Top địa phương tăng trưởng mạnh nhất nước: Nhiều nơi lập kỷ lục
(Dân trí) - Bà Rịa - Vũng Tàu, Lai Châu có tăng trưởng kinh tế cao nhất trong vòng một thập kỷ, Hải Phòng lần đầu lọt top 5 có GRDP cao nhất. Trong khi đó, Bắc Giang vẫn dẫn đầu nhưng có tín hiệu giảm tốc.
Bắc Giang: 13,85%
Theo Cục Thống kê tỉnh Bắc Giang, năm 2024, ngoài động lực tăng trưởng chính là công nghiệp chế biến chế tạo thì các yếu tố bất lợi đồng loạt xuất hiện.
Cụ thể, thời tiết biến đổi bất thường làm mất mùa vải thiều; sản xuất nông nghiệp bị tác động trực tiếp bão số 3, hoạt động xây dựng suy giảm nghiêm trọng khi giải ngân vốn đầu tư công chậm, nhu cầu xây dựng nhà ở trong dân cư thấp, các công trình dân dụng và chuyên dụng chậm được triển khai...
Mặc dù vậy, tăng trưởng GRDP của địa phương này vẫn ước đạt 13,85%, là mức tăng trưởng cao nhất cả nước. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm 3,32%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 17,94%; khu vực dịch vụ tăng 6,83%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 11,66%.
Khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục có tốc độ tăng trưởng và tỷ lệ đóng góp cao nhất vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế (đóng góp 12,93 điểm %), là khu vực chính dẫn dắt tốc độ tăng trưởng nền kinh tế của tỉnh.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm nay gặp nhiều khó khăn do mất mùa vụ vải thiều, ảnh hưởng của bão số 3 (tác động làm giảm 0,35 điểm % vào mức tăng chung); khu vực dịch vụ duy trì mức tăng trưởng khá (đóng góp 1,05 điểm % vào mức tăng chung).
Mặc dù đạt được tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước, song, theo cơ quan thống kê tỉnh, tốc độ tăng trưởng GRDP của Bắc Giang đang có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây.
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản; tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng. Tuy nhiên, tỷ trọng đóng góp của khu vực dịch vụ chưa tương xứng với mức tăng của khu vực công nghiệp và chưa đạt được cơ cấu kinh tế hiện đại.
Thanh Hóa: 12,16%
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của tỉnh Thanh Hóa diễn ra ngày 30/12/2024, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh cho hay, kinh tế tỉnh duy trì tăng trưởng cao, trên từng lĩnh vực đều có những chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2024 ước đạt 12,16%, vượt kế hoạch và đứng thứ 2 cả nước.
Đặc biệt, năm 2024, thu ngân sách Nhà nước của Thanh Hóa ước đạt 54.341 tỷ đồng (vượt 52,8% dự toán, tăng 25,9% so với cùng kỳ), cao nhất từ trước đến nay, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước.
Tỉnh đặt mục tiêu năm 2025, tốc độ tăng GRDP đạt 11% trở lên, GRDP bình quân đầu người đạt từ 3.750 USD trở lên (mức thu nhập này của người dân Thanh Hóa năm 2024 là 3.360 USD).
Một số chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng khác cũng đều được Thanh Hóa đặt mục tiêu cao là tổng giá trị xuất khẩu đạt 8 tỷ USD trở lên; tổng huy động vốn đầu tư phát triển đạt từ 140.000 tỷ đồng trở lên; thu ngân sách nhà nước đạt 45.492 tỷ đồng trở lên.
Bà Rịa Vũng Tàu: 11,72%
Kết thúc năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Bà Rịa - Vũng Tàu đạt mức cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Thông tin này được đăng tải trên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, trong khi đó, Cục Thống kê của tỉnh này chưa công bố báo cáo trên website của đơn vị.
Năm 2024, tỉnh có 36/37 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt và vượt kế hoạch đề ra. GRDP (trừ dầu khí) tăng 11,72% cao hơn dự toán và là mức tăng cao nhất trong vòng một thập kỷ qua. Thu nhập bình quân đầu người hơn 9.000 USD/năm.
Tính đến hết năm 2024, Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút tổng vốn đầu tư hơn 93.000 tỷ đồng, trong đó vốn FDI hơn 2 tỷ USD và vốn trong nước 42.000 tỷ đồng, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2023.
Tỷ suất đầu tư dự án của tỉnh này được cho biết là cao nhất trong nhóm 5 tỉnh, thành đứng đầu cả nước về thu hút đầu tư. Với gần 490 dự án FDI, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 33,3 tỷ USD, trung bình 1 dự án có số vốn khoảng 68 triệu USD. Giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu thô và khí đốt tăng 12,91%. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế.
Hải Phòng: 11,01%
Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 của TP Hải Phòng ước đạt 11,01%, là năm thứ 10 liên tiếp duy trì tăng trưởng ở mức 2 con số.
Quy mô kinh tế ngày càng mở rộng, đặt dấu mốc là năm đầu tiên thành phố bước vào nhóm 5 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước (bao gồm TPHCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hải Phòng). Nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu hoàn thành sớm hơn dự kiến, vượt mức kế hoạch đề ra, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên.
Tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố ước đạt 288.492 tỷ đồng. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm cơ cấu 45,12% GRDP, tiếp tục là động lực tăng trưởng của kinh tế thành phố với tốc độ tăng 14,84%, đóng góp 7,1 điểm %.
Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) năm 2024 ước đạt 445.995 tỷ đồng (tương đương 18.362,8 triệu USD), đứng thứ 5 cả nước. Cơ cấu kinh tế theo các khu vực như sau: Khu vực nông - lâm - thủy sản chiếm tỷ trọng 3,15%, công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 53,08%, thương mại - dịch vụ chiếm tỷ trọng 38,52%.
Hà Nam: 10,93%
Theo công bố của Cục Thống kê tỉnh Hà Nam, năm 2024, tình hình kinh tế xã hội của tỉnh tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. GRDP ước đạt hơn 56.116 tỷ đồng, tăng 10,93% so với năm 2023, cao thứ 2 trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, chỉ sau Bắc Giang.
Khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng khá, đóng góp 8,77 điểm % vào mức tăng GRDP, trong đó lĩnh vực công nghiệp đóng vai trò chủ đạo với tốc độ tăng trưởng 15,02%, đóng góp 8,4 điểm % vào mức tăng GRDP.
GRDP bình quân đầu người năm 2024 (theo giá hiện hành) ước đạt 109,8 triệu đồng, tăng 12,5% so với năm 2023. Cơ cấu kinh tế năm 2024 tiếp tục chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp và dịch vụ.
Vốn đầu tư phát triển trên địa bàn tỉnh ước đạt hơn 45.678 tỷ đồng, tăng 7,2% so với năm 2023. Thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2024 ước tính đạt 16.958,1 tỷ đồng, tăng 21,3% so với năm trước và bằng 105,5% so với dự toán địa phương. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 54.503 tỷ đồng, tăng 15,4% so với năm 2023…
Lai Châu: 10,52%
Theo Cục Thống kê tỉnh Lai Châu, năm 2024 là một năm có nhiều thuận lợi đối với địa phương này. Lợi thế của địa phương đã mang lại nguồn lực về điện tăng cao, kiểm soát lạm phát tốt thúc đẩy nền kinh tế phát triển; an sinh xã hội thực hiện tốt, đời sống của nhân dân ổn định hơn; quốc phòng an ninh được giữ vững, mở rộng quan hệ đối ngoại hợp tác quốc tế.
Ước tính GRDP năm 2024 (theo giá so sánh 2010) đạt 15.038 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng ước đạt 10,52%, là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2020-2024. Tăng trưởng của Lai Châu đứng thứ 2/14 tỉnh của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Mức tăng trưởng kinh tế 10,52% năm 2024 của Lai Châu chủ yếu từ ngành sản xuất và phân phối điện chiếm tỷ trọng 31,99% tổng sản phẩm trên địa bàn, tăng 29,92% so với cùng kỳ năm trước.
Trong năm qua, Lai Châu có 11 nhà máy thủy điện mới hoàn thành đi vào phát điện với tổng công suất lắp máy là 188,3 MW, cùng với điều kiện thời tiết mưa nhiều làm tăng sản lượng điện đã tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất và phân phối điện tăng trưởng cao so với năm trước.
Bên cạnh đó, ngành sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng khá cao, tăng 269,03% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành chiếm tỷ trọng lớn như nông lâm nghiệp và thủy sản chiếm 14,82% GRDP, tăng 4,69%; giáo dục chiếm 8,01% GRDP, tăng 5,27%.
Bên cạnh những ngành chiếm tỷ trọng lớn và tăng, thì ngành xây dựng chiếm tỷ trọng 9,54% GRDP, giảm 6,65% so với năm trước do thời tiết mưa kéo dài trong nhiều tháng, tiến độ giải ngân chậm.
Hải Dương: 10,2%
Theo đánh giá của Cục Thống kê tỉnh Hải Dương, trong năm 2024, việc phải gánh chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 03 (siêu bão Yagi) cùng nhiều yếu tố bất lợi khác nhưng dự kiến tỉnh này vẫn có 13/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đã đề ra.
Tăng trưởng kinh tế tỉnh Hải Dương năm 2024 ước đạt 10,2%; cao thứ 3/11 vùng Đồng bằng sông Hồng (sau Hải Phòng; Hà Nam).
Quy mô kinh tế của tỉnh ước đạt 212.386 tỷ đồng, tiếp tục đứng thứ 11 cả nước. GRDP bình quân đầu người của tỉnh ước đạt 107,4 triệu đồng/người (tương ứng 4.456 USD/người); đứng thứ 8/11 Vùng Đồng bằng sông Hồng.
Đóng góp vào tăng trưởng chung 10,20%, nhóm ngành nông lâm thủy sản đóng góp 0,2 điểm%; công nghiệp, xây dựng đóng góp 7,21 điểm%; dịch vụ đóng góp 1,98 điểm%; thuế và trợ cấp sản phẩm đóng góp 0,81 điểm%.
UBND tỉnh xây dựng kịch bản GRDP theo giá so sánh năm 2025 đạt 132.632 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2024. Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 31.900 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 80.850 tỷ đồng, tăng 25,7%.
Mục tiêu thu hút FDI của địa phương năm nay là từ một tỷ USD trở lên. Khởi công xây dựng 20 dự án trọng điểm, quan trọng; 7 dự án phát triển nhà ở xã hội (tương ứng 4.515 căn hộ).
Khánh Hòa: 10,16%
Theo công bố của đại diện UBND tỉnh Khánh Hòa, trong năm 2024, 22/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra theo nghị quyết của HĐND tỉnh, là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh Khánh Hòa nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế "2 con số".
Trong đó, GRDP tăng 10,16% so với năm 2023, đứng thứ 2 vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.
Thu ngân sách Nhà nước hoàn thành kế hoạch trước 2 tháng với tổng thu đạt 20.443,2 tỷ đồng, tăng 13,6% so với năm 2023 và vượt 22,5% kế hoạch.
Các lĩnh vực trọng điểm của tỉnh đều đạt mức tăng trưởng ấn tượng như: Sản xuất công nghiệp tăng 27,15%; dịch vụ tiêu dùng tăng 13,3%; kim ngạch xuất khẩu tăng 16,5% so với năm trước.
Đặc biệt, ngành du lịch tăng trưởng rất mạnh với 10,8 triệu lượt khách, trong đó có khoảng 4,7 triệu lượt khách nước ngoài. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 53.151 tỷ đồng, tăng 56,4% so với năm 2023.
Bên cạnh đó, các dự án, công trình trọng điểm quốc gia và của tỉnh đều được chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ; công tác giải ngân vốn đầu tư công được quyết liệt thực hiện, tập trung giải quyết vướng mắc liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng...
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh đặt mục tiêu đạt mức tăng trưởng từ 10-10,5% trong năm 2025 - là năm tăng tốc, bứt phá, bước vào thập niên tăng trưởng "2 con số"; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025.
Trà Vinh: 10,06%
Thông tin từ Cục thống kê tỉnh Trà Vinh cho hay, trong năm 2024, GRDP của địa phương này ước tính tăng 10,04% so với năm 2023, tăng ở cả 3 khu vực.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,15%, đóng góp 1,26 điểm %; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 20,23%, đóng góp 6,56 điểm %; khu vực dịch vụ tăng 6,46%, đóng góp 2,05 điểm %.
Khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp sản xuất điện tăng trưởng cao quyết định chủ yếu đến tốc độ tăng trưởng toàn ngành công nghiệp và ảnh hưởng lớn tới tốc độ tăng trưởng toàn bộ nền kinh tế.
Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2024 tăng 22,89% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 6,89 điểm % vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành sản xuất điện là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 27,1%, đóng góp 5,69 điểm %.
Về cơ cấu nền kinh tế năm 2024 của Trà Vinh, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 27,31%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 38,6%; khu vực dịch vụ chiếm 29,03%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 5,06% (Cơ cấu tương ứng của năm 2023 là 28,34%; 35,92%; 30,31%; 5,43%).
Quy mô GRDP theo giá hiện hành năm 2024 của tỉnh ước đạt 96.623 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 94,37 triệu đồng/người, tăng 12,04 triệu đồng so với năm 2023.
Nam Định: 10,01%
Theo ông Lê Mạnh Hồng, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Nam Định, nền kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định năm 2024 duy trì ổn định và có bước phát triển.
Tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2024 theo giá so sánh 2010 ước đạt 61.222 tỷ đồng, tăng 10,01% so với năm 2023, là mức tăng cao trong vùng (xếp thứ 4/11 tỉnh) và cả nước.
Quy mô kinh tế tỉnh Nam Định năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 113.329 tỷ đồng, tăng 14,78% so với năm 2023. GRDP bình quân đầu người giá hiện hành đạt 59,83 triệu đồng/người, tăng 14,35% so với năm trước.
Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 17,7%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 43,5%; khu vực dịch vụ chiếm 35,68%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 3,12%.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp năm 2024 trên địa bàn tỉnh ước tăng 14,56%; Vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn ước đạt 62.420 tỷ đồng, tăng 18%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 78.080 tỷ đồng, tăng 13,8%.