Trẻ trở nên tự tin, bản lĩnh nhờ rèn luyện 8 tư duy độc đáo này
(Dân trí) - Để gây dựng được tâm lý tự tin, vững vàng là một quá trình kéo dài ngay cả khi một người đã ở tuổi trưởng thành. Sẽ luôn có những sự việc, vấn đề xảy ra thử thách tâm lý của chúng ta.
Người có ý chí tinh thần mạnh mẽ là người biết tự kiểm soát cảm xúc, suy nghĩ và hành vi của bản thân. Dù vậy, sự kiểm soát này không dễ thực hiện. Chúng ta có thể đang cảm thấy rất ổn, nhưng một sự việc bất ổn nào đó xảy ra, ngay lập tức, chúng ta có thể cảm thấy bất an, lo lắng.
Trong cuốn The Mentally Strong Leader (Nhà lãnh đạo có ý chí mạnh mẽ), chuyên gia tâm lý người Mỹ Scott Mautz đã đưa ra những cách tư duy thường thấy ở người tự tin, mạnh mẽ. Khi con còn nhỏ, cha mẹ có thể chủ động lắng nghe, trò chuyện, định hướng để giúp con hình thành lối tư duy này.
Điểm khởi đầu tốt đẹp để con nỗ lực hơn nên bắt đầu từ việc con biết yêu thương, trân trọng chính mình (Ảnh minh họa: iStock).
Tự tin không có nghĩa là luôn chắc chắn về mọi việc
Đôi khi, chúng ta sẽ phải trải qua sự nghi ngờ, thiếu chắc chắn trong công việc, cuộc sống, các mối quan hệ. Không ai biết trước tương lai là như vậy.
Trong quá trình trưởng thành của con, cha mẹ hãy giúp con hiểu rằng những điều bất định chính là một phần thực tế của cuộc sống. Mỗi người đều phải học cách chấp nhận những yếu tố thiếu chắc chắn, sự bất định, biến thiên khó lường của cuộc đời.
Dù vậy, có một điều mà con có thể cải thiện, đó chính là kiến thức, sự hiểu biết, năng lực ứng biến của bản thân, để con có thể tự tin hơn trong việc xử lý những điều bất ngờ xảy ra.
Cần xác định được ý kiến của ai là quan trọng
Không phải ai đưa ra ý kiến nhận xét về con, con cũng buộc phải đón nhận những lời nhận xét ấy, đặc biệt là những lời nhận xét tiêu cực. Con cần biết lắng nghe những lời góp ý chân thành một cách có lựa chọn. Con cần xác định rõ ý kiến của ai là quan trọng và có tính xây dựng để tốt cho con. Việc biết lắng nghe đúng người là rất quan trọng, đặc biệt khi con bước vào tuổi trưởng thành.
Đối với những người mà ý kiến nhận xét của họ về con có thể không chính xác, do không có đủ sự thấu hiểu cần thiết, con có thể bình tĩnh lắng nghe và lựa chọn có tiếp thu hay không. Nếu muốn tiếp thu, con hãy tìm kiếm những ý tích cực nhất trong ý kiến của họ, để tự cải thiện chính mình.
Chẳng hạn một người bạn học đánh giá khả năng thuyết trình của con tệ, con hãy bình tĩnh nghe bạn nói và tự công bằng nhìn nhận lại. Có thể con sẽ thấy mình cần thuyết trình mạnh dạn hơn, đưa ra câu chuyện thú vị hơn và biết cách duy trì sự hứng thú của người nghe tốt hơn. Khi con nhìn ra một số ý tích cực trong những lời nhận xét tiêu cực, con có thể ghi nhận, điều chỉnh để tiến bộ.
Đối với những lời nhận xét khiến con thoạt tiên thấy khó đón nhận, nhưng lại đến từ những người yêu thương con, con cần nhớ rằng những người thực sự quan tâm đến con đưa ra những lời góp ý thẳng thắn vì muốn giúp con, không phải muốn làm tổn thương con.
Để gây dựng được tâm lý tự tin, vững vàng là một quá trình kéo dài (Ảnh minh họa: iStock).
Thất bại luôn đưa lại những bài học quan trọng
Những thất bại, bước lùi, những thử thách, khó khăn sẽ luôn giúp con mạnh mẽ hơn. Con sẽ nhận ra điều này sau khi đã vượt qua được vấn đề.
Không chờ đợi sự đồng tình, ủng hộ
Mỗi chúng ta đều có xu hướng rất tự nhiên là chờ đợi sự đồng tình, ủng hộ từ người xung quanh trước khi thực hiện một việc gì. Con có thể mong muốn nhận được sự ủng hộ từ người thân, bạn bè khi làm một việc gì đó.
Dù vậy, trong hành trình trưởng thành của con, cha mẹ cần giúp con hiểu rằng trong cuộc sống, việc luôn chờ đợi sự ủng hộ của người khác sẽ khiến con có tâm lý phụ thuộc, trở nên thiếu tự tin, thiếu quyết đoán. Con sẽ bị ảnh hưởng về năng lực tư duy và hành động. Càng lớn, con càng cần tự chủ trong việc ra quyết định.
Con có thể coi gia đình là điểm tựa và chia sẻ về những sự việc quan trọng. Ngoài ra, con không cần phải tìm kiếm sự đồng tình, ủng hộ từ quá nhiều người.
Việc tha thiết chờ đợi sự ủng hộ từ người khác sẽ khiến con cảm thấy bất an, lo lắng. Nhiều khi, vì muốn được yêu thích, đón nhận và ủng hộ, con sẽ hành xử không đúng là mình.
Khi trưởng thành, lúc đứng trước những quyết định khó khăn, có tính mạo hiểm, con cần biết tự tính toán, cân nhắc được mất, lợi hại để tìm ra giải pháp an toàn, tốt đẹp nhất có thể. Dù vậy, con không cần thiết phải chia sẻ với nhiều người để nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ họ.
Không so sánh bản thân với người khác
So sánh bản thân với người khác là điều khó tránh khỏi. Một số sự so sánh giúp chúng ta biết tự nhìn lại mình và đặt ra những chuẩn mực phù hợp hơn. Dù vậy, cũng có những sự so sánh không tốt cho tâm lý của chúng ta.
Chuyên gia Scott Mautz cho rằng sự so sánh duy nhất luôn có ý nghĩa tốt đẹp trong mọi hoàn cảnh và thời điểm, đó là so sánh bản thân trong quá khứ với chính mình trong hiện tại, để thấy mình có phát triển theo hướng tốt đẹp hơn hay không, có trở thành một phiên bản tốt hơn qua thời gian hay không.
Trong quá trình trưởng thành của con, cha mẹ hãy giúp con hiểu rằng những điều bất định chính là một phần thực tế của cuộc sống (Ảnh minh họa: iStock).
Tự trò chuyện với bản thân như thể một người bạn thân thiết
Có những người có xu hướng tự nhìn nhận, đánh giá bản thân rất nghiêm khắc, đối thoại với chính mình theo hướng tiêu cực, thậm chí thường tự chê bai, chỉ trích chính mình. Điều này khiến họ trở nên thiếu tự tin vào bản thân.
Cha mẹ cần giúp con biết tự nhìn nhận lại mình theo hướng công bằng, không tự phụ nhưng cũng không tự chê bai bản thân. Những khi con cần suy nghĩ về vấn đề đang gặp phải, cha mẹ hãy khuyên con nhìn nhận bản thân như một người bạn thân thiết đang cần giúp đỡ. Khi ấy, con sẽ nhìn nhận chính mình với sự cảm thông, thấu hiểu, tình yêu thương.
Chẳng hạn, thay vì tự chỉ trích bản thân: "Mình luôn làm hỏng mọi chuyện, mình đúng là đứa ngốc nghếch, kém cỏi", con nên nghĩ: "Lần này, mọi việc không diễn ra như mình kỳ vọng, nhưng cũng không có gì quá nghiêm trọng xảy ra. Sau sự việc này, mình có thể rút ra điều gì để cải thiện hơn về sau?".
Tự tin với những gì mình đã đạt được
Có những người thường dễ xem nhẹ những gì mình đạt được. Nếu con là người có nét tâm lý này, cha mẹ cần giúp con có cách tư duy công bằng hơn với chính mình. Điều này đặc biệt quan trọng khi con lớn dần và cần học cách gây dựng sự tự tin cho bản thân.
Để gia tăng sự tự tin, trước hết, con cần liệt kê ra những yếu tố thuận lợi bên ngoài giúp con đạt được thành tích đã có. Chẳng hạn, con có sự hỗ trợ hết lòng của cha mẹ, sự dìu dắt tận tâm của thầy cô. Đề thi có những nội dung nằm ở đúng mảng thế mạnh của con.
Sau đó, con hãy liệt kê ra những yếu tố tích cực của riêng con, giúp con đạt được những thành tích tốt. Chẳng hạn, con rất chăm chỉ, kiên trì, có trí nhớ tốt, có khả năng giữ bình tĩnh tốt ở những thời điểm quan trọng.
Biết tự hài lòng, động viên, khích lệ bản thân
Biết tự hài lòng với bản thân không có nghĩa là tự phụ. Mỗi chúng ta đều có nhiều điều cần nỗ lực cải thiện hơn nữa, nhưng chúng ta không nên suy nghĩ tiêu cực về những điều còn chưa hoàn hảo ở bản thân. Điểm khởi đầu tốt đẹp để con nỗ lực hơn nên bắt đầu từ việc con biết yêu thương, trân trọng chính mình.
Theo CNBC