Chủ tịch Quốc hội: Lắng nghe hiến kế huy động vốn ở đâu, phân bổ thế nào

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội kỳ vọng Diễn đàn Kinh tế giải đáp được câu hỏi huy động nguồn lực ở đâu, phân bổ nguồn lực thế nào, năng lực hấp thụ của nền kinh tế ra sao...

Chủ tịch Quốc hội: Lắng nghe hiến kế huy động vốn ở đâu, phân bổ thế nào - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021- Phục hồi và phát triển bền vững (Ảnh: Quốc Chính).

Dự kiến tổ chức kỳ họp bất thường bàn về gói hỗ trợ

Sáng nay (5/12), Diễn đàn Kinh tế Việt Nam với chủ đề phục hồi và phát triển bền vững khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội.

Phát biểu khai mạc tại diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, 2 năm nay dịch bệnh đã gây ra những thiệt hại nặng nề cả về kinh tế xã hội trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Riêng Việt Nam, dự kiến cả năm thì hiện tại vẫn có tăng trưởng dương nhưng cả năm sẽ không đạt được mục tiêu đặt ra.

Theo Chủ tịch Quốc hội, để đối phó với dịch bệnh, khắc phục thiệt hại, phục hồi phát triển kinh tế xã hội, các nước trên thế giới đã đưa ra nhiều giải pháp tài khóa tiền tệ khác nhau, tùy vào điều kiện nguồn lực.

Trong 2 năm qua, để ứng phó với dịch bệnh, hỗ trợ kinh tế, Việt Nam đã sử dụng linh hoạt đồng bộ các chính sách tài khóa tiền tệ cùng các giải pháp khác. Chủ tịch Vương Đình  Huệ cho biết, tổng các gói hỗ trợ của Việt Nam trong 2 năm vừa qua ước tính khoảng 4% GDP, trong đó gói tài khóa là 2,9%, gói tiền tệ 1,1%.

Chủ tịch Quốc hội: Lắng nghe hiến kế huy động vốn ở đâu, phân bổ thế nào - 2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn (Ảnh: Quốc Chính).

Vừa qua, Nghị quyết của Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng các gói chính sách tài khóa tiền tệ, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội. "Các cơ quan Quốc hội và cơ quan của Chính phủ vừa qua đã phối hợp rất chặt chẽ. Dự kiến sẽ xem xét đề nghị Quốc hội tổ chức kỳ họp bất thường cuối năm nay để xem xét vấn đề rất cấp bách này", Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Theo người đứng đầu Quốc hội, Diễn đàn Kinh tế năm 2021 là cơ hội để Quốc hội, các cơ quan hữu quan lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các đối tác phát triển của Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp, cử tri cả nước…

Qua đó lắng nghe các hiến kế về việc huy động phân bổ các nguồn lực với chính sách tài khóa, tiền tệ với quy mô, nguồn lực hợp lý nhất, cũng như sự phối hợp giữa các chính sách này để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đáp ứng được mục tiêu trước mắt, vừa đảm bảo mục tiêu dài hạn.

"Chủ đề của chúng ta phát triển và bền vững. Phát triển ở đây không phải bằng mọi giá mà phải bền vững. Giải pháp ngắn hạn, trung hạn phải bám mục tiêu dài hạn, đảm bảo phát triển nhanh nhưng bền vững. Không chỉ vấn đề kinh tế mà còn xã hội, môi trường, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô. Nhiệm vụ rất nặng nề trong nghiên cứu, thiết kế chính sách này", Chủ tịch Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Một nội dung quan trọng theo Chủ tịch Quốc hội, cũng cần được bàn tại diễn đàn đó là giải đáp được câu hỏi huy động nguồn lực ở đâu, phân bổ nguồn lực thế nào, năng lực hấp thụ của nền kinh tế ra sao khi Việt Nam vẫn còn những điểm nghẽn, vướng mắc về cổ phần hóa DNNN, giải ngân đầu tư công.

"Làm sao giải quyết được các điểm nghẽn, đưa vốn vào đâu cho đúng mục đích, đảm bảo công khai minh bạch hiệu quả, phòng chống lợi ích nhóm khi thực hiện các nhóm giải pháp", ông nhấn mạnh.

Ông Huệ cũng cho biết đây là diễn đàn mở, cùng với 2 điểm cầu chính thì diễn đàn còn kết nối 57 điểm cầu trên cả nước, với sự tham gia của trung ương, địa phương, các nhà khoa học, chuyên gia, đại biểu Quốc hội. Cùng với đó là 3 điểm cầu quốc tế Mỹ, Pháp và Thái Lan. Những đề xuất chính sách tài khóa và tiền tệ tại diễn đàn là chính sách bổ sung, ngoài khung khổ chính sách đã được Quốc hội quyết định.

"Đây là diễn đàn đa chiều, tương tác. Nếu những chính sách vĩ mô ta quyết định không xuất phát từ hơi thở, thực tiễn cuộc sống sẽ không hiệu quả, thực tiễn không phản ánh vào chính sách thì sẽ không trôi chảy", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh bất cứ cá nhân nào cũng có thể tham gia có thể kết nối, đóng góp và hiến kế qua các kênh.

Vẫn còn dư địa cho gói hỗ trợ

Tham luận tại diễn đàn, TS. Trương Văn Phước - nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia - cho rằng gói kích thích, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 là hết sức cần thiết.

"Việt Nam cần có một số gói hỗ trợ tài chính đủ lớn, đủ rộng và dài để giúp doanh nghiệp và người dân trong nhiều địa bàn và lĩnh vực có thể phục hồi được cả thể chất, tinh thần và năng lực kinh doanh sau cơn "bạo bệnh" và không loại trừ khả năng có thêm những đợt bùng phát mới có thể còn khốc liệt hơn", ông Phước nói.

Theo ông Phước, nếu thiếu các gói hỗ trợ như vậy, không loại trừ kinh tế Việt Nam sẽ rơi vào một thời kỳ trì trệ lâu dài, đánh mất nhiều lợi thế và cơ hội vươn tới các mục tiêu phát triển đã đề ra.

Nhấn mạnh sự cần thiết việc tung các gói hỗ trợ, ông Phước cho biết dư địa điều hành chính sách tiền tệ vẫn còn.

Cụ thể như mức lạm phát đến cuối tháng 10 năm nay vẫn thấp và có khả năng dưới 3% đến cuối năm 2021, có thể giảm lãi suất điều hành của NHNN ít nhất 1%, mở rộng và nới lỏng điều kiện cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn… Theo ông Phước, nhờ đó mà đưa lãi suất cho vay thương mại bình quân giảm xuống.

Đồng thời, theo ông Phước, một số các chỉ tiêu như tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nên được duy trì từ nay đến ít nhất cuối năm 2023 nhằm giảm áp lực về tăng lãi suất huy động. Về hệ số rủi ro tín dụng: trong khi vẫn đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) thì các doanh nghiệp chịu tổn thất trong đại dịch có thể có hệ số rủi ro tín dụng thấp hơn mức hiện nay để giúp các doanh nghiệp này tiếp cận được vốn tín dụng. Ông Phước cho rằng, cần tiếp tục cơ chế khoanh nợ, giãn nợ đến giữa năm 2023.

Về mặt chính sách, vị này kiến nghị Quốc hội cần xem xét việc đặt ra mức lạm phát mục tiêu bình quân trong khoảng thời gian 3-5 năm. Không nhất thiết chính sách tiền tệ phải điều hành sao cho lạm phát hàng năm dưới mức mục tiêu (4%) như hiện nay. "Lạm phát trong khoảng 3-5 năm (dù có năm cao năm thấp) nhưng bình quân dưới mức 4% là được", ông Phước nêu quan điểm.

Ông Phước cũng cho rằng, với xu hướng lãi suất quốc tế đang tăng dần, nên việc vay nợ nước ngoài chưa thật phù hợp thì nguồn tài chính chủ yếu là vay nợ trong nước. Theo đó, tham khảo kinh nghiệm các nước về việc NHTW vừa mua trực tiếp trái phiếu Kho bạc vừa tiến hành hoạt động Repo (mua đi, bán lại trái phiếu) thì nên xem xét việc NHNN mua trái phiếu Chính phủ, vừa là hành động hỗ trợ Ngân sách Nhà nước vừa nắm công cụ để điều hành chính sách: Bơm tiền, hút tiền cho các tổ chức tín dụng.

Nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng nhấn mạnh trọng tâm của chính sách tài khóa cần linh hoạt trong không gian chính sách và phối hợp hiệu quả với chính sách tiền tệ.

Trong đó, dư địa chính sách tài khóa còn rất lớn khi thu ngân sách dự kiến cả năm vẫn tăng so với dự toán; bội chi ngân sách và trần nợ công vẫn duy trì trong mức cho phép. Nợ công vẫn thấp so với ngưỡng an toàn và với mức trần đã được Quốc Hội phê chuẩn, ông Phước cho hay.

Cũng theo vị này, khả năng huy động nguồn vốn tài chính trong nước vẫn khá dồi dào khi mà lãi suất trái phiếu Chính phủ quanh mức 2, 09%/năm đối với kỳ hạn 10 năm. 

Diễn đàn Kinh tế 2021 là sự kiện do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức.

Diễn đàn được chia thành 2 phiên, trong đó phiên toàn thể buổi sáng sẽ bàn về "một số gợi ý đối với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam".

Phiên buổi chiều gồm 2 chuyên đề, chuyên đề 1 về "phối hợp các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả, tạo nguồn lực ổn định kinh tế vĩ mô, phục hồi kinh tế", chuyên đề 2 về "bảo đảm an sinh xã hội và nguồn cung lao động trong quá trình phục hồi kinh tế".