DMagazine

Thầy cô gieo chữ ở ngôi làng biệt lập: 30 năm chưa được nhận hoa ngày 20-11

(Dân trí) - Biết bao thế hệ thầy cô giáo ở miền xuôi lặn lội vượt đường sá xa xôi, cách trở để gieo con chữ cho trẻ em người đồng bào ở làng Canh Tiến (xã Canh Liên, huyện Vân Canh, Bình Định).

Canh Tiến là ngôi làng nằm biệt lập giữa núi rừng heo hút, muốn ra vào làng chỉ bằng hai con đường duy nhất. Một là đi xuồng mất khoảng 40 phút qua hồ Núi Một  vào mùa mưa nước trong lòng hồ lớn. Hai là, vào mùa khô nước lòng hồ cạn các thầy cô đi xe máy theo đường mòn nhưng đá gập ghềnh, dốc rất nguy hiểm.

Những giáo viên thầm lặng gieo chữ ở ngôi làng nằm biệt lập giữa núi rừng

Làng Canh Tiến có 2 điểm trường với 5 giáo viên, trong đó điểm trường mẫu giáo với 43 trẻ, có 2 giáo viên phụ trách và điểm trường tiểu học với 55 học sinh được 3 thầy cô giảng dạy. Ở đây, học sinh hầu hết là người Ba Na và Chăm.

Thầy cô gieo chữ ở ngôi làng biệt lập: 30 năm chưa được nhận hoa ngày 20-11 - 1

Học sinh ở làng Canh Tiến chủ yếu là người đồng bào Ba Na, Chăm.

Để đến điểm trường này, sáng thứ hai hàng tuần, các thầy cô lỉnh kỉnh mang theo gạo muối, lương thực... rồi đi xe máy tới hồ Núi Một. Sau đó, cả người và xe lên xuồng đã hợp đồng với chủ xuồng chở vào làng và đến chiều thứ sáu mới trở về.

Những giáo viên lặn lội "đưa đò" ở ngôi làng nằm biệt lập giữa núi rừng

Có thời gian dạy học 3 năm tại làng Kà Bông (xã miền núi Canh Liên, huyện Vân Canh) và xung phong ra điểm trường làng Canh Tiến giảng dạy, cô giáo trẻ Nguyễn Thị Mỹ Loan (27 tuổi, thị trấn Vân Canh), chia sẻ khi mới ra trường cô dạy ở Trường Tiểu học số 3 Nhơn Hòa (thị xã An Nhơn), sau thi biên chế cô chuyển về dạy tại điểm trường làng Kà Bông thuộc Trường Tiểu học Canh Liên.

"Bất ngờ thứ nhất với tôi là những đoạn đường đất, khi mưa xuống rất khó đi, đoạn em phải dắt xe đi bộ. Thứ hai, làng tôi giảng dạy không có điện, rất khó khăn cho học sinh vào mùa mưa, trời tối các em không nhìn rõ. Còn sinh hoạt, ăn uống của giáo viên tụi em thì khỏi bàn, có gì ăn nấy", cô Loan tâm sự.

Thầy cô gieo chữ ở ngôi làng biệt lập: 30 năm chưa được nhận hoa ngày 20-11 - 2

Thầy Hồ Văn Sỹ cho biết những ngày đầu mới qua thầy chỉ muốn bỏ về vì buồn...

Thấm thoát cũng được 3 năm, đến cuối năm 2020 thì toàn bộ làng đã có bê tông và điện. Năm thứ tư, cô lại tình nguyện xin đi dạy ở làng Canh Tiến.

"Qua bên này, khó khăn hơn nhiều so với tưởng tượng ban đầu của tôi. Các thầy cô phải đi xe máy dưới lòng hồ để đến làng, đường đá và dốc nên không cẩn thận là bị té ngã. Sử dụng điện năng lượng, nhưng bình nạp năng lượng đã cũ nên điện không đủ để dùng. Thầy cô tự chế điện bằng bình sạc ở nhà rồi đem đi để thắp sáng, nước sinh hoạt phải đi xách từng xô về dùng…", cô Loan nói.

Thầy cô gieo chữ ở ngôi làng biệt lập: 30 năm chưa được nhận hoa ngày 20-11 - 3

Cứ thứ hai đầu tuần, các thầy cô lại chuẩn bị gạo muối, thực phẩm... vào làng dạy học rồi đến chiều thứ sáu mới về lại.

Song, lo lắng lớn nhất của cô Loan cũng như các thầy cô ở làng là sợ bị ốm đau. Cảm cúm thông thường thì các thầy cô đã chuẩn bị thuốc sẵn, nhưng nếu lỡ có chuyện gì thì không biết phải làm cách nào, vì làng nằm biệt lập với bên ngoài. Qua 6 tuần mùa khô đi xe máy dưới lòng hồ, giờ đây mùa nước lớn, các thầy cô thuê xuồng vượt hồ đến làng để dạy.

Một phòng, hai lớp học

Phụ trách dạy cùng lớp 3 và lớp 4, cô giáo Võ Ý Ly (22 tuổi, ở huyện Vân Canh) cho biết, cô bắt đầu dạy tại điểm trường làng Canh Tiến từ năm 2020. Theo cô Ly, học sinh ở đây thiệt thòi đủ thứ, cha mẹ nghèo khổ nên cũng ít được quan tâm. Hầu hết các em tự đến trường, học xong cũng tự về. Buổi sáng đi học nhiều em để bụng đói tới trường...

Thầy cô gieo chữ ở ngôi làng biệt lập: 30 năm chưa được nhận hoa ngày 20-11 - 4
Thầy cô gieo chữ ở ngôi làng biệt lập: 30 năm chưa được nhận hoa ngày 20-11 - 5
Thầy cô gieo chữ ở ngôi làng biệt lập: 30 năm chưa được nhận hoa ngày 20-11 - 6

"Khó khăn là vậy nhưng các em rất ham học, ngoan ngoãn, đi học đúng giờ, đặc biệt các em ở đây rất ngây thơ. Từ đó, tôi thấy thương và yêu quý học trò nơi này nhiều hơn", cô Ly chia sẻ.

Theo cô Ly, dạy học ở đâu cũng vậy phải yêu nghề, có tâm với nghề. Song, cô cũng thừa nhận rằng việc dạy học ở làng Canh Tiến có những khó khăn nhất định, nhất là giao thông đi lại bất tiện. "Ở đây, thiếu thốn đủ thứ, điện năng lượng mặt trời nhưng chập chờn, mạng điện thoại lúc có lúc không. Nếu không yêu nghề, yêu học trò nơi này rất dễ bỏ cuộc", cô Ly nói.

Sau khi ra trường, thầy giáo trẻ Hoàng Văn Sỹ (26 tuổi, quê thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh) ra tận Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi) xin dạy học. Hai năm sau, thầy Sỹ xin về quê xin dạy hợp đồng và được phân công dạy tại làng Canh Tiến.

Thầy cô gieo chữ ở ngôi làng biệt lập: 30 năm chưa được nhận hoa ngày 20-11 - 7
Thầy cô gieo chữ ở ngôi làng biệt lập: 30 năm chưa được nhận hoa ngày 20-11 - 8
Thầy cô gieo chữ ở ngôi làng biệt lập: 30 năm chưa được nhận hoa ngày 20-11 - 9

"Mấy ngày đầu, vừa qua làng Canh Tiến dạy học cảm giác rất buồn chỉ muốn bỏ về. Đường sá đi lại khó khăn, điện lúc có lúc không, internet không có… Nhưng tôi nghĩ mình còn trẻ, vợ con chưa có nếu không xung phong đến dạy ở điểm trường khó thì những thầy cô lớn tuổi, có gia đình làm sao đi được. Dần rồi quen và tôi thương vì các em thiếu thốn đủ thứ so với học sinh ở miền xuôi", thầy Sỹ nói.

Gần 30 năm không biết học sinh tặng hoa ngày 20/11

Thâm niên gần 30 năm dạy bậc mầm non ở làng Canh Tiến, cô giáo Nguyễn Thị An Nhơn, cho biết năm học 2021, do số học sinh mầm non tăng, một mình cô không thể cáng đáng nên nhà trường chi viện thêm một giáo viên trẻ vào làng để san sẻ gánh nặng.

Thầy cô gieo chữ ở ngôi làng biệt lập: 30 năm chưa được nhận hoa ngày 20-11 - 10
Thầy cô gieo chữ ở ngôi làng biệt lập: 30 năm chưa được nhận hoa ngày 20-11 - 11
Thầy cô gieo chữ ở ngôi làng biệt lập: 30 năm chưa được nhận hoa ngày 20-11 - 12

Dạy học suốt mấy chục năm, song cô Nhơn chia sẻ, dạy học đến giờ chỉ còn 2 năm nữa là nghỉ hưu, nhưng chưa năm nào đến ngày 20/11, cô nhận được bó hoa tươi thắm từ các em học sinh. "Hoàn cảnh các em ở đây khó khăn lắm, hơn nữa các em còn nhỏ lại là người đồng bào nên tôi chẳng bận lòng. Nói ra thì cũng hơi tủi nhưng tôi thấy vui vì được dạy dỗ và xem các cháu như con", cô Nhơn vui vẻ nói.

Được phân công về điểm làng Canh Tiến, cô Trần Thị Lệ (29 tuổi, thị trấn Vân Canh, huyện Vân Canh), phải để con nhỏ cho chồng chăm sóc đến cuối tuần mới về nhà. "Đó là nghề mà mình đã chọn, khi cấp trên phân công thì tôi cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Nghề nào cũng có cái khổ riêng, nên tôi tự hào với nghề mình đã chọn", cô Lệ nói.

Cô giáo Nguyễn Thị Mỹ Loan, bộc bạch: "Tôi nghĩ với những giáo viên vùng cao, chỉ cần các em học sinh tiếp thu được bài giảng của các thầy, cô giáo thì đó đã là món quà quý giá rồi. Tôi và các thầy cô ở đây sẽ cống hiến hết sức và tuổi trẻ của mình đưa cái chữ đến những vùng khó khăn như thế này, để mai này hi vọng các em có một tương lai tươi sáng hơn".

Thầy cô gieo chữ ở ngôi làng biệt lập: 30 năm chưa được nhận hoa ngày 20-11 - 13
Thầy cô gieo chữ ở ngôi làng biệt lập: 30 năm chưa được nhận hoa ngày 20-11 - 14
Thầy cô gieo chữ ở ngôi làng biệt lập: 30 năm chưa được nhận hoa ngày 20-11 - 15

Ông Trần Văn Tho - Hiệu trưởng Trường tiểu học Canh Liên, chia sẻ: "Canh Tiến là điểm trường làng rất khó khăn, vì nằm tách biệt với bên ngoài, vậy nên ngành giáo dục và địa phương cũng rất quan tâm. Cuối năm 2020 khi làng Canh Tiến có điện năng lượng mặt trời, chúng tôi rất vui mừng vì các cô đỡ vất vả được phần nào.

Thời gian tới, nhà trường sẽ triển khai xây dựng thêm một số công trình nhà công vụ, sân trường... để phục vụ việc dạy học và ăn ở cho giáo viên được tốt hơn. Tuy nhiên, vừa qua do dịch Covid-19 rồi lại mưa lũ, việc vận chuyển vật tư khó khăn nên chưa nâng cấp, sửa chữa kịp thời".

"Số em đậu đại học đếm trên đầu ngón tay"

Trưởng làng Canh Tiến Đinh Văn Tạo cho biết, làng có 161 hộ với 538 nhân khẩu, tỉ lệ hộ nghèo chiếm 80- 90%. Người dân sinh sống chủ yếu bằng sản xuất lúa nước, chăn nuôi và trồng cây lâm nghiệp nhưng diện tích không đáng bao nhiêu.

Theo ông Tạo, học sinh ở làng học hết lớp 5 phải lên trung tâm xã Canh Liên học. Tuy nhiên, do điều kiện đường sá xa xôi đi lại rất khó khăn, từ làng đến điểm trường ở xã phải đi bộ mất gần cả ngày. Dù học ở nội trú nhưng cứ 2 tuần các em nhà một lần, một số em nhỏ quá đi bộ không nổi nên đành bỏ học giữa chừng.

"Những em học hết lớp 9 sẽ thi tuyển chọn, nếu điểm khá cao thì xuống học ở trường dân tộc nội trú tỉnh, còn trung bình thì học trường bán trú huyện. Hàng năm cũng tuyển chọn được 4-5 em, đặc biệt em học giỏi chút chỉ chọn được 2-3 em mà thôi", ông Tạo cho hay.