DMagazine

CEO Samsung Việt Nam hé lộ về dự án 220 triệu USD và lời hứa cứ điểm

(Dân trí) - Nói với Dân trí, CEO Samsung Việt Nam cho biết dự án R&D của Samsung là minh chứng rõ nét nhất cho lời hứa đưa Việt Nam trở thành cứ điểm chiến lược toàn cầu của hãng.

Một không khí hối hả làm việc tại công trường dự án Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển R&D của Samsung trong những ngày cuối tháng 9 - thời điểm Hà Nội vẫn đang thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch trước những diễn biến phức tạp.

Mỗi công nhân, kỹ sư đến các cấp quản lý trước khi vào công trường đều phải khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt 2 lần/ngày, test PCR định kỳ.

Hồi tháng 3 năm ngoái, dự án R&D của Samsung được khởi công tại khu đô thị Tây Hồ Tây, Hà Nội. Là trung tâm nghiên cứu với vốn đầu tư khoảng 220 triệu USD, dự án gây sự chú ý tại thời điểm đó bởi đây là công trình R&D có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh 6 nhà máy được đầu tư xây dựng và vận hành tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, TPHCM, việc xây dựng trung tâm R&D mới tại Hà Nội được lãnh đạo Samsung ví như "mảnh ghép" quan trọng để tạo nên bức tranh đầu tư chiến lược trị giá 17,7 tỷ USD của Samsung tại Việt Nam.

Dự án là minh chứng rõ nét nhất cho lời hứa đưa Việt Nam trở thành cứ điểm chiến lược toàn cầu của Samsung, không chỉ trong lĩnh vực sản xuất mà còn là đi đầu trong nghiên cứu và phát triển.

Trong cuộc trò chuyện với Dân trí, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam, đã có những chia sẻ thẳng thắn, thiết thực xung quanh những tác động từ đợt bùng phát đại dịch lần thứ tư tại Việt Nam tới công việc đầu tư, sản xuất…

CEO Samsung Việt Nam hé lộ về dự án 220 triệu USD và lời hứa cứ điểm - 1

Thưa ông, sự bùng phát của đợt dịch thứ 4 tại Việt Nam cùng các biện pháp giãn cách xã hội tại Hà Nội vừa qua có ảnh hưởng nhiều tới tiến độ của dự án R&D?

- Thực tế, quá trình xây dựng Trung tâm R&D mới của chúng tôi cũng gặp khó khăn do đại dịch Covid 19. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ toàn diện của Chính phủ và thành phố Hà Nội, công trình luôn được xây dựng đúng tiến độ.

Cho tới nay, công trình đã đạt được tiến độ xây dựng trên 50% mà không có bất cứ tai nạn nào xảy ra. Samsung sẽ hoàn thiện công trình an toàn vào cuối năm 2022 như đúng cam kết với Chính phủ Việt Nam. Dự kiến khi đi vào hoạt động, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển mới của Samsung Việt Nam sẽ tăng quy mô nhân lực từ 2.200 người ở thời điểm hiện tại lên 3.000 người.

Thông qua việc xây dựng Trung tâm này, Samsung mong muốn năng lực nghiên cứu của các kỹ sư Việt Nam sẽ được nâng tầm, không chỉ trong lĩnh vực phát triển sản phẩm mà còn ở các lĩnh vực nghiên cứu đang là xu hướng của thế giới như trí tuệ nhân tạo (AI), vạn vật kết nối (IoT), dữ liệu lớn (Big Data), mạng 5G… tạo tiền đề để Việt Nam có thể đi trước đón đầu với những thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

CEO Samsung Việt Nam hé lộ về dự án 220 triệu USD và lời hứa cứ điểm - 2


Vừa qua dịch Covid-19 đã ít nhiều ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng sản xuất của doanh nghiệp. Điều này có tác động nhiều tới hoạt động của Samsung ở Việt Nam, thưa ông?

- Khi làn sóng dịch Covid lần thứ 4 diễn biến phức tạp tại Bắc Ninh và Bắc Giang, vào tháng 5 và tháng 6 vừa qua, Samsung đã gặp khó khăn trong sản xuất, tuy nhiên với sự hỗ trợ toàn diện của Thủ tướng, Chính phủ và chính quyền các địa phương, cũng như các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, Samsung đã khắc phục được những khó khăn này.

Mặc dù vậy, gần đây do tình hình dịch bệnh Covid-19 tại TPHCM, việc sản xuất và cung ứng các sản phẩm tivi và điện gia dụng của chúng tôi gặp khó khăn.

Nếu tình hình này tiếp tục tiếp diễn, dự kiến sẽ gây trở ngại lớn cho xuất khẩu, chúng tôi mong rằng các hoạt động kinh tế sớm được khôi phục trở lại để nhà máy của Samsung và các công ty cung ứng của chúng tôi được hoạt động bình thường trở lại.

Bên cạnh đó, mặc dù trong bối cảnh đại dịch Covid, 6 tháng đầu năm Samsung đã thuận lợi đạt được mục tiêu xuất khẩu, nếu nhà máy sản xuất điện gia dụng của Samsung tại TPHCM sớm hoạt động bình thường trở lại thì dự kiến chúng tôi sẽ đạt vượt mức mục tiêu xuất khẩu của năm nay.

Nếu có điều lo lắng thì đó là gì thưa ông?

- Chúng tôi hoàn toàn đồng ý với chính sách của chính phủ Việt Nam vừa "phòng chống dịch hiệu quả" vừa "tăng trưởng kinh tế".

Các biện pháp phòng chống dịch chặt chẽ để khống chế dịch bệnh là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, khi các biện pháp phòng dịch mạnh mẽ liên tục trong thời gian dài sẽ gây ra các thiệt hại mang tính sống còn về mặt kinh tế.

Tôi cho rằng vừa theo đuổi "phòng chống dịch hiệu quả" và "tăng trưởng kinh tế" đồng thời phải liên tục kiểm tra tính cân bằng đó.

Điều đặc biệt là, sau khi dịch bệnh tại Bắc Giang và Bắc Ninh được kiềm chế, tôi hoàn toàn tin tưởng vào các giải pháp phòng chống dịch của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Tôi có niềm tin rằng, tình hình dịch bệnh bao gồm TPHCM sẽ sớm ổn định.

Chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để đóng góp trong công cuộc hồi phục kinh tế nhanh chóng của Việt Nam.

CEO Samsung Việt Nam hé lộ về dự án 220 triệu USD và lời hứa cứ điểm - 4
CEO Samsung Việt Nam hé lộ về dự án 220 triệu USD và lời hứa cứ điểm - 5

Việt Nam đã và đang có lộ trình mở cửa trở lại nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Ông có khuyến nghị hay góp ý gì cho các nhà cầm quyền ở Việt Nam trong lộ trình mở cửa lại nền kinh tế, giúp doanh nghiệp sống chung với dịch Covid-19?

- Việc duy trì mạng cung ứng toàn cầu của các khu công nghiệp là việc vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp đang vận hành nhà máy sản xuất, vì vậy chúng tôi mong rằng Chính phủ có thể chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cần có cơ chế đảm bảo "sản xuất không gián đoạn". Nghĩa là, chúng tôi xin được đề xuất dù trong hoàn cảnh bất thường thì dây chuyền sản xuất của các nhà máy cũng không dừng hoạt động, và vẫn vận hành theo đúng phương châm hướng dẫn chuẩn và lộ trình đã được định sẵn.

Chúng tôi được biết gần đây bốn tỉnh Bắc Ninh, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, nơi tập trung chủ yếu các doanh nghiệp IT toàn cầu tham gia vào chuỗi cung ứng sẽ sớm ký kết một biên bản ghi nhớ xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ các doanh nghiệp.

Nội dung chủ yếu là xây dựng nguyên tắc chuẩn liên quan tới phòng dịch Covid 19, để việc lưu thông vận chuyển người và hàng hóa được thuận lợi, cũng như các chính sách giảm thiểu tối đa thiệt hại do đóng cửa nhà máy mà không có thông báo trước.

Nếu như Biên bản ghi nhớ này được ký kết thuận lợi và thực hiện theo đúng nội dung này, thì những tình huống bất thường như Covid có xảy ra thì các doanh nghiệp trong bốn tỉnh vẫn có thể sản xuất không gián đoạn.

CEO Samsung Việt Nam hé lộ về dự án 220 triệu USD và lời hứa cứ điểm - 7

Có những lo ngại về việc doanh nghiệp FDI rút khỏi Việt Nam trước những phức tạp của dịch Covid-19. Là một trong những nhà đầu tư FDI rất lớn của Việt Nam, ông nghĩ sao về vấn đề này?

- Samsung đang kinh doanh tại Việt Nam với chiến lược và tầm nhìn dài hạn, chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục mối quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam.

Mặc dù dịch Covid-19 đang gây ra những tác động tiêu cực, nhưng xét về dài hạn Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt chiến lược mới (số 105) và chuyển hướng phòng dịch, đây là một tin đáng mừng đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Trong thời gian tới, nếu Việt Nam tiếp tục thực hiện các biện pháp chống dịch hiệu quả, đồng thời tăng cường tạo điều kiện thuận lợi để phục hồi, duy trì, và phát triển sản xuất, kinh doanh, lưu thông hàng hóa thông suốt, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng thì dự kiến sẽ tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tới Việt Nam.

Xin cám ơn ông!

Nội dung: Nguyễn Mạnh 

Dòng sự kiện: Vốn FDI tại Việt Nam