(Dân trí) - Công khai số điện thoại để "chặn" bạo lực, xâm hại học đường, thầy Hồ Tuấn Anh sẵn sàng tinh thần bị "khủng bố". Nhưng rồi, chính thầy phải ngạc nhiên khi mình trở thành "tổng đài tư vấn" của học trò.
Công khai số điện thoại để "chặn" tình trạng bạo lực, xâm hại học đường, thầy Hồ Tuấn Anh đã sẵn sàng tinh thần để bị "khủng bố". Nhưng rồi, chính thầy phải ngạc nhiên khi mình trở thành "tổng đài tư vấn" của học trò.
Tôi bị ấn tượng mạnh bởi dòng chữ "Khi các em bị bắt nạt, xâm hại hay chứng kiến bạn bị bắt nạt, xâm hại, hãy gọi 111 hoặc gọi cho thầy hiệu trưởng" ở tấm Pa-nô treo trước cổng trường, đăng tải trên Facebook của một người đồng nghiệp, liền gọi theo số điện thoại in trên đó. Chủ nhân của số điện thoại đó là thầy Hồ Tuấn Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An), một con người thú vị với quan điểm giáo dục khá "lạ".
"Khi về nhận công tác tại ngôi trường này, trong vai trò hiệu trưởng, ưu tiên số một của tôi là an ninh trường học, giáo dục đạo đức học sinh, coi đó là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng toàn diện. Học sinh đến trường phải vui, phụ huynh cho con đến trường phải thực sự yên tâm", thầy Tuấn Anh mở đầu câu chuyện của mình.
Cách đây 4 năm, khi chuyển về nhận công tác tại trường, thầy Tuấn Anh gặp không ít "thách thức" bởi những điều kiện đặc thù của một ngôi trường miền biển. Cộng với những mặt trái của mạng xã hội, tình trạng bắt nạt học đường (thầy không thích gọi đó là bạo lực học đường) trở thành vấn nạn, không phải của riêng Trường THCS Quỳnh Phương mà ở nhiều nơi trên cả nước. Nhiều trăn trở, nhiều kế hoạch, ý tưởng đã được nhen nhóm để "trị căn bệnh trầm kha" này nhưng thầy vẫn thấy "chưa tới".
"Tình cờ một lần ra Hà Nội, đi ngang qua một ngôi trường, tôi thấy băng rôn căng trước cổng "khi bị bắt nạt, xâm hại, hãy gọi 111". Tôi nghĩ học trò ở Thủ đô hay các khu đô thị lớn thì phương án này khả thi, còn đối với học trò của tôi thì sao? Liệu khi cần, thông tin qua tổng đài này có đến với cơ quan chức năng để can thiệp, ngăn chặn một cách kịp thời không?. Chi bằng, mình sẽ là người tiếp nhận và xử lý thông tin để bảo vệ học trò. Nghĩ vậy nên tôi quyết định công khai số điện thoại của mình, in ngay trong Pa-nô và treo trước cổng trường để khi cần, học sinh và cả phụ huynh có thể gọi", thầy Tuấn Anh kể.
Khi công khai số điện thoại, thầy đã lường trước việc sẽ bị "khủng bố" hay trở thành trò đùa nghịch của nhiều người. Ấy vậy nhưng thầy đã nhầm, dù số điện thoại của thầy đã được phụ huynh lan truyền rộng khắp cả phường nhưng tuyệt nhiên không có một cú điện thoại quậy phá hay một tin nhắn khiếm nhã nào. Thay vào đó là những tin nhắn của học sinh trong trường, từ việc báo về một vụ ẩu đả sắp xảy ra, bạn trong lớp trêu chọc, thậm chí là "thầy ơi bạn chửi... bố em" hay cả những câu chuyện rất ngô nghê của những đứa trẻ chưa lớn... Tất cả thông tin học trò phản ảnh đều được thầy tiếp nhận và tìm cách xử lý thấu đáo, bằng cách này hay cách khác.
4 năm về trường, 2 năm là "tổng đài", thành quả sự cố gắng, nỗ lực của thầy Hồ Tuấn Anh và nhà trường là không xảy ra các vụ bạo lực học đường. Tất nhiên không thể tránh khỏi những mâu thuẫn nho nhỏ trẻ con nhưng tất cả đều được can thiệp, hóa giải kịp thời. Chỉ riêng việc học sinh đã biết chủ động chào hỏi thầy cô, không còn văng tục, chửi bậy... cũng là cả một quá trình đòi hỏi thầy cô và hiệu trưởng nhà trường dành nhiều tâm sức để giúp các em thay đổi.
Thầy hiệu trưởng chia sẻ tiếp: "Với trách nhiệm của người thầy, chúng ta phải bảo vệ học sinh của mình, cả trong và ngoài nhà trường. Nếu các vụ đánh nhau xảy ra, người thầy phải biết "xót" học trò, phải thấy được trách nhiệm của mình trong việc giáo dục, trang bị cho các em những kỹ năng để phòng tránh bị bắt nạt chưa đến nơi, đến chốn. Khi đã xảy ra bắt nạt, dù ở ngoài khuôn viên nhà trường, nếu học trò của mình là nạn nhân, phải kịp thời động viên, hỗ trợ tâm lý. Nếu học trò của mình là người gây lỗi, phải giúp các em nhìn thấy được điều đó và giúp các em sửa sai và đứng dậy".
Tình trạng bắt nạt học đường được ngăn chặn một cách hiệu quả, nhưng với đặc thù vùng biển, nhà trường phải đối mặt với tình trạng học sinh bỏ học sớm để đi biển hoặc lấy chồng. Qua "tổng đài", thầy cũng nắm được tâm tư của học sinh rồi chủ động trò chuyện, tâm tình với các em, nhưng không phải lần nào cũng thành công.
"Tôi nhận được tin nhắn báo một nữ sinh lớp 9 sẽ bỏ học để lấy chồng, lúc này, chỉ còn 3 tháng nữa là kết thúc năm học. Tôi gặp riêng em, gặp bố mẹ em để phân tích, thuyết phục em suy nghĩ lại, hoặc ít nhất gắng học xong chương trình THCS nhưng rồi em vẫn quyết bỏ học. Tôi buồn, cảm thấy bất lực và thương em. Không biết tôi có phải là người đa cảm không nhưng nhiều đêm sau đó và mãi đến tận bây giờ tôi vẫn không ngủ được khi nghĩ đến câu chuyện này. Nếu em nữ sinh ấy là con gái tôi thì sẽ như thế nào? Em làm vợ, làm mẹ như thế nào ở cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới. Từ góc độ của người thầy, của người quản lý và người cha, tôi thấy chưa làm tròn được trách nhiệm của mình", thầy đau đáu.
Tôi đã đến nhiều nơi, thăm nhiều ngôi trường nhưng có lẽ ít nơi nào giữa người đứng đầu nhà trường và học trò lại gần gũi nhau như thế. Phòng của thầy hiệu trưởng Hồ Tuấn Anh có lẽ là căn phòng mà học trò lui tới nhiều nhất. Và có lẽ cũng ít nơi, trò có thể thoải mái trò chuyện, thậm chí tranh luận với thầy, hay ôm vai bá cổ "xem ai cao hơn" như ở đây.
"Tôi không nghĩ là mình đang giúp trò mà thực ra, chính học trò đang giúp tôi, giúp chúng tôi nhìn nhận lại mình, nhìn lại vị thế và trách nhiệm của mình". Rồi thầy kể cho chúng tôi câu chuyện về một cậu học trò lớp 6, mượn điện thoại của bố để nhắn tin hẹn thầy "gặp để em nói chuyện quan trọng". Đúng giờ hẹn, cậu bé xuất hiện trước cửa phòng làm việc, hai thầy trò ngồi bệt xuống bậc thềm trò chuyện. Cậu bé tâm sự, lên cấp 2, em và các bạn được học nhiều thầy cô, ai cũng thân thiện và giảng bài rất kỹ. Đi học, em thấy rất vui.
"Duy chỉ có giờ học của cô A. là không vui thầy ạ. Cô chỉ dạy khoảng hơn 10 phút rồi lấy điện thoại ra xem, có hôm còn gọi điện và cười rất to. Chúng em mà lỡ nói chuyện ồn ào thì cô nạt (quát - pv). Chúng em muốn được học hơn là vào lớp ngồi như thế". Nhìn vào đôi mắt đầy sự chờ đợi của cậu học trò nhỏ, thầy hiểu đây là vấn đề nghiêm trọng về kỷ luật lao động, trách nhiệm nghề nghiệp, tác phong và cả ứng xử của giáo viên. Thầy Hồ Tuấn Anh hứa với cậu bé sẽ xem xét sự việc một cách nghiêm túc để đảm bảo "các em đến trường được học và học trong tâm trạng vui vẻ".
Với thầy, muốn học sinh thay đổi và tốt hơn, trước hết người thầy phải tốt, và người hiệu trưởng phải làm gương trước tiên. Nhiều lần, thầy tâm sự với cán bộ, giáo viên về ứng xử với học trò. Với thầy cô, một cái khoát tay đối với trò cũng là giáo dục, cách cầm viên phấn viết trên bảng cũng là giáo dục, một nụ cười của các thầy cô cũng là giáo dục, từ cách xưng hô với trẻ. Một giờ học có thể khơi dậy sự hào hứng cho trẻ khi thầy cô xưng "tôi" và gọi trò là "các anh", "các chị" hay xưng là "thầy" và gọi các trò là "các em", "các con"?. Giáo dục trẻ, cần để ý từ những điều nhỏ nhất.
Nhiều năm đảm nhận vị trí hiệu trưởng nhà trường, thầy Tuấn Anh đúc kết: "Tôi vẫn nói với giáo viên của mình, ta dạy học trò mà học trò không tiến bộ, học trò vẫn hư thì đó là sản phẩm của ai? Là sản phẩm của chúng ta. Nếu sản phẩm đó của ta thì lỗi tại ai?. Nguyên tắc đầu tiên của giáo viên là không được đổ lỗi cho học trò, không được chê học trò. "Tôn sư trọng đạo" trước đây là thầy áp đặt học trò, thầy bảo trò quỳ trên gai mít là phải quỳ, bảo đưa tay ra đánh là phải đưa ra chịu đánh. Nhưng "tôn sư trọng đạo" bây giờ không phải như thế. "Tôn sư trọng đạo" bây giờ phải có tính hai chiều. Để học trò tôn trọng thầy, trước hết thầy phải tôn trọng học trò. Muốn "tôn sư" thì thầy phải có cái "đạo" gì để đối xử với học trò, để trò "trọng" cái "đạo" ấy".
Nội dung: Hoàng Lam
Thiết kế: Thủy Tiên