DNews

Ép con đi phụ hồ, bán hàng rong, cha mẹ nhận cái kết "cười ra nước mắt"

Bích Ngọc

(Dân trí) - Để chấn chỉnh thái độ học tập của con, một số phụ huynh Trung Quốc đã bắt con lao động chân tay để "biết thế nào là vất vả". Kết quả phụ huynh nhận được rất... bi hài.

Ép con đi phụ hồ, bán hàng rong, cha mẹ nhận cái kết "cười ra nước mắt"

Mẹ cho con trai đi bán hàng rong

Câu chuyện dạy con của gia đình chị Đặng sống ở thành phố Gia Hưng, tỉnh Chiết Giang, đang lan truyền mạnh trên mạng xã hội Trung Quốc.

Chị Đặng - mẹ của cậu thiếu niên Tiểu Trầm (17 tuổi) - rất thất vọng vì điểm số lẹt đẹt của con ở trường dạy nghề nấu ăn. Chị quyết "dạy cho con một bài học" rằng, nếu không nỗ lực học hành, con sẽ chỉ có thể đi bán hàng rong trên hè phố giống cha mẹ. Chị chuẩn bị cho con một quầy hàng di động để bán gà rán, mong con trai thấy được sự vất vả của việc mưu sinh trên đường phố.

Chị Đặng vốn nghĩ rằng con trai chị sẽ sớm bỏ cuộc, nhưng Tiểu Trầm hào hứng "khởi nghiệp" và nhanh chóng kiếm được hơn 10.000 tệ (gần 35 triệu đồng) chỉ sau 10 ngày bán hàng.

Chị Đặng vốn mong con trai sẽ biết sợ công việc lao động vất vả trên hè phố, rồi chuyên tâm học tập, nhưng hiện tại, cậu thiếu niên 17 tuổi tuyên bố... dừng việc học để đi bán gà rán.

Câu chuyện bi hài của chị Đặng trong việc dạy con khiến chị rơi vào cảnh vui buồn lẫn lộn. Qua trải nghiệm này, chị Đặng mới nhận ra Tiểu Trầm không lười biếng. Cậu làm việc đúng giờ, chủ động chuẩn bị quầy hàng, có mặt tại địa điểm bán hàng đúng giờ, hết lòng phục vụ khách và nhanh chóng có nhiều khách quen.

Nói về quyết định dừng việc học của con, chị Đặng cho hay: "Con trai tôi 17 tuổi rồi. Là cha mẹ, chúng tôi chỉ có thể ở bên quan tâm, hỗ trợ con khi con đưa ra những quyết định quan trọng. Sau cùng, chỉ cần con thấy vui vì được làm những gì con thích, tôi sẽ ủng hộ con.

Tôi chỉ cần thấy Tiểu Trầm khỏe mạnh, vui vẻ. Nếu con có thể sớm tự lập và biết cách làm ăn, buôn bán cũng tốt. Tôi sẽ định hướng thêm cho con trong chuyện làm ăn, để con luôn kiếm tiền chân chính".

Câu chuyện của gia đình chị Đặng gây sốt trên mạng xã hội Trung Quốc. Nhiều người ủng hộ quyết định của Tiểu Trầm vì cho rằng học tập không phải con đường duy nhất dẫn tới thành công. Nếu cậu thiếu niên không có hứng thú trong việc học nghề, chi bằng hãy để cậu học từ chính thực tế làm nghề.

Ép con đi phụ hồ, bán hàng rong, cha mẹ nhận cái kết cười ra nước mắt - 1
Ép con đi phụ hồ, bán hàng rong, cha mẹ nhận cái kết cười ra nước mắt - 2

Kỳ nghỉ hè năm 2022, cộng đồng mạng Trung Quốc phát sốt với cách dạy con của một số phụ huynh thông qua trải nghiệm thực tế (Ảnh: SCMP).

Cha đưa con đi làm ở công trường

Kỳ nghỉ hè năm 2022, cộng đồng mạng Trung Quốc từng chứng kiến một số câu chuyện gây sốt về cách những ông bố dạy con.

Câu chuyện bi hài nhất phải kể tới là một cậu bé sống ở thành phố Từ Châu, tỉnh Giang Tô. Cậu bé đang học tiểu học và có kết quả học tập không tốt, cha của cậu quyết định đưa con trai tới làm việc với một nhóm thợ xây trong kỳ nghỉ hè, để cậu bé biết thế nào là sự vất vả của công việc lao động chân tay. Người cha hy vọng bằng cách này, con sẽ chăm chỉ học tập hơn.

Điều bất ngờ là cậu bé nhanh chóng thích ứng với công việc, cậu được nhóm thợ tin tưởng giao nhiệm vụ trát vữa vì rất có... năng khiếu, học nhanh, làm tốt.

Cha mẹ cậu vốn mong rằng con sẽ nhanh chóng chán nản vì công việc lao động quá vất vả, họ không thể ngờ rằng con trai lại hào hứng đi trát vữa mỗi ngày. Trước tình cảnh "dở khóc dở cười", cha cậu bé chia sẻ trải nghiệm dạy con trên mạng xã hội và nhanh chóng gây sốt.

Câu chuyện thứ hai xoay quanh một gia đình sống ở thành phố Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Người cha cũng đưa cậu con trai lười học tới công trường, nơi anh đang làm việc, anh chủ động giao cho con một số việc vừa sức, đủ để con hiểu thế nào là lao động vất vả.

Chỉ sau 2 ngày, cậu bé đã khóc òa và xin cha không tới công trường nữa, cậu hứa sẽ chăm chỉ học tập từ đây. Người cha chia sẻ trải nghiệm dạy con trên mạng và nhận được rất nhiều sự khen ngợi, ủng hộ từ cộng đồng mạng.

Ép con đi phụ hồ, bán hàng rong, cha mẹ nhận cái kết cười ra nước mắt - 3

Cha mẹ cần suy nghĩ thận trọng về cách dạy con, để đạt được giá trị giáo dục ở nhiều phương diện (Ảnh: SCMP).

Nhận định của chuyên gia

Trước câu chuyện đang gây sốt mạng của cậu thiếu niên xin nghỉ học để đi bán gà rán, thầy Vương Vân Phi - giảng viên Trường Khoa học xã hội và Chính trị học, thuộc Đại học An Huy - chia sẻ với truyền thông rằng, Tiểu Trầm không nên bỏ dở việc học.

Giai đoạn này là thời điểm thích hợp nhất để cậu thiếu niên nỗ lực học tập, trở thành một lao động đã qua đào tạo, có kỹ năng, có bằng cấp. Điều này sẽ giúp cơ hội việc làm rộng mở hơn đối với Tiểu Trầm trong tương lai.

Bỏ dở việc học lúc này sẽ khiến Tiểu Trầm mất nhiều hơn được, xét về đường dài. Theo thầy Vương, cuộc sống có rất nhiều biến động. Việc buôn bán của Tiểu Trầm không phải sẽ thuận lợi mãi. Nếu cậu thiếu niên có kiến thức, có bằng cấp, cậu sẽ vững vàng hơn trong công việc và cuộc sống, khả năng thích ứng với biến động cũng sẽ tốt hơn.

Về cách dạy con của hai người cha kể trên, nhiều chuyên gia giáo dục cảm thấy lo ngại. Thầy Hùng Bính Kỳ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21 - cho hay cách dạy con này là sử dụng sự đe dọa về mặt tâm lý để khiến trẻ thấy sợ. Dù vậy, cách dạy này không lành mạnh và còn tạo nên những suy nghĩ lệch lạc trong trẻ về những giá trị trong cuộc sống.

Theo thầy Hùng, cha mẹ cần phải lắng nghe, thấu hiểu để biết vấn đề con đang gặp phải trong việc học. Cha mẹ phải trả lời được câu hỏi: Tại sao con cảm thấy chán học? Tại sao con học không hiệu quả?

Sau khi xác định được các nguyên nhân, cha mẹ cần cùng con tìm ra giải pháp, thường xuyên động viên, khích lệ về tinh thần để giúp con có thêm động lực trong việc học. Đó mới là cách giải quyết tận gốc vấn đề chán học ở trẻ.

Đối với công việc lao động nặng nhọc, cha mẹ không nên để trẻ nhìn nhận các công việc ấy như thể rất đáng sợ, bởi đó là cách nhìn nhận lệch lạc. Cha mẹ cần dạy con biết yêu lao động, biết tôn trọng người lao động. Việc cộng đồng mạng cổ súy cho cách dạy con của hai người cha kể trên là chưa thấu đáo, "lợi bất cập hại".

Theo SCMP