Bật mí cách nuôi dạy con ngoan từ bé

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - Có một đứa con ngoan ngoãn, biết nghe lời ông bà cha mẹ, biết ứng xử đúng đắn khi ra ngoài xã hội là điều mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng mong muốn.

Tiến sĩ Sharon K. Hall , tác giả cuốn Nuôi dạy trẻ trong thế kỷ 21, cho biết: "Khi bạn thể hiện rõ những kỳ vọng của mình ngay từ lúc con bạn mới biết đi, chúng sẽ sớm tiếp thu những kỳ vọng đó.

Nói cách khác, vì trẻ em có xu hướng muốn làm hài lòng cha mẹ một cách tự nhiên, chúng sẽ cố gắng cư xử theo cách mà bạn đã dạy chúng để chúng có thể dần trở nên độc lập hơn".

Trên thực tế, các chuyên gia nói rằng những đứa trẻ ở độ tuổi 18 tháng đã có thể đồng cảm và đáp ứng những kỳ vọng của cha mẹ.

Dạy tính tự giác cho một đứa trẻ không phải là điều khó khăn như người ta vẫn tưởng. Tiến sĩ Robert Brooks, đồng tác giả của cuốn Nuôi dạy một đứa trẻ có ý thức tự kỷ luật cho biết: "Nếu bạn tập trung vào việc dạy con từ khi con khoảng 2 tuổi, con bạn sẽ bắt kịp nhanh hơn, phản kháng ít hơn và cuối cùng là cư xử tốt hơn".

Bốn điều cần thiết dưới đây sẽ giúp bạn nuôi dạy những đứa trẻ có thể kiểm soát được hành vi của mình:

Đặt ra các quy tắc và mong chờ sự tôn trọng

Những đứa trẻ tin rằng chúng có thể làm bất cứ điều gì chúng thích và đạt được bất cứ điều gì chúng muốn, có xu hướng trở thành những người hay than vãn hoặc nổi cáu khi yêu cầu của chúng không được đáp ứng.

Hal Runkel, nhà văn, nhà trị liệu gia đình cho biết: "Những đứa trẻ hiểu rằng có những ranh giới được xác định rõ ràng thì sẽ học cách tự điều chỉnh và tôn trọng các giới hạn".

Bạn không cần phải giải thích cặn kẽ cho con cái về lý do tại sao bạn mong đợi những cách ứng xử nhất định từ chúng. Nhưng nếu con bạn hiểu rằng có những lý do đơn giản cho các quy tắc của bố mẹ, chúng sẽ nhận ra rằng chúng không bị bó buộc và có nhiều khả năng tuân thủ hơn.

Chẳng hạn, hãy nói với con rằng: "Con nên đi ngủ lúc 8 giờ vì cơ thể con cần ngủ nhiều để giữ sức khỏe dẻo dai" hoặc: "Con phải cất đồ chơi đi để bố mẹ biết tìm chúng ở đâu vào lần sau".

Tiến sĩ Larry J. Koenig, tác giả cuốn sách Kỷ luật thông minh, cho biết: "Hãy đảm bảo rằng bạn củng cố việc tuân thủ quy tắc bằng cách ăn mừng những sự "chấp hành" của con mình. Hãy khen ngợi khi con dọn phòng, cư xử ngoan ngoãn".

Khi dạy con cách ứng xử, bố mẹ hãy tự tuân thủ các quy tắc ví như dọn dẹp nhà cửa, gấp quần áo, sắp xếp bát đĩa chỉn chu, không cáu gắt khi bực bội... Judy Arnall, tác giả của cuốn Kỷ luật không phiền muộn, nói: "Khi bọn trẻ thấy bạn cư xử tốt, chúng cũng sẽ muốn làm như vậy".

Nếu một đứa trẻ cảm thấy tồi tệ vì không tuân theo các quy tắc, đừng ngay lập tức nịnh con. Cảm thấy có chút tội lỗi là một phần thiết yếu của việc học cách xác định đúng sai. Hãy sử dụng nó như một cơ hội giảng dạy. Nói với con rằng: "Tất cả chúng ta đều mắc sai lầm nhưng con hãy sửa chữa vào lần sau".

Bật mí cách nuôi dạy con ngoan từ bé - 1

Bố mẹ nào cũng muốn có con ngoan (Ảnh minh họa: The Asian parent).

Xây dựng kỹ năng giải quyết vấn đề

Một trong những lý do chính khiến trẻ cư xử không tốt là vì chúng cảm thấy thất vọng và bất lực. "Khi bạn cung cấp cho trẻ những công cụ cần thiết để chúng tự tìm hiểu mọi thứ, chúng sẽ cư xử tốt hơn vì chúng được trang bị tốt hơn để chăm sóc bản thân và sẽ không la hét, cáu kỉnh khi gặp thử thách", Tiến sĩ Brooks nói.

Bố mẹ hãy để trẻ đưa ra quyết định khi chúng đã đủ lớn để hiểu vấn đề. Ví như cho con tự mặc đồ, tự quyết định mang đồ ăn như thế nào tới trường.

Một khi trẻ có thể tự đưa ra những quyết định nhỏ này, hãy nâng nó lên một tầm cao mới. Hỏi ý kiến của con khi bạn gặp vấn đề khó khăn, bạn có thể ngạc nhiên bởi những giải pháp mà con đưa ra.

Bạn làm mọi thứ cho con sẽ nhanh hơn chúng tự làm rất nhiều nhưng điều quan trọng là bạn phải để trẻ mẫu giáo làm một số việc mà không cần sự can thiệp của bạn ví như buộc dây giày, cất đồ chơi hay phân loại quần áo.

Nâng cao kỹ năng nhận thức của trẻ bằng cách "thách thức" trẻ tìm câu trả lời cho chính mình. Ví dụ, khi con bạn đặt một câu hỏi về cách làm một việc gì đó, hãy trả lời bằng một câu hỏi như: "Con nghĩ mình nên làm gì?". Phản ứng như vậy sẽ giúp con tự tin hơn vào khả năng của chính mình.

Bật mí cách nuôi dạy con ngoan từ bé - 2

Dạy con ngoan cần tới sự kiên nhẫn của bố mẹ và gia đình (Ảnh minh họa: The Indus parent).

Giúp trẻ rèn luyện tính kiên nhẫn

Không ai thích chờ đợi, đặc biệt là trẻ nhỏ. Michael Osit, nhà văn chuyên viết sách về nuôi dạy con, cho biết: "Trẻ em thường có nhu cầu biết/có mọi thứ ngay lập tức.

Đó là lý do tại sao điều đặc biệt quan trọng là cha mẹ phải bắt đầu dạy tính kiên nhẫn cho trẻ từ khi chúng mới biết đi. Ai cũng muốn con mình phát triển khả năng chịu đựng, không thiếu kiên nhẫn và nhờ vậy, chúng sẽ không cư xử sai hoặc hành động bốc đồng trong tương lai.

Đừng đáp ứng mọi nhu cầu của con ngay lập tức. Tiến sĩ Osit nói: "Hãy cho phép con bạn cảm thấy khó chịu khi phải chờ đợi vì đó là một tác nhân thay đổi tuyệt vời".

Trẻ mới biết đi không thể bày tỏ sự thất vọng của mình khi phải chờ đợi mọi thứ, nhưng bạn có thể khen ngợi khi chúng thể hiện sự kiên nhẫn. Nếu đứa con đang học mẫu giáo của bạn xếp hàng đợi đến lượt mình, bạn có thể nói: "Bố/mẹ biết thật khó khi đứng chờ ở đây nhưng con đang làm tốt. Con đang kiên nhẫn, và điều đó thật tuyệt".

Bạn cũng nên hướng dẫn con tham gia vào các hoạt động thúc đẩy sự kiên nhẫn. Ví như khuyến khích con bạn làm những việc không mang lại kết quả tức thì như chơi lego xếp hình nhà cửa, giải câu đố, trồng hạt giống hoa...

Nhấn mạnh vào sự đồng cảm

Tiến sĩ Steven E. Curtis, tác giả cuốn Tìm hiểu hành vi khó hiểu của con bạn, cho biết: "Bạn càng sớm giúp con hiểu rằng mọi người đều có cảm xúc thì con bạn càng ít có khả năng hành xử theo cách làm phiền hoặc làm tổn thương người khác".

Lisa Aaron, bác sĩ tâm thần trẻ em ở White Plains, New York, Mỹ, cho biết: "Tốt nhất nên tìm những cơ hội tự nhiên để dạy con về sự đồng cảm. Bất cứ khi nào con bạn thể hiện sự quan tâm đến người khác, bạn nên tỏ ra ủng hộ và quan tâm tới việc con đã làm.

Bạn không thể giải thích ý nghĩa của sự đồng cảm cho một đứa trẻ mới biết đi nhưng bạn có thể khiến chúng suy nghĩ về cảm xúc của người khác. "Trẻ em ở độ tuổi này không hiểu các bài giảng, nhưng nếu bạn đặt câu hỏi cho chúng, bạn có thể nâng cao mức độ nhận thức của chúng", Tiến sĩ Curtis nói.  

Ví dụ, nếu con bạn không cho bạn mình chơi đồ chơi cùng, hãy hỏi: "Con nghĩ bạn cảm thấy thế nào khi con không chia sẻ đồ chơi với bạn ấy?".

Bố mẹ cũng có thể giải thích với con rằng, các cử chỉ và nét mặt là một trong những cách cơ bản để chúng ta thể hiện sự đồng cảm. Lúc đầu, con bạn có thể không hiểu hết, nhưng khi hiểu, chúng sẽ chú ý vào phản ứng của người khác và có khả năng nhận thức là hành vi của mình có thể ảnh hưởng đến người khác như thế nào.

Sự thật là bạn sẽ không thể dạy con mình giữ kỷ luật với bản thân trong "một sớm một chiều". Sẽ có lúc chúng cư xử sai, bất kể bạn đã cố gắng ngăn chặn điều đó như thế nào.

Dù thế nào thì trẻ con vẫn chỉ là trẻ con nhưng nếu bạn tiếp tục tập trung vào việc dạy con theo những cách kể trên, sớm muộn gì thì con bạn cũng sẽ "ngấm" bài học từ cha mẹ. Như vậy, con của bạn sẽ ngày càng khéo ứng xử và ít cần tới sự can thiệp của bố mẹ.

Theo parenting.firstcry.com