(Dân trí) - Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 diễn ra gay cấn từng giây phút. "Báo động đỏ" vì các ca nghi nhiễm/ nhiễm Covid-19 khiến các tình huống khẩn cấp chưa từng thấy được "kích hoạt" ở nhiều địa phương.
Năm 2021 đánh dấu lại thêm một năm nữa kỳ thi Tốt nghiệp THPT được tổ chức trong điều kiện nguy hiểm do dịch bệnh bủa vây, chầu chực tấn công. "Giặc" Covid-19 phức tạp đòi hỏi sự chuẩn bị tích cực cũng như quyết tâm cao của nhiều cấp, nhiều ngành và các địa phương.
Trước khi phương án thi cuối cùng được chốt, hàng triệu giáo viên, phụ huynh, học sinh vẫn lo âu thấp thỏm sợ rằng kỳ thi sẽ bị hoãn. Thế nhưng, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của toàn ngành Giáo dục và trách nhiệm của các địa phương, kỳ thi năm 2021 được tiến hành - dĩ nhiên, trong điều kiện linh hoạt, mọi phương án dự phòng đặc thù đảm bảo an toàn được sẵn sàng kích hoạt ở từng địa phương.
Chưa có năm nào đến sát ngày thi, phương án thi vẫn chưa thể chốt tại nhiều địa phương.
Ngày 28/6, Sở GD-ĐT TPHCM vẫn gửi thông báo khẩn đến các trường THPT, trung tâm GDTX… khảo sát ý kiến phụ huynh học sinh lớp 12 về kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Cuối cùng, thành phố đưa quyết định khá "muộn màng" - sẽ tổ chức thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1 vào ngày 7-8/7 theo kế hoạch, thí sinh thuộc diện F0, F1, F2 sẽ thi đợt 2.
Toàn bộ thí sinh, cán bộ tham gia thi tốt nghiệp sẽ phải xét nghiệm. Đây cũng là điều kiện bắt buộc để tham gia kỳ thi.
Cả nước đều chung một niềm tin, niềm hi vọng và cầu mong bình an, suôn sẻ cho kỳ thi "nín thở" đầy gay cấn… Bộ GD-ĐT khẳng định, sẽ huy động tối đa nguồn lực đảm bảo một kỳ thi an toàn, nghiêm túc và nhân văn. Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch Covid-19, không được đưa vào đề thi tham khảo năm nay.
Chiều 6/7, tổng cộng 993.561/1021.340 đăng ký đã đến làm thủ tục dự thi (đạt tỷ lệ 97.28%).
Sáng 7/7, khoảng 1 triệu thí sinh trên các nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 1 tại 63 Hội đồng thi trong tâm trạng tự tin, háo hức xen lẫn hồi hộp, lo lắng.
Sáng tinh mơ ngày đầu kỳ thi, các ông bố bà mẹ đưa con đến điểm thi rồi nhanh chóng rời đi để giữ khoảng cách tối thiểu 50m tính từ cổng trường. Không còn cảnh những cổng trường chật như nêm, bất chấp cái nắng nóng oi ả mùa hè như mọi năm.
Trao vội cái ôm động viên, cái nắm tay, vẫy tay và ánh mắt trìu mến cho con, bậc cha mẹ dõi theo bóng dáng con vào trường thi với tâm trạng hi vọng xen lẫn lo lắng.
Đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, di chuyển theo hàng rào hay vạch chỉ đường đã kẻ sẵn, dường như các thí sinh năm nay đã quen với những thủ tục này.
Hào hứng, hồi hộp và đầy quyết tâm là tâm trạng của nhiều thí sinh sau một thời gian thấp thỏm chờ đợi kỳ thi.
Cũng trong sáng 7/7, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã đến thị sát phòng Hội đồng, khu vực phòng thi dự phòng và Phòng Y tế ở điểm thi Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội).
Và không nằm ngoài dự đoán, sự cố dừng thi giữa chừng được kích hoạt "hỏa tốc" tại một số địa phương do phát hiện các trường hợp mắc/ nghi mắc Covid-19.
Trong kỳ thi lịch sử, các tình huống khẩn cấp được "kích hoạt". Nhiều điểm thi ra lệnh "hỏa tốc" dừng thi đột ngột khi phát hiện các trường hợp mắc/ nghi mắc Covid-19. Điển hình, hai "tâm dịch" của cả nước là Bắc Giang và TPHCM đã phát hiện thí sinh dương tính với SARS-CoV-2.
Trong khi làm bài môn thi Ngữ văn sáng 7/7, một thí sinh học trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) bất ngờ ngất xỉu. Em được test nhanh dương tính với SARS-CoV-2 và đang lưu bệnh tại Trung tâm y tế quận 3.
Tổng cộng, TP HCM có 3 điểm thi gồm trường Trung học cơ sở Đặng Trần Côn (quận Tân Phú), trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Quận 3), trường Trung học phổ thông Lê Thánh Tôn (Quận 7) phát hiện thí sinh dương tính với SARS-CoV-2 khi đến làm thủ tục vào chiều 6/7 và dự thi sáng 7/7.
Còn Bắc Giang (nơi hiện ghi nhận 5.725 ca nhiễm, cao thứ hai cả nước sau TP HCM trong đợt dịch này) tổ chức 33 điểm thi với hơn 18.400 thí sinh tham dự đợt 1; hơn 2.500 em diện F0, F1, F2 và ở vùng phong tỏa, cách ly y tế thi đợt 2. Cụ thể, phát hiện có thí sinh dự thi dương tính, 472 thí sinh ở điểm thi trường THPT Lạng Giang số 3 (Bắc Giang) phải dừng dự kỳ thi THPT năm 2021, chuyển sang thi đợt 2 và đi cách ly.
Sáng sớm 7/7, bà Nguyễn Thị Mộng Ngọc - Giám đốc Sở Y Tế tỉnh Phú Yên đã điện thoại thông báo đến Sở GD-ĐT Phú Yên về kết quả xét nghiệm Covid-19 cho thí sinh. Qua đó xác định có 166 trường hợp nghi mắc Covid-19, trong đó 2 điểm trường phải dừng tổ chức thi có 139 thí sinh.
Chiều 7/7, bà Nguyễn Thúy Hà - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 tỉnh Đồng Tháp, Giám đốc Sở GD- ĐT tỉnh Đồng Tháp cũng phải ra thông báo hỏa tốc, đình chỉ việc tổ chức công tác tổ chức coi thi đợt 1, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, tại Điểm thi Trường Trung học phổ thông Lấp Vò 3, thuộc huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Lý do đình chỉ là do ảnh hưởng của yếu tố dịch bệnh Covid-19 ở mức độ nguy hiểm.
Dù đã thi 2 môn, nhưng hơn 400 học sinh ở Khánh Hòa vẫn phải dừng thi vì Covid-19.
Có thể nói, những tình huống bất ngờ này đều nằm trong kịch bản tổ chức kỳ thi và khi diễn ra, đã ngay lập tức được kích hoạt. Do đó hoàn toàn không có sự bị động, bất ngờ.
Các thí sinh thuộc diện F0 đều nhanh chóng được đưa đi cách ly; các thí sinh F1, F2 liên quan cũng được thi giãn cách, thi ở phòng thi dự phòng và thi xong được đưa đi cách ly theo quy định. Đó đều là những tình huống nằm trong kịch bản ứng phó với Covid-19. Và chúng ta đã làm chủ được tình hình.
Kỳ thi căng thẳng cũng chứng kiến nhiều hình ảnh cảm động. Sáng 8/7, tại điểm thi trường THPT Phạm Văn Đồng (xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk), một thí sinh có nhà ở cách trường 30 km quên mang theo thẻ dự thi.
Chiến sĩ CSGT chạy xe chuyên dụng trên 30km giúp người nhà mang kịp thẻ dự thi cho thí sinh.
Vào thời điểm trên, em Nguyễn Thái Minh Trí (lớp 12A5 trường THPT Phạm Văn Đồng) đến điểm thi nhưng tá hỏa phát hiện mình quên mang thẻ dự thi. Lúc này, giờ thi đã cận kề và em Trí có nguy cơ không vào được phòng thi nên rất hốt hoảng.
Nhận được thông tin, Trung úy Lê Văn Lai, cán bộ đội CSGT, Công an huyện Krông Ana làm nhiệm vụ đảm bảo trật tự an toàn giao thông và trật tự xã hội tại điểm thi, lập tức dùng xe chuyên dụng chở người nhà thí sinh về nhà lấy thẻ dự thi. Nhờ đó, thí sinh đủ điều kiện vào phòng thi đúng giờ.
Tại điểm thi THPT Trần Hưng Đạo (Đắk Mil, Đắk Nông), cũng có một nam thí sinh đã quên mang Atlat Địa lý vào phòng thi.
Tích cực hỗ trợ thí sinh, một cán bộ Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ phân luồng, điều tiết giao thông trước điểm thi đã sử dụng xe chuyên dụng, đưa thí sinh đi mua Atlat gấp rồi quay trở lại điểm thi đúng giờ…
Đó còn là hình ảnh nhiều tình nguyện viên giúp sức thí sinh ở nhiều điểm thi.
Tại TPHCM, các tình nguyện viên đã cởi áo khoác của mình để nhường cho các em thí sinh che nắng, giăng áo che nắng cho các em đang xếp hàng ở vị trí không có bóng râm...
Đó là hình ảnh từ 4h30 sáng, các thầy cô trường THPT Thành Nhân đã thức dậy chuẩn bị trước khi đánh thức các học sinh dậy ăn sáng và đưa các em đến điểm thi.
Một trong những vụ việc gây "xôn xao" trong kỳ thi là sự cố lọt đề Toán. Trong buổi thi môn Toán chiều 7/7, khi chưa hết giờ làm bài, hình ảnh một trang trong đề thi môn Toán được đăng lên mạng xã hội kèm nội dung "giải giùm bé nhà 36, 38, 40, 42 với ạ. Gấp ạ".
Bình luận này nhanh chóng bị xóa bỏ nhưng một số người dùng mạng đã chụp lại màn hình, đăng lại trên một diễn đàn lớn dành cho học sinh.
Bài đăng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng, mong muốn sự việc được làm sáng tỏ để có thể yên tâm về tính nghiêm túc của kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Liên quan đến vụ việc đề Toán "lọt" ra ngoài trong thời gian thí sinh đang làm bài gây xôn xao dư luận, tại buổi họp báo diễn ra vào chiều tối ngày 8/7, Bộ GD-ĐT thừa nhận, có sự việc "lọt" đề thi môn Toán, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021.
Cụ thể, sự việc xảy ra do một thí sinh ở Trường THPT Lệ Thủy, Quảng Bình sử dụng điện thoại di động chụp ảnh đề thi và đăng lên. Sau khi điều tra xác minh ra sự việc, thí sinh này đã bị đình chỉ thi vào buổi thi môn Ngoại ngữ vào chiều 8/7.
"Sự cố đề thi Toán lần này không phải lộ đề mà "lọt" đề. "Lộ đề" xảy ra khi chưa bóc đề thi và làm bài. Còn lọt đề là đề thi bị "lọt" ra khi thí sinh đã làm bài. Sau khi tiếp tục xác minh, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục có hình thức xử lý cụ thể với từng cá nhân có liên quan", ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD-ĐT) thông tin tại buổi họp báo diễn ra vào chiều tối 8/7.
Theo số liệu Bộ GD-ĐT, tổng số thí sinh đăng ký dự thi là hơn 1 triệu, với 2.233 điểm thi và 43.139 phòng thi.
Kết thúc đợt thi thứ nhất, có 18 thí sinh vi phạm quy chế và bị đình chỉ, không có cán bộ nào vi phạm. Hơn 23.000 thí sinh bị ảnh hưởng bởi Covid-19 không thể dự thi.
Kỳ thi năm nay rất đặc biệt bởi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hơn, chủng virus nhiều hơn, mức độ lây lan nhanh hơn. Chính vì thế, Bộ GD-ĐT chỉ đạo chung, các địa phương căn cứ vào tình hình thực tiễn để có những kịch bản phù hợp.
Bộ GD-ĐT không ép các địa phương tổ chức thi, trên cơ sở căn cứ các quy định, các địa phương được chủ động triển khai", đại diện Bộ GD-ĐT khẳng định và cho biết, các thí sinh F0 đang thi dở sẽ được đặc cách tốt nghiệp.
Đợt 1 của kỳ thi kết thúc, Cục trưởng Quản lý chất lượng cho hay các địa phương sẽ bước vào giai đoạn chấm thi.
Theo kế hoạch, Bộ sẽ công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT vào ngày 26/7.
Bắt đầu hôm nay, các tỉnh, thành phải rà soát số lượng thí sinh thi đợt 2, tâm tư, nguyện vọng của các em, sau đó đề xuất lên Ban chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp quốc gia để đưa ra thời điểm tổ chức kỳ thi đợt 2 phù hợp, phương án tổ chức thi an toàn, thuận lợi cho thí sinh.
Như năm ngoái, tỉnh nào có ít thí sinh thi đợt 2 có thể bố trí xe đưa đón, cho các em đến tỉnh bên cạnh thi, không nhất thiết phải tổ chức một hội đồng thi.
Có lẽ cả triệu thí sinh, phụ huynh, cán bộ và cả nước đều đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khó tả và khó quên. Trong thế khó, ngành Giáo dục với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự đồng lòng hiệp lực nhanh nhạy xử lý tình huống của các địa phương và cả nước đã hoàn thành kỳ thi đợt 1 với tư thế quyết đoán, làm chủ tình hình.
Vẫn còn đó những vất vả, nhọc nhằn chưa toàn vẹn. Nhưng sau cùng, kỳ thi đọng lại tinh thần nhân văn, đồng lòng quyết chí trong từng hành động của tất cả, cùng góp phần hoàn thành mục tiêu của kỳ thi lịch sử trong bối cảnh "giặc" Covid-19 bủa vây, được diễn ra diễn ra suôn sẻ, nghiêm túc, an toàn.