(Dân trí) - Một số trẻ em thi thoảng nói dối nhưng điều quan trọng với cha mẹ là phải loại bỏ sự thiếu trung thực từ trong trứng nước để nó không trở thành thói quen của con bạn.
Việc trẻ em thi thoảng nói dối là chuyện bình thường và đôi khi sự thiếu trung thực không phải là nguyên nhân đáng báo động.
Tuy nhiên, khi con thường xuyên nói dối, nó có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Một vấn đề lớn nữa đó là nếu con bạn hay nói dối thì sau này bạn sẽ dễ dàng không tin ngay cả khi chúng nói thật.
Vì thế, các bậc cha mẹ đều nên dạy con giá trị của việc nói sự thật, thiết lập tầm quan trọng của trách nhiệm cá nhân để con sớm có được sự tin tưởng và quan tâm của những người xung quanh.
Từ độ tuổi mẫu giáo trở lên, trẻ em bắt đầu nói dối cho nhiều mục đích và sự ngụy biện ngày càng tăng khi chúng lớn hơn. Nói dối có thể trở thành một thói quen xấu khi trẻ xem đó là cách hiệu quả để thoát khỏi rắc rối hoặc trốn tránh trách nhiệm. Vì vậy, khi con bạn nói dối, hãy giải quyết vấn đề một cách thẳng thắn và không khuyến khích việc này tái diễn.
Dưới đây là những chiến lược ngăn chặn việc trẻ nói dối:
Biến việc nói sự thật trở thành một quy tắc của gia đình
Ngay từ khi con còn bé, hãy nói rõ cho con hiểu rằng, nói thật là một phần của các quy tắc và giá trị trong gia đình. Bố mẹ hãy chủ động tạo ra một quy tắc gia đình trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của sự trung thực và giao tiếp trung thực. Điều này sẽ đảm bảo rằng con bạn hiểu là bố mẹ coi trọng sự thật, ngay cả khi khó để nói thật.
Nói với con về các kiểu nói dối khác nhau và thiệt hại mà mỗi kiểu nói dối có thể gây ra. Giải thích những lý do khác nhau mà mọi người nói dối và tại sao bạn mong đợi từ con sự trung thực.
Bố mẹ phải là hình mẫu
Nếu bạn muốn thấy con mình luôn nói thật thì việc quan trọng đầu tiên là bạn phải thành thật trong mọi vấn đề. Trẻ em không thể phân biệt được "lời nói dối vô hại" với những lời nói dối khác.
Vì vậy, đừng nói dối về tuổi của con bạn để mua cho chúng bữa ăn rẻ hơn ở nhà hàng và cũng đừng nói rằng bạn không cảm thấy khỏe để không phải tham dự một sự kiện mà bạn không muốn tham gia. Con bạn sẽ hiểu về điều đó và bắt chước những gì bạn đã nói/làm.
Thảo luận về lời nói thật và nói dối
Bất kể con bao nhiêu tuổi, điều quan trọng là bố mẹ phải giải thích cho con hiểu sự khác biệt giữa nói thật và nói dối. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng trước bốn tuổi, trẻ nhỏ sẽ không thực sự hiểu hết về sự khác biệt giữa dối trá và sự thật.
Với trẻ nhỏ, có thể hữu ích khi bố mẹ dạy con qua cách nói những câu như: "Nếu bố/mẹ nói rằng bầu trời màu xanh lá, đó là sự thật hay là nói dối?". Nói với con về những hậu quả tiềm ẩn của việc không trung thực, chẳng hạn như: "Khi con nói dối, đơn giản là sau đó mọi người sẽ không còn tin tất cả những gì những gì con nói".
Việc nói sự thật so với trung thực một cách tàn nhẫn cũng quan trọng như nhau. Hãy dạy con rằng, chúng không nhất thiết phải nói với người khác là: "Bạn mặc một chiếc áo xấu xí" hoặc "bạn bị nổi mụn", chỉ vì đó là sự trung thực. Cân bằng sự trung thực với lòng trắc ẩn là một kỹ năng xã hội tinh vi mà bạn nên hướng tới để bắt đầu dạy con từ sớm.
Ngoài ra, hãy nói chuyện với con bạn về điều gì sẽ xảy ra nếu chúng bị bắt gặp nói dối. Thảo luận về hậu quả của việc không trung thực trước khi nó xảy ra có thể đóng vai trò như một biện pháp ngăn chặn và cũng sẽ giúp cả hai biết chính xác phải làm gì nếu/khi nói dối xảy ra.
Phân biệt lý do nói dối
Có ba lý do chính khiến trẻ nói dối là tưởng tượng, khoe khoang và để ngăn ngừa hậu quả tiêu cực. Khi bạn phân biệt được lý do con nói dối, nó có thể giúp bạn lập kế hoạch để đối phó với vấn đề này.
Tưởng tượng
Trẻ mẫu giáo hay nói những lời nói dối tưởng tượng. Nếu con bạn nói: "Tối qua con đã lên chơi mặt trăng". Bạn có thể hỏi con rằng: "Đó có phải là điều thực sự đúng không? Hay đó là điều mà con mong trở thành sự thật?".
Điều này có thể giúp trẻ hiểu sự khác biệt giữa thực tế và giả tạo. Tuy nhiên, nếu con bạn chỉ đơn giản là đang nói đùa và kể chuyện vui, bạn có thể tỏ ra thích thú với những điều con tưởng tượng, miễn là con nhận thức được rằng đó là hư cấu chứ không phải là sự thật.
Khoe khoang
Nếu một đứa trẻ nói dối vì chúng thích khoe khoang, đó có thể là do chúng có đánh giá bản thân thấp hoặc muốn được chú ý. Hãy khuyến khích con học các kỹ năng xã hội mới và tham gia vào các hoạt động tích cực để nâng cao sự tự tin của chúng.
Trốn tránh trách nhiệm
Nhiều đứa trẻ nói dối để thoát khỏi rắc rối. Khi phát hiện con nói dối. Bạn hãy nói với con rằng bạn sẽ kiểm tra gấp đôi để tìm ra sự thật.
Một yếu tố khác của việc sử dụng lời nói dối để trốn tránh trách nhiệm là trẻ em có thể sử dụng lời nói dối để giải quyết các kỳ vọng hoặc để làm những gì chúng muốn.
Chứng rối loạn tăng động, giảm chú ý có liên quan tới thói quen nói dối
Trẻ em mắc chứng rối loạn tăng động, giảm chú ý (ADHD) dễ nói dối hơn. Các triệu chứng thường gặp là hay quên, bốc đồng và vô tổ chức có thể dẫn đến khuynh hướng không trung thực.
Ví dụ, bạn có thể yêu cầu con cất đồ chơi của chúng, sau đó khi chúng chưa làm điều đó, chúng ngoan cố khăng khăng rằng bạn không hề bảo chúng làm điều đó. Đây có thể không thực sự là một lời nói dối mà là con đã quên lời dặn của bạn.
Nếu con mắc chứng rối loạn tăng động, giảm chú ý, bạn có thể theo dõi xem điều này ảnh hưởng như thế nào đến sự trung thực của con bạn và củng cố các kỹ năng và sự hỗ trợ mà chúng cần.
Đưa ra cảnh báo
Đưa cho trẻ một lời cảnh báo khi bạn nhận thấy con nói dối. Ví dụ, bạn hãy bình tĩnh nói: "Bố/mẹ sẽ cho con thêm một cơ hội để nói cho bố/mẹ biết sự thật. Nếu bố/mẹ biết được con nói dối, con sẽ phải nhận hậu quả".
Các bậc cha mẹ hãy tập trung vào việc dạy con có trách nhiệm và sự trung thực, thay vì đổ lỗi hoặc làm xấu mặt con bạn. Giữ giọng điệu bình tĩnh và thương cảm cũng có ích. Nếu bạn tức giận, la mắng hoặc đe dọa, con bạn sẽ cảm thấy không thoải mái khi nói sự thật.
Hình phạt vì nói dối
Cho trẻ chịu thêm một hậu quả khi bạn phát hiện con nói dối. Ví dụ, thay vì chỉ cấm con chơi điện tử trong ngày, hãy giao thêm cho con việc nhà.
Đảm bảo rằng hậu quả là phù hợp và công bằng. Tránh bị cám dỗ quá đà vào các hình phạt. Nếu bạn tập trung vào hình phạt hoặc có xu hướng phản ứng thái quá, con bạn sẽ nghĩ về việc cha mẹ của chúng không công bằng như thế nào thay vì nghĩ về hành vi sai trái của chúng.
Bố mẹ cũng nên thảo luận về hậu quả tất yếu của việc nói dối. Giải thích với con rằng sự không trung thực sẽ khiến bạn khó tin con vào lần sau, ngay cả khi chúng nói thật. Và những người khác cũng không có xu hướng quý mến hoặc tin tưởng những người được biết là có thói quen nói dối.
Củng cố tính trung thực
Khi con nói sự thật, bố mẹ hãy thể hiện thái độ tích cực. Ví dụ khi con nhận lỗi về việc đánh vỡ bát đĩa, hãy khen con bằng cách nói: "Bố/mẹ biết rằng rất khó để con có thể nói là con đã làm vỡ bát đĩa nhưng bố/mẹ rất vui vì con đã thành thật về điều đó".
Giúp con bạn thiết lập lại niềm tin
Amy Morin, tổng biên tập của website Verywell Mind, nhà trị liệu tâm lý, một tác giả có nhiều sách về sức mạnh tinh thần bán chạy, cho biết: "Nếu con bạn có thói quen xấu là nói dối, hãy lập một kế hoạch để giúp chúng thiết lập lại lòng tin. Ví dụ: tạo một "hợp đồng hành vi" cho con biết là con sẽ có nhiều đặc quyền hơn khi nói thật.
"Nếu bạn tình cờ nghe thấy con bạn bịa chuyện với bạn bè, đừng làm chúng xấu hổ trước mặt bạn bè. Hãy cứ cho việc đó trôi qua cho đến khi bạn có thời gian phù hợp để trò chuyện với con.
Giải thích rằng: "Bạn bè sẽ thích con vì chính bản thân con và con không cần phải nói dối để gây ấn tượng với bạn", Tiến sĩ Di Prisco nói.
Tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp
Có những lúc nói dối có thể trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với trẻ. Nếu con bạn nói dối thường xuyên và bạn nghĩ đó có vẻ là bệnh lý hoặc nó gây ra vấn đề cho con bạn ở trường học, hãy tìm kiếm sự trợ giúp của chuyên gia để giải quyết vấn đề nói dối của chúng.
Jeff Palitz, chuyên gia nổi tiếng của Mỹ về các vấn đề về hôn nhân và gia đình, người sáng lập phòng khám sức khỏe tâm thần, tư vấn cộng đồng Eastlake ở Chula Vista, California, Mỹ, từng có bài tư vấn khá kỹ lưỡng về vấn đề con nói dối và bài viết của ông được các bậc cha mẹ vô cùng quan tâm.
Jeff Palitz cho biết: "Bước đầu tiên để đối phó với việc con nói dối là đảm bảo rằng con của bạn sẽ hiểu rõ hậu quả của việc nói dối là như thế nào. Cụ thể, nếu con nói dối về một việc nhỏ thì hậu quả con nhận sẽ là nhỏ còn nếu con nói dối về những việc lớn hơn hoặc việc gây ra nhiều thiệt hại/tốn kém thì hậu quả sẽ lớn hơn.
Tôi khuyên các phụ huynh nên áp dụng hình phạt trong 1-2 ngày mỗi khi con nói dối và sau đó tăng dần số ngày phạt, dựa trên đánh giá của các bậc cha mẹ về mức độ nghiêm trọng của lời nói dối. Ngoài ra, hình phạt nên liên quan chặt chẽ đến hành vi nói dối của con.
Ví dụ, nếu con nói dối về việc sử dụng điện thoại di động, hãy không cho con dùng điện thoại trong 1-2 ngày, nếu con nói dối về thời gian xem tivi, không cho con xem tivi trong 1-2 ngày... Áp dụng tương tự khi con nói dối về những việc nhỏ khác".
Theo chuyên gia Jeff Palitz, bố mẹ nên cho con thấy hậu quả đủ dài của lời nói dối để con biết là bố mẹ rất nghiêm túc nhưng cũng đủ ngắn để con tin rằng, nếu mình có thể cư xử tốt trong một khoảng thời gian nhất định, mình sẽ có lại những đặc quyền trước kia.
"Nếu bố mẹ kéo dài số ngày cho con "nhận hậu quả", chính bố mẹ cũng giảm khả năng thực thi chúng 100% và con của bạn sẽ có nhiều khả năng tiếp tục nói dối khi cảm thấy tuyệt vọng", Jeff Palitz nói.
Bên cạnh việc đưa ra những hình phạt thực tế khi con nói dối, Jeff Palitz cũng khuyến khích bố mẹ khen ngợi động viên con bất cứ khi nào con thành thật và làm những điều tích cực bởi mọi đứa trẻ đều muốn được động viên, khen ngợi.
Theo Jeff Palitz, việc khen ngợi sẽ tốt hơn là trừng phạt và điều đó sẽ giúp bố mẹ nhận thức rõ hơn về việc con cái cần sự quan tâm tích cực của bố mẹ đến mức nào.
Khi trẻ không nhận được đủ sự quan tâm chủ động và tích cực từ cha mẹ, chắc chắn chúng sẽ tìm cách thu hút sự chú ý tiêu cực. Để biết cách cân bằng trong việc khen ngợi và trừng phạt cũng như thiết lập những giới hạn con cái cần biết trong gia đình, Jeff Palitz khuyên các bậc cha mẹ nên đọc thêm cuốn sách Đặt giới hạn với đứa con cá tính của bạn do Robert MacKenzie viết.
"Đừng phản ứng thái quá khi con nói dối. Đừng bao giờ gọi một đứa trẻ là kẻ dối trá. Nếu bạn tỏ ra quá tức giận, bạn sẽ chỉ đặt con vào thế phòng thủ và có nhiều khả năng con sẽ tiếp tục nói dối để tránh bị trừng phạt", Jane Kostelc, chuyên gia về phát triển trẻ em của trung tâm giáo dục cha mẹ tại St. Louis, Mỹ, nói.
Thu Hằng