Những hành động của cha mẹ khiến con khó tha thứ: Câu chuyện nan giải
(Dân trí) - Mới đây, trên diễn đàn mạng xã hội, một cư dân mạng đặt câu hỏi: "Cha mẹ bạn có từng làm điều gì khiến bạn khó tha thứ chưa?". Đăng tải này thu hút gần 10.000 câu trả lời từ cộng đồng mạng.
Những tổn thương khó quên
Dưới đây là một số chia sẻ của cộng đồng mạng hồi đáp lại câu hỏi trên:
- "Cha mẹ tôi yêu cầu tôi chuyển ra ngoài sống tự lập ngay khi tôi đủ 18 tuổi. Cho tới giờ, cha mẹ vẫn luôn nói tôi là người thất bại vì tôi không có được tấm bằng đại học. Thực tế, tôi đã phải bỏ học vì không thể tự trang trải cùng lúc cả tiền thuê nhà và tiền sinh hoạt phí trong lúc học đại học. Vậy nhưng cha mẹ không thấu hiểu, họ vẫn luôn thể hiện sự thất vọng về tôi, muốn tôi phải cố gắng nhiều hơn".
- "Mẹ tôi đã bán chú cún cưng của tôi khi tôi đang ở nơi làm việc. Khi tôi đi làm về và tìm chú cún, mẹ mới nói cho tôi biết sự thật".
- "Trong quá trình trưởng thành của tôi, mẹ tôi đã không ngừng chỉ trích hình thể của tôi vì tôi bị thừa cân. Mẹ liên tục đưa tôi tới gặp các bác sĩ để hiểu tôi gặp phải vấn đề gì. Tôi đã luôn phải thực hiện các chế độ giảm cân theo mong muốn của mẹ. Tôi cảm thấy khốn khổ khi cân nặng không giảm theo đúng tốc độ mà mẹ kỳ vọng. Tôi thậm chí từng rơi vào trầm cảm vì những bất an ngoại hình và áp lực từ việc giảm cân".
- "Cha mẹ tôi đã coi anh chị em chúng tôi như những thứ vũ khí để tấn công nhau trong giai đoạn cuối của cuộc hôn nhân. Hai người đã sử dụng con cái để làm tổn thương nhau trong quá trình ly hôn. Họ đã rất ích kỷ, chỉ nghĩ cho bản thân mình mà không nghĩ tới những tổn thương lâu dài gây ra cho nhau và cho các con. Khi cuộc hôn nhân của cha mẹ tôi tan vỡ, từng thành viên trong gia đình đều suy sụp. Quá trình ly hôn diễn ra đầy khủng hoảng. Đáng lẽ, cha mẹ tôi phải ưu tiên để các con cảm thấy an toàn nhất có thể khi gia đình trải qua biến động".
- "Cha mẹ tôi quá nghiêm khắc với tôi trong những năm tháng trưởng thành. Tôi đã buộc phải từ bỏ mọi thú vui, sở thích cá nhân, bởi cha mẹ luôn muốn tôi phải ưu tiên việc học trên hết. Dần dần, tôi học cách che giấu thú vui của mình để không bị cha mẹ can thiệp. Cho tới tận bây giờ, tôi vẫn thường không bộc lộ cảm xúc phấn khích và niềm vui chân thực của mình, bởi thói quen che giấu cảm xúc đã đi theo tôi từ khi còn nhỏ".
Làm gì khi gặp vấn đề trong mối quan hệ với cha mẹ?
Tiến sĩ tâm lý Shanita Brown, giảng viên tại Đại học East Carolina (Mỹ), cho rằng bất cứ mối quan hệ nào cũng có thể phát sinh vấn đề khúc mắc, kể cả mối quan hệ giữa cha mẹ và các con.
Đôi khi, những người trong cuộc sẽ bị tổn thương dài lâu, nhưng không có động thái nào được thực hiện để giải quyết triệt để vấn đề. Không có lời xin lỗi nào được nói ra, thậm chí đôi bên không thể thấu hiểu được suy nghĩ và cảm nhận của nhau.
"Đôi khi, tự chúng ta phải học cách khép lại vấn đề bằng cách chấp nhận rằng sự việc ấy sẽ phải ngủ yên trong quá khứ. Chúng ta sẽ không nhận được sự thấu hiểu, lời giải thích, lời xin lỗi mà chúng ta cho rằng mình xứng đáng nhận được từ cha mẹ.
Có thể cha mẹ của chúng ta không thể giải quyết vấn đề theo cách chúng ta mong muốn. Khi ấy, chúng ta phải học cách tự hàn gắn chính mình và cải thiện mối quan hệ với cha mẹ, dù điều ấy rất khó khăn", bác sĩ Brown cho hay.
Bác sĩ Brown cũng khuyên những ai gặp vấn đề khúc mắc trong mối quan hệ với cha mẹ hãy tìm hiểu nhiều hơn về cuộc đời của cha mẹ họ. Hãy tìm hiểu về những trải nghiệm cha mẹ đã đi qua để chính bạn có được sự thấu hiểu đầy đủ hơn, chấp nhận được những giới hạn của cha mẹ.
"Việc hiểu rõ hơn về câu chuyện cuộc đời của cha mẹ từ lúc nhỏ cho tới hiện tại sẽ giúp chúng ta thấu hiểu đầy đủ hơn. Để làm được điều này, bạn có thể trò chuyện với cha mẹ, hoặc hỏi họ hàng, bạn bè thân của cha mẹ", bác sĩ Brown nói.
Mỗi chúng ta đều sẽ có những kỳ vọng dành cho cha mẹ, về cách thức chúng ta mong muốn được cha mẹ yêu thương, quan tâm. Dù vậy, đôi khi những kỳ vọng này không phù hợp với thực tế gia đình. Khi ấy, chúng ta phải chấp nhận thực tế và từ bỏ những mong đợi không phù hợp. Khi đi qua giai đoạn này, bạn có thể sẽ cảm thấy thất vọng, buồn bã trong một thời gian.
Sau đó, bạn cần học cách biết ơn cha mẹ mình vì những điều họ đã nỗ lực làm cho bạn trong khả năng của họ. Bạn cũng cần nỗ lực để cải thiện mối quan hệ với cha mẹ, chủ động đưa lại những trải nghiệm tốt đẹp cho cả hai phía.
Đối với những mong đợi mà cha mẹ không thể đáp ứng, bạn hãy học cách tự thực hiện cho mình. Hãy bình tĩnh ngồi lại với những ký ức, xúc cảm tổn thương vẫn còn lưu lại trong nội tâm. Hãy tự đối thoại với chính mình theo cách dịu dàng, ấm áp nhất. Hãy tự quan tâm, yêu thương, xoa dịu những xúc cảm không vui còn lưu giữ trong lòng.
Khi biết tự yêu thương và làm những điều tốt nhất cho bản thân, bạn sẽ cảm thấy dễ dàng hơn khi chấp nhận những điều không hoàn hảo ở người thân.
"Khi tới lượt chúng ta làm cha mẹ, chúng ta sẽ hiểu rằng trong mắt con của mình, chúng ta cũng không hoàn hảo. Chúng ta cũng không đáp ứng được hết những mong đợi, kỳ vọng của con. Mối quan hệ của chúng ta với con cũng có thể phát sinh những vấn đề khúc mắc.
Trong vai trò làm cha mẹ, chúng ta cũng có thể phạm phải những lỗi sai và khiến con tổn thương ít nhiều. Khi ấy, có thể chúng ta sẽ thấu hiểu, cảm thông hơn cho cha mẹ mình", bác sĩ Brown cho hay.
Theo Parents/Daily Mail