Chuyên gia: Vàng chưa bao giờ là kênh đầu tư có hiệu suất cao
(Dân trí) - Giám đốc Đầu tư của quỹ ngoại tỷ USD Dragon Capital cho rằng vàng chưa bao giờ là kênh đầu tư có hiệu suất cao tính theo chu kỳ dài và so sánh với hiệu quả đầu tư trái phiếu, cổ phiếu, bất động sản...
TS Lê Anh Tuấn là Giám đốc Đầu tư Dragon Capital - quỹ ngoại có mặt khoảng 30 năm ở Việt Nam, trước khi thị trường chứng khoán Việt được thành lập, quản lý khối tài sản vài tỷ USD.
Giá vàng trong nước biến động mạnh vì sao?
Thời gian gần đây, giá vàng nhiều phen biến động mạnh, có khi vượt mốc 80 triệu đồng/lượng? Theo ông, vì sao giá vàng lại biến động mạnh như thế?
- Có nhiều yếu tố tác động với giá vàng. Thứ nhất, giá vàng thế giới tăng 6% từ vùng 1.940 USD lên khoảng 2.080 USD. Điều đó chuyển hóa qua giá vàng Việt Nam, nhưng khi giá vàng trong nước lên 80 triệu đồng/lượng thì mức tăng đâu đó khoảng 15%.
Sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới có nhiều nguyên nhân, như tính chất đầu cơ và xu hướng đám đông. Ngoài ra, chỉ số giá DXY (USD Index) cũng có tác động, trong quá khứ nhiều giai đoạn chỉ số này giảm thì giá vàng có nhịp tăng. Vừa qua, chỉ số này cũng giảm.
Sau khi giá vàng tăng "nóng", Chính phủ và nhiều bộ, ngành cùng vào cuộc thì giá vàng đã "hạ nhiệt" nhưng mức chênh lệch giữa mua vào - bán ra vẫn tương đối lớn. Ông nghĩ sao?
- Tôi đánh giá rất cao chính sách điều hành kịp thời của Chính phủ trong thời gian qua, khi giá vàng trong nước và giá vàng thế giới chênh lệch lớn 20-25%. Sự vào cuộc quyết liệt này không chỉ nhằm ổn định thị trường vàng mà rộng hơn là thị trường ngoại hối.
Nhìn lại chu kỳ 3 năm qua, khi kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, các nền tảng đầu tư bắt đầu hấp dẫn thì giá vàng trong nước chỉ cao hơn giá vàng thế giới 3-5%. Nhưng khi kinh tế trong nước có vấn đề, điển hình tháng 10-11/2022, lúc đó độ chênh lệch vàng 25%. Còn tháng 12/2023 vừa qua cũng khoảng 20-23%. Giờ cao hơn khoảng 10-13%.
Khi kinh tế trong nước có sự phục hồi nhất định, các kênh đầu tư triển vọng tốt hơn thì giá vàng chênh 5-10% so với thế giới, có giai đoạn thấp hơn.
Vàng có phải kênh đầu tư sáng giá trong năm 2024?
- Xét về đầu tư theo tháng, quý, năm thì khó dự đoán. Xét với các kênh đầu tư khác như trái phiếu, cổ phiếu, bất động sản theo chu kỳ dài (10-20 năm, thậm chí 50 năm) thì vàng chưa bao giờ là kênh đầu tư có hiệu suất cao.
Năm 2024, cơ hội nhiều hơn thách thức
Nhận định của ông ra sao về bức tranh kinh tế vĩ mô 2023?
- Từ nửa cuối 2023, chính sách tiền tệ đi rất đúng hướng. Nền kinh tế không có lạm phát, điện năng sử dụng thấp trong 15 năm. Sản xuất, tiêu dùng cũng yếu. Do đó, Chính phủ đã đẩy mạnh đầu tư công, cộng thêm việc giảm lãi suất rất quyết liệt, thậm chí đi trước quyết định của thế giới. Tôi cho rằng kinh tế đã đi qua vùng đáy trong năm 2023.
Còn điểm sáng và thách thức của kinh tế năm 2024, thưa ông?
- Năm 2024, tôi cho rằng cơ hội nhiều hơn là thách thức. Lãi suất được điều hành tương đối thấp từ quý IV/2023. Với độ trễ khoảng 6 tháng đến 1 năm, chính sách này sẽ đi vào nền kinh tế và tới quý II-III/2024, chúng ta sẽ thấy được sự dịch chuyển của nó vào nền kinh tế tăng trưởng.
Ngay từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 14% cho các ngân hàng. Điều này cũng tốt chứ, thưa ông?
- Chính sách này rất đúng đắn. Nhìn lại 15 năm qua, chúng ta có thể thấy khi nền kinh tế ổn định thì tín dụng tăng dồn trong 6 tháng đầu năm. Nếu kinh tế yếu, như năm 2020, thì tín dụng lại tăng dồn 1-2 tháng cuối năm. Việc Ngân hàng Nhà nước nới hầu bao đẩy tín dụng ngay từ đầu năm là một tín hiệu rất tốt cho nền kinh tế.
Đầu tư gì, chiến lược nào?
Với bức tranh kinh tế như vậy, ông cho rằng kênh đầu tư nào sẽ triển vọng trong năm nay?
- Năm 2024, trong môi trường lãi suất thấp, kinh tế có sự phục hồi nhất định và tôi tin kinh tế có sự phục hồi thì việc gửi tiết kiệm ngân hàng là kênh đầu tư kém nhất. Chứng khoán, bất động sản, thậm chí là trái phiếu doanh nghiệp, sẽ cho hiệu suất đầu tư tốt hơn.
Nhiều người có thể băn khoăn về câu chuyện trái phiếu, tuy nhiên vào giai đoạn bùng nổ (2021-2022), tổng lượng phát hành của kênh đầu tư này khoảng 50-60 tỷ USD, không quá lớn so với quy mô nền kinh tế. Thị trường này nếu xảy ra sự cố vẫn có thể xử lý được.
Trong đầu tư, một nguyên tắc kinh điển là "không bỏ trứng vào một giỏ". Ông cho rằng nhà đầu tư nên phân bổ tỷ lệ đầu tư như thế nào?
- Để nói về chuyện phân bổ tỷ lệ đầu tư, điều này nên tùy thuộc vào khẩu vị và mức độ chịu đựng rủi ro của mỗi người. Với người trẻ, chưa có nhiều tiền, khẩu vị rủi ro có thể cao hơn, lựa chọn đầu tư định kỳ vào các quỹ cổ phiếu. Người có tuổi, chuẩn bị về hưu, có thể lựa chọn đầu tư vào các quỹ trái phiếu.
Tóm lược chiến lược đầu tư 2024, ông muốn nói điều gì?
- Tôi ngắn gọn thôi, trong một môi trường lãi suất thấp, khẩu vị đầu tư nên có rủi ro cao hơn.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!