1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thêm đề xuất chú ý về gói hỗ trợ kinh tế quy mô 666.000 tỷ đồng

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Tại Diễn đàn Kinh tế 2021, các chuyên gia, nhóm nghiên cứu với những tính toán khác nhau đưa ra các đề xuất khác nhau về quy mô gói phục hồi kích thích kinh tế, trong đó có con số 666.000 tỷ đồng.

Thêm đề xuất chú ý về gói hỗ trợ kinh tế quy mô 666.000 tỷ đồng - 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kỳ vọng Diễn đàn Kinh tế giải đáp được câu hỏi huy động nguồn lực ở đâu, phân bổ nguồn lực thế nào, năng lực hấp thụ của nền kinh tế ra sao... (Ảnh: Quốc Chính).

Tại Diễn đàn Kinh tế 2021 diễn ra ngày 5/12, nghiên cứu của Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cùng nhóm chuyên gia đã đưa ra đề xuất gói hỗ trợ bao gồm cả tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội cùng các chính sách lên tới 843.845 tỷ đồng, chiếm 10,38% GDP (giá trị công bố).

Về giá trị thực tế sẽ chi, con số thực tế là 445.760 tỷ đồng (chiếm 5,48% GDP), theo tính toán của nhóm nghiên cứu.

Con số 666.000 tỷ đồng

Trong  khi đó, theo tính toán của chuyên gia Bùi Nhật Quang, Bùi Quang Tuấn, Phạm Anh Tuấn và nhóm nghiên cứu Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, dự kiến quy mô gói hỗ trợ kinh tế giai đoạn 2022-2023 là 6-8% GDP 2020, khoảng 666.000 tỷ đồng. Các khoản mục của gói này chi tiết như sau:

Khoản mục Số tiền (tỷ đồng)
Gói hỗ trợ hệ thống y tế76.000 
Gói củng cố hệ thống an sinh xã hội58.000 
Gói hỗ trợ doanh nghiệp244.000 
Gói đầu tư công288.000 
Tổng cộng666.000

Nhóm nghiên cứu cho rằng cần hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực hơn. Thực tế triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp vừa qua cho thấy hiệu quả chưa cao, chưa đúng đối tượng hoặc thủ tục hỗ trợ còn phức tạp.

Nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận âm do giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu và chi phí vận chuyển tăng mạnh, chịu gánh nặng các chi phí bảo đảm vừa sản xuất vừa chống dịch... lại không thuộc nhóm đối tượng hỗ trợ.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp tuy sản lượng sản xuất giảm nhưng doanh thu vẫn cao hơn so với những năm trước thì lại được nhận hỗ trợ. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực bị "đóng băng" do dịch bệnh như du lịch, khách sạn, nhà hàng..., việc miễn, giảm thuế thu nhập thực sự không có nhiều ý nghĩa đối với họ, theo nhận định của nhóm nghiên cứu.

Thêm đề xuất chú ý về gói hỗ trợ kinh tế quy mô 666.000 tỷ đồng - 2

Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam (Ảnh: Quốc Chính).

Vì sao hỗ trợ doanh nghiệp cần đến 244.000 tỷ đồng?

Ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết gói hỗ trợ doanh nghiệp theo tính toán phải là khoảng 244.000 tỷ đồng. Căn cứ của mức đề xuất này là tính đến tháng 10 năm nay, Chính phủ đã miễn, giảm, giãn 95.000 tỷ đồng tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, miễn, giảm 27.000 tỷ đồng tiền lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. Như vậy, tổng hỗ trợ đã thực hiện là 122.000 tỷ đồng.

Sắp tới theo vị này, để đảm bảo tính khả thi, các chính sách hỗ trợ có thể tiếp tục cố gắng duy trì được mức này trong 2 năm 2022-2023. Lộ trình giải ngân 122 nghìn tỷ đồng/năm trong 2 năm 2022-2023, tổng gói hỗ trợ là 244.000 tỷ đồng.

Thêm vào đó, cần phải sử dụng công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Việc hạ mặt bằng lãi suất là rất cấp thiết, ông Tuấn cho biết. Hiện tại,  lãi suất của Việt Nam mặc dù đã được hạ thấp so với năm 2020 song vẫn đang ở mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Giá vốn vì thế là đang cao trong khi các doanh nghiệp lại cần vốn như là cần tiếp thêm máu để cầm cự, tồn tại và phát triển.

Nếu không giảm mặt bằng lãi suất thì theo nhóm chuyên gia, chỉ có khu vực tài chính, ngân hàng là được hưởng lợi, còn các tổ chức, doanh nghiệp khu vực sản xuất, kinh doanh khác sẽ chịu nhiều bất lợi nặng nề, việc phục hồi tăng trưởng vì thế sẽ bị ảnh hưởng.

288.000 tỷ đồng cho gói đầu tư công

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đề nghị tiếp tục cải cách thể chế, giải quyết những điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công. Bởi đầu tư công là động lực để thúc đẩy, là vốn mồi để thu hút đầu tư xã hội, nhất là đầu tư cho hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng y tế đang khao khát các dự án. 

Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch Đầu tư, việc cho đến cuối năm mà tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước mới đạt khoảng 55% so với kế hoạch cho thấy nguồn lực này chưa thực sự hiệu quả. Đây là vấn đề cần có các giải pháp khắc phục cụ thể, triệt để, cấp bách.

Theo đó, gói đầu tư công được nhóm nghiên cứu đề xuất có quy mô là 288.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2 năm 2022-2023. Căn cứ là quy mô gói hỗ trợ về đầu tư công nên nằm trong khoảng thấp hơn mức đầu tư công trung bình hàng năm theo kế hoạch đầu tư công trung hạn (2,87 triệu tỷ đồng trong giai đoạn 5 năm 2021-2025, tức là trung bình đạt 574.000 tỷ đồng/năm) để đảm bảo trong khả năng huy động nguồn lực của nền kinh tế.

Theo lộ trình giải ngân được đề xuất, vốn đầu tư công kế hoạch trung hạn được bổ sung thêm 50% trong 2 năm 2022 và 2023. Mức tăng này không quá cao so với kế hoạch đầu tư công trung hạn, và có thể vẫn đảm bảo khả năng hấp thụ của nền kinh tế.

Như vậy, lộ trình giải ngân có thể chia đều theo năm, đạt 144.000 tỷ đồng/năm trong giai đoạn 2 năm 2022-2023, với tổng gói hỗ trợ là 288.000 tỷ đồng, ông Tuấn cho biết.

Cũng theo vị này, tổng gói cứu trợ nền kinh tế dựa trên 4 lĩnh vực ưu tiên dự kiến có giá trị khoảng 666.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 8% tổng giá trị GDP nền kinh tế năm 2020. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm