Mỹ bị hạ xếp hạng tín nhiệm, Nhà Trắng bất bình
(Dân trí) - Mỹ vừa bị Fitch Ratings hạ xếp hạng tín nhiệm từ mức cao nhất là AAA xuống AA+, do thâm hụt ngân sách lớn và quản trị yếu khiến khủng hoảng trần nợ lặp đi lặp lại nhiều lần trong 20 năm qua.
Trong thông báo ngày 1/8, Fitch Ratings, một trong 3 cơ quan xếp hạng tín dụng lớn nhất thế giới, cho biết lý do hạ bậc là chất lượng điều hành đi xuống và bất đồng quanh vấn đề trần nợ công khiến Mỹ gặp rủi ro vỡ nợ.
Giải thích về việc hạ tín nhiệm, Fitch cho biết họ dự báo tình hình tài khóa của Mỹ sẽ yếu đi trong 3 năm tới, gánh nặng nợ nần của chính phủ ngày càng lớn, và chất lượng điều hành giảm sút so với các nước xếp hạng AA và AAA. Fitch cho rằng những điều này khiến Mỹ liên tiếp rơi vào bế tắc khi đàm phán nâng trần nợ, và chỉ tìm được giải pháp vào phút chót.
Fitch cũng cho biết thêm quyết định của họ không chỉ dựa trên tình hình trần nợ mới nhất, mà là kết quả của việc chất lượng quản trị giảm dần trong 20 năm qua liên quan đến vấn đề tài khóa và nợ nần.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã nhanh chóng lên tiếng phản đối động thái của Fitch. Bà cho rằng đánh giá của Fitch là tùy tiện và dựa trên các số liệu đã cũ.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cũng phản đối quyết định này. "Sự cực đoan của các quan chức đảng Cộng hòa đã đe dọa kinh tế Mỹ. Từ việc cổ súy vỡ nợ, làm giảm chất lượng quản trị, đến tìm cách gia hạn ưu đãi thuế cho người giàu và các tập đoàn", bà trả lời Reuters.
Hơn 10 năm trước, S&P Global Ratings cũng từng hạ bậc xếp hạng tín nhiệm của Mỹ do bế tắc xoay quanh vấn đề trần nợ. Theo Bloomberg, đó là lần đầu tiên Mỹ mất xếp hạng AAA. Động thái của S&P khi đó đã có tác động rất lớn, khiến thị trường chứng khoán giảm mạnh và lợi suất trái phiếu tăng cao.
Mức xếp hạng mới của Fitch khiến Mỹ ngang hàng với Áo và Phần Lan, nhưng xếp dưới Thụy Sĩ và Đức. S&P hiện vẫn duy trì mức tín nhiệm AA+ với Mỹ sau năm 2011. Trong khi đó, Moody's vẫn xếp hạng Mỹ ở mức cao nhất là AAA.