(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh đến việc cần thiết nghiên cứu gói hỗ trợ lãi suất, không thể "dễ thì làm, khó thì bỏ".
CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐÚNG, TRÚNG ĐỐI TƯỢNG
Diễn đàn Kinh tế 2021 bàn về phục hồi và phát triển bền vững diễn ra ngày 5/12 khép lại với phần phát biểu kết luận đáng chú ý của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Theo Chủ tịch Quốc hội, trong hoàn cảnh đặc biệt, cần có những cơ chế giải pháp đột phá với cơ chế khác bình thường. Ngay diễn đàn diễn ra hôm nay, theo Chủ tịch Quốc hội cũng khác biệt khi tổ chức vào ngày nghỉ, bởi tính cấp bách.
Kết thúc một ngày làm việc, diễn đàn đã nhận được nhiều ý kiến về dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ, dành nhiều thời gian bàn về gói an sinh xã hội, những chia sẻ cộng đồng doanh nghiệp, từ các chuyên gia trong và ngoài nước. Diễn đàn rất mở, rất đa chiều, Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Các ý kiến sẽ được cơ quan chủ trì phối hợp với các đơn vị báo cáo tổng thuật, kết quả diễn biến diễn đàn để gửi các cơ quan hữu quan, các đại biểu Quốc hội. Những ý kiến, đề xuất đưa tại diễn đàn sẽ làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền có nghiên cứu một cách sâu sắc hơn, chuẩn bị cho phiên họp bất thường của Quốc hội dự kiến ra cuối năm nay, hoặc chậm nhất đầu năm 2022, theo khẳng định từ người đứng đầu Quốc hội.
Theo ông, tác động của đại dịch là không lường trước được và chưa biết bao giờ chấm dứt. Theo tính toán của Ban Kinh tế Trung ương, 2 năm thì thiệt hại kinh tế trực tiếp là 37 tỷ USD, vào khoảng hơn 847.000 tỷ đồng.
Do vậy theo người đứng đầu Quốc hội, việc thực hiện gói hỗ trợ là cần thiết. Gói hỗ trợ có một số nội dung quan trọng như tập trung tổng cung và tổng cầu. Cả chính sách tài khóa và tiền tệ, chính sách vĩ mô khác. Kinh nghiệm thế giới tài khóa chiếm 65%, tiền tệ 35%. Với quy mô đủ lớn, diện bao phủ rộng hơn, liệu lượng hợp lý, thời điểm phù hợp, có lộ trình từ năm 2022-2023.
Cũng theo ông Huệ, gói hỗ trợ cần phải có mục tiêu cụ thể, dễ dàng trong thực hiện, khả thi. Vừa đáp ứng yêu cầu hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, vừa giữ được ổn định kinh tế vĩ mô. "Đại diện WB, IMF nói rất nhiều, vĩ mô giữ được rất lâu dài, rất khó. Còn mất ổn định rất nhanh và rất dễ. Mất ổn định vĩ mô là mất hết. Chủ đề hôm nay là phục hồi và bền vững là như vậy", ông Huệ nói.
Ông cho biết, các chính sách tổng thể của chương trình phục hồi sẽ hướng tới doanh nghiệp bị tác động trực tiếp bởi Covid-19, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, hướng tới các ngành tăng trường cao, hướng tơi mục tiêu dài hạn, tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững, kết cấu hạ tầng, logistics... Theo đó, các chính sách hỗ trợ cần đúng và trúng đối tượng.
CHÚ Ý SỨC HẤP THỤ CỦA NỀN KINH TẾ
Tóm lược ý kiến của chuyên gia, các tổ chức, doanh nghiệp, ông Vương Đình Huệ nhắc lại một số ý kiến chính mà diễn đàn đề cập.
Trong đó, thứ nhất, đối với chương trình phục hồi kinh tế xã hội, cần bám sát chủ trương Đảng và Nhà nước. Theo đó đảm bảo nhất quán, giữ vững ổn định vĩ mô, nâng cao tự chủ, khả năng thích ứng.
Thứ hai, tập trung tăng cả tổng cung cả tổng cầu. Sau 11 tháng, doanh thu bán lẻ giảm 8,7%, trong khi bình thường tăng 12-14%. Suy giảm rất lớn, cầu rất yếu. Do vậy ông Huệ cho biết, có ý kiến cần hướng tới giảm đầu vào cho doanh nghiệp giảm thuế, hỗ trợ lao động. Kích cầu thị trường kể cả dịch vụ hàng hóa, kích cầu đầu tư (bao gồm cả công và các thành phần kích tế khác).
Thứ ba, phối hợp đảm bảo hài hòa chính sách tiền tệ, tài khóa, có quy mô đủ lớn, có trọng tâm trọng điểm. Không đủ liều lượng thì không giải quyết được các vấn đề cấp bách, thậm chí không khéo gây ra lãng phí.
Tiếp đến, gói hỗ trợ cần được thiết kế khả thi, có khả năng hấp thụ. Điểm nghẽn hấp thụ của nền kinh tế mà các đại biểu chỉ ra như thực thi giải ngân đầu tư công, tăng trưởng vốn tín dụng. Tuy nhiên, đáng lưu ý khi không chỉ đầu tư công đâu mà đầu tư tư nhân nhiều dự án cũng chậm. Cần chú ý để cải thiện khà năng hấp thụ nền kinh tế.
Ông Huệ cũng cho biết, các ý kiến lưu ý tới việc bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế là yêu cầu bắt buộc. Việc thực hiện chính sách phải lưu chú ý đến độ trễ, chấp nhận thay đổi trong ngắn hạn nhưng cả 1 giai đoạn thì phải đảm bảo chỉ số an toàn tài chính, tiền tệ quốc gia. Huy động phân bổ quản lý minh bạch, công khai, chống lợi ích nhóm, có thiết chế giám sát kiểm tra bằng nhiều cách thức khác nhau.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, khủng hoảng lần này xuất phát từ dịch Covid-19, không phải từ kinh tế tài chính. Tuy nhiên có một số nước siêu nới lỏng tài khóa tiện tệ, một mặt đối phó dịch bệnh, một mặt cũng đề phòng giảm thiểu tiêu cực suy giảm kinh tế theo chu kỳ. "Điểm đó chúng ta cần lưu ý. Chu kỳ khủng hoảng 10 năm, khủng hoảng theo chu kỳ. Cần tiếp tục nghiên cứu", ông Huệ nói.
KHÔNG PHẢI NHÀ NƯỚC, NGÂN HÀNG LÀM ƠN HAY BAN ƠN
Đáng chú ý, trước tình trạng còn "đùn đẩy" trong trách nhiệm, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Doanh nghiệp, người dân tạo ra của cải vật chất, đóng góp ngân sách, tạo dòng tiền cho ngân hàng. Do vậy tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân cũng chính là nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách và hệ thống ngân hàng.
"Ở đây không phải nhà nước, ngân hàng làm ơn, ban ơn. Nhà nước, ngân hàng hỗ trợ DN cũng chính là tự giúp mình. Không có DN làm gì có lợi nhuận của ngành ngân hàng", ông Huệ nhấn mạnh, chúng ta phải quán triệt nhận thức này, thông thoáng trong suy nghĩ.
"Khéo ăn thì no, khéo nằm co thì ấm. Như vừa rồi chúng ta giảm thu trước bạ ô tô, nhưng tổng thu khoản này lại tăng do kích cầu tăng lên", ông Huệ chia sẻ.
Trước ý kiến có nên phát tiền cho dân nhiều hơn, ông Huệ cho biết: Cái này đúng, thế giới đang làm. Tuy nhiên ở Việt Nam hơi khác. Vừa rồi chúng ta chi trực tiếp cho người lao động. Nhưng nguyên tắc quan trọng của Việt Nam là bội chi nghân sách chỉ dùng để đầu tư, hỗ trợ phải bằng cách khác. Có hai cách, một là cứ thu bình thường rồi lấy tiền trợ cấp cho người dân. Nhưng thay vào đó chúng ta giảm thuế thì người dân cũng được thụ hưởng mà còn kích cầu.
Còn các nước phát triển, mức độ co giãn cầu rất eo hẹp. Nên người ta phát tiền mặt nhiều. Đây là sự khác biệt. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế nhưng phải biết áp dụng, không máy móc vào Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
CẦN CÓ GÓI HỖ TRỢ LÃI SUẤT
Theo ông Huệ, có ý kiến cho rằng chấp nhận tỷ lệ nợ công cao, bội chi ngân sách cao hơn. Sau đó chúng ta sẽ phấn đấu đưa về trạng thái bình thường, giữ được ở mức ổn định vĩ mô. Việc giảm thuế phí cho doanh nghiệp rất cần. Có thể giảm thuế VAT, giảm thuế trước bạ, môi trường... Nghiên cứu áp dụng hỗ trợ giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp.
"Nhất là giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp không có lãi, thậm chí bị lỗ. Chúng ta miễn thuế thu nhập nhưng họ không có lãi không được hưởng. Cái này Bộ Tài chính chưa tích cực lắm", ông Huệ nhận xét.
Chủ tịch Huệ cũng nhấn mạnh đến việc nghiên cứu gói hỗ trợ lãi suất. Gói hỗ trợ này nhiều người quan ngại khi nhắc tới thời kỳ 2008-2009. Lúc đó chúng ta hỗ trợ tràn lan, không có mục tiêu cụ thể. "Tuy nhiên không thể dễ thì làm, khó thì bỏ, cần có gói hỗ trợ lãi suất", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Ông Huệ cũng nhắc tới giải pháp tăng vốn điều lệ cho ngân hàng thương mại nhà nước, như Phó thống đốc đã nói 1 đồng tăng vốn thì tạo ra 8 đồng vốn tín dụng. Hiện dư nợ tín dụng hơn 10 triệu tỷ đồng dư nợ 4 ngân hàng cổ phần thương mại nhà nước gánh vác đến 50% .
Trong phần kết luận tại diễn đàn, Chủ tịch Vương Đình Huệ cũng bày tỏ sự đồng tình với quan điểm doanh nghiệp cần thể chế và trong chương trình phục hồi hoàn thiện thể chế cũng là quan trọng nhất. Đồng thời cần theo dõi các kịch bản ứng phó với rủi ro lạm phát có xu hướng gia tăng, có tính toán rủi ro chúng ta lỡ nhịp với nền kinh tế thế giới...