DNews

Những đêm trắng của người thầy sáng chế học cụ vì học trò

Thanh Tùng

(Dân trí) - Đam mê, nhiệt huyết với nghề, nhiều đêm thầy Cường thức trắng để nghiên cứu, sáng chế mô hình học cụ giúp học sinh dễ tiếp cận với kiến thức ở trường.

Những đêm trắng của người thầy sáng chế học cụ vì học trò

Tốt nghiệp khoa Điện - Trường Đại học sư phạm kỹ thuật Vinh (Nghệ An), năm 2009, thầy Đặng Văn Cường (SN 1984) về quê công tác tại Trường Trung cấp nghề phát thanh - truyền hình Thanh Hóa. Năm 2015, anh được tuyển dụng vào Phân hiệu Đào tạo Thanh Hóa, Trường Cao đẳng nghề số 4 (Bộ Quốc Phòng).

Trắng đêm chế tạo mô hình học cụ

Vốn sinh ra ở vùng quê huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, từ khi còn là cậu bé, anh Đặng Văn Cường đã nuôi ước mơ trở thành thầy giáo.

Gần 15 năm trong ngành giáo dục, thầy Cường có 8 năm công tác tại cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thầy Cường cho biết, giáo dục nghề nghiệp mang những đặc thù riêng nên tính chất công việc cũng khác với giáo dục phổ thông.

Những đêm trắng của người thầy sáng chế học cụ vì học trò - 1

Thầy Đặng Văn Cường - nhà giáo giáo dục nghề nghiệp xuất sắc (Ảnh: Thanh Tùng).

"Đối với giáo dục phổ thông, đa phần là dạy lý thuyết, nhưng với giáo dục nghề nghiệp thì chủ yếu là trang bị cho các em học sinh nắm vững cách thực hành. Vì vậy, để có một bài giảng hay, giáo viên phải chuẩn bị kỹ các mô hình học cụ, trang thiết bị thực hành, chất lượng để các em học sinh tiếp thu một cách nhanh nhất", thầy Cường chia sẻ.

Ngoài những giờ lên lớp, anh tranh thủ đi tư vấn, khắc phục sự cố về hệ thống điện cho các doanh nghiệp trên địa bàn. Thầy giáo Cường chia sẻ, đây là một trong những lợi thế giúp anh cập nhật công nghệ, trau dồi kiến thức.

Đặc biệt, sau mỗi giờ làm thêm, anh thường thức khuya để nghiên cứu, sử dụng những kiến thức trau dồi từ bên ngoài, áp dụng vào việc sáng chế các thiết bị, mô hình học cụ để ngày hôm sau lên lớp truyền đạt lại cho học trò.

Những đêm trắng của người thầy sáng chế học cụ vì học trò - 2

"Có những hôm tôi thức trắng đêm để chế tạo mô hình học cụ", thầy Đặng Văn Cường chia sẻ (Ảnh: Thanh Tùng).

"Sau mỗi buổi lên lớp, nếu học sinh chưa hiểu bài tôi cảm thấy rất trăn trở. Có đêm tôi thức trắng để nghiên cứu, chế tạo mô hình học cụ. Đa phần hệ thống máy móc và cơ sở vật chất  của các em học trên trường là theo quy chuẩn, nhưng ở ngoài thực tế có những cỗ máy nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng, rất khó bắt bệnh để sửa chữa.

Vì vậy, tôi đi làm thêm ở ngoài một phần vì tăng thêm thu nhập, phần khác là để trau dồi kiến thức để truyền dạy cho học sinh", thầy Cường nói.

Trong 8 năm công tác tại Trường Cao đẳng nghề số 4, thầy Cường đã chế tạo hàng chục mô hình học cụ. Trong đó có các mô hình đạt giải trong các hội thi toàn quốc như: Trang bị điện cầu trục; giám sát, điều khiển và truyền thông công nghiệp (SCADA); máy xẻ đá tự động; điều khiển nhiệt độ, lưu lượng, áp suất chất lỏng; hệ thống cơ điện tử; chiết rót chất lỏng…

Những đêm trắng của người thầy sáng chế học cụ vì học trò - 3

Thầy Cường thường xuyên đổi mới phương pháp dạy để học sinh dễ tiếp thu bài, nắm vững kiến thức trong quá trình học tập (Ảnh: Thanh Tùng).

Ngoài ra, năm 2021, thầy Cường còn xuất sắc đạt giải Nhất tại Hội giảng Nhà giáo Giáo dục nghề nghiệp toàn quốc.

Cầm tay, chỉ việc để học trò thành công

Trong số các mô hình sáng chế, có mô hình "điện cầu trục" đạt giải Nhì tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI, năm 2019, được tổ chức tại thành phố Huế. Thầy Cường chia sẻ, mô hình này rất thiết thực và hiệu quả trong quá trình giảng dạy đối với học sinh trong thời gian qua.

"Đây là một phiên bản thu nhỏ từ thiết bị thực tế, có kết hợp các yếu tố sư phạm như sơ đồ, tủ tạo lỗ. Việc chế tạo mô hình này xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của học sinh. Có nhiều em khi ra trường gọi cho tôi hỏi về điện cầu trục, từ đó tôi đã nung nấu ý định sáng chế mô hình để các thế hệ học trò tiếp theo được tiếp cận sớm", thầy Cường tâm sự.

Những đêm trắng của người thầy sáng chế học cụ vì học trò - 4

Theo thầy Cường, các học sinh thành công phải đảm bảo 3 yếu tố trước khi ra trường là kiến thức - kỹ năng - tác phong làm việc (Ảnh: Thanh Tùng).

Chia sẻ về kinh nghiệm, kỹ năng giảng dạy, thầy Cường cho biết bản thân luôn cố gắng để học sinh khi ra trường không bị bỡ ngỡ, nắm vững các kiến thức, hoàn thành tốt công việc.

Theo thầy Cường, giáo dục nghề nghiệp phải đảm bảo cho học sinh trước khi ra trường nắm vững 3 yếu tố: kiến thức - kỹ năng - tác phong làm việc. Trong mỗi buổi lên lớp, thay vì truyền đạt kiến thức đơn thuần, thầy Cường thường xuyên cầm tay, chỉ việc, tận tình giải đáp các thắc mắc cho học sinh hiểu.

Những đêm trắng của người thầy sáng chế học cụ vì học trò - 5

Mô hình "điện cầu trục" đạt giải Nhì tại Hội thi thiết bị đào tạo tự làm toàn quốc lần thứ VI, năm 2019 (Ảnh: Thanh Tùng).

"Nhiều em ra trường, do chưa trang bị đủ kiến thức nên khi đi làm, các công ty phải đào tạo lại, hoặc làm trái nghề. Tôi luôn mong muốn quá trình học ở trường các em nắm được kiến thức sát với thực tế công việc để hạn chế tối đa thời gian đào tạo lại từ các doanh nghiệp", thầy Cường bày tỏ.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Trung tá, Nhà giáo ưu tú, Nguyễn Bá Thành - Giám đốc Phân hiệu Đào tạo Thanh Hóa, Trường Cao đẳng nghề số 4 (Bộ Quốc phòng), cho biết, nhà trường được xây dựng năm 2010, mỗi năm đào tạo dao động từ 2000 đến 2.500 lượt người.

Những đêm trắng của người thầy sáng chế học cụ vì học trò - 6

Trường Cao đẳng nghề số 4 - Bộ Quốc phòng, phân hiệu tại Thanh Hóa (Ảnh: Thanh Tùng).

Toàn trường có gần 60 cán bộ, giáo viên, những năm qua, cấp ủy, Chỉ huy Phân hiệu Đào tạo Thanh Hóa, Trường Cao đẳng nghề số 4 (Bộ Quốc Phòng) luôn nỗ lực, cố gắng để góp phần đào tạo, nâng cao, phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung. Trong các hội thi, hội thao giáo dục nghề nghiệp, nhà trường luôn đạt thành tích cao.

"Nhà trường luôn trú trọng đào tạo nguồn nhân lực, vì vậy cán bộ giáo viên thường xuyên được đào tạo nâng cao để thích ứng với điều kiện mới. Trong suốt 13 năm qua, nhà trường 2 lần vinh dự có giáo viên ưu tú, tiêu biểu được lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt, tuyên dương", thầy Thành chia sẻ.

Những đêm trắng của người thầy sáng chế học cụ vì học trò - 7

Thầy Đặng Văn Cường và các nhà giáo gặp mặt, chụp hình lưu niệm cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (Ảnh: NVCC).

Theo thầy Thành, thầy Đặng Văn Cường hiện là Phó Trưởng Khoa Giáo viên, quá trình giảng dạy thầy Cường là người nhiệt huyết, năng nổ, có nhiều thành tích nổi bật.

Vừa qua, thầy Đặng Văn Cường là một trong những nhà giáo giáo dục nghề nghiệp xuất sắc được lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt, tuyên dương.