DNews

Có nên nghỉ việc để trả thù?

Cẩm Hà

(Dân trí) - Khi làn sóng "nghỉ việc để trả thù" đang lan rộng, các chuyên gia đánh giá đây không phải là một lựa chọn khôn ngoan với người lao động.

Có nên nghỉ việc để trả thù?

Hãy tưởng tượng bạn đang làm việc chăm chỉ mỗi ngày, cống hiến hết mình nhưng không được công nhận. Lương thấp, cơ hội thăng tiến mờ mịt, công việc cứ lặp đi lặp lại. Rồi đến một ngày, bạn cảm thấy không thể chịu đựng thêm nữa và quyết định rời đi - nhưng không chỉ đơn giản là nghỉ việc.

Bạn muốn ra đi theo cách khiến công ty phải "nhớ mặt đặt tên". Đó chính là "nghỉ việc trả thù" (revenge quitting) - một xu hướng đang ngày càng phổ biến.

Bằng cách nghỉ việc theo kiểu gây rối, nhiều người tin rằng họ có thể khiến công ty phải gánh chịu hậu quả từ hành động của mình. Hơn nữa, điều này có thể làm gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp và gây tổn hại đến danh tiếng của công ty.

Từ nghỉ việc trong im lặng đến nghỉ việc để trả thù

"Nghỉ việc trong im lặng" (quiet quitting), "nghỉ việc trong cơn giận dữ" (rage-quitting), "ứng tuyển vì tức giận" (rage-applying), "làm việc chỉ để điểm danh" (coffee-badging), "làm việc kết hợp trong im lặng" (hushed hybrid), và giờ đây là "nghỉ việc để trả thù" (revenge-quitting). Xu hướng mới nhất này mô tả việc nhân viên đột ngột từ chức, thường là do một trải nghiệm tiêu cực hoặc khó chịu tại nơi làm việc.

Có nên nghỉ việc để trả thù? - 1

Nhiều lao động trẻ nghỉ việc để trả thù khi gặp khó chịu tại nơi làm việc (Ảnh: Getty).

Việc thiếu sự công nhận, con đường thăng tiến không rõ ràng hoặc sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống có thể là nguyên nhân dẫn đến quyết định này. Điều đó đặt ra câu hỏi liệu "nghỉ việc trả thù" có phải là hệ quả của sự thay đổi lớn trong môi trường làm việc, hay vẫn còn những yếu tố khác tác động?

Các số liệu cho thấy rõ xu hướng này: "Nghỉ việc trả thù" được dự đoán là trào lưu nghề nghiệp hàng đầu năm 2025, với một nghiên cứu cho thấy 28% nhân viên kỳ vọng điều này sẽ xảy ra trong năm nay. Lượng tìm kiếm trên Google về cụm từ "Revenge Quitting" đã tăng 234% chỉ trong vài tuần gần đây.

Phong trào "nghỉ việc trả thù" đang trở thành một thực trạng trong lực lượng lao động gen Z, và ý kiến về vấn đề này có thể rất đa dạng.

Sự ích kỷ hay hành động tự bảo vệ?

Nhiều người có thể xem phong trào này là hành động thể hiện sự ích kỷ, bởi vì người lao động gen Z có vẻ như đang đặt lợi ích cá nhân lên trên yếu tố tập thể hoặc những trách nhiệm trong công việc. Họ có thể sẵn sàng từ bỏ công việc mà không suy nghĩ đến hậu quả cho đồng nghiệp hoặc công ty.

Ngược lại, nhiều nghiên cứu cho thấy gen Z là thế hệ thường xuyên đối mặt với áp lực lớn từ công việc, như khối lượng công việc nặng, thiếu hỗ trợ từ quản lý, và sự bất công trong môi trường làm việc. Họ coi việc rời bỏ công việc một cách quyết liệt như một hình thức phản kháng hợp lý đối với những hoàn cảnh không công bằng.

Sarah làm việc trong một công ty quảng cáo lớn. Sau nhiều lần phải làm thêm giờ mà không được trả lương phù hợp, cô cảm thấy kiệt sức và không được công nhận. Cuối cùng, Sarah đã quyết định nghỉ việc mà không có thông báo trước. Cô viết một bức thư để gửi lại cho ban lãnh đạo, nêu những vấn đề mà cô gặp phải và lý do nghỉ việc.

James - nhân viên của một công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Anh là một nhân viên trung thành và cống hiến, nhưng công ty thường xuyên giao thêm công việc mà không có sự hỗ trợ nào. Sau một thời gian dài không có sự thay đổi, James quyết định nghỉ việc ngay lập tức khi biết rằng công ty không có kế hoạch cải thiện tình hình. Anh đã công khai hành động này trên mạng xã hội và chia sẻ lý do để nâng cao nhận thức về vấn đề này.

Hành động của Sarah đã tạo ra một cuộc thảo luận trong nội bộ công ty về chính sách làm việc và đã giúp công ty xem xét lại chế độ đãi ngộ cho nhân viên. Mặc dù có người xem đó là hành động thể hiện sự ích kỷ, nhưng Sarah cảm thấy đó là cách để lên tiếng cho chính bản thân và đồng nghiệp.

Còn đối với James, mặc dù bị chỉ trích là tự phụ và ích kỷ, anh nhận được sự ủng hộ từ nhiều người khác đã trải qua hoàn cảnh tương tự. Hành động của anh đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông, và một số công ty khác đã bắt đầu thay đổi chính sách làm việc để thu hút nhân viên.

Gen Z thường có xu hướng tìm kiếm một môi trường làm việc tốt hơn, nơi họ được nghe và công nhận. Họ muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân, và không ngần ngại thể hiện quan điểm của mình. Do đó, động thái này có thể được xem như một nỗ lực để tạo ra sự thay đổi tích cực trong môi trường làm việc.

Có nên nghỉ việc để trả thù? - 2

Nghỉ việc trả thù có thể được cho là hành động thể hiện sự ích kỷ nhưng đồng thời nó cũng thể hiện mong muốn của người lao động (Ảnh: Getty).

Dù hành động này có thể được nhìn nhận là ích kỷ trong ngắn hạn, nhưng nếu các công ty không nhận ra và tìm cách cải thiện tình hình, họ có thể mất đi nhiều nhân viên tài năng trong lâu dài.

Hai mặt của "nghỉ việc trả thù"

Amaira Dubey, một doanh nhân và cựu chuyên gia tư vấn truyền thông doanh nghiệp tại Dubai, người từng chứng kiến nhiều trường hợp nghỉ việc như vậy, giải thích: "Đây không phải là một vấn đề đơn giản có thể giải thích bằng số liệu hay xu hướng. Tôi đã thấy nhiều người bị dồn đến giới hạn tại nơi làm việc, kiệt sức và cuối cùng quyết định từ bỏ vì căng thẳng quá lớn. Đó là một quyết định hoàn toàn chính đáng, miễn là bạn có điều kiện để làm vậy. Vì sao lại ở lại và đánh mất giá trị bản thân?"

Tuy nhiên, bà cũng đưa ra một góc nhìn khác, rằng không phải ai cũng nghỉ việc vì cảm xúc. Nhiều yếu tố tâm lý cá nhân tác động đến quyết định này. Ở một thái cực khác, có những người sử dụng điều này như một chiến lược quyền lực. Họ từ chức với hy vọng được mời gọi trở lại và nhượng bộ.

Dubey kể lại một trường hợp nhân viên liên tục nộp đơn xin nghỉ việc mỗi khi có vấn đề. Mỗi lần như vậy, người quản lý lại tìm cách xoa dịu. Nhưng đến khi cấp quản lý cấp cao vào cuộc, họ quyết định chấp nhận đơn từ chức của cô ấy ngay lập tức.

Bác sĩ tâm thần Mohammad Wafeek Eid tại Bệnh viện Medcare Al Safa cũng cho rằng nhân viên đưa ra quyết định này khi họ muốn lấy lại cảm giác kiểm soát. Nghỉ việc theo cách gây rối giúp họ cảm thấy rằng công ty sẽ phải chịu hậu quả từ hành động của mình. Tuy nhiên, điều này cũng có thể làm gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp và ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng công ty.

Ông mở rộng vấn đề này bằng cách chỉ ra vai trò của mạng xã hội trong xu hướng nghỉ việc công khai. Theo ông, việc chia sẻ trải nghiệm nghỉ việc trên TikTok, Instagram hay tố cáo công ty trên LinkedIn đã khiến hình thức nghỉ việc này trở nên phổ biến hơn. Nhưng nghỉ việc không phải là điều mới mẻ. Rời bỏ một công việc để phát triển sự nghiệp là điều bình thường và thường được khuyến khích. Tuy nhiên, việc chuyển từ "nghỉ việc trong im lặng" sang "nghỉ việc trả thù" không phải là một lựa chọn tốt".

Còn Dubey nhấn mạnh rằng nhiều người thực hiện hành động này đơn thuần để gây chú ý: "Nó dần trở thành một màn kịch hơn là một giải pháp thực sự cho vấn đề".

Việc nghỉ việc để trả thù có thể gây ra những hậu quả sâu rộng đối với doanh nghiệp. Ngoài sự gián đoạn ngay lập tức do thiếu nhân sự, ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Nghỉ việc trả thù còn có thể làm tổn hại danh tiếng của doanh nghiệp, tạo ra những ấn tượng tiêu cực trong mắt nhân viên hiện tại, ứng viên tiềm năng và thậm chí là khách hàng, đặc biệt nếu việc nghỉ việc được công khai hoặc chia sẻ trên mạng xã hội.

Có nên nghỉ việc để trả thù? - 3

Nghỉ việc để trả thù có thể gây ra nhiều hệ lụy cho cả doanh nghiệp và người lao động (Ảnh: Shutterstock).

Không chỉ gây tổn hại cho doanh nghiệp, theo bác sĩ Eid, hành động này còn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính người lao động.

Việc nghỉ việc mà không thông báo trước có thể khiến bạn bỏ lỡ những cơ hội học hỏi, mở rộng mạng lưới quan hệ hoặc thậm chí là thăng tiến trong sự nghiệp. Bất kỳ tổ chức nào cũng sẽ yêu cầu thông tin tham chiếu từ các công ty trước đây của bạn. Nghỉ việc theo cách ồn ào có thể đem lại cảm giác thỏa mãn tức thời, nhưng về lâu dài, nó có thể làm tổn hại đến các mối quan hệ nghề nghiệp và cơ hội việc làm trong tương lai.

Như Polly Williams, Giám đốc điều hành của Tish Tash, chỉ ra: Việc công khai chia sẻ trải nghiệm nghỉ việc trên TikTok, Instagram hay tố cáo công ty trên LinkedIn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tất cả các bên liên quan.

Vậy bạn nên làm gì thay vì nghỉ việc để trả thù?

Suy cho cùng, chúng ta đều là con người. Mishti Dev, một quản lý tại Dubai, chia sẻ, đôi khi, cảm xúc lấn át. Thật khó để kiểm soát cơn giận khi bản thân cảm thấy bị tổn thương. Và đúng vậy, có những lúc việc nghỉ việc theo cách đó dường như là giải pháp duy nhất. Nhưng điều quan trọng là phải dừng lại và đánh giá cảm xúc của mình trong khoảnh khắc ấy.

Ông nói: "Hãy cân nhắc tác động lâu dài của một quyết định từ chức đột ngột. Hãy nghĩ về tình hình của bạn, tài chính cá nhân và những ảnh hưởng đến gia đình bạn. Có rất nhiều yếu tố cần suy xét".

Có nên nghỉ việc để trả thù? - 4

Hãy cân nhắc các vấn đề trước khi quyết định nghỉ việc (Ảnh: Getty).

Trước khi đưa ra một quyết định cực đoan như vậy, bác sĩ Eid gợi ý một số cách tiếp cận lành mạnh hơn để giải quyết vấn đề tại nơi làm việc:

Giao tiếp cởi mở: Hãy bắt đầu bằng cách có một cuộc trò chuyện thẳng thắn và chuyên nghiệp với quản lý trực tiếp. Hãy sử dụng những ví dụ cụ thể để trình bày mối quan ngại và đề xuất giải pháp.

Sử dụng các kênh chính thức: Nếu các cuộc thảo luận không chính thức không giải quyết được vấn đề, hãy nâng cao vấn đề thông qua quy trình khiếu nại chính thức của công ty.

Ghi chép lại các vấn đề: Lưu giữ hồ sơ chi tiết về các sự cố, cuộc trò chuyện và hành động đã thực hiện. Điều này có thể đóng vai trò như bằng chứng nếu cần thiết phải nâng cao vấn đề.

Tìm kiếm sự hỗ trợ: Chia sẻ lo lắng của bạn với đồng nghiệp đáng tin cậy, bạn bè hoặc gia đình để nhận được sự hỗ trợ về mặt cảm xúc và góc nhìn khách quan hơn.

Đánh giá các lựa chọn: Nếu nghỉ việc là quyết định tốt nhất, hãy thực hiện điều đó một cách chuyên nghiệp bằng cách thông báo trước và đảm bảo quá trình bàn giao suôn sẻ. Điều này giúp duy trì mối quan hệ tốt, giữ cơ hội mở rộng trong tương lai và bảo toàn danh tiếng với các công ty khác.

Cuối cùng, Williams nhấn mạnh, nếu một doanh nghiệp trở thành nạn nhân của hiện tượng "nghỉ việc trả thù", họ cần tự hỏi tại sao điều đó lại xảy ra để có cách giải quyết phù hợp.