Viện Dự báo kinh tế của Đại học Central Florida, nhận định giờ đây, con đường để đạt được "hạ cánh mềm", tức giảm lạm phát mà không gây suy thoái kinh tế, đang được mở ra.
"Vào đầu năm nay, kịch bản hạ cánh mềm cho nền kinh tế Mỹ dường như là một giấc mơ viển vông. Hiện tại, có vẻ như cơn suy thoái tiềm ẩn liên tục bị đẩy lùi vào thời điểm xa hơn trong tương lai", ông chia sẻ thêm với WSJ.