DNews

Bong bóng xe điện Trung Quốc xì hơi, 80% start up phá sản

Phương Liên

(Dân trí) - Qua giai đoạn tăng trưởng nóng, thị trường xe điện Trung Quốc ngày càng trở nên khốc liệt. Giấc mơ sản xuất xe điện đang dần lụi tắt khi có đến gần 80% start up xe điện đã phải rời khỏi thị trường.

Bong bóng xe điện Trung Quốc xì hơi, 80% start up phá sản

Bong bóng xe điện xì hơi

Những năm gần đây, ngành xe điện ở Trung Quốc bùng nổ nhờ các chính sách trợ cấp từ Chính phủ. Tuy nhiên, hiện chỉ còn dưới 100 nhà sản xuất, chỉ tương đương với khoảng 20% mức đăng ký của năm 2019. Thị trường khốc liệt đang dần trở nên tập trung hơn trong quý I/2023. 

"Nếu tính từ khi Trung Quốc bắt đầu trợ cấp, 80% start up xe điện đã hoặc đang chuẩn bị rời khỏi thị trường", ông Wang Hanyang, chuyên gia phân tích tại công ty nghiên cứu 86 Research chia sẻ với Bloomberg.

Bong bóng xe điện Trung Quốc xì hơi, 80% start up phá sản - 1

Doanh số các hãng xe điện tại Trung Quốc từ năm 2018 (Ảnh: Bloomberg).

Đây là tin xấu cho những hãng xe điện đang gặp khó như NIO. Hãng xe điện này ghi nhận doanh số tụt dốc và đang đợi Chính phủ UAE rót vốn. Chỉ 2 năm về trước, công ty này từng được ví như "sát thủ Tesla của Trung Quốc" nhưng nay lại gánh khoản nợ lên tới 2 tỷ USD.

Tính đến cuối tháng 3, tiền mặt và các khoản thanh khoản ngắn hạn khác của NIO đã giảm 30% xuống chỉ còn 5 tỷ USD so với một năm trước đó. Theo Giám đốc điều hành NIO, công ty sẽ khó lòng hòa vốn cho đến ít nhất cuối năm 2024, tức muộn hơn một năm so với dự báo trước đó. Hãng cũng đã trì hoãn đầu tư vào tài sản cố định và một số nghiên cứu.

"Không phải ai cũng có thể tồn tại trên thị trường", Joel Ying , nhà phân tích tại Nomura chia sẻ. Đồng thời, ông cũng cho biết các start up dễ bị tổn thương hơn so với các nhà sản xuất ô tô truyền thống.

Thời của các gã khổng lồ

Chỉ số Herfindahl-Hirschman, thước đo đánh giá cạnh tranh và mức độ tập trung của thị trường, cho thấy rõ một xu hướng trong vài năm qua khi các gã khổng lồ tiếp tục bành trướng còn những công ty nhỏ lẻ phải vật lộn để tồn tại.

Hiện thị phần của 4 công ty dẫn đầu đã tăng lên 60% trong quý đầu tiên của năm 2023, cao hơn nhiều so với mức 44% của cùng kỳ 3 năm trước.

Bất chấp việc Trung Quốc kéo dài thời gian giảm thuế cho người dân mua xe điện đến năm 2027, nhiều dấu hiệu cho thấy chính phủ sẽ từ bỏ mục tiêu hỗ trợ các nhà sản xuất ô tô đang gặp khó khăn.

Nhận định về động thái này, ông Xin Guobin, đại diện Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc, cho biết việc dừng trợ cấp sẽ thúc đẩy các thương vụ M&A trong ngành, từ đó giúp các thương hiệu có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Hãng xe BYD, được hậu thuẫn bởi tập đoàn Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Bufett, đã thống trị thị trường xe điện suốt 2 năm qua. Hơn 30% lượng xe điện bán ở Trung Quốc đến từ hãng xe này, tăng mạnh từ mức dưới 15% vào cuối năm 2020.

Bong bóng xe điện Trung Quốc xì hơi, 80% start up phá sản - 2

Thị phần của 2 "ông lớn" ngành xe điện BYD và Tesla (Ảnh: Bloomberg).

Thậm chí, BYD cũng chiếm dần "miếng bánh" của Tesla, hãng xe điện lớn thứ hai ở Trung Quốc, trong 2 năm qua. Hiện hãng xe của Elon Musk chỉ còn chiếm 11% thị phần. Như vậy, tổng thị phần của 2 ông lớn đã chiếm đến hơn 41% thị trường.

Nhiều hãng xe nhỏ lẻ biến mất

Trong khi đó, một số "viên ngọc quý" trong ngành thời kỳ đầu lại âm thầm biến mất. Ban đầu, nhiều hãng nhanh chóng sản xuất ra xe điện với mục tiêu chủ yếu để đủ điều kiện nhận trợ cấp. Tuy nhiên, chúng lại không có chất lượng đủ tốt trong mắt người tiêu dùng.

Đầu năm nay, WM Motor đã tạm dừng hầu hết hoạt động sản xuất và sa thải nhân viên vì hết tiền mặt. Letin Auto, thương hiệu nổi tiếng với dòng Hatchback chạy điện trị giá 4.000 USD, cũng nộp đơn xin phá sản vào tháng 5 sau khi không tìm kiếm được lợi nhuận.

Bong bóng xe điện Trung Quốc xì hơi, 80% start up phá sản - 3

Doanh số bán xe của WM Motor từ năm 2020 đến nay (Ảnh: CATARC).

Xpeng, start up xe điện nổi tiếng được niêm yết tại Mỹ, cũng ghi nhận doanh số bán hàng giảm đều kể từ tháng 9 năm ngoái dù đã tung ra nhiều chương trình giảm giá và cải tiến mẫu mã. Số lượng xe giao ngay giảm gần 40% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Jochen Siebert, chuyên gia tại công ty tư vấn JSC Automotive, cho rằng những mẫu xe hiện tại chủ yếu được thiết kế để đáp ứng các quy tắc tiêu thụ nhiên liệu và nhận trợ cấp. Do đó, nhu cầu đối với các loại xe này đang dần mất đi khi yêu cầu của người dùng cao lên, đối thủ mới xuất hiện và thị trường dần bão hòa hơn.

Trước đó, Zhidou Electric Vehicle, nhà sản xuất được hậu thuẫn bởi tập đoàn sản xuất ô tô đa quốc gia Geely, đã bán được hơn 100.000 xe có quãng đường di chuyển 100 km mỗi lần sạc trong giai đoạn 2015-2017. Tuy nhiên, thương hiệu này ngay lập tức mất đà khi Chính phủ Trung Quốc quyết định ngừng trợ cấp cho những chiếc xe điện có phạm vi di chuyển dưới 150 km vào năm 2018.

Tương tự, Beijing Electric Vehicle, đơn vị sản xuất xe điện của hãng ô tô nội địa BAIC Motor, đã từng dẫn đầu doanh số ô tô thuần điện trong hơn 5 năm bằng cách nhắm mục tiêu chủ yếu vào các đơn vị khai thác vận chuyển. Tuy nhiên, hãng cũng bắt đầu thua lỗ sau khi bị cắt trợ cấp. Sau đó, họ phải thay đổi chiến lược kinh doanh.

Ngay cả Byton, công ty được thành lập bởi các cựu quản lý của hãng xe BMW, cũng phải tạm dừng sản xuất trước khi giao chiếc xe đầu tiên. Còn Zhiche Youxing Technology Shanghai dự định niêm yết vào năm 2019 nhưng cũng phải đệ đơn phá sản vào năm 2022.

Theo các chuyên gia, việc thu hút khách hàng mua xe khó hơn nhiều so với đáp ứng yêu cầu từ các cơ quan quan lý. Một trong những "nạn nhân" gần đây là WM Motor Technology Group, hãng xe được hỗ trợ bởi gã khổng lồ công nghệ Baidu.

Chỉ hơn 1 tháng sau khi tuyên bố kế hoạch niêm yết tại Hong Kong, WM Motor Technology Group đã phải cắt giảm lương và sa thải nhân viên để giảm bớt gánh nặng khi doanh số tụt dốc.

Bong bóng xe điện Trung Quốc xì hơi, 80% start up phá sản - 4

Mẫu xe thể thao đa dụng EX5 của WM Motor (Ảnh: Bloomberg).

Tháng 4 năm nay, ông Freya Cui, người sở hữu sớm chiếc xe thể thao đa dụng EX5 của WM Motor, đã phải từ bỏ chiếc xe sau 4 năm sử dụng do lỗi pin. Phía hãng thông báo không có sản phẩm thay thế, trong khi việc mua bộ pin mới từ bên thứ 3 quá đắt đỏ. Sau nhiều lần kiến nghị thất bại, ông Cui đã quyết định mua một chiếc xe chạy xăng giá rẻ.

"Tôi đã đặt hàng trước khi nhìn thấy chiếc xe của WM Motor và rất thích chế độ bảo hành trọn đời cho bộ pin xe. Tôi không ngờ rằng đến một ngày công ty lại đứng trên bờ vực sụp đổ như vậy", ông Cui ngậm ngùi.

Hãng xe WM minh chứng cho sự xoay chiều trên thị trường xe điện Trung Quốc. Công ty này từng được các chuyên gia đánh giá rất cao và nhận 2 trong 5 khoản đầu tư mạo hiểm lớn nhất thị trường xe điện. Rất nhiều nhà đầu tư đã tham gia vào thương vụ này bao gồm các ngân hàng hàng đầu Trung Quốc và các công ty công nghệ.

"5 năm tới sẽ quyết định thị trường xe điện"

Rất khó để nói liệu đà tăng trưởng của thị trường có sẽ ra sao trong tương lai trong bối cảnh người tiêu dùng vẫn chưa thực sự dành nhiều sự quan tâm đến ô tô điện.

Theo Hiệp hội Xe du lịch Trung Quốc, doanh số bán lẻ xe điện đã tăng lên mức 580.000 chiếc trong tháng trước. Tuy nhiên, con số này chỉ chiếm khoảng 30% tổng số xe đã bán ra.

Các chuyên gia nhận định thị trường Trung Quốc đang ngày càng trở nên khó khăn không chỉ với các thương hiệu trong nước mà cả các hãng nước ngoài. Các nhà sản xuất ô tô lâu đời như Ford cũng thất bại, trong khi Volkswagen chưa có dòng xe nào lọt top 10 chiếc xe điện bán chạy nhất.

Bong bóng xe điện Trung Quốc xì hơi, 80% start up phá sản - 5

Triển lãm ô tô tại Thượng Hải vào tháng 4 năm nay (Ảnh: Getty).

"5 năm tới sẽ quyết định thị trường xe điện", ông Jochen Siebert, chuyên gia tại JSC Automotive, nhấn mạnh trong chia sẻ với Bloomberg.

Ông Siebert kỳ vọng các nhà sản xuất sẽ tập trung nâng cao sự an toàn, hiệu suất và độ bền của xe thay vì thay vì các tính năng hào nhoáng như lái tự động, màn hình lớn, hay hệ thống karaoke. Ông cũng cho rằng chính những điều đang được ít quan tâm trong lĩnh vực xe điện mới có thể làm nên thành công.

Nội dung: Phương Liên