Con luôn miệng nói "không", phụ huynh phải dạy dỗ thế nào?

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - Bố mẹ có thể bực mình khi nghe con luôn miệng nói "không" nhưng thực ra, nói "không" là một cách để trẻ nhỏ cảm thấy như thể mình có một số quyền kiểm soát trong cuộc sống.

Một ngày, đứa con nhỏ của bạn biết nói, có ý kiến về mọi thứ và câu cửa miệng là "không". Hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao con thích nói câu đó.

Nói "không" là bình thường

Max Colby, 3 tuổi, không thích mặc đồ lót hoặc áo ngắn tay. Mẹ của cậu nhóc, cô Andrea, rất muốn biết tại sao nhưng Max không thể giải thích được sự phản đối của mình. "Tất cả những gì con tôi làm là xé toạc quần áo và hét lên "không, không, không". Tôi không biết phải xử lý như thế nào", cô nói.

Nếu bạn nghĩ rằng bạn và đứa con nhỏ cứng đầu của bạn "cãi nhau" quá nhiều, như vậy bạn đã đúng: Một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Phát triển Trẻ em đã chỉ ra rằng trẻ em từ 2-3 tuổi có thể tranh cãi với cha mẹ từ 20 đến 25 lần một giờ.

Bạn có thể cảm thấy kiệt sức khi nhìn vào những con số đó, nhưng vấn đề gì cũng có hai mặt của nó. John Sargent, bác sĩ tâm thần trẻ em, giáo sư Khoa học hành vi và tâm thần tại Đại học Y Baylor, Houston, Mỹ, cho biết: "Trẻ em ở độ tuổi này đang nhận ra rằng chúng có thể khẳng định bản thân và tranh luận với bố mẹ là một cách để chúng có được sự tự tin.

Hãy nhớ rằng: Thế giới này vẫn là một nơi bí ẩn, rộng lớn đối với con bạn và bọn trẻ cảm thấy khá bất lực trong đó. Nói "không" là một cách để con bạn cảm thấy như thể chúng có một số quyền kiểm soát".

Tuy nhiên, xung đột liên tục không phải là điều vui vẻ và chúng thường khó giải quyết. Việc nhượng bộ sẽ tạo ra một tiền lệ xấu, trong khi quá nghiêm khắc hoặc ép buộc con bạn làm theo những gì bạn muốn có thể khiến trẻ cảm thấy bất lực, sợ hãi, tức giận và thậm chí còn thách thức bạn hơn.

Hãy thử những "chiến lược" dưới đây để biến đứa con nhỏ của bạn thành một đứa trẻ biết vâng lời.

Tập trung vào điều tích cực

Con bạn không thích nghe bố mẹ nói "không" nhưng hãy nghĩ xem, bạn nói câu đó với con bao nhiêu lần mỗi ngày? Nó đủ để đặt bất cứ ai vào một tâm trạng tồi tệ.

Angie T. Cranor, phó giáo sư nghiên cứu về sự phát triển con người và gia đình tại Đại học Bắc Carolina, Greensboro, Mỹ, cho biết: "Hãy nói với con bạn những gì bạn muốn con làm hơn là những gì bạn không muốn con làm.

Ví dụ khi bạn nói: "Con đang mặc váy mới, đừng lăn lộn trên sàn nhà" sẽ có nhiều khả năng bắt đầu một cuộc tranh cãi hơn là "Con hãy ngồi trên ghế trong chiếc váy đẹp đẽ đó để váy của con luôn sạch sẽ".

Nói bằng giọng điệu như thế nào cũng rất quan trọng. Ngay cả khi bạn không hét lên thì nhiều khả năng trẻ vẫn sẽ làm theo yêu cầu của bạn khi bạn sử dụng giọng nói điềm tĩnh và chắc chắn.

Con luôn miệng nói không, phụ huynh phải dạy dỗ thế nào? - 1

Trẻ nhỏ nói "không" là điều bình thường (Ảnh: Freepik).

Đưa ra lý do đơn giản cho yêu cầu của bạn

Trẻ nhỏ ít có khả năng bày tỏ thái độ phù hợp khi bạn phân tích cầu kỳ với chúng lý do tại sao chúng không được làm một việc gì đó.

Jordan, cậu con trai 3 tuổi của Vivian J. Malauulu, rất thích leo núi trong phòng tập thể dục nhưng cậu bé thường dừng lại giữa chừng và không chịu nhúc nhích.

Malauulu, người đang mang thai ở tháng thứ bảy, không còn cách nào khác là phải nói chuyện với con của mình. "Khi tôi giải thích rằng tôi không thể leo cùng con vì tôi đang có em bé trong bụng, con trai tôi sẽ ngừng việc thuyết phục mẹ", cô nói.

Tiến sĩ Deborah Laible, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Lehigh, ở Bethlehem, Pennsylvania, Mỹ, cho biết, hầu hết trẻ nhỏ có thể hiểu được những lời giải thích đơn giản như vậy. Bạn không cần giải thích mọi thứ quá chi tiết. Nếu bạn nói quá phức tạp, con của bạn có thể liên tục thắc mắc với bạn hoặc bị bối rối.

Đừng luôn là người đưa ra quyết định

Tiến sĩ Cranor cho biết: "Đưa ra những lựa chọn cho trẻ nhỏ giúp thỏa mãn nhu cầu cảm thấy "có thể kiểm soát tình hình" của trẻ.

Nếu con bạn từ chối dừng chơi trò chơi yêu thích của mình khi đến giờ ăn tối, hãy đánh lạc hướng của con bằng cách hỏi xem con bạn có thích một ly sữa hay nước ép táo trong bữa ăn của mình hay không.

Nếu việc mặc quần áo là việc khiến con khó chịu, hãy để con tự chọn trang phục của mình, ngay cả khi con mặc đồ hoàn toàn không theo ý của bạn.

Khi bạn cho phép con mình tự đưa ra những quyết định nhỏ, con sẽ cảm thấy tự hào và có nhiều khả năng chúng sẽ nói "đồng ý" với các yêu cầu của bạn trong tương lai.

Khuyến khích trẻ bắt chước

"Trẻ nhỏ rất thích bắt chước người lớn và cư xử như người trưởng thành, vì vậy hãy tận dụng điều đó để tạo lợi thế cho bạn khi trẻ không hợp tác", tiến sĩ Laible nói.

Ví dụ, nếu con không chịu đi tất, hãy nói với con rằng: "Chân của bố/mẹ lạnh quá, bố/mẹ phải đi tất để giữ ấm cho chân. Chân của con chắc cũng lạnh lắm? Tại sao chúng ta không cùng đi tất nhỉ?".

Khiến con luôn vui cười

Có những thời điểm nhất định con bạn sẽ luôn nói "không". Ví như khi bạn yêu cầu con dừng chơi vì đã đến giờ đi tắm. Rất có thể con bạn sẽ từ chối vào phòng tắm. 

Tuy nhiên nếu bạn có thể biến yêu cầu của mình thành một trò chơi thì cả hai có nhiều khả năng sẽ cười thay vì tranh cãi. Ví dụ gợi ý rằng con có thể nhảy lò cò vào phòng tắm, đếm xem phải đi bao nhiêu bước để đến đó, hoặc sáng tác một bài hát hài hước về giờ tắm của con.

Khen thưởng hành vi tốt

Rất có thể bạn đã sai khi mua cho con đồ ăn vặt khi con gào khóc ở siêu thị. Mặc dù việc làm đó của bạn hiệu quả vì khiến con dừng khóc nhưng nó không phải là một chiến lược dài hạn đúng đắn.

Tiến sĩ Cranor nói: "Khi bạn cho con quà dù chúng có hành vi sai trái, bé có thể sẽ hành động tồi tệ hơn vào lần tiếp theo".

Thay vì điều đó, hãy khen ngợi con thật nhiều khi con cư xử tốt. Dành cho con những cái ôm và nụ hôn ngọt ngào. "Những sự quan tâm tích cực như vậy sẽ có hiệu quả lâu dài", tiến sĩ Cranor nói.

Tiến sĩ Sargent nói thêm, hãy nhanh chóng thưởng cho con khi con có việc làm tốt vì khái niệm thời gian quá khó hiểu đối với trẻ nhỏ. Những lời hứa như: "Bố/mẹ sẽ thưởng cho con vào ngày mai, ngày kia" không có nhiều ý nghĩa với con của bạn.

Theo www.babycenter.com