Startup tạo ra cách mạng ô tô điện trên dãy núi Andes, giá xe chỉ 7.500 USD

Hạnh Vũ

(Dân trí) - Chiếc xe điện này đủ chỗ cho 3 người gồm 1 tài xế, 2 khách. Xe có thể di chuyển với quãng đường khoảng 96km mới cần sạc tiếp và mất 6-8 giờ để sạc đầy.

Trên dãy núi Andes (Bolivia), cuộc cách mạng xe điện đã xuất hiện. Trong khi Tesla và các nhà sản xuất khác tự hào về việc tạo ra những sản phẩm sang trọng, di chuyển với tốc độ cao (có thể lên tới hơn 300km/giờ) thì công ty xe điện Quantum Motors lại mang đến trải nghiệm hoàn toàn khác.

"Nhỏ nhưng có võ"

Với kích thước bằng một chiếc xe golf, xe điện Quantum có đủ chỗ cho 3 người với không gian phía trước chỉ dành cho người lái, 2 khách ngồi phía sau.

Chiếc Quantum có thể di chuyển với quãng đường khoảng 96km mới cần sạc tiếp và mất 6-8 giờ để sạc đầy. Tuy nhiên, chiếc xe này không phù hợp với chuyến đi đường dài.

Startup tạo ra cách mạng ô tô điện trên dãy núi Andes, giá xe chỉ 7.500 USD - 1

Một chiếc xe điện Quantum (màu đỏ) trên đường phố Bolivia (Ảnh: Wall Street Journal).

"Tôi lập tức yêu thích sản phẩm này từ cái nhìn đầu tiên. Mặc dù không gian trong xe không quá rộng rãi nhưng tôi hài lòng với trải nghiệm tổng thể", Daniel Derenne - một người về hưu ở Bolivia đã mua chiếc Quantum ngay sau khi nó được ra mắt vào tháng 9/2019, cho biết.

Ông thậm chí còn dán một nhãn dán ở phía sau với nội dung chiếc xe chạy bằng điện và không gây ô nhiễm để khuyến khích mọi người chuyển sang xe điện - một điều hiếm thấy ở Bolivia.

Người dân Bolivia từ lâu đã muốn có ngành công nghiệp ô tô của riêng mình và tin rằng điều đó sẽ cho phép họ giảm sự phụ thuộc kinh tế vào xuất khẩu nguyên liệu thô, từ bạc đến khí đốt tự nhiên.

Angie Sciaraffia - một sinh viên y khoa, rất vui khi mua được chiếc ô tô điện do một công ty của quê hương sản xuất. Sciaraffia chia sẻ: "Thật tuyệt vời khi sở hữu chiếc ô tô do người Bolivia tạo ra. Gương chiếu hậu của chiếc xe nhỏ đến mức có thể nằm gọn trong lòng bàn tay. Nhìn chung, nó rất dễ lái".

Ở Bolivia, Quantum có một lượng khách hàng chưa lớn nhưng trung thành. Khi gặp nhau trên đường, những người lái xe Quantum thường bấm còi và vẫy tay chào nhau.

Ximena Pérez - một chủ xe Quantum khác, cho biết cô đã mua xe của hãng trong đại dịch vì không muốn di chuyển bằng xe bus đông người. Cô nói rằng mình chưa bao giờ cảm thấy chiếc xe thiếu chỗ, ngoại trừ khi đi cắm trại vì cô mang theo nhiều vật dụng hơn.

Theo một chủ xe khác, nhược điểm của xe Quantum bao gồm chưa trang bị hệ thống sưởi nên người ngồi trong xe sẽ bị lạnh vào mùa đông. Ngoài ra, việc không có chỗ bên cạnh ghế lại cũng gây ra bất tiện nhất định. Một vấn đề nữa là khi sắp hết điện, chiếc xe sẽ chạy rất chậm, gây cản trở giao thông.

Câu chuyện thành lập

José Carlos Márquez - kỹ sư và nhà đồng sáng lập khác của Quantum, đã nảy ra ý tưởng về xe điện năm 2015 khi đang chế tạo một chiếc xe cút kít chạy điện cho thợ mỏ. Theo ông, việc sản xuất xe điện kích thước nhỏ sẽ giúp tránh lãng phí năng lượng. 

Startup tạo ra cách mạng ô tô điện trên dãy núi Andes, giá xe chỉ 7.500 USD - 2

Bên trong cơ sở sản xuất của Quantum (Ảnh: Wall Street Journal).

Bất chấp nguồn tài nguyên lithium khổng lồ, Bolivia hầu như không sản xuất bất kỳ thứ gì của riêng mình từ nguyên liệu này do sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ. Do đó, Quantum sử dụng pin lithium từ Trung Quốc.

Ban đầu, Quantum không thể đăng ký sản phẩm ở Bolivia vì luật pháp địa phương yêu cầu tất cả phương tiện phải có giấy tờ nhập khẩu bởi trước đây, ở Bolivia chưa có ai sản xuất ô tô. Các công ty bảo hiểm cũng rất thận trọng trong việc cung cấp bảo hiểm cho sản phẩm của Quantum trong khi các ngân hàng tại đây cũng cân nhắc kỹ càng phương án cho vay.

Cửa hàng Quantum từng phải đóng cửa trong vài tuần ngay sau khi khai trương vào năm 2019 do chính trị bất ổn. Sau đó, đại dịch ập đến làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến việc nhập khẩu các bộ phận của Trung Quốc trở nên đắt đỏ hơn.

Theo Carlos Soruco - nhà đồng sáng lập Quantum, trên những con đường tắc nghẽn giao thông của thế giới đang phát triển như hiện nay, ô tô mini được coi là một lựa chọn phù hợp. Các chủ sở hữu xe Quantum cho biết họ chỉ mất khoảng 7 USD/tháng để sạc điện cho xe - chi phí thấp hơn nhiều so với xe chạy xăng.

Cổng sạc của chiếc Quantum có thể được cắm vào bất kỳ ổ cắm nào, loại bỏ việc phải đầu tư vào trạm sạc tốn kém. Mức giá 7.500 USD của nó cũng phải chăng hơn rất nhiều so với những chiếc xe điện hào nhoáng đang chạy trên đường phố Mỹ và châu Âu.

Những người sáng lập Quantum tin rằng sản phẩm của mình - chiếc xe điện đầu tiên được sản xuất tại Bolivia, là tương lai của ngành công nghiệp ô tô ở Mỹ Latinh, nơi sinh sống của 670 triệu người.

Soruco tự tin: "Chúng tôi tin rằng việc phát triển xe điện ở Mỹ Latinh sẽ không thuộc về Tesla hay Volkswagen". Đến nay, Quantum đã bán được 370 xe điện và đang trên đà tăng doanh số.

Theo Wall Street Journal