1. Dòng sự kiện:
  2. Điểm chuẩn các trường đại học năm 2024

"Người thầy phải luôn đứng bằng hoặc thấp hơn trò mới dạy được trò"

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Thầy Lê Đình Kha - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng - chia sẻ như trên tại buổi gặp gỡ các nhà giáo giáo dục nghề nghiệp xuất sắc trên cả nước.

Người thầy phải luôn đứng bằng hoặc thấp hơn trò mới dạy được trò - 1

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng chủ trì cuộc gặp gỡ 20 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp xuất sắc trên cả nước diễn ra tại Hà Nội ngày 17/11 (Ảnh: Văn Lý).

"Thầy đứng trước trò giảng bài không được đứng cao hơn"

25 năm công tác tại Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng, gần 7 năm làm công tác quản lý, thầy Lê Đình Kha khẳng định: "Người thầy dạy nghề phải đặc biệt chú trọng tới vị trí khi đứng giảng bài. Cách người thầy đứng sẽ thể hiện trình độ, khả năng truyền nghề và văn hóa của chính họ". 

Thầy Kha cho hay, khi mới về trường giảng dạy, thầy đã được các thế hệ thầy cô đi trước hướng dẫn, rèn giũa từng chi tiết nhỏ trong các tình huống sư phạm. Những tiểu tiết này không chỉ là tác phong người thầy mà còn có ý nghĩa trực tiếp tới chất lượng của giờ lên lớp.

"Một số kỹ năng thầy cô bắt buộc phải thao tác bằng tay trái. Thầy cô khi giảng bài không được đứng cao hơn trò mà phải luôn đứng bằng hoặc thấp hơn. Cách thao tác đó, cách chọn vị trí đó là để thị phạm cho trò, giúp trò quan sát được tốt nhất", thầy Kha chia sẻ.

Người thầy phải luôn đứng bằng hoặc thấp hơn trò mới dạy được trò - 2

Thầy Lê Đình Kha - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (Ảnh: Văn Lý).

Từ một tình huống sư phạm về vị trí đứng của người thầy, thầy Kha cũng đặt ra vấn đề trong quan hệ giữa thầy và trò tại các trường nghề. Người thầy trường nghề không chỉ truyền dạy kiến thức thông thường mà còn phải cầm tay chỉ việc cho trò.

Thầy xem mình cao hơn trò sẽ khó mà rèn nghề cho trò tới nơi tới chốn. Thay vào đó cần luôn đứng cạnh chỉ bảo, khích lệ, động viên, đồng hành. 

Đó là khi thầy chọn vị trí ngang bằng hoặc thấp hơn để trò có thầy làm điểm tựa, làm bệ phóng vững chắc bước vào đời. "Với người thầy, không có giải thưởng nào lớn hơn việc được nhìn học trò của mình thành đạt", thầy Kha nhấn mạnh.

Cũng liên quan tới vị trí của người thầy trên bục giảng, thầy Nguyễn Hồng Vĩnh, giáo viên Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam, chia sẻ về vị trí đứng lớp rất đặc biệt của mình.

Bục giảng của các thầy giáo dạy nghề than - khoáng sản là hầm mỏ sâu đến 450m theo phương thẳng đứng, nơi mà thầy Vĩnh đùa rằng "mưa không tới mặt, nắng chẳng tới đầu, nhưng ánh sáng và không khí cũng không tới nốt".

Người thầy phải luôn đứng bằng hoặc thấp hơn trò mới dạy được trò - 3

Thầy Nguyễn Hồng Vĩnh, giáo viên Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam (Ảnh: Văn Lý).

Làm việc âm phủ, ăn cơm trần gian là mô tả về công việc của công nhân mỏ. Nhưng cũng chính là công việc của người thầy dạy nghề mỏ. Bởi thực địa chính là nơi thầy thị phạm cho trò, cầm tay chỉ việc từng bước một. 

Phần lớn học trò thầy Vĩnh là người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc. Thầy và trò giao tiếp bằng ngôn ngữ không thuận lợi. Cách hiệu quả nhất để dạy học trò là thao tác mẫu. Sự chính xác trong thao tác và tính kỷ luật trong quy trình làm việc của nghề này được đòi hỏi ở mức cao nhất. Bởi bất kỳ một lỗi nhỏ nào cũng có thể dẫn tới thảm họa tai nạn lao động.

Do đó, nơi hiểm nguy nào người thầy cũng phải đến trước học trò. Vị trí của thầy nằm ở tuyến đầu.

Người thầy dạy nghề phải đồng hành với học trò cả cuộc đời

Cô Nguyễn Lâm Thiên Thanh - giảng viên khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng của Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt - chia sẻ, với đặc thù người học trải rộng nhiều lứa tuổi, những giảng viên như cô không chỉ làm duy nhất công tác giảng dạy chuyên môn mà phải tự đóng nhiều vai khác nhau mới có thể đồng hành với học trò.

 "Người thầy vừa làm thầy, vừa làm bạn, vừa làm phụ huynh, vừa dạy vừa dỗ vừa dụ vừa dọa, cốt để cho học trò kiên định với sự lựa chọn nghề nghiệp của mình", cô Thanh giãi bày.

Khác các nhà giáo bậc phổ thông hay đại học, nhà giáo trường nghề thường giữ mối liên hệ chặt chẽ với học trò sau khi ra trường. Lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao mà cô theo đuổi thay đổi từng ngày. Kiến thức mà trò học trong trường có thể nhanh chóng trở nên lạc hậu khi bước vào thực tế công việc. 

Người thầy phải luôn đứng bằng hoặc thấp hơn trò mới dạy được trò - 4

Cô Nguyễn Lâm Thiên Thanh - giảng viên khoa Nông nghiệp và sinh học ứng dụng của Trường Cao đẳng nghề Đà Lạt (Ảnh: Văn Lý).

Lúc này, người thầy lại sắm vai đồng nghiệp, sẵn sàng tư vấn chia sẻ chuyên môn và ngược lại, cập nhật kiến thức thực tế từ học trò cũ của mình. Cô Thanh gọi đó là sự đồng hành suốt đời.

Thầy Trương Trí Thông, giảng viên nghề du lịch - khách sạn - nhà hàng của Trường Cao đẳng Kiên Giang, cũng mang tâm sự tương đồng. Là một thầy giáo trẻ, thầy Thông có những học trò ngang tuổi, thậm chí hơn tuổi mình.

Bên cạnh đó, thầy có cả những học trò 14, 15 tuổi theo học chương trình cao đẳng 9+, những cậu ấm cô chiêu mà mỗi lần dẫn đi thực tế, thầy còn phải gỡ xương cá giùm.

Như tất cả các giáo viên dạy trường nghề khác, vị trí của thầy Thông không chỉ ở bục giảng mà thường xuyên ở thực địa. Thầy Thông luôn cố gắng đưa học trò đi thực tế nhiều nhất có thể để mỗi bài giảng lý thuyết được ngấm, được vận dụng chứ không chỉ là học vẹt. 

Thầy Thông cho hay, dù nhà trường có đầu tư trang thiết bị hiện đại như thế nào cho học sinh, sinh viên thực hành thì môi trường doanh nghiệp vẫn khác với môi trường mẫu. Giáo án có cập nhật tới đâu, nội dung nhà trường đào tạo chỉ giống khoảng 60% so với doanh nghiệp. Chưa kể, mỗi doanh nghiệp lại có một đặc thù, một bộ tiêu chí và quy trình vận hành khác nhau.

Do đó, để học trò học được cái nghề đúng nghĩa, thầy Thông chú trọng trải nghiệm thực tế, đặc biệt ở các môn quản trị tiệc, quản trị nhà hàng, khách sạn. Thầy dẫn học trò của mình tới các doanh nghiệp cao cấp ở Rạch Giá, Cần Thơ hay Phú Quốc để trò được học thông qua làm việc.

Không ít đồng nghiệp khuyên thầy Thông nên hạn chế đưa trò đi thực tế vì quá tốn kém, vất vả. Song thầy Thông tâm niệm, mình đã chọn nghề giáo thì phải đem hết tất cả những gì mình có để truyền lại cho học trò. Muốn trò học cho ra học thì thầy phải dạy cho ra dạy. Thầy trò đồng hành với nhau, truyền cho nhau cảm hứng học nghề, dạy nghề.

Sáng 17/11, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp tổ chức gặp gỡ 20 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp xuất sắc trên cả nước.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng đã dành thời gian lắng nghe tâm tư của các nhà giáo, chia sẻ với những khó khăn vất vả mà các thầy cô phải đương đầu, đánh giá cao nhiệt huyết và công sức của các thầy cô trong nhiệm vụ đào tạo cho đất nước nguồn nhân lực trực tiếp, thích ứng với nhu cầu, đòi hỏi của thị trường trong bối cảnh công nghiệp 4.0.

Nhân dịp ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng bày tỏ sự tri ân với những đóng góp lớn lao của các thầy cô giáo và những người đang công tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Thứ trưởng khẳng định: "Giáo dục nghề nghiệp là một lĩnh vực đáng tự hào".

Chiều nay, 20 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp sẽ tiếp kiến lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ tại Hà Nội.