DBiz

Bán đi "nguồn sống", đại gia phố núi còn lại gì?

Khổng Chiêm
Bán đi "nguồn sống", đại gia phố núi còn lại gì?

Bán đi mảng kinh doanh chủ chốt

Đại gia phố núi - Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán: DLC) - thống nhất thoái toàn bộ vốn góp tại Công ty TNHH Mass Noble Investments Limited (gọi tắt Mass Noble). Đến nay, Đức Long Gia Lai đã đầu tư 249 tỷ đồng để trở thành công ty mẹ của Mass Noble, tương ứng sở hữu 97,73% vốn.

Mass Noble là công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử của Mỹ, đăng ký trụ sở tại Quần đảo Virgin Islands thuộc Anh và có nhà máy tại Trung Quốc, Việt Nam.

Gần 10 năm trước, Đức Long Gia Lai đã thâu tóm doanh nghiệp này bằng cách hoán đổi cổ phiếu. Cụ thể, tập đoàn phát hành gần 20 triệu cổ phiếu cho các cổ đông của Công ty Mass Noble với giá hoán đổi 12.500 đồng/cổ phiếu. Tỷ lệ hoán đổi là 1:1,4 (tức 1 cổ phiếu DLG đổi 1,4 cổ phiếu Mass Noble). Sau giao dịch này, đại gia phố núi nắm quyền chi phối Mass Noble như hiện nay.

Mass Noble đã đóng góp chính vào doanh thu của Đức Long Gia Lai trong nhiều năm qua, chiếm tỷ trọng không nhỏ trong cơ cấu. Năm 2023, mảng buôn bán linh kiện điện tử mang về hơn 573 tỷ đồng doanh thu, chiếm 51%. Năm 2022, con số này lần lượt là 822 tỷ đồng, chiếm 61%.

Tuy nhiên, dường như mảng kinh doanh này đang giảm dần hiệu quả, khi doanh thu đã bị thu hẹp trong nhiều năm trở lại đây. Nếu như năm 2018-2019, doanh thu từ linh kiện điện tử đều đóng góp trên 2.000 tỷ đồng cho tập đoàn thì đến năm 2023 đã giảm khoảng 70%. Tuy vậy, vị thế mảng này vẫn nguyên vẹn, khi chiếm phần lớn cơ cấu doanh thu tập đoàn trong nhiều năm.

Trước đó, trong tài liệu họp đại hội cổ đông thường niên 2024, Đức Long Gia Lai vẫn định hướng mảng điện tử và linh kiện điện từ của Mass Noble là mảng kinh doanh chính trong chiến lược 2024-2027. Cụ thể, công ty sẽ đầu tư chuyên sâu, mở rộng thị trường các nhà máy tại Trung Quốc, Thủ Đức (Việt Nam). Đồng thời, công ty mở rộng các nhà máy tại Bình Dương, Đà Nẵng để gia tăng doanh thu, lợi nhuận các năm.

Thế khó của đại gia phố núi và chiến lược giai đoạn mới

Đức Long Gia Lai là một trong những tập đoàn kinh tế lớn của tỉnh Gia Lai, bên cạnh một số cái tên nổi đình đám khác như Hoàng Anh Gia Lai (gắn liền bầu Đức) hay Quốc Cường Gia Lai (gắn liền đại gia Nguyễn Thị Như Loan).

Công ty này hoạt động đa ngành ở nhiều lĩnh vực như gỗ, bất động sản, phân bón, năng lượng tái tạo, linh kiện điện tử, thu phí BOT... Trong đó, doanh thu từ linh kiện điện tử và thu phí BOT chiếm phần lớn ở một vài năm gần đây.

Về năng lượng tái tạo, công ty đã đầu tư và phát điện nhiều dự án thủy điện, điện mặt trời tại Lâm Đồng, Kon Tum. Ngoài ra, công ty còn triển khai đồng loạt thủ tục đầu tư các dự án điện mặt trời, điện gió, thủy điện ở Tây Nguyên, miền Trung, được Chính phủ và Bộ Công thương đồng ý đưa vào Quy hoạch điện VII hơn 600 MW. Số còn lại hơn 2.500 MW đang chờ bổ sung Quy hoạch.

Về bất động sản, tập đoàn đang chuẩn bị triển khai các dự án ở Gia Lai, Kon Tum, Bình Định, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Về cơ sở hạ tầng, tập đoàn sở hữu 4 trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 14 (con đường giao thông huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên và nối Tây Nguyên với Bắc Trung Bộ - Đông Nam Bộ.).

Linh kiện điện tử Mass Noble là một trong 4 công ty con của Đức Long Gia Lai. Nếu bán thành công, tập đoàn còn lại 3 công ty con gồm Công ty cổ phần BOT và BT Đức Long Đắk Nông, Công ty cổ phần BOT và BT Đức Long Gia Lai, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Điện năng Đức Long Gia Lai.

Trong 5 năm trở lại đây, kết quả kinh doanh của Đức Long Gia Lai có sự trồi sụt. Lợi nhuận các năm 2019-2020 và 2022 đều âm, thậm chí năm 2022 lỗ sâu 1.197 tỷ đồng. Chi phí quản lý và chi phí lãi vay "bào mòn" lợi nhuận doanh nghiệp.

Năm 2023, công ty tiếp tục lỗ gần 579 tỷ đồng. Từ đó, lỗ lũy kế ở mức 2.664 tỷ đồng, vượt vốn chủ sở hữu. Ngoài ra, các khoản nợ ngắn hạn của tập đoàn cũng vượt quá tổng tài sản ngắn hạn.

Đơn vị kiểm toán cho rằng tập đoàn có kế hoạch thanh lý, bán tài sản đảm bảo, tài sản được bảo lãnh và dòng tiền để trả nợ cho ngân hàng giai đoạn 2024-2026 và đàm phán các khoản nợ vay quá hạn, đến hạn với các chủ nợ. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của Đức Long Gia Lai.

Giải trình ý kiến này, tập đoàn khẳng định tình hình sản xuất kinh doanh vẫn ổn định. Công ty đang quyết tâm cấu trúc lại tình hình tài chính để giảm tối đa chi phí lãi vay, tăng cường thu hồi công nợ, cắt giảm chi phí nhằm giảm nợ vay ngân hàng. Năm 2023, công ty đã trả nợ gốc ngân hàng hơn 187 tỷ đồng.

Giai đoạn 2024-2026, công ty đặt chiến lược thanh lý toàn bộ tài sản, chuyển nhượng các tài sản kém hiệu quả, không sinh lời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện pháp lý các dự án năng lượng...

Lợi nhuận năm 2022-2023 đều lỗ do công ty phải trích lập dự phòng phải thu khó đòi theo nguyên tắc thận trọng dẫn đến chi phí quản lý tăng cao. Ban tổng giám đốc đã lập kế hoạch sản xuất và dòng tiền để trả nợ ngân hàng giai đoạn 2024 - 2026 nhằm đảm bảo tăng trưởng.

Năm nay, Đức Long Gia Lai đặt kế hoạch doanh thu 1.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 120 tỷ đồng, cải thiện rất nhiều so với con số lỗ 578 tỷ đồng của năm trước. Công ty định hướng chủ trương tái cấu trúc, kiên định với các ngành nghề chiến lược như đầu tư hạ tầng giao thông hình thức BOT, năng lượng, đầu tư tài chính....