(Dân trí) - “Quê lúa Thái Bình của tôi nói riêng hay cả nước nói chung dần dần người nông dân ít làm nông nghiệp. Công việc đồng áng theo kiểu truyền thống vất vả, dễ bệnh tật do tiếp xúc nhiều với phân thuốc mà thu nhập không cao khiến họ ít mặn mà với nó. Tại sao không thể vực dậy lợi thế vốn có, nâng cao giá trị nông sản nước nhà bằng những sáng chế kỹ thuật của nhà khoa học?”
Một tuần trước Tết Canh Tý 2020, phóng viên Dân trí ghé tìm gặp anh Vũ Ngọc Ánh ở Bộ môn Kỹ thuật Hàng không của Trường ĐH Bách khoa TPHCM vẫn thấy anh miệt mài làm việc, trao đổi với đối tác nước ngoài cho nhiều dự án của mình.
Tân phó giáo sư trẻ này đã chia sẻ cùng chúng tôi những đam mê chế tạo máy bay của mình và lẫn những trăn trở của một nhà khoa học “tay ngang” muốn phát triển nền nông nghiệp đất nước. “Chông gai” và “thử thách” luôn đến một tiến sĩ vốn không chuyên gì về nghề nông như anh, nhưng anh đã chấp nhận bước vào “cuộc chơi” ấy với cách nghĩ “hãy là những mầm chồi đầu tiên” nảy nở trên mảnh đất khô cằn.
“Hồi xưa ở nhà, buổi tối thường xuyên bị mất điện nên cả gia đình tôi thường ra ngoài hiên ngồi cho mát. Ở nơi đó, tôi có dịp nhìn lên bầu trời rộng bao la, ngắm những đám mây và hàng nghìn vì sao lấp lánh một cách thích thú. Dần dần, tự nhiên cảm giác yêu bầu trời và thích khám phá vũ trụ cũng lớn cùng tôi từ tiểu học đến lúc học lên bậc phổ thông”, anh Ánh kể câu chuyện của mình.
“Mỗi lần thầy cô cho bài tập làm, tôi không thích làm theo kiểu quen thuộc mà sẽ sáng tạo ra phương pháp giải của riêng mình nên tất nhiên bị chấm điểm 0. Hiển nhiên thầy cô hiểu khả năng của học trò mình mê khám phá nên không lấy điểm đó vào sổ bao giờ”, anh kể.
Học xong THPT, thực hiện ước mơ khám phá bầu trời nên Vũ Ngọc Ánh đăng ký thi vào ngành Kỹ thuật giao thông của trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM). Những năm tháng trên giảng đường tiếp xúc chuyên ngành Kỹ thuật Hàng không càng cuốn hút chàng sinh viên trẻ chế tạo máy bay.
Khi là sinh viên năm 4, anh và một người bạn đã thiết kế thành công chiếc máy bay điều khiển từ xa không người lái có trọng tải 10kg, sải cánh dài 4m, bay ở độ cao 100 - 150m với vận tốc 70-140km/giờ. Máy bay này mang được camera phục vụ tuần tra, kiểm soát giao thông, chuyên chở thuốc men để cứu trợ trong trường hợp khẩn cấp…
Sản phẩm này được PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Chủ nhiệm bộ môn Kỹ thuật Hàng không đánh giá cao bởi máy bay được thiết kế toàn bộ ngay từ đầu, không dựa trên mô hình có sẵn.
Tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại Giỏi, năm 2006 anh nhận được học bổng và theo học tiếp thạc sĩ và tiến sĩ tại trường ĐH Konkuk, Hàn Quốc. Vào thời điểm đó, Chính phủ Hàn Quốc đưa ra nhiều dự án phát triển máy bay trực thăng như Super Puma. Trong thời gian du học, anh Ánh là thành viên nhóm Athena đạt giải Nhì cuộc thi thiết kế máy bay trực thăng dành cho nhóm sau đại học do AHS (Hiệp hội máy bay trực thăng Mỹ) tổ chức. Đồng thời, anh là tác giả của 21 bài báo khoa học, trong đó có 10 bài được đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế uy tín.
Hoàn thành chương trình tiến sĩ, anh quyết định quay về nước công tác ở trường ĐH Bách khoa TPHCM. Ngoài giảng dạy, TS Vũ Ngọc Ánh tập trung nghiên cứu, chế tạo, phát triển dòng máy bay multi-rotor và dòng máy bay cá nhân chuyên dụng.
Những lần về thăm quê ở Thái Bình, nhiều chú bác họ hàng kể chuyện làm lúa rất vất vả, tiếp xúc nhiều phân thuốc độc hại, thậm chí nhiều người thân của anh đã qua đời vì bệnh ung thư.
Anh chia sẻ, chuyện dùng máy bay phun thuốc trên thế giới đã có mấy chục năm rồi nhưng đưa vào thực tế ở ngay địa phương Việt Nam mình lại là câu chuyện không dễ. Nhưng với tính cách đã “quyết làm điều gì là không từ bỏ”, anh Ánh quyết tâm phải làm tới cùng dù gặp không ít khó khăn.
Chưa dừng lại ở đó, rào cản lớn nhất của bất kỳ nhà khoa học nào chính là xin kinh phí để thực hiện ý tưởng nghiên cứu.
Trước nhiều đòi hỏi, nghi ngại của các nhà đầu tư, anh Ánh quyết định tự bỏ tiền túi ra để thực hiện sản phẩm ban đầu để tạo niềm tin. Rồi khi có sản phẩm thô anh hoàn thiện dần về cách điều khiển… nhưng vẫn chưa tạo được sự an tâm cho nhà tài trợ. Lúc đó, anh mạnh dạn cam kết “nếu không làm được tôi sẽ trả lại tiền”.
Và thực tế, hành trình thử nghiệm máy bay cũng không ít lần gặp trục trặc, rơi xuống đất bị hỏng khiến anh “mất ăn mất ngủ”.
“Chiếc máy bay phiên bản đầu tiên bay thử nghiệm ở sân trường do sai sót chưa lường trước và rớt uỳnh xuống đất. Ban đầu, mình không dám nói với vợ biết vì đã làm thiệt hại gần cả trăm triệu đồng của hai vợ chồng. Mãi sau vợ cũng phát hiện ra nhưng cũng động viên lại”, PGS Ánh kể lại.
Sau sự cố đầu tiên, anh lại quyết tâm làm tiếp sản phẩm và thuyết phục vợ đồng ý trích tiếp phần tài chính của cả gia đình đầu tư cho chiếc máy bay hoàn thiện hơn. Anh bộc bạch: "Cứ như sau một lần “va vấp”, mình tích luỹ thêm được nhiều bài học kinh nghiệm và mạnh mẽ hơn trước thử thách".
Nhưng đó chưa phải là lần cuối cùng máy bay của anh hết trục trặc. Lần khác, trong lúc thử nghiệm thiết bị bay giúp kéo dây điện từ trên cao ở một cánh đồng trống cũng gặp sự cố “đau tim”.
“Sự cố ấy diễn ra từ chiều nhưng vì căng thẳng cực độ nên tôi bị đau dạ dày luôn đến tận 4 tiếng sau. May mắn là máy bay vẫn an toàn và không ảnh hưởng đến tất cả mọi người. Ở vào hoàn cảnh ấy, tôi cảm thấy mình hiểu hơn những phi công lái máy bay chở hàng trăm khách sẽ chịu bao áp lực. Khi xảy ra sự cố, người lái rất áp lực khi lựa chọn cách giải quyết bởi phía sau họ là sự an nguy của rất nhiều người”, tân phó giáo sư chế máy bay chia sẻ.
Sau khoảng 3 năm bắt tay vào thực hiện, năm 2019, PGS. TS Ánh và nhóm nghiên cứu đã hoàn thành được 3 chiếc máy bay. Chiếc máy bay phiên bản đầu tiên đã được bàn giao cho tỉnh Đắk Lắk theo đầu tư của tỉnh này. Chiếc máy bay NOBA ROBOTICS AQ10 là phiên bản thứ hai và cải tiến hoàn thiện nhất, dùng để hỗ trợ nông dân phun thuốc trừ sâu.
Tổng kinh phí chế tạo ra 3 chiếc máy bay này mất hơn 1 tỉ đồng, trong đó được cấp vốn khoảng 400 triệu đồng, còn lại anh tự bỏ tiền, vừa chế tạo vừa nhập linh kiện từ nước ngoài.
Chiếc NOBA ROBOTICS AQ10 thoạt nhìn khá đơn giản với 4 cánh quạt xếp lại được, nhưng theo giới thiệu của PGS.TS Ánh: “Đây là phiên bản tôi khá ưng ý vì chinh chiến thành công trong đợt thử nghiệm 3 tháng trên 1 ha lúa ở Tiền Giang”.
Như vậy, máy bay này nếu triển khai được sẽ đem lại rất nhiều lợi ích về kinh tế, hiệu quả kỹ thuật, sức khỏe và môi trường. Chưa kể, hiện sản phẩm này đã được điều khiển từ xa hoặc tự động bay theo đường bay nhờ hệ thống định vị GPS có độ chính xác cao, cải tiến để ứng dụng công nghệ thông tin là điều khiển bằng app trên điện thoại, chạy được trên máy tính, dùng điện thoại vẽ đường bản đồ bay hoặc cài đặt tín hiệu.
Niềm vui cuối năm nay của TS Ánh là được nông dân ở huyện Gò Công Tây (Tiền Giang) cho phép anh áp dụng máy bay phun thuốc, phân bón cho cả một vụ mùa trên 1 ha lúa. Anh tiếp tục “mất ăn mất ngủ” suốt 3 tháng thử nghiệm nhưng cái kết chính là nhận được sự hài lòng của chủ ruộng và “không làm cháy cây lúa nào”.
Hiện tại, PGS.TS Ánh đang tìm giải pháp về giá thành rẻ nhất để chiếc máy bay này có thể tiếp cận gần hơn với nông dân. “Nếu được sản xuất hàng loạt để cung ứng cho thị trường thì giá sẽ trên dưới 100 triệu đồng/máy bay, hoặc chi phí vận hành sẽ vài chục ngàn đồng/ha. Hiện máy bay chỉ mới áp dụng hiệu quả cho cây lúa. Chúng tôi sẽ tiếp tục cải tiến để ứng dụng được cho cây ăn trái, tiến hành các giải pháp để làm sao có giá thành rẻ nhất cho nông dân vì chi phí bao giờ cũng là bài toán khó nhất với nông dân”, anh Ánh tâm sự.
PGS Ánh kỳ vọng trong năm 2020 này xin được giấy phép để kêu gọi nhà đầu tư cùng sản xuất ra thị trường và xin phép bay để giúp nông dân thuận tiện sử dụng hơn.
“Ngày xưa tôi cũng không quan tâm mấy đến nông nghiệp, nhưng rồi tôi thấy ở Nhật Bản họ có thể bán một quả dưa vài trăm đô, lúc ấy tôi mới băn khoăn vì sao một sản phẩm nông nghiệp mà họ có thể bán giá cao như thế. Trong khi Việt Nam mình 70% là sức lao động nông dân, nếu chúng ta ứng dụng được khoa học công nghệ vào để tăng giá trị của nông sản mình hơn”. Từ suy nghĩ đó, cuối năm 2015, PGS.TS Vũ Ngọc Ánh bắt đầu mở thêm hướng máy bay multi-rotor ứng dụng trên trong nông nghiệp, lâm nghiệp.
PGS.TS Vũ Ngọc Ánh chia sẻ: “Tham gia cuộc chơi này mới thấy nó khó khăn, giờ chúng ta bước vào thời kỳ mở cửa mọi thứ chúng ta phải trực tiếp cạnh tranh với sản phẩm của nước ngoài. Ngoài chuyện hiểu kỹ thuật thì chúng ta còn phải am hiểu thị trường. Trong khi việc nghiên cứu ở đây chỉ một nhóm vài nhà khoa học còn ở nước ngoài mà điển hình Trung Quốc họ có hàng nghìn kỹ sư để cùng giải quyết. Trong hàng loạt điều khó khăn ấy, mình phải chọn ra điểm ưu thế nhất của mình để thúc đẩy và đặc biệt có chút “tinh thần dân tộc” để bước tiếp”.
Bài toán mà PGS Ánh tiếp tục giải là làm sao đưa những chiếc máy bay phục vụ nông nghiệp có giá thành rẻ nhất để người nông dân có thể sử dụng. Ngoài nỗ lực của bản thân một nhà khoa học, anh cho biết cần lắm sự chung tay của Nhà nước và các nhà kinh tế.
“Tôi không kỳ vọng mình đi đầu trong công nghệ cho nông nghiệp nhưng nếu mình chỉ là “một cái mầm” mọc lên trước, và sau đó sẽ còn những “chiếc mầm” khác mọc lên theo. Đó chính là điều hi vọng của tôi”, PGS 37 tuổi đặt niềm tin.