(Dân trí) - Những con số thống kê về tình hình thu hút FDI 9 tháng đầu năm phần nào cho thấy ngay cả ở thời điểm dịch vô cùng phức tạp vào tháng 8 và 9, FDI vào Việt Nam vẫn không bi quan như nhiều người tưởng.
Một năm trước, từ khóa FDI, đón sóng dịch chuyển được nhắc đến rất nhiều ở Việt Nam. Việc kiểm soát tốt đại dịch cùng những ưu thế sẵn có khiến Việt Nam trở thành điểm sáng trong việc đón sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng.
Nhiều chuyên gia thời điểm đó chung nhận định, xu hướng "Trung Quốc + 1" dẫn đến nhu cầu lớn hơn về địa điểm cho ngành công nghiệp. Các tập đoàn tìm cách giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa địa điểm. Việt Nam đang đứng đầu so với nhiều nước khác ngoài Trung Quốc và được xác định là trọng tâm lớn trong những năm tới.
9 THÁNG, NHIỀU ĐẠI DỰ ÁN FDI VÀO VIỆT NAM
Đến nay, sau một năm, FDI vẫn là từ khóa quan trọng được nhiều người nhắc tới nhưng ít nhiều đã có sự thay đổi. Không ít người lo ngại việc các nhà máy FDI rút khỏi Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Tuy nhiên nói với Dân trí, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài - cho biết không phải như thế. Theo ông Toàn, nhiều người khá bi quan khi cho rằng dòng vốn FDI đang "đảo chiều".
"Khó khăn là không phủ nhận, nhưng thực sự không đến mức tiêu cực như vậy. Những con số thống kê về tình hình thu hút FDI 9 tháng đầu năm phần nào cho thấy, ngay cả ở thời điểm dịch vô cùng phức tạp vào tháng 8 và 9, FDI vào Việt Nam vẫn không bi quan như nhiều người tưởng", ông Toàn cho hay.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 20/9, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2020. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 13,28 tỷ USD, giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2020.
"Vốn giải ngân có xu hướng giảm một chút. Nhưng điểm lưu ý là đa số các dự án vào Việt Nam vừa qua vốn lớn. Chưa kể trong xu hướng khó khăn chung trong bối cảnh sụt giảm FDI chung của toàn cầu, của khu vực Đông Nam Á, Việt Nam cũng khó ngoại lệ", ông Toàn nhận định.
Đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đón nhận một số dự án lớn, quy mô đầu tư lên tới vài tỷ USD.
Điển hình như Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD. Tiếp đến có thể kể tới Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD, Dự án nhà máy sản xuất giấy Kraft Vina tổng vốn đầu tư 611,4 triệu USD.
Một số nhà đầu tư FDI lớn thì tiếp tục điều chỉnh tăng vốn, rót thêm tiền vào Việt Nam như Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,15 tỷ USD; Dự án Nhà máy Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (Đài Loan), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 610 triệu USD...
NIỀM TIN CÁC NHÀ ĐẦU TƯ FDI CÓ SUY GIẢM?
Đã có những lo ngại về FDI trong thời điểm này. Mới đây, lãnh đạo một loạt các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu gồm AmCham Việt Nam, EuroCham, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN và KoCham đã đồng loạt ký tên kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ với đề xuất chiến lược "Phòng ngừa và kiểm soát đại dịch ở từng khu vực" nhằm khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn trong trạng thái chống dịch mới.
Số liệu từ những cuộc khảo sát mà các hiệp hội đã thực hiện cho thấy ít nhất 20% thành viên sản xuất đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang một quốc gia khác. "Một khi sản xuất đã thay đổi, rất khó để quay trở lại, đặc biệt là khi dây chuyền sản xuất đã được mở rộng ở nơi khác", bản kiến nghị từ đại diện các hiệp hội nhấn mạnh.
Khó khăn bủa vây do đại dịch ngày càng một phức tạp, nhiều doanh nghiệp chấp nhận chuyển đơn hàng để đảm bảo kế hoạch sản xuất kinh doanh. "Việc họ nêu những khó khăn, đưa ra kiến nghị là chính đáng và cần được xem xét kỹ lưỡng. Song tôi cũng cho rằng, trong phản ánh của họ có những cái kiên quyết, cần thiết, nhưng cũng toát lên ý mong muốn đầu tư ở Việt Nam một cách thuận lợi, chứ không phải rời đi", ông Nguyễn Văn Toàn nói.
Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng cho rằng, Chính phủ cần lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của doanh nghiệp để xử lý thấu đáo, đưa ra các giải pháp thích hợp, bởi khó khăn là thực sự.
Với 3 năm hoạt động tại Việt Nam, ông Chung Wai Fu - Tổng Giám đốc Công ty Giấy Lee&Man Việt Nam - thú thực, trong sản xuất giai đoạn đầu khi dịch bệnh bùng phát vào tháng 7, việc vận chuyển hàng hóa của công ty cũng không tránh khỏi khó khăn, do các biện pháp nhằm đảm bảo kiểm soát dịch bệnh.
Một khó khăn khác nữa được ông Chung Wai Fu cho biết đó là do thực hiện ăn ở tại nhà máy hơn 2 tháng, tâm lý xa nhà quá lâu khiến công nhân viên có phần dao động. Hiểu được vấn đề này, công ty đã thực hiện một loạt chế độ hỗ trợ cho người lao động, đảm bảo mọi điều kiện tốt nhất cho đời sống sinh hoạt cho nhân viên. Sản xuất kinh doanh nhờ đó duy trì ổn định, việc lưu thông đến nay cũng đã thuận lợi hơn.
Thực tế, trong đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 này, doanh nghiệp đã có bước chủ động hơn trong các biện pháp đảm bảo an toàn dịch bệnh, nhờ đó mà đảm bảo được an toàn cho nhân viên và duy trì sản xuất không bị đứt gãy.
"Mong muốn của chúng tôi ở thời điểm này là sau khi dịch bệnh được kiểm soát, cuộc sống quay trở lại trạng thái bình thường, công ty tiếp tục thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh, các thủ tục, giấy tờ, các dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ giải quyết hơn", ông Chung Wai Fu chia sẻ với Dân trí.
Trong cuộc làm việc Thủ tướng hồi đầu tháng 9 vừa qua, Samsung - một "đại bàng" FDI lớn ở Việt Nam - cho biết vẫn đạt mức tăng trưởng 10% so với cùng kỳ trong 7 tháng đầu năm. Nếu nhà máy tại TPHCM trở lại hoạt động bình thường trong thời gian tới, Samsung có thể vượt mục tiêu xuất khẩu của năm nay.
Không chỉ biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu, Samsung giữ lời hứa với Chính phủ Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành trung tâm chiến lược trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển của tập đoàn.
Tổng giám đốc tổ hợp Samsung Việt Nam Choi Joo Ho chia sẻ, không chỉ đối với Samsung mà đối với tất cả các nhà đầu tư nước ngoài, Việt Nam đang cung cấp một môi trường đầu tư hấp dẫn như nguồn lao động dồi dào, tình hình chính trị xã hội ổn định, cơ sở hạ tầng sản xuất và lưu thông cùng các ưu đãi đầu tư.
"Gần đây, có nhiều ảnh hưởng tiêu cực phát sinh do đại dịch Covid-19, tuy nhiên, về lâu dài, Việt Nam vẫn là điểm đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Đặc biệt, Nghị quyết số 105/NQ-CP về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch Covid-19 gần đây Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một tin vui đối với các nhà đầu tư nước ngoài", ông Choi Joo Ho nhấn mạnh.
Cũng theo vị này, nếu Việt Nam đồng thời vừa thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hiệu quả vừa tăng cường các điều kiện thuận lợi để lưu thông, sản xuất, duy trì mạng cung ứng ổn định thì dự kiến đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục được duy trì và tăng trưởng trong thời gian tới.
Tổng giám đốc Nestlé Việt Nam Binu Jacob cũng chia sẻ tin tưởng vào tương lai của Việt Nam với vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu & khu vực và doanh nghiệp vẫn tiếp tục mở rộng các hoạt động đầu tư bền vững tại Việt Nam. Việt Nam đang được xem là trung tâm sản xuất các mặt hàng điện tử và may mặc, da giày cho thế giới.
Theo khảo sát của PV, tại một số tỉnh an toàn với Covid-19, nhiều doanh nghiệp FDI đang có nhu cầu tuyển dụng lớn với hàng chục nghìn lao động. Thanh Hóa, Bắc Giang, Bắc Ninh… hiện bứt tốc trong sản xuất công nghiệp khi tận dụng được lợi thế kiểm soát dịch tốt.
Theo thông tin từ Bắc Ninh, qua 2 tháng là tâm dịch của cả nước nhưng giá trị sản xuất công nghiệp của Bắc Ninh vẫn tăng trưởng rất tốt. Qua 9 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 11,74%, riêng công nghiệp điện tử tăng 37,3%. Thu hút đầu tư trong 9 tháng từ khu vực FDI cũng đạt hơn 650 triệu USD, tăng 1,5 lần so với năm 2020. Dự kiến nếu ổn định tình hình thì đến cuối năm sẽ đạt hơn 2 tỷ USD cả năm từ thu hút đầu tư FDI.
KHÓ KHĂN CHỈ LÀ TẠM THỜI, VIỆT NAM VẪN LÀ ĐIỂM ĐẾN CỦA DÒNG VỐN FDI SAU ĐẠI DỊCH
Trong báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 9 vừa công bố, World Bank cho biết, trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng vốn FDI đăng ký đạt 14 tỷ USD, chỉ thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm 2020, trong khi vốn FDI thực hiện đạt 11,7 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ năm trước.
Thực tế, Việt Nam đã thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI đăng ký trong tháng 8/2021, tăng 65% so với tháng trước. Vốn FDI đăng ký cao hơn chủ yếu do vốn đăng ký cấp mới đổ vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo tăng.
"Mức tăng trên cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục duy trì lòng tin với nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn", World Bank nhận định.
Theo tổ chức này, quá trình phục hồi kinh tế năm nay sẽ phụ thuộc vào khả năng Chính phủ có thể kiểm soát đợt dịch hiện nay một cách hiệu quả trong tháng 9, để các hoạt động kinh tế có thể phục hồi vào quý IV. Chiến dịch tiêm vắc xin là ưu tiên cấp thiết.
Còn theo ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi trở lại nếu đại dịch Covid-19 được kiểm soát vào cuối năm 2021 và đến quý II năm 2022 có 70% dân số cả nước được tiêm chủng.
"ADB vẫn lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn. Tăng trưởng có thể được hỗ trợ bởi sự phục hồi của cầu nội địa, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, mở rộng hoạt động sang các thị trường xuất khẩu mới do các hiệp định thương mại mang lại, và sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu", Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam cho biết. Tuy nhiên vị này cũng lưu ý triển vọng tăng trưởng trong ngắn hạn có nhiều thách thức. Rủi ro chính là đại dịch kéo dài, đặc biệt nếu tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc không tăng đáng kể.
Đối với câu hỏi liệu các công ty FDI có di chuyển ra khỏi Việt Nam hay không, chuyên gia của VDSC có cái nhìn lạc quan, đặc biệt là trong kịch bản cơ sở của nhóm phân tích rằng, đại dịch sẽ được kiểm soát trong quý cuối.
Do đại dịch, các công ty toàn cầu cần xem xét lại chuỗi cung ứng của họ nhằm linh hoạt hơn về mạng lưới sản xuất. Covid-19 là một đại dịch toàn cầu, do đó các công ty FDI sẽ không chuyển cơ sở sản xuất hiện có của họ ra khỏi thị trường Việt Nam, thay vào đó, họ sẽ cố gắng cải thiện tính linh hoạt của chuỗi cung ứng của mình.
"Điều quan trọng cần lưu ý là chuỗi cung ứng rất phức tạp. Chiến lược của các công ty FDI sẽ khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ đa dạng hóa cơ sở tìm nguồn cung ứng, chi phí sản xuất, sự không chắc chắn về quỹ đạo của Covid-19…", chuyên gia VDSC nhấn mạnh. Theo đó, công ty chứng khoán này hy vọng rằng khi đại dịch được kiểm soát, Việt Nam một lần nữa là điểm đến của dòng vốn FDI sau đại dịch.
Tại tọa đàm về FDI vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cũng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam luôn nhất quán tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Trong thời điểm khó khăn này, quan điểm đó càng được khẳng định. Con số thu hút đầu tư nước ngoài 9 tháng năm 2021 đã nói lên điều đó.
"Điều này đã thể hiện sự tin tưởng của nhà đầu tư nước ngoài với môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và khẳng định tính hiệu quả trong giải pháp đồng hành, hỗ trợ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt trong thời gian vừa qua. Chúng tôi cho rằng những khó khăn, vướng mắc chỉ mang tính nhất thời", bà Ngọc nhấn mạnh.
Nội dung: Nguyễn Mạnh