Tôn vinh những người thầy chăm lo cái đẹp cho nhân dân
(Dân trí) - Nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hằng nhận định: "Nghề làm đẹp là một công việc mang lại giá trị lành mạnh cho xã hội".
Chương trình Gặp gỡ giao lưu, tôn vinh các thầy cô giáo tiêu biểu, xuất sắc và các đơn vị đào tạo có uy tín chất lượng trong ngành làm đẹp được Hội Đào tạo - Phát triển nghề làm đẹp Việt Nam (thuộc Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam) tổ chức sáng 18/11 tại Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Hằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bày tỏ sự trân trọng đối với các thầy giáo, cô giáo dạy nghề làm đẹp và xem đây là một công việc rất đáng tự hào.
Nguyên Bộ trưởng nhận định, mặc dù là một lĩnh vực còn non trẻ ở Việt Nam nhưng ngành làm đẹp đã có những thành tích nhất định, mang lại giá trị lành mạnh cho xã hội, cho đất nước.
Nguyên Bộ trưởng dặn dò các thầy cô giáo, chuyên gia huấn luyện, nghệ nhân và những người làm việc trong ngành làm đẹp: "Đừng nghĩ công việc của chúng ta là bé nhỏ.
Các cụ có câu "cái răng cái tóc là góc con người". Cái đẹp có ý nghĩa lắm. Đẹp đi liền với khỏe. Cái đẹp của mỗi người là cái đẹp của toàn xã hội. Các thầy cô, chuyên gia huấn luyện, người làm việc trong ngành làm đẹp cần thấu hiểu sâu sắc ý nghĩa công việc của mình.
Chúc các thầy cô chăm lo thật tốt cái đẹp cái khỏe cho nhân dân".
Phó giáo sư, Tiến sĩ (PGS.TS) Dương Đức Lân - Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam - đánh giá, ngành làm đẹp có đặc thù là vừa đào tạo vừa bố trí công ăn việc làm, từ đó giúp giải quyết việc làm cho một số lượng lớn người lao động, đồng thời cung cấp nguồn nhân lực lao động có kỹ năng cho thị trường.
"Tuy nhiên, hiện chưa có con số thống kê cụ thể để đánh giá đúng mức sự đóng góp rất tích cực của ngành làm đẹp vào tăng trưởng kinh tế", PGS.TS Dương Đức Lân nhận định.
PGS.TS Dương Đức Lân cũng chia sẻ, nhiều cơ sở kinh doanh có đào tạo nghề làm đẹp còn chưa nắm rõ các quy định pháp luật dẫn tới thiệt thòi cho người lao động. Ông Lân nhắc về chế định tập nghề - hình thức đào tạo tại cơ sở kinh doanh mà người học được hưởng lương trong quá trình học việc.
Ông Lân cho hay hình thức đào tạo tập nghề đã được luật hóa trong Luật Lao động sửa đổi 2020, có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Các cơ sở kinh doanh có đào tạo theo hình thức tập nghề được quyền xin cấp chứng chỉ nghề cho học viên hoàn thành khóa đào tạo.
Giai đoạn 2020-2022, ngành làm đẹp là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Theo chia sẻ của ông Hà Đình Bốn - Chủ tịch Hội Đào tạo - Phát triển nghề làm đẹp Việt Nam, trước năm 2020, Hội đã tập hợp được gần 900 hội viên là các cá nhân doanh nghiệp cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và làm đẹp.
Tuy nhiên, trong thời gian dịch bệnh, các cơ sở làm đẹp phải đóng cửa theo quy định của Chính phủ. Năm 2022 tình hình dịch bệnh được kiểm soát, các cơ sở làm đẹp bắt đầu hoạt động trở lại nhưng chưa thể hồi phục hoàn toàn. Hiện Hội có khoảng hơn 300 hội viên.
Ông Hà Đình Bốn đánh giá, ngành làm đẹp Việt Nam hoạt động sôi nổi như hiện nay là nhờ sự đóng góp quan trọng của các thầy cô là nghệ nhân, chuyên gia, các chủ salon và các cơ sở đào tạo đã không ngừng nỗ lực và tâm huyết với công tác giảng dạy, truyền nghề, làm nghề để nghề chăm sóc sắc đẹp ngày càng có vị trí xứng đáng trong xã hội.
Cô Lưu Thị Thu Yến - Giảng viên bộ môn chăm sóc da, Trường Cao đẳng Y dược Cộng đồng, một trong những cá nhân tiêu biểu được Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội tặng bằng khen - bày tỏ sự xúc động khi người thầy dạy nghề làm đẹp được tôn vinh trong ngày Nhà giáo Việt Nam.
Cô Yến chia sẻ, nghề làm đẹp, đặc biệt là lĩnh vực chăm sóc da, đòi hỏi giáo viên phải thường xuyên cập nhật kiến thức mới. Do đó, một giáo viên dạy nghề làm đẹp giỏi phải trải qua quá trình học nghề, làm nghề gian khổ và không lúc nào dám dừng lại việc học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng.
"Kiến thức trong lĩnh vực làm đẹp thay đổi từng ngày. Nhiều phương pháp làm đẹp, sản phẩm làm đẹp mới nhất trên thế giới chỉ có thể tiếp cận thông qua các tài liệu nước ngoài. Trong đó, nội dung về y khoa, khoa học rất phức tạp. Ngoại ngữ lại thường là điểm yếu của người làm trong lĩnh vực này.
Bản thân tôi luôn dành thời gian tìm hiểu tài liệu trên các trang web chính thống của các bệnh viện, hiệp hội về làm đẹp. Với những tài liệu khoa học, tôi phải nhờ tới các bác sĩ da liễu giúp đỡ phân tích để hiểu thật kỹ, thật sâu.
Vừa làm nghề, vừa làm thầy, trách nhiệm với hàng trăm học viên và khách hàng khiến tôi không thể sơ sài, qua loa trong việc học những kiến thức mới, phương pháp mới", cô Yến tâm sự.
Cô Yến cho biết thêm, bên cạnh khả năng cập nhật, am hiểu công nghệ làm đẹp, người làm nghề chăm sóc sắc đẹp còn cần sự vững vàng, tỉnh táo trước các xu hướng, thị hiếu.
"Tôi tâm niệm, làm đẹp cần đặt trên nền tảng của sự an toàn. Đó mới đúng nghĩa là "chăm sóc". Tôi luôn dặn dò học viên của mình điều đó và mong các em giữ được tư duy đó khi làm nghề".