5 nơi giàu nhất Việt Nam năm 2024
(Dân trí) - Top 5 địa phương có quy mô kinh tế (GRDP) lớn nhất cả nước trong 2024 bao gồm TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai và Hải Phòng.
TPHCM
Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) năm 2024 theo giá so sánh 2010 đạt 1,17 triệu tỷ đồng, tăng 7,17%. Quy mô GRDP năm 2024 theo giá hiện hành đạt xấp xỉ 1,78 triệu tỷ đồng.
Theo Cục Thống kê TPHCM, kinh tế thành phố năm 2024 tiếp tục duy trì đà phục hồi ổn định. Mức tăng trưởng có xu hướng hồi phục tích cực, tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước: Quý I tăng 6,54%; quý II tăng 6,31%; quý III tăng 7,33%; quý IV tăng 7,92%.
Ngành dịch vụ đạt tốc độ tăng trưởng cao, là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngành công nghiệp đang từng bước chuyển dịch từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành công nghệ cao và xanh.
Cụ thể, mức tăng trưởng của khu vực dịch vụ là 7,7%, chiếm 65,5% GRDP và đóng góp 68,8% vào mức tăng GRDP. Trong đó, hoạt động thương mại điện tử tăng trưởng tích cực góp phần thúc đẩy dịch vụ logistic, vận tải.
Ngành công nghiệp tiếp tục phục hồi (tăng 7,26%) và chiếm 18,2% GRDP, đóng góp 20,1% vào tăng trưởng kinh tế TPHCM, tuy nhiên tốc độ phục hồi còn chậm. Ngành chế biến, chế tạo là trụ cột của ngành công nghiệp nhưng có mức tăng thấp hơn so với toàn ngành công nghiệp (tăng 5,85%).
Hoạt động xây dựng tăng 4,86%, chiếm 3,5% GRDP nhưng chỉ đóng góp 2,4% vào mức tăng GRDP. Công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn TPHCM được đánh giá là không đạt mục tiêu đặt ra đã ảnh hưởng đáng kể tăng trưởng ngành xây dựng và cộng hưởng các ngành khác qua đó làm giảm đà tăng trưởng kinh tế thành phố.
Môi trường kinh doanh trên địa bàn TPHCM bị đánh giá là chưa có chuyển biến tích cực khi số doanh nghiệp tham gia vào thị trường giảm 3,1% và số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng 5,2% so với cùng kỳ.
Tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước năm 2024 ước thực hiện 508.553 tỷ đồng, vượt 5,3% dự toán và tăng 13,3% so với năm 2023. Tổng chi (trừ tạm ứng) ước thực hiện 127.461 tỷ đồng, đạt 85% dự toán và tăng 40% so với năm 2023.
Hà Nội
Năm 2024, GRDP của Hà Nội ước tính tăng 6,52% so với năm trước (quý I tăng 5,41%; quý II tăng 6,80%; quý III tăng 6,71%; quý IV tăng 7,01%). Quy mô gần 59 tỷ USD, lớn thứ 2 cả nước.
GRDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành đạt 163,5 triệu đồng, tăng 8,8% so với năm 2023.
Trong cơ cấu GRDP của Hà Nội trong năm 2024, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất là 65,6%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 22,79%.
Dân số trung bình trên địa bàn Thành phố năm 2024 ước tính đạt 8,72 triệu người, tăng 1,5% so với năm 2023. Thu nhập bình quân đầu người của một nhân khẩu đạt 7,55 triệu đồng/tháng, tăng 9,9%.
Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước tăng 10,5% so với năm trước, trong đó vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tăng 38,7%. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 2,2 tỷ USD, tăng 30% so với năm 2023, đứng thứ 5 cả nước về thu hút vốn FDI.
Doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân đã bị bào mòn do Covid-19, hoạt động thương mại toàn cầu suy giảm và gần đây là ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi).
Các đơn hàng, dòng tiền, thông tin thị trường, tiếp cận vốn vay... vẫn là thách thức lớn. Tính chung cả năm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm 7,2% so với năm trước, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 18%, doanh nghiệp giải thể tăng 28,9%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2024 ước thực hiện 509.300 tỷ đồng, vượt 24,7% dự toán và tăng 23,8% so với năm 2023. Chi ngân sách ước thực hiện 112.100 tỷ đồng, đạt 78,7% dự toán năm và tăng 1,4% so với năm 2023.
Bình Dương
GRDP của tỉnh Bình Dương trong năm 2024 tăng 7,48% so với năm 2023, chủ yếu dựa vào khu vực công nghiệp và xây dựng (tăng 7,71%, đóng góp 5,3 điểm phần trăm vào mức tăng chung). GRDP bình quân đầu người đạt 181,2 triệu đồng/năm.
Hoạt động sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 7,6% (năm 2020 tăng 8,02%, năm 2021 tăng 4,5%; 2022 tăng 8,8%, 2023 tăng 4,9%).
Lũy kế đến ngày 31/12/2024, toàn tỉnh có 73.945 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng số 812.400 tỷ đồng. Riêng năm 2024, tỉnh thu hút được 8.637 doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh mới với tổng số vốn 53.000 tỷ đồng.
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 1,9 tỷ USD, tăng 23,8% so với năm 2023. Lũy kế đến 31/12/2024, toàn tỉnh có 4.399 dự án FDI với tổng vốn 42,5 tỷ USD.
Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn năm 2024 đạt 76.200 tỷ đồng, vượt 17% dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao và vượt 6% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng chi thực hiện đạt 32.200 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ.
Đồng Nai
Năm 2024, GRDP trên địa bàn tỉnh Đồng Nai (theo giá so sánh 2010) đạt hơn 260.200 tỷ đồng, tăng 8,02% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng này cao hơn mục tiêu đề ra (từ 6,5% đến 7%) và cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 (5,41%).
GRDP bình quân đầu người ước đạt 148,94 triệu đồng/người (vượt mục tiêu 148 triệu đồng/người).
Tình hình sản xuất công nghiệp tăng trưởng trở lại và trong xu hướng phục hồi tích cực, nhiều doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, đổi mới quy trình công nghệ sản xuất. Chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2024 ước tính tăng 8,15% so cùng kỳ (cao hơn nhiều so với mức tăng 5,27% của năm 2023). Thu hút FDI đạt khoảng 1,48 tỷ USD, tăng 27,52% so cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt trên 62.000 tỷ đồng, vượt 10% dự toán HĐND tỉnh giao và vượt 12% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, duy trì vị trí thứ 6 cả nước về thu ngân sách Nhà nước.
Hải Phòng
GRDP năm 2024 của Hải Phòng ước đạt 288.492 tỷ đồng (theo giá so sánh 2010), tăng 11,01% so với năm trước (cao hơn mức kế hoạch tăng 11,5%-12%). Mặc dù là mức tăng trưởng cao so với bình quân chung của cả nước và các tỉnh, thành phố khác, đứng thứ 3 cả nước và thứ nhất vùng đồng bằng Sông Hồng nhưng thành phố vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) năm 2024 ước đạt 445.995 tỷ đồng (tương đương 18.362,8 triệu USD), đứng thứ 5 cả nước.
Năm vừa qua là năm thứ 10 liên tiếp thành phố duy trì tăng trưởng ở mức 2 con số. Quy mô kinh tế của địa phương ngày càng mở rộng, đặt dấu mốc là năm đầu tiên thành phố bước vào nhóm 5 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước.
Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu hoàn thành sớm hơn dự kiến, vượt mức kế hoạch đề ra, trong đó, sản xuất công nghiệp về đích với mức tăng 15,43%.
Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 118.255,3 tỷ đồng, vượt 20,86% dự toán Trung ương giao và vượt 10,77% dự toán HĐND Thành phố giao. Tổng chi ngân sách ước đạt 39.407,7 tỷ đồng, vượt 20,18% dự toán Trung ương giao, đạt 99,09% dự toán HĐND Thành phố.