"Đại bàng" chưa bay đi đâu
(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng khác với đầu tư gián tiếp, nhà đầu tư ra một lệnh là có thể chuyển hàng trăm triệu USD đi ngay, đầu tư trực tiếp không phải nói rời đi là rời đi được. Dòng vốn vẫn ở lại Việt Nam.
Dòng vốn FDI vẫn ở lại Việt Nam
Mới đây, một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đã có kiến nghị gửi Thủ tướng về chiến lược khôi phục sản xuất kinh doanh an toàn trong tình hình mới. Họ nhấn mạnh việc "các doanh nghiệp (DN) đều cần có lộ trình rõ ràng cho việc mở cửa trở lại ngay từ bây giờ". Kết quả khảo sát của các doanh nghiệp này cũng cho thấy một số thành viên sản xuất đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang vài quốc gia khác.
Nhìn nhận chung, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng, đây là câu chuyện dễ thấy khi thị trường hội nhập. Ông lấy ví dụ: "Một nhà máy tại Việt Nam nhận được đơn hàng nhưng ở đây đang bị phong tỏa, giãn cách, không thể sản xuất khiến họ chuyển đơn hàng sang các nhà máy ở Thái Lan, Malaysia là chuyện bình thường".
Song việc chuyển nhà máy sang nước khác, theo ông Mại, không phải đơn giản. Không như đầu tư gián tiếp nhà đầu tư ra một lệnh là có thể chuyển hàng triệu hay hàng trăm triệu USD ra nước ngoài, với nhà máy, nếu muốn rời đi, họ phải giải quyết xong xuôi các vấn đề về địa điểm, môi trường, người lao động. Đây cũng là lý do khiến đầu tư trực tiếp nước ngoài luôn chiếm ưu thế hơn so với đầu tư gián tiếp nước ngoài do không dễ dịch chuyển từ nước này sang nước khác.
Trong báo cáo vừa công bố, VDSC Research cho biết, với giả định rằng khoảng 30% công ty nước ngoài có thể điều hướng đơn hàng sang nước khác, điều này sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu trong quý IV.
Mặc dù vậy, theo nhận định của đơn vị trên, chiến lược này chỉ là tạm thời chứ không phải là xu hướng lâu dài do mùa mua sắm cuối năm sắp đến và một số công ty phải chuyển hoạt động sản xuất ra ngoài Việt Nam để tránh tình trạng gián đoạn trong việc đáp ứng đơn hàng.
Lý giải của VDSC Research cũng tương đồng với ý kiến của chuyên gia Đinh Trọng Thịnh, khi ông cho rằng, nếu các DN FDI có những đơn hàng đã ký kết vào dịp cuối năm, họ buộc phải chuyển sang các công ty con ở nước ngoài khi hoạt động sản xuất ở Việt Nam bị gián đoạn.
"Việt Nam vẫn là thị trường thu hút, hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Vì thế, những thông tin về doanh nghiệp FDI rút khỏi Việt Nam là không chính xác mà họ chỉ chuyển một số đơn hàng sang công ty con ở nước ngoài", ông Thịnh nói. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, việc các DN chuyển đơn hàng ra nước ngoài cũng là vấn đề đáng lo ngại nếu chúng ta không mở cửa trở lại sớm.
Cơ hội cho doanh nghiệp nội?
Trả lời về câu hỏi liệu DN nội có thể bù vào phần tăng trưởng của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam hay không, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh thẳng thắn cho rằng: "Ở thời điểm hiện tại là tương đối khó. Hiện nay, chúng ta chỉ có một số DN nội đủ tầm thay thế được doanh nghiệp FDI nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả. Giả sử, họ (doanh nghiệp FDI - PV) rút đi cả cũng là một vấn đề nghiêm trọng đối với nền kinh tế nhưng thực tế này khó xảy ra khi Việt Nam đang có những chính sách thu hút nguồn vốn FDI rất tốt".
Vị chuyên gia này nhận định thêm, vốn đầu tư nước ngoài có ý nghĩa quan trọng, tích cực đối với nền kinh tế nhiều quốc gia. Ví dụ như Mỹ, nước có nền kinh tế hàng đầu thế giới, vẫn thu hút rất nhiều vốn FDI, bởi đây là cơ hội để họ tiếp cận, giao thương với các DN quốc tế và có được những công nghệ, kỹ thuật mới nhất.
"Còn về lâu về dài, chúng ta cũng phải tính đến câu chuyện những DN nội phải dần dần vươn lên. Bởi chúng ta không thể mãi phụ thuộc vào DN nước ngoài. Việc xây dựng một nền kinh tế tự chủ từ năng lực nội tại là điều quốc gia nào cũng phải tính toán. Điển hình là nhiều nước trước đây có vốn FDI lớn nhưng dần dần các DN nội của họ cũng vươn lên để thay thế các DN ngoại", ông phân tích.
Còn giấc mơ "đại bàng nội" chỉ trở thành hiện thực khi và chỉ khi, DN nội phải đáp ứng đủ 3 yêu cầu: Thứ nhất có sức mạnh về mặt tài chính, thứ hai là có sức mạnh về mặt công nghệ, thứ ba là có lực lượng người lao động chất lượng cao.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nêu quan điểm, hiện tại, các DN trong nước khó thay thế các doanh nghiệp FDI đáp ứng đơn hàng từ nước ngoài bởi có 2 lý do chính. Thứ nhất, nhiều DN nước ngoài không sẵn sàng chuyển các đơn hàng cho một nhà sản xuất khác vì họ đã quen với những mặt hàng cũ. Thứ hai là các DN nội địa khó có khả năng đáp ứng đủ những yêu cầu của DN nước ngoài. Nếu có thì chỉ thay thế được phần nào như sản xuất da giày, quần áo, linh kiện điện tử.
"Các DN Việt muốn trở thành "đại bàng nội", vấn đề chính là họ phải trở thành những lực lượng, tập đoàn lớn. Nếu DN chỉ có dòng vốn, cơ sở sản xuất, lực lượng lao động ở mức tầm trung thì chưa thể trở thành đại bàng", ông Hiếu phân tích.
Từ đó, 2 yếu tố khiến DN trong nước trở thành "đại bàng". Thứ nhất là doanh nghiệp đó phải có quy mô đủ lớn để so sánh với quy mô doanh nghiệp FDI. Thứ hai là DN phải có quan hệ với thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, đây cũng là điểm yếu của DN nội.
Nói kỹ hơn, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại cho rằng, lý do DN nội chưa thể thay thế doanh nghiệp FDI là bởi Việt Nam mới chỉ tham gia vào các chuỗi cung ứng có giá trị gia tăng thấp. Cụ thể là dệt may, chúng ta mới chỉ tham gia ở khâu cắt may, còn những chuỗi có giá trị gia tăng cao như tạo giá, làm thương hiệu, phân phối sâu vẫn là doanh nghiệp FDI đảm trách.
"Câu chuyện của Việt Nam hiện tại không phải là tính đến chuyện thay thế mà phải tham gia vào chuỗi cung ứng có giá trị gia tăng cao. Sau đó, chúng ta mới dần dần tạo nên thương hiệu trên bản đồ thế giới, chứ không thể vội vàng đốt cháy giai đoạn", ông Mại nhận định.
Phân tích thêm về nội lực của doanh nghiệp nội, ông Tô Trung Thành, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, các DN nội cũng đang gặp rất nhiều khó khăn như các DN FDI (đứt gãy chuỗi cung ứng trong nước, chi phí sản xuất gia tăng), thậm chí còn bị ảnh hưởng nặng nề hơn do năng lực về tài chính, lao động, công nghệ và thị trường còn thấp so với các DN FDI.
"Phần lớn DN nội có quy mô vừa và nhỏ, siêu nhỏ, khả năng ứng phó với Covid-19 đang suy kiệt dần do dịch và giãn cách kéo dài. Hiện nay, cấu trúc kinh tế Việt Nam vẫn dựa vào đầu tàu tăng trưởng là khu vực FDI. Vì vậy, nếu không có giải pháp để tháo gỡ đứt gẫy chuỗi cung ứng quốc tế cho các DN FDI, tăng trưởng sẽ gặp khó", ông đánh giá.
Theo ông Thành, để có thể khôi phục được sản xuất kinh doanh cho các DN nói chung và các DN nước ngoài nói riêng, Chính phủ cần có một lộ trình rõ ràng hơn cho việc mở cửa lại nền kinh tế. Chúng ta phải dựa trên một số nguyên tắc cơ bản là chấp nhận một nền kinh tế có Covid-19; đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin để đạt miễn dịch cộng đồng; chuẩn bị nguồn lực y tế phải có khả năng chữa trị các ca bệnh nặng và giảm số ca tử vong và tỷ lệ tử vong.